In trang này
Thứ ba, 26 Tháng 5 2020 08:21

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ AN NINH PHI TRUYỀN THỐNG

Đúng như tên gọi - “An ninh phi truyền thống (Non - Traditional Security) là một vấn đề của thế giới hiện đại, chỉ mới xuất hiện trong giai đoạn cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. Giữa những năm 80 và đầu những năm 90 của thế kỷ XX, tình hình khu vực và thế giới đã có nhiều biến động, diễn biến phức tạp, cục diện và trật tự thế giới có nhiều thay đổi với sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu. Cùng với đó, cách mạng khoa học - công nghệ, kinh tế tri thức đã làm thay đổi thế giới, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công và thuận lợi, hội nhập quốc tế, khu vực và toàn cầu hóa đã đặt ra những vấn đề cấp bách ảnh hưởng đến toàn cầu, đe dọa đến cộng đồng khu vực và ở một số nơi trên thế giới nhiều vấn đề đáng quan ngại đã diễn ra với nhiều hình thức biểu hiện như: chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, hoạt động can thiệp, mâu thuẫn tôn giáo, dân tộc, tranh chấp lãnh thổ, dịch bệnh hiểm nghèo, di dân bất hợp pháp, ô nhiễm môi trường, tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia... đòi hỏi mỗi quốc gia, mỗi dân tộc cần nỗ lực giải quyết những vấn đề nguy cơ đó. Đặc biệt, sau hàng loạt sự kiện chấn động thế giới như: cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Đông Nam Á năm 1997[1], dịch bệnh SARS lan rộng thế giới năm 2003[2]... thì ở giữa giai đoạn này là sự kiện khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001 tại nước Mỹ đã đe dọa nghiêm trọng đến an ninh thế giới, an ninh khu vực và mỗi công dân trong cộng đồng thế giới"[3]. Từ đây, trong vốn từ vựng chính trị - thời sự, ngoại giao - quốc tế xuất hiện nhiều cụm từ, thuật ngữ mới của thời kỳ mới như: “thế giới sau 11/9, “thánh chiến", “cuộc chiến chống khủng bố mới, “Al - Qaeda", “an ninh phi truyền thống", “an ninh chung", “an ninh mới", “an ninh toàn diện", “ngoại giao phòng ngừa"; vv.. Thuật ngữ an ninh phi truyền thống sau đó đã xuất hiện chính thức trong “Tuyên bố chung ASEAN - Trung Quốc về hợp tác trên lĩnh vực an ninh phi truyền thống"[4] thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 6, giữa các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc tại Phnôm Pênh (Campuchia) ngày 01/11/2002. Theo đó, Hội nghị đã đề cập những vấn đề của thế giới đương đại đe dọa sự hòa bình, ổn định và thịnh vượng của các quốc gia, dân tộc. Như vậy, bên cạnh sự xuất hiện về dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính, nước biển dâng, sóng thần, động đất... thì cùng với đó là đe dọa của an ninh quân sự, sự gia tăng của các loại tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, đe dọa an ninh khu vực và thế giới, đồng thời tạo ra những thách thức, nguy cơ mới đối với hòa bình, an ninh và ổn định trong và ngoài khu vực.

(Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn xin tải về tệp đính kèm)


[1] Cuộc khủng hoảng tài chính Đông Nam Á là cuộc khủng hoảng tài chính trên diện rộng được bắt đầu từ tháng 7/1997 tại Thái Lan và nhanh chóng ảnh hưởng tới các nền kinh tế khác trong khu vực và thế giới.

[2] Đại dịch SARS: Hội chứng hô hấp cấp tính năng (Severe acute respiratory syndrome; viết tắt: SARS) là một chứng bệnh hô hấp ở con người gây ra bởi một loại virút mang tên virút SARS. Giữa tháng 11/2002 và tháng 7/2003, dịch SARS bùng phát ở Hồng Kông (Trung Quốc) và lan tỏa gần như trở thành một đại dịch tại 37 quốc gia trên thế giới vào đầu năm 2003.

[3] Sau đó, nước Mỹ và thế giới lại tiếp tục phải đối mặt với một nguy cơ lớn hơn nhiều, đó là cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Từng là một nhánh của mạng lưới khủng bố quốc tế Al - Qaeda, song mức độ nguy hiểm và tư tưởng cực đoan của nhóm này còn lớn hơn nhiều. Chính phủ Mỹ và nhiều nước phương Tây đều phải thừa nhận, đây là một mối nguy hiểm chưa từng có, nhất là khi IS đã chiêu mộ được hàng nghìn tay súng nước ngoài, bao gồm cả người châu Âu và người Mỹ.

[4] Xem Đào Minh Hồng, Lê Hồng Hiệp (chủ biên); Sổ tay thuật ngữ quan hệ quốc tế, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr.22.