In trang này
Thứ bảy, 25 Tháng 10 2014 00:00

Bài học kinh nghiệm xuất khẩu lao động của một số nước

1. Kinh nghiệm của Philippin

Philippin là một trong những nước xuất khẩu lao động (XKLĐ) lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Người Philippin đi lao động ở khắp nơi trên thế giới, số lao động có mặt ở nước ngoài bình quân khoảng 5 triệu người và thu nhập trung bình đạt khoảng 18-20 tỷ USD/năm.

Từ lâu Philippin đã coi XKLĐ là một trong những ngành kinh tế đối ngoại quan trọng của đất nước và có rất nhiều kinh nghiệm để tăng cường XKLĐ và quản lý tài chính XKLĐ.

a.  Cơ chế tổ chức xuất khẩu lao động của Philippin

Bộ Luật Lao động của Philippin ra đời năm 1973 đã đặt cơ sở về việc làm ngoài nước với quan điểm xúc tiến việc XKLĐ dư thừa cho đến khi nền kinh tế của đất nước phát triển tạo đủ việc làm cho mọi người trong độ tuổi lao động (LĐ). Cục Quản lý việc làm ngoài nước (POEA) là cơ quan duy nhất của Chính phủ thực hiện các chức năng tuyển mộ, bố trí và quản lý các khu vực tư nhân tham gia vào chương trình XKLĐ, và cấp giấy phép làm việc ở nước ngoài cho người lao động khi có hợp đồng lao động cá nhân.

Tháng 6/1995, Luật về Di dân và Người Philippin ở nước ngoài được Quốc hội Philippin thông qua, quy định hành lang pháp lý cho việc thực hiện chương trình Quốc gia về XKLĐ, đồng thời quy định việc khuyến khích bằng vật chất và các hình thức phạt đối với các tổ chức (hoặc cá nhân) tuyển người đi lao động ở ngoài và việc chuyển ngoại tệ bất hợp pháp.

b. Các chính sách phát triển thị trường, nguồn nhân lực và quản lý tài chính

(i) Chính sách phát triển thị trường việc làm ngoài nước: Cục Quản lý việc làm ngoài nước đã soạn thảo Chương trình tiếp thị và các chiến lược tiếp thị với sự tham gia của Trung tâm khu vực và các Tuỳ viên LĐ để thường xuyên cập nhật thông tin về thị trường lao động ngoài nước, tình hình lao động Philippin ở nước ngoài nhằm giúp các công ty XKLĐ định hướng hoạt động, và quảng cáo năng lực của các tổ chức cung ứng và lao động xuất khẩu Philippin trên thị trường lao động quốc tế.

(ii) Chính sách tạo nguồn lao động xuất khẩu: Chính phủ khuyến khích các công ty tạo nguồn lao động xuất khẩu qua việc thành lập Quỹ lao động. Việc lập quỹ này được đăng ký qua mạng Internet và được phép tự quảng cáo. Các quỹ không thu lệ phí đăng ký của lao động; Người đi lao động ở nước ngoài phải được đào tạo trước khi đi bằng các chương trình đặc biệt của Chính phủ và được Chính phủ hỗ trợ kinh phí đào  tạo. Chính phủ cũng không hạn chế XKLĐ thuộc các ngành nghề đặc biệt hoặc có tay nghề cao.

(iii) Các chính sách quản lý tài chính: Như lệ phí sắp xếp việc làm, nhà nước quy định các công ty cung ứng được phép thu lệ phí sắp xếp việc làm khi ký kết các hợp đồng lao động với công nhân để chi trả các lệ phí thủ tục hành chính; Về điều kiện cấp giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động, chỉ có công nhân Philippin và các tập đoàn liên doanh có 75% vốn pháp định do người Philippin nắm giữ được quyền tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài.

c. Chương trình phúc lợi và bảo vệ công nhân

Chính phủ quy định các điều kiện tối thiểu dành cho LĐ đi làm việc ở nước ngoài mà bắt buộc các bên sử dụng lao động Philippin phải đảm bảo như: Tiền lương cho một giờ làm việc bình thường (8 giờ/ngày, 6 ngày/tuần), tiền làm thêm giờ (bằng 150% tiền lương làm việc bình thường); Đi lại miễn phí từ nhà ở đến nơi làm việc và ngược lại; Khám chữa bệnh và chữa răng không mất tiền; Các điều kiện huỷ bỏ, chấm dứt HĐLĐ; Các điều khoản đền bù thiệt hại hợp đồng do lỗi của các bên; Vận chuyển thi hài và tài sản của công nhân bị chết về nước; Tiền lương gửi về cho gia đình của NLĐ; Các điều kiện ăn ở trong thời gian làm việc ở nước ngoài; Cơ chế khiếu nại của công nhân.Song song với các chương trình bảo vệ công nhân, Chính phủ còn cho phép thành lập các Quỹ phúc lợi do các chủ thuê LĐ đóng góp để thực hiện các dịch vụ về: Tư vấn gia đình, hỗ trợ NLĐ hồi hương, khen thưởng LĐ xuất sắc, cấp học bổng cho con cái người lao động xuất khẩu, trợ cấp ốm đau, tín dụng cho NLĐ, giúp đỡ y tế cho gia đình của họ, hỗ trợ các chương trình đào tạo, tập huấn...NLĐ ở nước ngoài của Philippines cũng được hưởng chế độ BHXH như NLĐ ở trong nước về chế độ tàn tật, trợ cấp tuất, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động.

d. Chính sách chuyển thu nhập của người lao động về nước

Chính phủ áp dụng chương trình khuyến khích người lao động chuyển tiền về nước thông qua tài khoản tiền gửi ngoại tệ dành cho người lao động hồi hương, số dư tài khoản không thuộc đối tượng điều chỉnh của các quy định về hối đoái hiện hành và phát hành các công trái ngoại tệ. Để tối đa hóa và sử dụng các khoản thu nhập từ XKLĐ có hiệu quả, các tổ chức tài chính và ngân hàng đã đưa ra các chương trình đầu tư mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho người lao động và gia đình họ.

e. Các chính sách tái hòa nhập dành cho lao động hồi hương

- Chính phủ đã xây dựng hệ thống chính sách đảm bảo cho NLĐ được nhận lại số tiền chưa được thanh toán hết hoặc các phúc lợi khác sau khi chấm dứt hợp đồng về nước thông qua quy định các công ty cung ứng LĐ xuất khẩu phải đồng chịu trách nhiệm với chủ sử dụng LĐ nước ngoài về những vi phạm của họ. Tiền ký cược của công ty được sử dụng để trả cho NLĐ nếu công ty không tự trả, và một khi tiền ký cược ở ngân hàng đã bị tịch biên thì công ty cũng bị đình chỉ hoạt động cho đến khi nộp đủ số tiền trên vào tài khoản ký cược ở ngân hàng.    

- Các chương trình hỗ trợ người lao động hồi hương như: sinh kế và phát triển nghề nghiệp, tư vấn kinh doanh hoặc đào tạo kinh doanh cho những người đủ vốn và muốn mở kinh doanh khi về nước (thông qua Cục Phát triển thương nghiệp vừa và nhỏ). Cục Quản lý việc làm ngoài nước còn phối hợp với ILO, để có những dự án thành lập các Trung tâm đào tạo ở các vùng có nhiều lao động xuất khẩu.

- Chính sách Tín dụng hỗ trợ tái hòa nhập: Chính phủ đưa ra chính sách cho vay sinh kế đối với các gia đình là 100.000 Pêsô (khoảng 1.850 USD), cho vay hồi cư là 20.000 Pêsô (370 USD) và tối đa là 50.000 Pêsô (khoảng 925 USD đối với các khoản vay trợ giúp nhóm. Chính phủ cũng đặt quan hệ với các tổ chức phi chính phủ trong việc tạo điều kiện dễ dàng về tín dụng và sinh kế cho người lao động hồi hương.

Ngoài ra, các khoản cho vay về nhà ở và các khoản trọn gói cũng được đưa ra với những người lao động là thành viên của Quỹ Phát triển tương hỗ về nhà ở...

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm.