In trang này
Chủ nhật, 18 Tháng 6 2017 04:12

Những yếu tố ảnh hưởng đến trách nhiệm pháp lý của nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan nhà nước

(Ảnh minh họa) (Ảnh minh họa)

Trước đây, khi nói tới trách nhiệm pháp lý, người ta thường chú trọng đến trách nhiệm pháp lý của các đối tượng quản lý là các cá nhân, công dân, các tổ chức hơn so với trách nhiệm pháp lý của cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan nhà nước. Ngày nay, khi nói tới việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, thì việc xây dựng chế độ cũng như việc đề cao trách nhiệm pháp lý cho các chủ thể này được đặt ra như một nhu cầu bức thiết và khẳng định vai trò cũng như trách nhiệm từ phía Nhà nước đối với xã hội và mỗi công dân. Tuy nhiên, việc xây dựng chế độ trách nhiệm pháp lý và truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với các chủ thể này không hề đơn giản và có rất nhiều nhân tố có thể tác động, ảnh hưởng tới chúng. Bản thân những hoạt động này cũng có quan hệ khá mật thiết với nhau và cũng trở thành nhân tố ảnh hưởng đến nhau.

Khi nói tới trách nhiệm pháp lý của Nhà nước, cơ quan, công chức, viên chức nhà nước, trước hết, phải thấy được tính chất đặc biệt của nó. Là những người thi hành công vụ Nhà nước giao, các chủ thể kể trên được nhân danh quyền lực của Nhà nước, được Nhà nước giao cho họ chức năng, nhiệm vụ cụ thể. Khi đó, họ là những người có quyền ra các mệnh lệnh cũng như các quyết định có ảnh hưởng lớn tối các đối tượng chịu sự tác động của họ. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của Nhà nước, sự tín nhiệm của nhân dân đối với chính họ và đối với Nhà nước. Chính vì những ảnh hưởng lớn như vậy nên những sai sót có thể xảy ra trong quá trình tác nghiệp thường để lại hậu quả rất lớn. Để tránh hoặc để khắc phục những hậu quả đáng tiếc đó, pháp luật đã có những quy định khác nhau về chế độ trách nhiệm pháp lý đối với đối tượng là cơ quan, công chức, viên chức nhà nước gắn với thẩm quyền của họ.

Trách nhiệm pháp lý của cơ quan nhà nước, nhân viên nhà nước (bao gồm cả cán bộ, công chức và viên chức nhà nước) được xem xét ở hai khía cạnh. Thứ nhất, đó là thẩm quyền, trách nhiệm hay các nghĩa vụ mà pháp luật đặt ra cho họ khi thi hành công vụ và thứ hai, là việc phải gánh chịu một hậu quả pháp lý bất lợi từ việc làm trái hoặc không làm những việc thuộc trách nhiệm của họ theo nghĩa thứ nhất. Nếu chỉ xác định trách nhiệm pháp lý khi truy cứu thì phạm vi xem xét được xác định theo nghĩa thứ hai. Tuy nhiên, khi quy định cũng như truy cứu trách nhiệm pháp lý thì phải luôn gắn với nghĩa thứ nhất vì tính tương thích giữa chúng. Mỗi chế độ trách nhiệm pháp lý ở từng nhà nước lại có những sự khác biệt nhất định. Điều đó có nhiều nguyên nhân khác nhau và ở mỗi giai đoạn lịch sử lại có mức độ ảnh hưởng khác nhau. Đó chính là các nhân tố đã ảnh hưởng đến việc quy định của pháp luật và tác động trực tiếp hoặc gián tiếp lên nhà làm luật. Vì vậy, sự quy định về chế độ trách nhiệm pháp lý cũng như hoạt động truy cứu trách nhiệm pháp lý chính xác có ý nghĩa rất quan trong đối với việc bảo vệ các đối tượng của quyền lực nhà nước nên việc xác định đúng các yếu tố ảnh hưởng đến các quy định này là cần thiết.

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm.   

Sửa đổi lần cuối Thứ sáu, 03 Tháng 11 2017 04:29