In trang này
Chủ nhật, 27 Tháng 8 2017 09:26

Hoàn thiện hệ thống giáo dục chất lượng cao

(Ảnh minh họa) (Ảnh minh họa)

Hệ thống giáo dục hiện đại hóa không những có những yêu cầu về lượng mà còn có những yêu cầu về chất. Giáo dục chất lượng cao là điều kiện tiền đề để hệ thống giáo dục thực hiện giá trị xã hội và công năng xã hội, cũng là tiêu chí quan trọng để phát triển trình độ giáo dục. Muốn xây dựng và không ngừng hoàn thiện hệ thống giáo dục hiện đại cần phải kiên trì nguyên tắc thống nhất giữa quy mô, cơ cấu, chất lượng và hiệu quả, tối ưu hóa việc phân phối tài nguyên, thúc đẩy sự phát triển đồng đều, cân đối, thực hiện giáo dục tố chất, nâng cao một cách toàn diện chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu của quần chúng nhân dân đối với hoạt động giáo dục chất lượng cao.

1. Nội hàm của khái niệm về hệ thống giáo dục chất lượng cao

Trong phạm vi quốc tế, khái niệm giáo dục chất lượng cao xuất hiện từ thập kỷ 90 của thế kỷ XX. “Dự luật giáo dục chất lượng cao cho tất cả trẻ em năm 1999” của Mỹ đã nêu rõ, tất cả những người nộp thuế đều được hưởng giáo dục tại các trường công lập chất lượng cao. Năm 2000, Hội nghị Dakar do UNESCO tổ chức đã công bố “Chương trình hành động giáo dục toàn dân”, nêu rõ: “không chỉ cung cấp nền giáo dục cho toàn dân”, mà còn cần phải “cung cấp nền giáo dục chất lượng cao cho toàn dân”. Năm 2003, Tổ chức này tiếp tục để xuất việc “phổ cập giáo dục chất lượng cao”. Sự ra đời của khái niệm giáo dục chất lượng cao đã đánh dấu mục tiêu phát triển của nền giáo dục thế giới bắt đầu chuyển từ giáo dục toàn dân sang giáo dục toàn dân chất lượng cao. Thực hiện việc nâng cao giáo dục trên cơ sở phổ cập hóa, tức là phát triển giáo dục chất lượng cao, đang trở thành trào lưu mang tính toàn cầu.

Giáo dục chất lượng cao là một khái niệm mang tính tương đối và linh hoạt, cùng với sự tiến bộ của thời đại, nội hàm của khái niệm này cũng không ngừng được phong phú hóa và thay đổi. Trong giai đoạn hiện nay, mọi người luận bàn về nội hàm của khái niệm giáo dục chất lượng cao từ nhiều phương diện khác nhau như định hướng giá trị, yêu cầu cơ bản, ý nghĩa thời đại,... Hội thảo Lý luận giáo dục hai bờ eo biển và khu vực Hồng Kông, Ma Cao lần thứ chín năm 2003 đã xác định “nỗ lực làm tốt công tác giáo dục chất lượng cao” làm chủ để của Hội thảo, các chuyên gia, học giả tham dự Hội thảo đã giao lưu, trao đổi và thảo luận ý kiến sôi nổi về giáo dục chất lượng cao. Các quan điểm có tính đại diện gồm có:

1) Nội hàm của giáo dục chất lượng cao tập trung thể hiện thành lấy giáo dục hiện đại, hoàn chỉnh để bồi dưỡng, đào tạo nên con người hiện đại hoàn chỉnh;

2) Giáo dục chất lượng cao bao hàm một mặt là tối ưu hóa dịch vụ giáo dục, tức là có mục tiêu giáo dục rõ ràng, có tiêu chuẩn học thuật nghiêm ngặt, có đội ngũ giáo viên giỏi và có giáo trình tốt; mặt khác, các dịch vụ chất lượng hỗ trợ sự phát triển của từng cá thể;

3) Giáo dục chất lượng cao là hoạt động giáo dục hoàn thiện, coi trọng sự phát triển đầy đủ tiềm năng của con người, nhấn mạnh đến việc theo đuổi chất lượng cao, nó không chỉ đòi hỏi phải cung cấp càng nhiều cơ hội lựa chọn giáo dục, mà còn đòi hỏi phải nâng cao nội dung giáo trình và tố chất giáo viên;

4) Giáo dục chất lượng cao là định hướng giá trị quan trọng trong việc phát triển nền giáo dục hiện đại, là một khái niệm giáo dục và hệ thống giáo dục thúc đẩy sự phát triển liên tục của giáo dục và con người, nó coi chất lượng giáo dục là bản chất, lợi ích thụ hưởng của mọi người là mục tiêu, coi việc theo đuổi thực hiện tối ưu hóa chất lượng giáo dục và tối đa hóa hiệu quả giáo dục là tiêu chí, tập trung nâng cao chất lượng học tập, chất lượng đời sống của người học.

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm.