In trang này
Thứ tư, 18 Tháng 10 2017 07:42

Kinh nghiệm xây dựng và hoạch định chính sách quản lý môi trường của Nhật Bản

1. Luật pháp, chính sách

Hiện nay, Nhật Bản có một hệ thống luật pháp, chính sách quản lý môi trường khá hoàn thiện. Để có được điều này cần đánh giá cao sự nỗ lực của chính quyền và người dân Nhật Bản. Từ khi ra đời cơ quan quản lý môi trường năm 1971 cho đến nay, Quốc hội Nhật Bản đã ban hành trên 50 đạo luật liên quan đến quản lý môi trường. Trong đó, người ta chia thành các nhóm điều chỉnh khác nhau, từ vĩ mô đến vi mô, cụ thể, chi tiết cho từng lĩnh vực, từng đối tượng. Nhóm chính sách môi trường bao gồm những đạo luật về môi trường chung, được ra đời từ rất sớm, năm 1972 là Luật bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, năm 1993 là Luật môi trường cơ bản, đến gần đây nhất là Luật thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các công ty sản xuất đặc biệt... Nhóm các vấn đề môi trường toàn cầu gồm ba đạo luật riêng biệt như Luật khuyến khích các hoạt động hợp tác đối phó với sự nóng lên toàn cầu, ban hành năm 1998, sửa đổi năm 2005; Luật liên quan đến bảo vệ tầng ôzôn thông qua kiểm soát các chất thải đặc biệt và các biện pháp xử lý luật liên quan đến cải tạo và phá hủy fluorocarbon. Nhóm vấn đề chất thải rắn và tái chế chất thải rắn được quy định trong 9 đạo luật. Nhóm vấn đề đất, nước và nước dưới đất được thể hiện trong 9 đạo luật, V.V.. Dựa trên khung các luật, cẩm nang do Bộ Môi trường Nhật Bản hướng dẫn, các tỉnh, thành phố có thể đưa ra các cẩm nang hướng dẫn cụ thể hơn về bảo vệ môi trường phù hợp với địa phương.

Song song với việc ban hành các đạo luật, Nhật Bản đã thực thi hàng loạt các chương trình, kế hoạch trong lĩnh vực này. Trong đó phải kể đến Kế hoạch môi trường cơ bản lần thứ nhất ra đời năm 1994, lần thứ hai năm 2000, lần thứ ba năm 2006 và lần thứ tư năm 2012. Trong Kế hoạch môi trường cơ bản lần thứ tư, Chính phủ Nhật Bản đề cập nội dung “một xã hội an toàn” có chu kỳ vật chất bền vững, phát thải cácbon thấp, an toàn trước những thảm họa tự nhiên. Nói cách khác, Chính phủ Nhật Bản chủ chương xây dựng một nền kinh tế - xã hội xanh (thúc đẩy các hoạt động bảo vệ môi trường, tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ thân thiện với môi trường); thực hiện “đổi mới xanh” bao gồm xây dựng công nghệ thân thiện với môi trường, tạo lập giá trị mới và thay đổi hệ thống xã hội. Những kế hoạch này là “trợ thủ” đắc lực giúp Nhật Bản thành công trong việc quản lý môi trường.

Hiện nay, Chính phủ Nhật Bản đã và đang thực hiện Kế hoạch môi trường cơ bản nhằm thiết lập một xã hội có chu kỳ vật chất bền vững. Kế hoạch cũng chỉ rõ mục tiêu, viễn cảnh và phương hướng hành động của Chính phủ cũng như các thành phần trong xã hội. Kế hoạch trên đã thu hút được sự quan tâm, hợp tác của tất cả các thành phần trong xã hội từ Chính phủ đến người dân, doanh nghiệp, các trường đại học, các tổ chức phi chính phủ và chính quyền các địa phương. Trong đó, kế hoạch đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của chính quyền Trung ương. Chính phủ cần tập trung giải quyết 5 nội dung công việc: 1) Hợp nhất sức mạnh chung tạo nên một xã hội ít cacbon,sống hài hòa với thiên nhiên; 2) Thúc đẩy hình thành các khu tái chế tài nguyên vùng; 3) Đẩy mạnh phong trào 3R, thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh xanh, cải thiện 3R tập trung vào giảm phát sinh chất thải rắn; 4) Phát triển nguồn nhân lực; 5) Thiết lập xã hội có chu kỳ vật chất bền vững trên toàn thế giới.

Ở Nhật Bản, chính quyền Trung ương, chính quyền địa phương nói chung và chính quyền khu vực đô thị nói riêng có vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện luật pháp, chính sách về môi trường. Họ thường đặt ra mục tiêu cụ thể trong thời gian ngắn hạn, trung hạn, dài hạn cho cả nước và khu vực quản lý. Chẳng hạn, mục tiêu về giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính những năm 1990 đã xử lý trên 50% chất thải rắn chung ở khu vực đô thị, V.V.. Các kế hoạch hành động cụ thể được đưa ra và được các cơ quan này thực hiện một cách nghiêm túc như Kế hoạch xanh, Kế hoạch 3R, Kế hoạch hành động cơ bản của Chính phủ, Chương trình thương mại và môi trường của Tôkyô, V.V.. Nhờ đó những sai phạm được phát hiện thông qua kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời.

Các Bộ, ngành, doanh nghiệp tự xây dựng cuốn cẩm nang hướng dẫn thực hiện luật, chính sách về bảo vệ môi trường. Cẩm nang này được đăng tải trên mạng thông tin và phát miễn phí cho cán bộ và doanh nghiệp. Đồng thời đề ra mục tiêu cụ thể để thực hiện luật cũng như chính sách nhằm kiểm soát ô nhiễm không khí, nước, giảm chất thải rắn và tái sử dụng vật liệu, v.v. có hiệu quả.

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm.  

Sửa đổi lần cuối Thứ hai, 01 Tháng 1 2018 07:50