In trang này
Thứ năm, 30 Tháng 1 2014 00:00

Kinh nghiệm kinh tế hóa môi trường của một số nước

 

1. Các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường

Các công cụ kinh tế đã phát huy vai trò quan trọng trong việc thực hiện quá trình kinh tế hóa lĩnh vực môi trường và đang trở thành nhóm chính sách được áp dụng ngày càng rộng rãi trong những thập kỷ vừa qua trong bảo vệ môi trường. Ngay từ đầu những năm 1970, các quốc gia trên thế giới đã bắt đầu sử dụng các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường. Đến nay, các loại công cụ này đã được sử dụng rộng rãi ở các cấp độ khác nhau từ quốc gia đến địa phương nhằm kiểm soát ô nhiễm và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên.

Công cụ kinh tế hay các công cụ dựa vào thị trường được định nghĩa là:

biện pháp khuyến khích kinh tế, được xây dựng dựa trên nền tảng của các quy luật kinh tế thị trường. Công cụ kinh tế có thể được hiểu là các công cụ chính sách sử dụng nhằm tác động tới chi phí và lợi ích trong các hoạt động của cá nhân và tổ chức kinh tế để tạo ra các tác động ảnh hưởng đến hành vi của các tác nhân kinh tế theo hướng có lợi cho môi trường

So với công cụ chỉ huy và kiểm soát (CAC- Command and Control) là công cụ chính sách trong quản lý môi trường, bao gồm “chỉ huytức là đặt ra tiêu chuẩn - mức độ ô nhiễm tối đa có thể cho phép và “kiểm soát” tức là sự giám sát và thực thi các tiêu chuẩn thì các công cụ kinh tế có những ưu điểm vượt trội hơn. Vì hiệu quả của áp dụng công cụ CAC tương đối hạn chế: do theo cách tiếp cận của công cụ CAC thì mức tiêu chuẩn “tối ưu” là khó xác định, đặc biệt là đối với hàng hóa không được trao đoi trên thị trường như nước và không khí. Ngoài ra, khi thực thi phương pháp CAC do không có sự trợ giúp của những khuyến khích kinh tế dựa vào thị trường do đó không khuyến khích được các doanh nghiệp đưa ra những biện pháp để giảm thiểu lượng ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn cho phép cũng như khuyến khích người tiêu dùng không sử dụng các sản phẩm gây tổn hại đến môi trường. Mặt khác, công cụ kinh tế hay công cụ dựa vào thị trường là những công cụ khuyến khích thay đổi hành vi thông qua những tín hiệu của thị trường hơn là thông qua các quy định, chỉ thị rõ ràng về mức độ và phương thức kiểm soát ô nhiễm (Stavins, 2003). Công cụ dựa vào thị trường được thiết kế dựa trên việc sử dụng các tác nhân thị trường (Stavins, 1998; OECD, 1989, 1998). Nó cho phép các đối tượng gây ô nhiễm có thể thực hiện việc kiểm soát mức độ ô nhiễm của họ, hướng tới mục tiêu kinh doanh bền vững (lợi ích đem lại trong dài hạn). Việc áp dụng công cụ kinh tế cho phép các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh có thể linh hoạt trong việc ra quyết định là có nên thay đổi hành vi của mình (như giảm thiểu chất ô nhiễm thải ra môi trường; đầu tư trang thiết bị máy móc...) hay chịu chi phí của việc gây ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, công cụ kinh tế được áp dụng ở hầu hết các nước phát triển và các nước đang phát triển, và ngày càng phong phú về thể loại. Trong khuôn khổ nghiên cứu này, chúng tôi chia các công cụ kinh tế thành ba nhóm chính nhằm đẩy mạnh kinh tế hoá trong lĩnh vực môi trường bao gồm: (1) nhóm công cụ tạo nguồn thu trực tiếp cho NSNN, (2) nhóm công cụ tạo lập thị trường và (3) nhóm công cụ nhằm nâng cao trách nhiệm xã hội trong hoạt động BVMT.

1) Nhóm công cụ tạo nguồn thu trực tiếp cho ngân sách nhà nước

Kinh nghiệm thế giới cho thấy đóng góp chính của lĩnh vực môi trường cho ngân sách là các loại thuế/phí môi trường và một số phí đánh vào sản phẩm, phí xả thải, giấy phép xả thải có thể chuyển nhượng, tùy theo từng quốc gia và từng giai đoạn khác nhau mà cách thức và phần đóng góp này là khác nhau. Doanh thu từ nhóm thuế/phí môi trường trung bình chiếm khoảng 5% tổng GDP (dao động từ 3% đến 13%) tại nhiều quốc gia khác nhau.

Thuế và phí môi trường là công cụ kinh tế được sử dụng để tạo nguồn thu trực tiếp cho NSNN. Công cụ này nhằm 2 mục tiêu chủ yếu là khuyến khích người gây ô nhiễm giảm lượng chất thải ra môi trường và tăng nguồn thu cho NSNN thông qua việc đưa chi phí môi trường vào trong giá thành sản phẩm theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền".

*      Thuế môi trường

Thuế môi trường (Environmental Tax) là một công cụ kinh tế để giải quyết các vấn đề môi trường. Đây là khoản thu cho NSNN từ những đối tượng gây ô nhiễm, làm thiệt hại cho môi trường. Nó góp phần hạn chế, giảm thiểu các tác nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, khuyến khích các hoạt động BVMT. Thuế môi trường được thiết kế để nội hóa chi phí môi trường và tạo ra động lực kinh tế cho cá nhân, tổ chức thúc đẩy các hoạt động sinh thái bền vững. Thuế môi trường thông thường đánh chủ yếu vào các chất gây ô nhiễm môi trường hay các sản phẩm hàng hóa mà việc sản xuất, sử dụng chúng có tác động tiêu cực đến môi trường, gây ô nhiễm môi trường như: thuế đánh vào nguồn gây ô nhiễm (thuế Sunfua, thuế CFCs, thuế CO2...) và thuế đánh vào các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường (thuế xăng, dầu, than, thuốc bảo vệ thực vật.).

*    Phí môi trường

Phí môi trường là khoản thu của NSNN dành cho hoạt động bảo vệ môi trường như để thu gom và xử lý phế thải, nước thải, khắc phục ô nhiễm môi trường.... Mục đích chính của việc thu phí môi trường là hạn chế các tác nhân gây ô nhiễm môi trường, ngăn ngừa việc xả các chất thải ra môi trường, mà các chất thải này có khả năng xử lý được. Phí môi trường buộc những người gây ô nhiễm môi trường phải xử lý các chất thải trước khi thải ra môi trường hay hạn chế sử dụng các nguồn nguyên liệu có nguy cơ gây ra ô nhiễm, vì vậy công cụ này khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh, những người gây ô nhiễm phải xử lý các chất ô nhiễm trong nguồn thải trước khi thải ra môi trường. Phí môi trường được tính toán dựa trên lượng phát thải của chất ô nhiễm và chi phí xử lý ô nhiễm, khắc phục ô nhiễm...

Một số loại thuế/phí ô nhiễm môi trường phổ biến bao gồm: phí nước thải, phí gây ô nhiễm không khí, thuế cacbon, thuế sulphur, phí gây suy thoái tầng ôzôn, thuế chôn lấp rác, thuế xăng dầu, thuế sử dụng khí gas, thuế môi trường, gần đây là việc áp dụng mới các loại thuế liên quan đến chất thải rắn (CTR), và tăng thuế suất đối với thuế CTR. Đối với thuế đánh vào nguồn gây ô nhiễm: có 2 loại thuế chủ yếu được áp dụng ở các nước trên thế giới đó là thuế sulphur và thuế CO2.

Thuế/ phí môi trường ở các quốc gia trên thế giới được sử dụng nhằm tái đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường, và góp phần hỗ trợ cho an sinh xã hội. Tại Phần Lan, thuế môi trường bắt đầu được áp dụng từ năm 1997, bao gồm thuế sinh thái, thuế năng lượng nhằm hỗ trợ cho những người có thu nhập thấp. Tại Đức, thuế môi trường được áp dụng đối với nhiên liệu và đã làm giảm mức tiêu thụ nhiên liệu xuống 0,8% tương đương với việc tiết kiệm được khoảng 9 tỷ DM (số liệu năm 1999), đóng góp vào Quĩ trợ cấp Quốc gia. Tại Hà Lan, một phần lớn nguồn thu từ các loại thuế năng lượng đã góp phần giảm các khoản đóng góp an sinh xã hội (số liệu năm 1999). Tại Thụy Sĩ, nguồn thu từ thuế sinh thái đối với các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs) và nhiên liệu sưởi ấm (trừ năng lượng mặt trời) sẽ được sử dụng để phân phối lại cho các hộ gia đình dưới hình thức là các khoản hỗ trợ bảo hiểm y tế (1999). Tại Anh, nguồn thu 450.000.000 £/ năm từ thuế bãi rác (số liệu năm 1996) được sử dụng để giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.

Dưới đây là một số kinh nghiệm về thuế/phí được áp dụng tại một số quốc gia trên thế giới:

Tại Đan Mạch - Thuế sulphur

Đan Mạch có nghĩa vụ đáp ứng mục tiêu giảm phát thải khí sulphur theo quy định của điều ước quốc tế. Mặc dù mục tiêu giảm phát thải đã được thông qua năm 1980, để đáp ứng mục tiêu của Đan Mạch đưa ra nhiều biện pháp để cắt giảm sự phát thải khí sulphur dẫn đến sự ra đời của thuế sulphur. Mức thuế được xem như là thuế xanh kể từ khi nó được áp dụng nhằm đạt được mục tiêu bảo vệ môi trường. Theo quy định của Điều ước quốc tế, Đan Mạch có nghĩa vụ phải giảm phát thải khí sulphur vào năm 2000 tương ứng với không quá 80% của mức năm 1980. Đây là sự ưu đãi thuế để giảm hàm lượng sulphur của các nhiên liệu hóa thạch. Thuế này chỉ áp dụng cho nhiên liệu với hàm lượng sulphur cao hơn 0,05% .

Thuế sulphur được áp dụng trong các ngành như hạn ngạch khí thải cho nhà máy điện, khử sulphur bắt buộc đối với các đơn vị trong các nhà máy điện mới, giới hạn giá trị của hàm lượng sulphur trong nhiên liệu.

Thuế sulphur của Đan  Mạch có hai hình thức bao gồm:

 (1) Thuế sản phẩm là thuế đánh vào các hàm lượng sulphur trong nhiên liệu được áp dụng với mức thuế 20 DKK/kg SO2 ; và (2) Thuế phát thải là loại thuế đánh vào lượng phát thải khí sulphur từ hoạt động sản xuất, kinh doanh với mức thuế 10 DKK/kg SO2 (số liệu năm 1999).

Thuế sulphur của Đan Mạch đã có tác động đáng kể đến công tác quản lý môi trường:

-        Thuế làm tăng chi phí năng lượng, các cơ sở sản xuất dựa trên việc sử dụng các nhiên liệu có chứa sulphur. Do đó, tổng năng lượng tiêu thụ sẽ giảm;

-         Thuế làm thay đổi cơ cấu giá năng lượng, qua đó tạo động cơ sử dụng nhiên liệu thay thế có hàm lượng sulphur thấp hơn so với các nhiên liệu hoá thạch (như than đá và dầu);

-        Thuế thúc đẩy đầu tư công nghệ xử lý cuối đường ống.

Thuế sulphur ở Đan Mạch đã áp dụng rất thành công, hàm lượng sulphur của cả hai loại nhiên liệu là dầu mỏ và khí thiên nhiên đã giảm từ 0,2% đến 0,05% và hàm lượng sulphur trong than đã giảm được một phần ba (1999 EEA). Đồng thời thuế đã có tác động tích cực đến sự phát triển của các nhà máy lọc sulphur và công nghệ xử lý khí thải (Bộ Thuế Đan Mạch 1998 được trích dẫn trong năm 1999 EEA). Năm 1996, Đan Mạch đã giảm được 33% lượng phát thải SO2 và thay đổi thành phần của nhiên liệu chứa lượng sulphur thấp (EEA Dự thảo Báo cáo năm 2000). Theo Sterner (2003), mức sulphur năm 1997 (bình quân 22 kg của SOx/ người) đã giảm 76% so với năm 1980.

Đặc biệt, thuế sulphur đã đóng góp một khoản lớn cho ngân sách Đan Mạch, năm 1996 là 296,5 triệu DKK, và 1998 là 375 triệu DKK.

Tại Thụy Điển

Việc đánh thuế phát thải khí sulphur tại Thuỵ Điển cũng đem lại những kết quả khả quan trong kiểm soát ô nhiễm, ước tính có tác động làm giảm 30% lượng phát thải trong thời gian từ năm 1989 đến năm 1995.

Thụy Điển cũng áp dụng công cụ thuế môi trường trong kiểm soát ô nhiễm. Loại thuế này áp dụng cho tất cả hoạt động gây ô nhiễm như sử dụng năng lượng, hoạt động gây ô nhiễm, sử dụng tài nguyên, sử dụng các phương tiện giao thông. Tổng số thuế môi trường thu được hàng năm của Thụy Điển trong giai đoạn từ năm 1993 đến năm 1998 được thể hiện trong bảng 2 dưới đây.

Bảng 1. Thuế môi trường ở Thụy Điển từ năm 1993 đến năm 1998

(triệu SEK )

Các loại thuế

1993

1994

1995

1996

1997

1998

Năng lượng

39,017

42,043

44,161

49,733

49,352

52,652

Ô nhiễm

582

566

682

753

551

508

Giao thông

8,119

5,852

5,798

6,721

6,451

6,336

Tài nguyên

     

70

131

142

rp A

Tông

49,711

50,455

52,636

59,273

58,482

61,636

Tại Ba Lan

Ba Lan đã áp dụng kết hợp các công cụ kinh tế để giảm lượng ô nhiễm và hỗ trợ tài chính cho công tác xử lý ô nhiễm. Thuế phát thải đối với sulphur của Ba Lan trong thời gian từ năm 1990 đến năm 1996 dao động trong khoảng từ 60 ^ 100 USD/tấn SO2. Việc áp dụng công cụ thuế phát thải ở Ba Lan đã thành công trong việc khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh giảm ô nhiễm đồng thời tạo nguồn thu cho ngân sách nhằm đầu tư xử lý ô nhiễm.

Tại Indonesia

Năm 1980, Chính phủ Indonesia đã bắt đầu đánh thuế phí tái trồng rừng (reforestation fee) với mức thuế là 4 USD/1m3 đối với các hoạt động đốn gỗ. Đến năm 1989, mức phí này tăng lên 7 USD/ 1m3 và 22 USD/1 m3 vào năm 1997. Với tiền phí thu được, quỹ sử dụng để tái trồng rừng và thúc đẩy các hoạt

động bảo vệ rừng.

  1. 1Nhóm công cụ tạo lập thị trường
  2. 1.1 Chi trả dịch vụ môi trường (chi trả dịch vụ sinh thái)
    1. 1.2Giấy phép xả thải có thể chuyển nhượng

Theo báo cáo đánh giá hệ sinh thái (2005) do Liên Hiệp Quốc tài trợ để đánh giá tình trạng hệ sinh thái trên thế giới. Bản báo cáo đã đưa ra định nghĩa “Dịch vụ hệ sinh thái là những lợi ích trực tiếp hoặc gián tiếp mà con người hưởng thụ từ các chức năng của hệ sinh thái”. Bản báo cáo đã xác định danh mục các loại hình dịch vụ sinh thái cung cấp như: sản phẩm lương thực, thực phẩm (như lúa gạo, vật nuôi, thủy hải sản...); các cây công nghiệp (như bông, gỗ, gai dầu...); các nguồn dược liệu; cung cấp nguồn nước; điều hòa không khí; điều tiết nguồn nước; hạn chế xói mòn; các dịch vụ văn hóa (bao gồm cả tinh thần và tôn giáo, các giá trị thẩm mỹ, giải trí, du lịch sinh thái...)... Cũng theo báo cáo, khoảng 60% dịch vụ sinh thái trên thế giới đang bị suy thoái hoặc khai thác, sử dụng không bền vững. Do đó, nhằm mục đích thúc đẩy phát triển hệ sinh thái dựa vào cộng đồng, khôi phục lại những hệ sinh thái bị phá hủy và duy trì việc cung cấp các dịch vụ sinh thái quan trọng dẫn đến việc hình thành công cụ chi trả dịch vụ hệ sinh thái.

Chi trả dịch vụ môi trường (Payments for Environment Services-PES) hay còn gọi là (Payments for Ecosystems Services-PES) chi trả dịch vụ sinh thái là công cụ kinh tế sử dụng để những người được hưởng lợi từ các dịch vụ hệ sinh thái chi trả cho những người tham gia duy trì, bảo vệ và phát triển các chức năng của hệ sinh thái đó. Đây là cơ chế chuyển giao nguồn tài chính từ những người được hưởng lợi từ dịch vụ sinh thái nhất định cho những người cung cấp các dịch vụ sinh thái.

Chi trả dịch vụ sinh thái đó là sự giao kèo, ký kết tự nguyện và cùng có lợi giữa những người được hưởng lợi từ hệ sinh thái và những nhà cung cấp dịch vụ sinh thái. Bên cung cấp dịch vụ sinh thái nắm quyền sở hữu hàng hóa, dịch vụ môi trường mang lại những lợi ích cho bên có nhu cầu. Bên được hưởng lợi từ dịch vụ sinh thái sẽ sẵn sàng chi trả một mức giá thấp so với phúc lợi của họ do hệ sinh thái mang lại. Bên cung cấp dịch vụ sinh thái sẵn sàng chấp nhận một mức chi trả cao hơn chi phí của việc cung cấp các dịch vụ sinh thái. Chương trình PES là một ví dụ điển hình của định lý Coase. Theo định lý Coase, ngoại ứng môi trường có thể được giải quyết thông qua thương lượng riêng giữa những người sẵn sàng chi trả để giảm những mối nguy hại về môi trường và những người sẵn sàng chấp nhận các khoản bồi thường cho việc giảm hoạt động mà tạo ra các gánh nặng môi trường.

PES góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của dịch vụ hệ sinh thái đó, cải thiện sinh kế bền vững cho những người cung cấp dịch vụ và nâng cao chất lượng cuộc sống cho toàn xã hội. Ngoài ra, cơ chế PES còn góp phần hình thành thị trường giá cả cho các dịch vụ sinh thái thông qua việc lượng giá các giá trị của hệ sinh thái, quan hệ mua bán trao đổi giữa người hưởng lợi từ hệ sinh thái đó (người mua) và người cung cấp dịch vụ hệ sinh thái (người bán), từ đó hình thành thị trường chi trả dịch vụ sinh thái và tạo ra nguồn tài chính bền vững để duy trì và bảo tồn các chức năng dịch vụ của hệ sinh thái.

PES chia thành 4 loại chính: chi trả cho bảo vệ rừng đầu nguồn (watershed protection); chi trả cho cảnh quan môi trường (landscape beauty); chi trả cho    bảo tồn đa dạng sinh học (biodiversity); chi trả cho hấp thụ cacbon (carbon sequenstration).

Bảng 2. Các loại cơ chế chi trả cho dịch vụ môi trường

Cơ chế

Đặc điểm

Chi trả cho bảo vệ rừng đầu nguồn (watershed protection)

Các khu rừng đầu nguồn cung cấp rất nhiều dịch vụ cho xã hội bao gồm kiểm soát xói mòn đất, duy trì chất lượng nước và điều chỉnh dòng chảy của nước. Những giá trị này có thể thu được thông qua nhiều cơ chế khác nhau như thanh toán trực tiếp hay các loại phí sử dụng nước.

Chi trả cho cảnh quan môi trường (landscape beauty)

Du khách tới thăm những cảnh quan thiên nhiên đẹp/những khu bảo tồn, vườn quốc gia lưu trữ các giá trị cảnh quan và đa dạng sinh học. Những giá trị này có thể thu được thông qua phí vào cửa hoặc trả tiền cho quyền tiếp cận.

Chi trả cho bảo tồn đa dạng sinh học

(biodiversity)

Người dân sẵn lòng chi trả cho việc duy trì và bảo tồn đa dạng sinh học của thiên nhiên.

Chi trả cho hấp thụ cacbon (carbon sequenstration)

Tài nguyên rừng có chức năng sinh thái quan trọng là hấp thụ cacbon. Nghị định thư Kyoto hạn chế lượng phát thải cacbon tạo ra thị trường mua bán giấy phép phát thải khí nhà kính thông qua Cơ chế Phát triển sạch (CDM).

 

Nguồn: Nguyễn Công Thành (2008)

 

PES được sử dụng rộng rãi ở các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển như Mexico, Canada, các nước Châu Mỹ La tinh, Costa Rica... PES cũng đã được phát triển và thực hiện thí điểm tại một số nước ở châu Á như Indonesia, Philippines, Trung Quốc, Ản Độ, Nepal và Việt Nam. Đặc biệt là tại Indonesia và Philippines có rất nhiều các sáng kiến về PES liên quan đến dịch vụ sinh thái của rừng đầu nguồn.

Một trong những chương trình PES tiên tiến nhất cho đến nay đã được phát triển trên đảo Lombok, Indonesia, được thực hiện bởi tổ chức Quỹ Động vật hoang dã quốc tế (World Wild Fund - WWF) nhằm bảo tồn các khu rừng của MiRinjani. Các khu rừng có vai trò rất quan trọng, đã tạo ra 50.000.000 USD mỗi năm cho sản phẩm ngành nông nghiệp của khu vực, và cung cấp nước sinh hoạt trị giá 14 triệu USD. Đồng thời các hoạt động du lịch sinh thái tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân địa phương. Một nghiên cứu của WWF cho thấy gần như tất cả 43 nghìn hộ gia đình ở khu vực này sẽ đồng ý chi trả khoảng 0,60 USD/tháng cho các hoạt động liên quan đến môi trường. Mục đích của chương trình PES là sử dụng số tiền thu được để chi trả cho việc bảo tồn các khu rừng đầu nguồn của sông Segara và cải thiện điều kiện xã hội của cộng đồng xung quanh. Đề án PES mang lại niềm hy vọng lớn nhằm duy trì việc bảo vệ và quản lý nhiều rừng vì lợi ích của cộng đồng địa phương và bảo vệ môi trường tự nhiên thông qua việc huy động các nguồn tài chính bền vững cho bảo tồn.

Kết quả thực hiện chi trả dịch vụ môi trường ở một số nước bao gồm: Costa Rica, Mexico, Brazil.

Tại Costa Rica

Costa Rica thực hiện đề án PES chính thức bắt đầu từ năm 1996 với việc sửa đổi Luật Lâm nghiệp và đưa ra các kinh nghiệm đối với các hình thức trợ cấp trực tiếp cho ngành lâm nghiệp. Đề án tập trung vào các dịch vụ môi trường mang tính toàn cầu bao gồm bảo tồn đa dạng sinh học và hấp thụ cacbon. Tuy nhiên, đề án này chủ yếu được tài trợ bởi nguồn thu từ thuế trong nước đối với việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Ban đầu có bốn hình thức PES đã được nhận trợ cấp là bảo vệ rừng, quản lý rừng, tái trồng rừng và trồng cây. Từ năm 1997 đến năm 2002, chương trình được áp dụng trên hơn 300.000 ha rừng và tổng số tiền thu được vượt quá 80 triệu USD, trong đó 70% số tiền thu được sẽ dùng vào việc bảo vệ rừng.

Tại Mexico

Tại Mexico, người dân bản địa đa phần sống phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên, 80% diện tích đất rừng thuộc sở hữu của cộng đồng địa phương. Vì vậy, việc quản lý tài nguyên ở Mexico áp dụng phương thức dựa trên cộng đồng bao gồm bảo vệ đa dạng sinh học, lưu trữ cacbon, du lịch sinh thái, môi trường và sản xuất thân thiện. Trong các bang miền nam của Chiapas, ví dụ, hơn 300 nông dân tham gia dự án Scolelte với hình thức thanh toán trực tiếp cho người dân khi họ bảo vệ rừng giúp tăng thu nhập cho họ. Người dân cũng được nhận nhiều ưu đãi đối với các hoạt động liên quan đến khả năng thâm nhập thị trường gỗ và tích hợp hấp thụ cacbon vào sản xuất cà phê hữu cơ hoặc các sáng kiến sinh thái nông nghiệp khác.

Tại Brazil

So với Mexico, cộng đồng bản xứ tại Brazil sống phụ thuộc rất lớn vào thiên nhiên, vì vậy hoạt động sinh kế của người dân nơi đây đã gây áp lực lớn đến tài nguyên thiên nhiên. Những kinh nghiệm của Brazil liên quan đến việc mở rộng và bảo vệ quyền lợi của cộng đồng dựa vào việc quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

Các khái niệm truyền thống về bảo vệ mà không có người tham gia đang dần nhường chỗ cho quan điểm rộng hơn. Ví dụ, trong vườn quốc gia JAU - một di sản thế giới và công viên quốc gia lớn thứ hai của Brazil - mặc dù có điều luật chính thức cấm các khu định cư trong công viên quốc gia. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý này nhằm di dời cộng đồng bản địa vốn đã có từ lâu đời trong công viên này đã không được triển khai trên thực tế do đó ảnh hưởng đến công tác bảo tồn công viên và cuộc sống của cộng đồng. Để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của cộng đồng và hỗ trợ sinh kế cho người dân sống trong các khu bảo tồn (như các hoạt động thu hoạch cao su và các sản phẩm gỗ khác) thì phải kết hợp các giải pháp về pháp luật và kinh tế. Theo quy định của nhà nước Acre, ví dụ, theo Luật Chico Mendes, các hiệp hội cao su sẽ chi trả cho người dân một khoản tiền khoảng 0,20 USD/ kg cao su thu hoạch nhằm công nhận vai trò quản lý rừng của người dân và duy trì dịch vụ môi trường.

Giấy phép xả thải là loại giấy phép cấp cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, quy định mỗi một đơn vị cụ thể được phép xả thải đến một mức độ nhất định phù hợp với tiêu chuẩn môi trường tại khu vực đó. Việc phân phối giấy phép xả thải thường dựa vào mức độ ô nhiễm hoặc hiện trạng tác động môi trường của từng doanh nghiệp, đơn vị. Một số đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh muốn thải ra lượng thải lớn hơn lượng thải cho phép được quy định đối với đơn vị, cơ sở đó và một số đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh có mức xả thải thấp hơn lượng thải được phép xả theo qui định. Vì vậy, xuất hiện nhu cầu mua bán, trao đổi, chuyển nhượng giấy phép xả thải giữa các đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh trong đó, người mua là các đơn vị cần giấy phép xả thải còn người bán là các đơn vị sở hữu giấy phép xả thải và hình thành thị trường mua bán giấy phép xả thải. Thị trường này vận hành theo quy luật cung cầu như các thị trường thông thường khác, tuy nhiên hàng hóa giao dịch trên thị trường này đặc biệt hơn các thị trường khác, đó là việc mua bán các chứng chỉ hay giấy phép mang một giá trị nhất định với giá cả được định đoạt theo chủ quan, kỳ vọng và dự báo của các bên tham gia giao dịch, hay nói cách khác, giá cả của giấy phép xả thải được quyết định trên quan hệ cung cầu của thị trường.

Thị trường mua bán, chuyển nhượng giấy phép xả thải cho phép các đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh lựa chọn các phương án là mua thêm giấy phép xả thải để       tiếp tục thải hay tìm cách cải thiện chất lượng môi trường bằng cách giảm thải, từ đó tạo ra động cơ khuyến khích các đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ hạn chế hành vi gây ô nhiễm môi trường. Thông qua việc mua bán, trao đổi giấy phép xả thải chất lượng môi trường vẫn được đảm bảo đồng thời cả người mua và người bán đều có lợi.

Trong những năm gần đây, việc sử dụng giấy phép phát thải có thể chuyển nhượng như là công cụ chính sách môi trường dựa trên thị trường đã được các nhà hoạch định chính sách ngày càng quan tâm. Chính sách này cũng đã nổi lên như một công cụ kiểm soát ô nhiễm hiệu quả từ những năm 1970. Giấy phép phát thải có thể chuyển nhượng đã trở thành một phương pháp tiếp cận môi trường ngày càng được chấp nhận ở nhiều nước. Việc hình thành hạn ngạch phát thải hoặc tổng giấy phép pháp thải phù hợp với khả năng của môi trường là cách thức hiệu quả để kiểm soát ô nhiễm và đảm bảo được mục tiêu kinh tế. Công cụ này áp dụng phổ biến với nước thải và khí thải tại các nước phát triển như Mỹ, Thụy điển, Ba Lan v.v...

Ớ Mỹ, các chương trình SO2 đã cắt giảm được một lượng đáng kể khí thải SO2 với chi phí thấp hơn dự kiến và đem lại lợi ích về sức khỏe cho con người. Liên minh châu Âu đã thành lập một chương trình giao dịch thương mại cho các khí nhà kính và các nước khác như Áo, Nhật Bản, Chile, Hàn Quốc và New Zealand đang xem xét việc sử dụng các chương trình như vậy để kiểm soát ô nhiễm.

Việc áp dụng giấy phép xả thải có thể chuyển nhượng được đề cập ở một số nước như sau:

Liên minh châu Âu

Kế hoạch thương mại khí thải tại Liên minh châu Âu (hoặc EU ETS) là tổ chức có nhiều quốc gia lớn nhất và tham gia mua bán phát thải khí nhà kính tại các nước trên thế giới. Giấy phép phát thải có thể mua bán là một trong những công cụ chính sách của EU để đáp ứng mục tiêu giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính đã đề ra trong Nghị định thư Kyoto. Việc áp dụng mua bán giấy phép phát thải thực hiện tự nguyện tại Vương quốc Anh và Đan Mạch, trong giai đoạn 1 vào đầu năm 2005 có 15 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu tham gia, cho đến nay có 25/27 quốc gia thanh viên EU tham gia. Các chương trình cắt giảm CO2 có áp dụng với các nhà máy         điện và nhà máy cabon chuyên sâu và bao gồm gần một nửa (46%) thành         viên của EU phải cắt giảm. Giai đoạn đầu của chương trình cắt giảm phát thải CO2 cho phép các tổ chức tham gia giao dịch với nhau và trong khoản tín dụng xác nhận thông qua Nghị định thư Kyoto của Cơ chế phát triển sạch.

EU ETS sẽ làm tăng lượng phát thải ước tính đạt được trong hai năm hoạt động đầu tiên là 50-100 MtCO2/ năm. Theo một công bố từ Ủy ban châu Âu, đầu năm 2008 Na Uy, Iceland, và Lichtenstein, gia nhập hệ thống thương mại khí thải Liên minh châu Âu (EU ETS). Bộ Môi trường Na Uy cũng đã phát hành bản dự thảo Kế hoạch quốc gia phân bổ chương trình mua bán phát thải cacbon với tổng lượng giao dịch là 15 triệu tấn CO2, trong đó 8 triệu tấn CO2 được thiết lập để bán đấu giá. Theo Báo kinh tế của OECD, một cuộc khảo sát của Na Uy năm 2010, các quốc gia đã công bố mục tiêu từ năm 2008 đến năm 2012 là 10% các quốc gia EU cam kết theo Nghị định thư Kyoto và cắt giảm được 30% so với năm 1990 vào năm 2020.

Tại Trung Quốc

Nằm ở miền Đông Trung Quốc, Giang Tô là một tỉnh có nền kinh tế tương đối phát triển và tổ chức quản lý tương đối hiệu quả. Lượng phát thải khí SO2 trong tỉnh là rất lớn lên đến 1,2 triệu tấn trong năm 2000 và đã gây hiện tượng mưa axit có tác động nghiêm trọng đến khu vực. Để kiểm soát lượng khí thải SO2 và đạt tổng số hạn ngạch TEC (1 triệu tấn) được qui định bởi Chính phủ, Giang Tô đã áp dụng một chương trình mua bán phát thải nhằm thúc đẩy hiệu quả giảm phát thải SO2 trong ngành điện do đây là ngành gây phát thải SO2 lớn nhất trong tỉnh.

Tại Nhật Bản

Thành phố Tokyo của Nhật Bản tiêu thụ năng lượng rất lớn và có ngành năng lượng đóng góp giá trị lớn vào GDP. Tokyo tiêu thụ năng lượng nhiều bằng toàn bộ quốc gia ở Bắc Âu, và sản xuất ra sản phẩm tương đương với GDP của 16 đất nước lớn nhất thế giới". Giai đoạn đầu tiên của chương trình cắt giảm phát thải khí nhà kính của Nhật Bản đến 2014, các tổ chức tiêu thụ năng lượng sẽ phải cắt giảm lượng khí thải cacbon xuống còn 6%. Từ năm 2011, những tổ chức hoạt động xả thải khí không tự xử lý hoặc giảm thiểu khí thải của mình sẽ được yêu cầu mua các chứng nhận phát thải khí thải vượt quá hoặc bằng với lượng phát thải cho phép, hoặc bằng cách khác là đầu tư vào Giấy chứng nhận năng lượng tái tạo. Các công ty, tổ chức không tuân thủ sẽ bị phạt tiền. Mục tiêu dài hạn của chương trình cắt giảm phát thải khí là cắt giảm khí thải cacbon của đô thị xuống 25% từ năm 2000 đến năm 2020.

Sửa đổi lần cuối Thứ tư, 20 Tháng 8 2014 07:20