In trang này
Thứ hai, 23 Tháng 6 2014 00:00

An ninh lương thực thế giới giai đoạn 2014 - 2022

I. Tổng quan tình hình an ninh lương thực của các nước có thu nhập thấp:

1. Tình hình chung: 

Trong khi đang vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế từ 4 năm nay, thế giới lại bị bóng ma của cuộc khủng hoảng lương thực ám ảnh. An ninh lương thực trở nên vô cùng cấp bách trong những năm gần đây cho hơn 7 tỉ người trên thế giới. Có lẽ hơn lúc nào hết, thế giới đã nhận thức rõ ràng một nguy cơ mới ngày càng hiện hữu, đó là một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu rất có thể xảy ra trong tương lai không xa, đặc biệt khi dân số thế giới đang tiến nhanh tới mốc 9 tỉ vào năm 2050. 

Cùng với các cuộc khủng hoảng chính trị hay khủng hoảng kinh tế, thời gian gần đây trên các diễn đàn quốc tế, người ta nhắc nhiều đến cụm từ “khủng hoảng lương thực”. Mặc dù, hiện nay, cả thế giới chưa rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng như trong hồi năm 2007-2008 này nhưng đây là một nguy cơ có thể trở lại bất cứ lúc nào nếu các quốc gia và cộng đồng quốc tế không nhanh chóng phối hợp hành động để đối phó với tình trạng giá lương thực đang tăng cao.

Mới đây, Tổ chức Nông Lương của Liên Hợp Quốc, Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế và Chương trình Lương thực Thế giới đã ra tuyên bố chung kêu gọi các nước và cộng đồng quốc tế nhanh chóng phối hợp hành động để đối phó với tình trạng giá lương thực tăng cao, có nguy cơ trở thành thảm họa đối với hàng chục triệu người trên phạm vi toàn cầu. Tuyên bố chung của các cơ quan này cho biết thị trường lương thực thế giới đang trong tình trạng hết sức đáng lo ngại, khi giá ngô, lúa mì và đỗ tương tăng tới 40%, trong khi nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp chủ chốt trên thế giới như Mỹ, Ấn Độ, Kazakhstan, Nga và Ukraine đang bị thiệt hại nặng do điều kiện thời tiết không thuận lợi, làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ tái diễn cuộc khủng hoảng lương thực năm 2007-2008.

Các diễn đàn quốc tế diễn ra thời gian gần đây cũng đưa vấn đề an ninh lương thực lên hàng đầu trong các chương trình nghị sự và kêu gọi sự chung tay của cộng đồng quốc tế để tránh một cuộc khủng hoảng lương thực có thể xảy ra. Thông cáo chung tại Hội nghị cấp cao toàn cầu về Nông nghiệp, An ninh lương thực và Biến đổi khí hậu vừa diễn ra tại Hà Nội nhấn mạnh: An ninh lương thực đã, đang và sẽ là vấn đề quan trọng đối với cộng đồng quốc tế, khi mà sản lượng lương thực toàn cầu phải tăng ít nhất 70% vào năm 2050 để đủ nuôi sống 9 tỉ người trên thế giới. Các quốc gia cần phải chung tay hợp tác hành động hơn nữa để đảm bảo an ninh lương thực và ứng phó biến đổi khí hậu.

Tại kỳ họp hàng năm lần thứ 33 diễn ra tại Rome, Italia, Ủy ban an ninh lương thực thế giới CFS đã đưa ra một bản đánh giá mới về tình hình an ninh lương thực thế giới. Theo đó, CFS đã nêu ra những phân tích của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc FAO về ảnh hưởng của các nhân tố như giá lương thực, nhu cầu sản xuất năng lượng sinh học, chi phí thức ăn chăn nuôi, giá dầu lửa và sự biến đổi khí hậu đến tình hình an ninh lương thực thế giới. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, trong số 34 quốc gia hiện đang phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp về lương thực thì có tới hơn một nửa số nước với nguyên nhân chủ yếu là do xung đột, nội chiến. Xung đột và nội chiến đã ảnh hưởng trực tiếp tới sự ổn định của các nguồn cung cấp lương thực, tới sức khoẻ cộng đồng trên quy mô rộng. Báo cáo đưa ra những xem xét, đánh giá về tình hình an ninh lương thực thế giới hiện nay theo ba khía cạnh chính của an ninh lượng thực, đó là: tính sẵn có, tính tiếp cận và tính ổn định.

Những thách thức, cơ hội đi kèm với trợ cấp lương thực và một số giải pháp hỗ trợ để đảm bảo an ninh lương thực một cách bền vững cũng được đề cập trong báo cáo này. Bối cảnh chung theo ước tính, hiện có khoảng 854 triệu người trên thế giới đang sống trong tình trạng nghèo đói, trong đó có 9 triệu người ở các nước công nghiệp, 25 triệu người ở các nước đang trong thời kỳ quá độ và 820 triệu người ở các nước đang phát triển. Tình trạng trì trệ trong cuộc chiến chống đói nghèo thể hiện rất rõ ở các vùng thuộc châu Á - Đại Tây Dương, Mỹ La tinh - Caribê, biểu hiện cả về số lượng cũng như tỷ lệ số người thiếu đói so với giai đoạn trước đây. Nhìn chung, tốc độ giảm đói nghèo chưa đạt mục tiêu đặt ra đến năm 2015 do Hội nghị thượng đỉnh thế giới về an ninh lương thực tổ chức năm 1996. Đánh giá những chỉ tiêu về an ninh lương thực sự sẵn có và ổn định của nguồn cung theo tính toán của FAO, sản lượng lương thực có hạt thế giới năm 2006 là dưới 2 tỷ tấn, giảm 2,7% so với năm trước nhưng vẫn ở mức trên trung bình. Về cơ cấu, sản lượng lúa mỳ giảm nhiều nhất, sau đó là ngũ cốc thô, trong khi sản lượng lúa gạo chỉ giảm nhẹ. Sản lượng ngũ cốc giảm trong năm 2006 chủ yếu ở những nước sản xuất và xuất khẩu chính.

Trong báo cáo công bố, Sáng kiến Thu hoạch toàn cầu GHI - một tổ chức tư vấn về chính sách công liên quan tới lĩnh vực lương thực, nông nghiệp và công nghệ, có trụ sở tại Washington của Mỹ, đã kêu gọi các nước tăng cường đầu tư vào châu Á và châu Phi nhằm tăng sản lượng lương thực ở hai khu vực này, trong bối cảnh an ninh lương thực trên thế giới ngày càng bất ổn đẩy hàng triệu người trong khu vực vào cảnh thiếu ăn.

Báo cáo hàng năm lần thứ ba của GHI nhấn mạnh vào năm 2050, khu vực Nam sa mạc Sahara ở châu Phi chỉ có thể đáp ứng được 13% tổng nhu cầu lương thực, trong khi Đông Á chỉ đáp ứng 74% nhu cầu này, nếu các lĩnh vực như công nghệ và cơ sở hạ tầng không được đầu tư và cải thiện.

Cùng thời điểm này, Trung Đông và Bắc Phi sẽ chỉ đáp ứng được 83% nhu cầu lương thực, với điều kiện khu vực này vẫn duy trì chỉ số TFP - phản ánh số lượng tất cả các đầu ra và số lượng tất cả các đầu vào, như hiện nay. Trong khi đó, khu vực Mỹ Latinh và Caribe được dự báo sẽ sản xuất được lượng lương thực dư thừa vào năm 2050 nếu chỉ số TFP hiện nay không thay đổi. Tuy nhiên, nếu chú trọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tiếp tục nâng cao sản lượng lương thực, khu vực này có triển vọng trở thành một nhà xuất khẩu lương thực lớn. Đông Âu và các nước thuộc Liên Xô trước đây cũng được đánh giá là có tiềm năng sản xuất lương thực rất lớn, mặc dù sản lượng hiện tại tương đối thấp.

Theo báo cáo, nhu cầu lương thực ở châu Á tăng cao và vượt quá khả năng cung ứng là do thu nhập của người dân tăng. Nhu cầu lương thực của châu lục này dự kiến tăng 3,64% mỗi năm trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2030. Riêng khu vực Nam và Đông Nam Á, nhu cầu lương thực ước tính tăng 2,75% mỗi năm.

Một số chỉ số FAO sử dụng để đánh giá tình hình an ninh lương thực thế giới Chỉ tiêu đầu tiên là tỷ lệ dự trữ lương thực cuối vụ dành cho tiêu dùng của thế giới trong vụ sau. Tỷ lệ của niên vụ 2006/07 giảm còn 19,4% so với gần 23% của vụ trước và vẫn thấp hơn 28% so với đầu thập niên. Chỉ số thứ hai là khả năng đáp ứng nhu cầu nhập khẩu thế giới về lúa mỳ và ngũ cốc thô, nhằm đáp ứng nhu cầu bình thường của thị trường. Chỉ số này phản ánh nguồn cung về lương thực, bằng sản lượng sản xuất cộng dự trữ đầu vụ và nhập khẩu. Chỉ số thứ ba là tỷ lệ dự trữ cuối vụ của các nhà xuất khẩu chính, quy lương thực, trên tổng số tiêu thụ. Chỉ số thứ tư, một chỉ số quan trọng thể hiện sự biến đổi theo năm của tình hình cung hay sự thay đổi về sản lượng, cho biết quy mô thay đổi trên toàn cầu và đối với tất cả các loại cây lương thực. Thực tế cho thấy, nhóm các nước có thu nhập thấp còn nhiều bất ổn trong thay đổi nguồn cung và mức sản lượng đã gây ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình an ninh lương thực thế giới. Nhóm 3 chỉ số đầu dùng để phản ánh tỷ lệ dự trữ và nguồn cung cho xuất khẩu. Theo đó, các chỉ số này cho thấy tình hình chung là thị trường lương thực vẫn trong tình trạng khan hiếm, đặc biệt là khi so sánh với vụ trước. Trong khi đó, triển vọng có thể sáng sủa hơn ở chỉ số nguồn cung cấp thông qua kết quả sản xuất. Tuy nhiên, trên quy mô quốc tế, giá cả lương thực và những thay đổi của nó được xem là biểu đồ tốt nhất cho biết chiều hướng phát triển của quan hệ cung cầu. Khả năng tiếp cận năm 1990, trên thế giới có hơn 1,2 tỷ người tương ứng với 28% dân số ở các nước đang phát triển sống dưới mức nghèo khổ. Đến năm 2002, tỷ lệ này giảm còn 19%, nhờ công cuộc xoá đói, giảm nghèo được đẩy mạnh, cho tới nay, bức tranh nghèo đói của thế giới đã có sự khác biệt lớn trên quy mô khu vực. Hơn 10 năm qua, tỷ lệ nghèo giảm mạnh ở phần lớn các nước châu Á, nơi mà số người có mức sống chưa đầy 1 USD/ngày đã giảm gần 1/4. Nhưng quá trình này diễn ra không mạnh ở Mỹ La tinh và Caribe, hiện nay, tại đây, tỷ lệ người nghèo đói cao hơn so với Đông Á và châu Đại Dương.

Tỷ lệ nghèo đói ở Tây Á và Bắc Phi gần như không đổi từ năm 1990 đến 2010 và còn có xu thế tăng ở những nền kinh tế đang trong giai đoạn quá độ ở Đông Nam châu Âu và các nước thuộc khối thịnh vượng chung. Xu thế giảm đói nghèo trên quy mô toàn cầu thể hiện rõ ở tốc độ tăng trưởng mạnh tại Trung Quốc, Đông Á và Thái Bình Dương. Hơn 20 năm qua, nghèo đói cũng đã giảm ở Nam Á nhưng tốc độ giảm không nhiều. Ngược lại, ở vùng cận sa mạc Sahara, nơi GDP đầu người giảm 14%, tỷ lệ nghèo đói tăng từ 41% năm 1981 lên 46% vào năm 2001 và hiện có thêm khoảng 150 triệu người sống ở mức đói nghèo. Ở các vùng khác có rất ít hoặc không thay đổi. Một đặc điểm chung là phần lớn người nghèo sống ở vùng nông thôn và nghèo đói cũng tập trung tại đây. Vì thế, không có sự suy giảm nghèo đói nào đáng kể nếu không tập trung vào phát triển nông nghiệp và nông thôn.

Tính chung, tình trạng mất an ninh lương thực đối với 76 nước dự báo sẽ xấu đi trong thập niên tới. Số người bị mất an ninh lương thực được dự báo sẽ tăng lên mức 868 triệu người, nhanh hơn tốc độ gia tăng dân số được dự báo là 16%, nâng tỷ lệ số người bị mất an ninh lương thực ở các nước này từ mức 20,4% lên 21,5%. Mức thiếu hụt lương thực phân phối dự báo sẽ tăng 28% vào năm 2023, cho thấy có sự gia tăng phần nào về mức độ mất an ninh lương thực ở các nước được khảo sát này trong 10 năm tới.

Tình hình an ninh lương thực xấu đi xảy ra chủ yếu ở khu vực Cận Xahara Châu Phi, là khu vực duy nhất được dự báo sẽ có mức tăng số người mất an ninh lương thực cao hơn mức tăng dân số trong 10 năm tới. Số người bị mất an ninh lương thực ở khu vực Cận Xahara Châu Phi được dự báo sẽ tăng từ mức khoảng 254 triệu người trong năm 2013 lên mức 373 triệu người vào năm 2023, và tỷ lệ dân số bị mất an ninh lương thực dự báo sẽ tăng từ mức 30% lên mức gần 34% trong cùng thời kỳ trên. Trong khi khu vực này được dự báo sẽ chiếm 27% tổng dân số 76 nước được đề cập vào năm 2023 thì dự báo nó sẽ chiếm 43% tổng số người bị mất an ninh lương thực.

      Mức thiếu hụt lương thực phân phối của khu vực Cận Xahara Châu Phi được dự báo sẽ tăng 45%, gần bằng mức dự báo tăng số người mất an ninh lương thực, có nghĩa là mức độ sâu sắc của tình trạng mất an ninh lương thực sẽ vẫn gần như không thay đổi. Tuy nhiên, có sự khác biệt đáng kể trong khu vực này. ở 15 trong số 39 nước của khu vực, mức tiêu dùng lương thực tính theo đầu người được dự báo sẽ vượt chỉ tiêu dinh dưỡng đối với 80% hoặc trên 80% dân số trong năm 2023.

Tình hình an ninh lương thực được dự báo sẽ vẫn ổn định ở khu vực Châu á, nơi tỷ lệ dân số bị mất an ninh lương thực dự báo sẽ vẫn ở mức dưới 18%. Những nước có an ninh lương thực nhất trong khu vực là Việt Nam, Lào, Mông Cổ và Pakistan, nơi trên 90% dân số có mức tiêu dùng lương thực bằng hoặc cao hơn chỉ tiêu dinh dưỡng. Tuy nhiên, ở Afghanistan, mặc dù mức tiêu dùng tính theo đầu người dự báo sẽ tăng, song dự báo có đến 90% dân số sẽ vẫn bị mất an ninh lương thực vào năm 2023.

Sự cải thiện tình hình an ninh lương thực dài hạn lớn nhất được dự báo ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe, nơi tỷ lệ dân số bị mất an ninh lương thực được dự báo sẽ giảm từ gần 31% xuống còn khoảng 25% trong 10 năm tới. Dự báo mức thiếu hụt lương thực phân phối sẽ có sự thay đổi lớn hơn, giảm trên 25%, cho thấy sự suy giảm cường độ của tình trạng mất an ninh lương thực. Những nước góp phần đạt kết quả này là Colombia, Cộng hoà Dominican, En Xanvado, Haiti, Nicaragoa và Ecuado, phần lớn các nước này dự báo có khu vực xuất khẩu phát triển khiến khả năng nhập khẩu lương thực được cải thiện. Tuy nhiên, tình trạng mất an ninh lương thực ở Haiti dự báo sẽ vẫn nghiêm trọng, với khoảng 70% dân số có mức tiêu dùng dưới chỉ tiêu dinh dưỡng vào năm 2023.

Bắc Phi là khu vực có an ninh lương thực nhất trong báo cáo này. Ước tính không có thay đổi về an ninh lương thực ở khu vực này trong năm 2012 với giả thiết không có thay đổi đáng kể về tình hình kinh tế hoặc mức sản xuất trong nước ở Bắc Phi. Tuy nhiên an ninh lương thực khu vực Bắc Phi là do đối tượng chịu rủi ro bởi môi trường chính trị không ổn định. Ở khu vực Mỹ la tinh và Caribe, số người mất an ninh lương thực và mức thiếu hụt lương thực dự tính tăng trong năm 2012, song chỉ tăng nhẹ. Điều này chủ yếu do dự tính giá lương thực tăng, thu nhập từ xuất khẩu giảm do nhu cầu suy yếu ở các nước bạn hàng đối tác thương mại và bất ổn chính trị tiếp tục diễn ra ở Haiti.

Cứ 4 người tại châu Phi thì có 1 người bị suy dinh dưỡng, và 90% sản lượng lương thực của khu vực cận sa mạc Sahara châu Phi phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước mưa. Điều này làm cho việc sản xuất nông nghiệp tại khu vực này dễ bị ảnh hưởng do sự thay đổi điều kiện thời tiết. Thay đổi của môi trường đã khiến thời tiết biến đổi và tác động nghiêm trọng đến an ninh lương thực, đặc biệt tại khu vực dễ bị tổn thương nhất của châu Phi, khu vực cận sa mạc Sahara châu Phi chiếm phần lớn trong số này. Tại các nước đang phát triển ở châu Phi, nông nghiệp vẫn là khu vực kinh tế lớn nhất, do đó các thỏa thuận quốc tế về nông nghiệp là rất quan trọng trong việc duy trì các mục tiêu an ninh lương thực của quốc gia. Những lo ngại này đã khiến các thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới WTO đưa ra khuyến cáo về đàm phán thương mại đối với các hiệp định nông nghiệp, từ đó cho phép các nước đang phát triển được đánh giá lại và tăng thuế trên các sản phẩm chủ chốt nhằm đảm bảo an ninh quốc gia và việc làm. Toàn cầu hóa khiến cho các nước được hưởng lợi từ dòng vốn luân chuyển, chuyển giao công nghệ, nhập khẩu rẻ hơn và thị trường xuất khẩu lớn hơn về dài hạn. Tác động của toàn cầu hóa phụ thuộc và mức độ phát triển kinh tế, cấu trúc từng nước trong giai đoạn thực hiện toàn cầu hóa và tính linh hoạt của nền kinh tế. Toàn cầu hóa đi cùng với tự do hóa thị trường....

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm. 

Sửa đổi lần cuối Thứ hai, 17 Tháng 11 2014 01:58