In trang này
Thứ hai, 26 Tháng 5 2014 00:00

Quy trình kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp trong kiểm toán

1. Đặc điểm kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp

Kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp có một số đặc điểm cơ bản sau:

Thứ nhất, kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp là một sự kết hợp chặt chẽ giữa kiểm toán thông tin, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hiệu quả và kiểm toán hiệu năng trong cùng một cuộc kiểm toán.

Trong kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp, quá trình kiểm toán tập trung chủ yếu vào việc xác định tính trung thực, hợp lý của các thông tin về giá trị của tài sản, vốn, các khoản nợ phải thu, nợ phải trả. Bên cạnh đó, kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp còn đánh giá về tính hiệu quả, hiệu năng và hiệu lực  của quá trình  xác định  giá trị  doanh nghiệp phục  vụ  cho các đối tượng quan tâm. Hơn nữa, với những đặc điểm riêng của hoạt động thẩm định giá nói chung và của xác định giá trị doanh nghiệp nói riêng thì quá trình thực hiện được quy định một cách chặt chẽ về trình tự thực hiện, về phương pháp định giá, về căn cứ thực hiện, về biểu mẫu báo cáo... trong các văn bản pháp luật. Ngoài ra, hoạt động xác định giá trị doanh nghiệp còn có sự quy định cụ thể về các tiêu chuẩn thẩm định giá, các tiêu chuẩn đánh giá cụ thể đã được xác định trước khi tiến hành. Do đó, việc xem xét tính tuân thủ đối với các chính sách, các văn bản pháp luật có liên quan là một vấn đề quan trọng cần phải tiến hành trong kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp. Vì vậy, kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp là một sự kết hợp chặt chẽ giữa các loại kiểm toán trên là một tất yếu;

Thứ hai, kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp có đặc điểm nổi bật là kiểm toán tuân thủ.

Trong hoạt động  thẩm định  giá nói chung, hoạt động  xác định  giá trị doanh nghiệp nói riêng có những đặc điểm khác biệt với các lĩnh vực khác như để tiến hành hoạt động xác định giá trị phải tiến hành theo các bước công việc đã được quy định chặt chẽ từ khâu khảo sát ban đầu đến việc lập và trình bày báo cáo kết quả xác định giá trị doanh nghiệp. Quá trình tiến hành định giá luôn phải tuân thủ theo các tiêu chuẩn thẩm định giá đã được Bộ Tài chính ban hành để đảm bảo chất lượng của hoạt động. Chính vì vậy, KTV khi thực hiện cần phải nắm bắt được các quy định của lĩnh vực này để làm căn cứ đánh giá hoạt động xác định giá trị doanh nghiệp.

Thứ ba, nội dung kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp có những điểm khác với nội dung kiểm toán tài chính.

Nội  dung của kiểm toán BCTC tập trung chủ yếu vào các yếu tố cấu thành  BCTC là  các khoản  mục  hoặc các chu trình  tài chính trong doanh nghiệp. Trong khi đó, nội dung kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp lại tập trung vào việc xác định tính trung thực hợp lý của thông tin về giá trị doanh nghiệp được xác định  phù hợp với Pháp lệnh  về giá. Đồng thời, kiểm toán tiến hành xem xét, đánh giá việc tuân thủ các tiêu chuẩn về thẩm định giá đã được ban hành trong quá trình xác định giá trị doanh nghiệp;

Thứ tư, kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp có một đặc trưng riêng là không có khái niệm “cuộc kiểm toán năm sau” và “hoạt động liên tục”.

Hoạt động xác định giá trị doanh nghiệp có đặc điểm nổi bật là chỉ tiến hành một lần đối với một doanh nghiệp và gắn với từng thời điểm hoạt động của doanh nghiệp. Chính vì vậy, chu kỳ thực hiện không lặp lại như đối với hoạt động SXKD và kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp cũng chỉ diễn ra trong một năm tài chính duy nhất. Điều này đặt ra vấn đề là KTV luôn phải nắm bắt sự thay đổi trong hệ thống văn bản pháp lý và các vấn đề mới trong hoạt động thẩm định giá để có khả năng giải quyết các công việc cho phù hợp. Ngoài ra, trong quá trình kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp cũng không đánh giá về khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp vì nếu không tiến hành sáp nhập, mua bán hoặc cổ phần hóa thì doanh nghiệp vẫn hoạt động theo loại hình doanh nghiệp cũ. Còn nếu doanh nghiệp có tiến hành hoạt động sáp nhập, mua bán, phá sản hoặc cổ phần hóa sau khi xác định giá trị doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ hoạt động theo loại hình doanh nghiệp mới hoặc không còn tồn tại;

Thứ năm, trong kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp không chỉ tiến hành tìm hiểu và đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị định giá mà còn đánh giá hoạt động kiểm soát chất lượng định giá.

Do hoạt động xác định giá trị doanh nghiệp được tiến hành chủ yếu bởi các tổ chức thẩm định giá hoặc các công ty kiểm toán vì vậy việc đánh giá về hệ thống kiểm soát nội bộ đối với các đơn vị này cần kết hợp với việc đánh giá hoạt động kiểm soát chất lượng định giá. Việc kết hợp này là do các đơn vị này phải xây dựng một hệ thống kiểm soát nội bộ chặt chẽ và phải tuân thủ đúng các quy định trong đăng ký hành nghề định giá. Ngoài ra, việc tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp chủ yếu là xem xét việc chấp hành các quy định của chuẩn mực, của chế độ  hiện hành, cũng như quy trình  xác định  giá trị doanh nghiệp và cả căn cứ để tiến hành định giá. Chính vì vậy, KTV cần quan tâm nhiều hơn đến việc kiểm soát chất lượng hoạt động định giá của chính đơn vị tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp thay vì đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị định giá;

Thứ sáu, Quá trình đánh giá trọng yếu trong kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp cũng có những điểm khác biệt với kiểm toán tài chính.

Hoạt động  xác định  giá trị  doanh nghiệp cũng chứa  đựng nhiều rủi ro tiềm ẩn trong quá trình thực hiện như áp dụng phương pháp định giá không phù hợp, xác định căn cứ định giá không đúng... làm sai lệch giá trị doanh nghiệp. Bên cạch đó, do đặc thù của hoạt động xác định giá trị doanh nghiệp tại mỗi đơn vị, mỗi thời điểm khác nhau làm cho việc đánh giá tính trọng yếu cho từng cuộc kiểm toán cũng khác nhau. Ngoài ra, kết quả của hoạt động xác định  giá trị  doanh nghiệp cung cấp các thông tin cần thiết phục  vụ  việc ra quyết định mua bán, sáp nhập, giải thể doanh nghiệp của những người quan tâm. Chính vì vậy, việc đánh giá tính trọng  yếu cần thận trọng hơn đối với kiểm toán tài chính.

Thứ bảy, việc vận dụng các phương pháp, kỹ thuật thu thập bằng chứng trong kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp có những điểm đặc thù riêng.

Trong kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp, liên quan nhiều đến kiểm toán tuân thủ và kiểm toán thông tin, đồng thời hoạt động này chứa đựng rủi ro tiềm tàng cao vì vậy KTV chủ yếu tiến hành kiểm toán toàn diện mà không áp dụng  kỹ thuật chọn  mẫu. Ngoài ra, khi thực hiện xác định  giá trị  doanh nghiệp thì việc tuân thủ trình tự, các chuẩn mực thẩm định giá cũng như các văn bản pháp luật  hiện hành luôn  được  đặt ra. Do đó, việc vận dụng  các phương pháp kỹ thuật trong từng giai đoạn kiểm toán cũng có những điểm khác nhau. Trong quá trình kiểm toán thì việc sử dụng thử nghiệm tuân thủ thường xuyên hơn so với thử nghiệm cơ bản vì chủ yếu tập trung đánh giá hoạt động xác định giá trị doanh nghiệp có trung thực hợp lý với phương pháp đang áp dụng hay không. Thử nghiệm cơ bản chủ yếu được dùng để thu thập các bằng chứng nhằm xác định giá trị của doanh nghiệp sau khi được đánh giá có sát với thực tế hay không. Như vậy có thể thấy việc vận dụng các phương pháp kỹ thuật có những đặc điểm nổi bật:

- Sử dụng thử nghiệm tuân thủ là chủ yếu trong tất cả các giai đoạn của cuộc kiểm toán;

- Thử nghiệm cơ bản chủ yếu được sử dụng là kỹ thuật kiểm tra tài liệu, phân tích, đánh giá, tính toán, phỏng vấn, xác nhận còn các kỹ thuật kiểm kê, quan sát ít được áp dụng để thu thập bằng chứng.

- Kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp luôn là kiểm toán toàn diện mà không tiến hành chọn mẫu.

Thứ  tám, các bằng chứng  kiểm toán trong kiểm toán xác định  giá trị doanh nghiệp có những điểm khác biệt với kiểm toán tài chính.

Trong kiểm toán, bằng chứng phải đảm bảo sức thuyết phục thì ý kiến mà KTV đưa ra mới đáng tin cậy được. Tuy nhiên, trong kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp có một đặc điểm là việc xác định giá trị doanh nghiệp dựa rất nhiều vào việc xác định  thông tin của từng yếu tố cấu thành giá trị doanh nghiệp như giá trị TSCĐ, hàng tồn kho, các khoản nợ phải thu, nợ phải trả… Các yếu tố này cần được xác định dựa vào quy định của chuẩn mực và chế độ tài chính, kế toán hiện hành đồng thời dựa vào giá thị trường để đánh giá. Chính vì vậy, các bằng chứng mà KTV thu thập được trong việc kiểm tra, đánh giá lại công việc mà các thẩm định viên đã tiến hành đó là: các bằng chứng càng được đảm bảo kiểm soát chặt chẽ đúng theo chuẩn mực, chế độ và càng sát với giá thị trường thì càng đáng tin cậy.

Thứ chín, trong kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp có đặc điểm nổi bật là tính phức tạp trong việc định giá.

Tính phức tạp thể hiện trên khía cạnh xác định giá cơ sở làm căn cứ đánh giá và sự phản ánh trung thực về giá trị của doanh nghiệp trong các tài liệu của đơn vị được định giá. Cụ thể:

- Trước hết, căn cứ đầu tiên để kiểm toán chính là xem xét các văn bản pháp lý được dùng làm cơ sở để tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong việc xác định giá trị doanh nghiệp lại có nhiều văn bản quy định và tại mỗi thời kỳ lại có những nét đặc thù. Do đó, KTV cần xác định sự phù hợp của các văn bản pháp lý làm cơ sở xác định giá trị doanh nghiệp về mặt thời điểm và với đơn vị được xác định giá trị doanh nghiệp.

- Hai là, việc xác định giá thị trường làm căn cứ đánh giá cũng gặp nhiều khó khăn vì hiện nay tại Việt Nam chưa có một ngân hàng lưu trữ đầy đủ các thông tin về giá trị các loại tài sản, hàng hóa hiện có trên thị trường. Chính vì vậy, để xác định được một giá trị hợp lý cho doanh nghiệp là một vấn đề phức tạp cần phải xem xét trên nhiều khía cạnh.

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm. 

Sửa đổi lần cuối Thứ sáu, 14 Tháng 11 2014 03:41