In trang này
Thứ hai, 22 Tháng 9 2014 00:00

Tổng quan về chính sách thuế nhà ở, đất ở

1. Thuế nhà ở, đất ở

1.1. Khái niệm thuế nhà ở, đất ở

Có nhiều quan niệm về thuế với các mục đích, hàm ý mô tả khác nhau. Nhưng nhìn chung, thuế được hiểu là khoản đóng góp bắt buộc của các tổ chức, cá nhân cho nhà nước theo mức độ và thời hạn do pháp luật quy định và thuế được sử dụng cho các mục đích công cộng theo các chương trình, kế hoạch chi tiêu của nhà nước. Khoản đóng góp này được lấy ra từ kết quả hoạt động kinh tế của các đối tượng nộp thuế, hoặc có thể được lấy từ một phần lợi ích mà họ được hưởng. Để thực hiện quá trình tái sản xuất mở rộng, thu nhập được thể hiện qua những hình thái khác nhau, tương ứng với những hình thái đó, Nhà nước thường sử dụng các loại thuế khác nhau để quản lý, điều tiết tất cả các khoản thu nhập, cũng như quá trình vận động của thu nhập và các dạng tồn tại khác nhau của thu nhập.

Theo hai nhà kinh tế học người Anh, Christopher Pass và Bryan Lowes: “Thuế là một biện pháp của chính phủ đánh trên thu nhập và vốn nhận được của cá nhân hay doanh nghiệp; trên việc chi tiêu về hàng hóa, dịch vụ và trên tài sản”. Khái niệm này đã chỉ ra các đối tượng đánh thuế là các dạng tồn tại khác nhau trong quá trình vận động của thu nhập, đó là thu nhập nhận được, thu nhập sử dụng cho tiêu dùng các hàng hoá, dịch vụ và thu nhập đã được tài sản hoá.

Các hình thức thuế đánh vào các dạng tồn tại của thu nhập nêu trên còn được thể hiện rất rõ ở cách phân loại thuế căn cứ vào sự biến đổi hình thái thu nhập trong quá trình vận động hay căn cứ vào đối tượng tính thuế. Theo cách phân loại này, thuế được chia thành ba loại xét trên góc độ lý thuyết:

- Thuế thu nhập: đánh vào các khoản thu nhập nhận được của các đối tượng nộp thuế trong kỳ tính thuế;

- Thuế tiêu dùng: đánh vào phần thu nhập dành cho chi tiêu hàng hoá, dịch vụ của các đối tượng tiêu dùng chịu thuế;

- Thuế tài sản: đánh vào tài sản chịu thuế của các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Loại thuế này thường căn cứ vào giá trị của tài sản để tính thuế.

Hình thức thuế đầu tiên phải kể đến là thuế đánh vào đất đai, bởi vì, đất đai là tài sản có giá trị nhất, có tính cố định, dễ nhìn nhận và dễ đánh thuế nhất. Dần dần, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, các loại tài sản khác phát sinh nhiều hơn và thuế không những đánh vào đất đai mà còn đánh vào các tài sản có giá trị khác như nhà ở. Các sắc thuế liên quan đến nhà ở, đất ở thường có nhiều hình thức khác nhau, có các tên gọi khác nhau tuỳ thuộc vào chính sách thuế của các quốc gia. Ngày nay, thuế đánh vào nhà ở, đất ở được áp dụng rộng rãi ở các quốc gia, nhất là các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển. Tuy nhiên, trong thực tiễn, có những ý kiến không đồng nhất với nhau về tính hợp lý của việc đánh thuế vào nhà ở, đất ở. Các ý kiến phản bác việc đánh thuế vào nhà ở, đất ở cho rằng, nhà ở, đất ở là một dạng tồn tại của thu nhập, việc đánh thuế vào nhà ở, đất ở sẽ gây ra sự trùng lặp trong đánh thuế đối với cùng một khoản thu nhập. Mặc dù vậy, có rất nhiều ý kiến ủng hộ nhiệt thành việc đánh thuế vào nhà ở, đất ở và trên thực tế, ở tất cả các nước, loại thuế đánh vào nhà ở, đất ở đã và đang được áp dụng rộng rãi.

1.2. Đặc điểm của thuế nhà ở, đất ở

Ngoài các đặc điểm chung của thuế mà bất kỳ một loại thuế nào đều có, mỗi loại thuế còn có các đặc điểm riêng của mình. Các đặc điểm này được thể hiện trong việc thiết kế chính sách thuế và trong những tác động của chúng đến các điều kiện kinh tế - xã hội khi thực thi chúng. Nắm bắt và hiểu được các đặc điểm cơ bản của thuế nhà ở, đất ở cũng như các tác động cụ thể của loại thuế này trong nền kinh tế - xã hội là một căn cứ quan trọng cho việc hoạch định và thực thi và phân tích chính sách thuế này. Thuế nhà ở, đất ở có một số đặc điểm cơ bản sau đây:

a). Thuế nhà ở, đất ở là thuế trực thu

Thuế đánh vào nhà ở, đất ở là thuế trực thu bởi vì chủ thể có quyền đối với nhà ở, đất ở là các đối tượng phải nộp khoản thuế này và số thuế họ phải nộp được trích ra từ các khoản lợi ích họ nhận được do việc sở hữu hoặc sử dụng nhà ở, đất ở

chịu thuế. Đặc điểm trực thu của thuế đánh vào nhà ở, đất ở còn được hiểu theo khía cạnh về khả năng chuyển dịch gánh nặng thuế. Do chủ thể nộp thuế không có khả năng chuyển dịch gánh nặng về thuế cho đối tượng khác, họ phải trực tiếp nộp thuế. Tuy nhiên, tính chất trực thu của thuế chỉ có tính tương đối, vì phụ thuộc vào việc chuyển giao tài sản. Các đối tượng nộp thuế có thể chuyển dịch gánh nặng về thuế cho các đối tượng khác, khi đó chủ thể nộp thuế và chủ thể chịu thuế không còn đồng nhất với nhau nữa mà là hai chủ thể khác nhau.

Chính vì điều này mà trong việc xây dựng, thiết kế chính sách thuế đánh vào nhà ở, đất ở, nhà nước cần xem xét các tác động của loại thuế này để có thể điều chỉnh các hành vi phát sinh nhằm định hướng cho việc tạo lập, lưu giữ và sử dụng nhà ở, đất ở trong nền kinh tế - xã hội. Mặt khác, thông thường những sắc thuế trực thu đánh trực tiếp vào người chịu thuế sẽ tạo ra những phản ứng trực tiếp của các đối tượng này, gây khó khăn cho công tác quản lý thu thuế. Do vậy, việc hoạch định chính sách thuế đánh vào nhà ở, đất ở đòi hỏi phải xem xét đầy đủ các yếu tố như loại nhà ở, đất ở chịu thuế, giá trị nhà ở, đất ở chịu thuế, thuế suất, công tác quản lý thu thuế...

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm.