In trang này
Thứ tư, 24 Tháng 9 2014 00:00

Tổng quan về chế độ bảo hiểm xã hội đối với tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp

I. NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN

1. Khái niệm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

1.1. Khái niệm tai nạn lao động

Tai nạn lao động (TNLĐ) xuất hiện cùng với quá trình lao động sản xuất của con người. TNLĐ có thể xảy ra ở mọi ngành, nghề, mọi quốc gia. Mặc dù đã có nhiều biện pháp được thực hiện nhằm giảm thiểu TNLĐ như sử dụng máy móc thay thế, trang bị phương tiện bảo hộ lao động... nhưng dù cố gắng đến đâu thì TNLĐ vẫn xảy ra. Chính vì vậy, TNLĐ không chỉ là vấn đề quan tâm của mỗi quốc gia mà là vấn đề quan tâm chung của toàn cầu. Tổ chức lao động quốc tế đã thông qua nhiều Công ước và Khuyến nghị quy định các tiêu chuẩn, các biện pháp nhằm ngăn ngừa và hạn chế TNLĐ cũng như sự trợ giúp cho người bị TNLĐ. Có nhiều khái niệm về TNLĐ:

- TNLĐ là tai nạn xảy ra gây tác hại đến cơ thể người lao động do tác động của yếu tố nguy hiểm và có hại trong sản xuất.

- TNLĐ là tai nạn gây tổn thương bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể người lao động hoặc gây tử vong, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.

- TNLĐ là tai nạn bất ngờ xảy ra do lao động hay trong quá trình lao động, có thể gây tử vong hoặc gây cho cơ thể một tổn thương hoặc một rối loạn chức năng vĩnh viễn hay tạm thời.

Mặc dù khái niệm về TNLĐ  có thể không thống nhất nhưng các khái niệm đều có điểm chung, đó là tai nạn  được xem là TNLĐ khi thỏa mãn cả ba điều kiện:

- Là tai nạn xảy ra bất ngờ;

- Tai nạn xảy ra trong quá trình làm việc của người lao động, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ lao động.

- Tai nạn gây ra hậu quả cho người lao động, có thể là tử vong hoặc làm tổn thương đến một bộ phận, chức năng nào đó của cơ thể.

Từ những phân tích trên, có thể thấy khái niệm về TNLĐ như sau: TNLĐ là tai nạn xảy ra khi người lao động đang thực hiện nhiệm vụ lao động, gây tổn thương đến cơ thể hoặc gây ra tử vong cho người lao động.

Vấn đề cốt lõi khi xác định TNLĐ  là ở phạm vi liên quan đến “thực hiện nhiệm vụ lao động” của người lao động. Ngoài trường hợp bị tai nạn trong khi đang làm việc, nhiều nước còn quy định một số trường hợp tai nạn không xảy ra trong lúc làm việc, nhưng liên quan đến việc thực hiện công việc, cũng được coi là TNLĐ, chẳng hạn người lao động bị tai nạn trên đường đi đến nơi làm việc hoặc đi từ nơi làm việc về nhà, tai nạn khi đang nghỉ giữa ca làm việc...

Việc đưa ra một khái niệm thống nhất về TNLĐ và chỉ ra phạm vi xác định TNLĐ là rất quan trọng trong việc xây dựng chính sách đối với người bị TNLĐ, đặc biệt là trong việc xác định trách nhiệm của các bên liên quan.

1.2. Khái niệm bệnh nghề nghiệp

BNN cùng với TNLĐ được coi là những “rủi ro nghề nghiệp” của người lao động, là tiêu chí để đánh giá tình hình an toàn và vệ sinh lao động ở một đơn vị, một ngành hay một quốc gia.

Theo quy định của ILO thì một bệnh mà người lao động mắc phải do ảnh hưởng của một yếu tố có hại nào đó trong quá trình làm việc của mình được gọi là BNN. Các yếu tố ảnh hưởng này có tính chất thường xuyên và kéo dài gây nên sự tích lũy tiềm tàng về bệnh tật cho cơ thể.

Theo Bộ luật Lao động thì BNN là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động lên cơ thể người lao động. Có thể nhận thấy rằng, BNN là tình trạng bệnh lý mang tính chất đặc trưng nghề nghiệp hoặc liên quan đến nghề nghiệp mà nguyên nhân gây bệnh là do tác động thường xuyên và kéo dài của điều kiện lao động xấu, có yếu tố độc hại. Cũng giống như TNLĐ, BNN làm suy giảm sức khỏe/khả năng lao động, ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của một bộ phận nào đó của cơ thể thậm chí gây chết người.

Tuy nhiên, TNLĐ và BNN có điểm khác nhau căn bản là TNLĐ xảy ra bất ngờ, phát sinh trong khoảng thời gian ngắn còn BNN xảy ra từ từ, phát sinh trong khoảng thời gian dài.

Việc xác định BNN phụ thuộc rất nhiều vào việc xác định các yếu tố độc hại trong môi trường lao động của người lao động và trình độ phát triển kinh tế, xã hội của mỗi quốc gia.

1.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Trong quá trình lao động, sản xuất, mặc dù đã tìm mọi biện pháp ngăn ngừa nhưng TNLĐ, BNN vẫn xảy ra. Nguy cơ xảy ra TNLĐ,  BNN có thể tiềm tàng hoặc phát sinh ngay trong quá trình sản xuất. Có nhiều nguyên nhân gây ra TNLĐ, BNN, bao gồm cả các nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan, có thể xem xét từ phía các chủ thể tham gia và quản lý quá trình lao động sản xuất:

- Nhận thức của mọi người trong xã hội

Trước hết là nhận thức của người lao động, người lao động là chủ thể của quá trình sản xuất. Xảy ra TNLĐ, BNN, ngoài các nguyên nhân khách quan như thiết bị, máy móc lạc hậu, hỏng hóc… còn do các nguyên nhân chủ quan do ý thức chấp hành kỷ luật lao động của người lao động. Trong quá trình lao động, sản xuất, nếu người lao động tuân thủ theo đúng quy định về công tác an toàn, vệ sinh lao động, sử dụng trang thiết bị bảo hộ lao động đúng cách thì sẽ hạn chế TNLĐ, BNN.

Thứ hai là người sử dụng lao động: nhận thức và ý thức của người sử dụng lao động về vấn đề an toàn vệ sinh lao động; chất lượng công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho người lao động; công nghệ sản xuất (máy móc, thiết bị, công cụ sản xuất); quy trình, biện pháp an toàn lao động cho người lao động; điều kiện làm việc và môi trường làm việc; công tác tổ chức sản xuất (bố trí lao động); trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; thực hiện khám sức khỏe định kỳ...

Ngoài ra, nhận thức của những người làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực hiện, liên quan đến vấn đề TNLĐ, BNN cũng ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách, xây dựng các quy định, tiêu chuẩn… về TNLĐ, BNN và tổ chức thực hiện như: công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm việc thực hiện pháp luật về an toàn vệ sinh lao động tại các đơn vị; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; các quy định, tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh lao động...

- Trình độ tổ chức sản xuất

Về mặt xã hội, quá trình lao động được thể hiện ở sự phát sinh các mối quan hệ qua lại giữa những người lao động với nhau. Dù cho quá trình lao động được diễn ra trong điều kiện kinh tế- xã hội như thế nào thì cũng phải tổ chức sự tác động giữa các yếu tố cơ bản của quá trình lao động và các mối quan hệ qua lại giữa những người lao động. Việc tổ chức sản xuất càng khoa học thì hiệu quả sản xuất càng cao, vừa góp phần tăng năng suất lao động xã hội, tăng thu nhập cho người lao động, vừa giảm thiểu rủi ro từ nghề nghiệp. Các yếu tố của quá trình tổ chức sản xuất có ảnh hưởng đến mức độ TNLĐ, BNN như:

+ Hoàn thiện tổ chức phục vụ nơi làm việc: nếu nơi làm việc được trang bị đầy đủ trang bị công nghệ, tổ chức, bố trí hợp lý nơi làm việc phù hợp với yêu cầu về nhân trắc học, tâm sinh lý lao động, vệ sinh an toàn lao động và thẩm mỹ sản xuất thì sẽ giảm nguy cơ xảy ra TNLĐ, BNN, từ đó có thể giảm mức đóng góp cho người sử dụng lao động.

+ Nghiên cứu và phổ biến các phương pháp, thao tác lao động hợp lý nhằm đảm bảo an toàn lao động cho người lao động. Đồng thời nghiên cứu bổ sung kịp thời các BNN phát sinh mới để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

+ Cải thiện điều kiện lao động, giảm nhẹ sự nặng nhọc của công việc, giữ gìn tăng cường sức khoẻ cho người lao động, tạo ra những điều kiện lao động thuận lợi.

+ Đào tạo và nâng cao trình độ nghề nghiệp cho người lao động: người lao động phải thường xuyên được đào tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển của khoa học, công nghệ. Nếu không, sự tiến bộ của khoa học, công nghệ cũng là nguy cơ tiềm ẩn gây ra rủi ro có quy mô lớn. Như vậy có thể thấy, mức độ TNLĐ, BNN phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Tuy nhiên, khi điều kiện sản xuất càng được đảm bảo, người lao động được chuẩn bị tốt về sức khỏe và trình độ chuyên môn thì nguy cơ xảy ra TNLĐ, BNN sẽ thấp đi. Nói cách khác, để giảm thiểu TNLĐ,  BNN cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, tác động vào nhiều yếu tố khác nhau...

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm.