In trang này
Thứ ba, 25 Tháng 11 2014 00:00

Tổng quan về vai trò của Nhà nước đối với hoạt động xuất nhập khẩu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta

Ảnh minh họa Ảnh minh họa

Từ 1986 đến nay, công nghiệp hóa, hiện đại hóa(CNH, HĐH) theo đường lối đổi mới của Đảng ta đã tạo ra những biến đổi sâu sắc trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Ở đó, hoạt động xuất khẩu là một vấn đề quan trọng trong nội dung đường lối chính sách CNH, HĐH của Đảng ta. Mục tiêu để hoạt động xuất khẩu thực sự trở thành một động lực quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước.

1. Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta

Trước 1986, đường lối công nghiệp hoá của Đảng ta hướng đến xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ với việc tập trung cho phát triển công nghiệp nặng và xây dựng công nghiệp theo cơ cấu hoàn chỉnh. Thực chất, đó là dạng công nghiệp hoá theo mô hình khép kín để tự giải quyết mọi nhu cầu từ sản xuất đến tiêu dùng trong nước. Thực tế, hiệu quả trong đầu tư thấp kém, đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự trì trệ trong phát triển và đó cũng là nét đặc trưng của công nghiệp hoá ở một số nước xã hội chủ nghĩa trước đây thực hiện trong mô hình kinh tế kế hoạch hoá tập trung. Do vậy, từ 1986, cùng quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế với việc chuyển sang kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, quá trình công nghiệp hoá ở nước ta diễn ra với những thay đổi cơ bản được thể hiện trong các chính sách và giải pháp của Nhà nước trong thời kỳ đổi mới.

CNH, HĐH trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi, chủ trương của Đảng ta về CNH, HĐH thể hiện ở những điểm cơ bản sau: Xây dựng nền kinh tế mở, hướng mạnh về xuất khẩu, đồng thời thay thế nhập khẩu những sản phẩm trong nước sản xuất có hiệu quả; CNH, HĐH là sự nghiệp của toàn dân; Lấy việc phát huy nguồn lực con người làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững; Khoa học – công nghệ là nền tảng của CNH, HĐH; Lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm tiêu chuẩn cơ bản xác định phương án phát triển, lựa chọn phương án đầu tư và công nghệ v.v… Chủ trương này là cơ sở cho việc hoạch định các chính sách thúc đẩy CNH, HĐH và tăng cường hoạt động xuất khẩu để hướng đến mục tiêu phát triển của đất nước đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Tiến hành CNH, HĐH trong phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, Nhà nước đã chính thức thừa nhận các quan hệ thị trường là yếu tố quyết định sự phân bổ các nguồn lực xã hội, thị trường là lực lượng trực tiếp quyết định quá trình hình thành và phát triển cơ cấu ngành, Nhà nước đóng vai trò can thiệp, hỗ trợ bằng các chính sách, biện pháp nhằm tạo lập và điều tiết thị trường, đảm bảo cho kinh tế thị trường phát huy được hiệu quả cao nhất, đồng thời hạn chế những mặt tiêu cực của nó.

Như vậy, trong nội dung chiến lược CNH, HĐH ở Việt Nam đã thể hiện tính chất hướng mạnh về xuất khẩu và có sự kết hợp với thay thế nhập khẩu. Định hướng xuất khẩu đã được phản ánh khá rõ trong chính sách của Nhà nước trong CNH, HĐH.

- Hình  thành  khung  luật  pháp  cho nền  kinh  tế thị trường nhằm  tạo hành  lang  pháp  lý cho sự hoạt  động của  các thành  phần  kinh  tế mở rộng, phát triển sản xuất và gia tăng xuất khẩu.

Thời gian qua, thực hiện chủ trương phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, Nhà nước ta đã từng bước hình thành khung pháp lý cho việc thực hiện quyền tự do kinh do kinh doanh của thành phần kinh tế thông qua việc ban hành những bộ luật quan trọng như: Luật Đầu tư nước ngoài (1987), Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân (1990), Luật Doanh nghiệp nhà nước (1995), Luật Hợp tác xã (1996)… Bước ngoặt lớn nhất của quá trình cải cách trong những năm gần đây là việc ban hành và thực thi Luật Doanh nghiệp (1999). Đến năm 2005, Luật Doanh nghiệp được tiếp tục hoàn thiện, bổ sung để tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Luật Đầu tư (2005) ra đời thay thế cho Luật Đầu tư nước ngoài và Luật Khuyến khích đầu tư trong nước là bước tiến hướng tới cải thiện môi trường đầu tư, tạo một sân chơi bình đẳng cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Bên cạnh đó, các văn bản pháp luật liên quan đến các hoạt động của doanh nghiệp như pháp luật về sở hữu, hợp đồng; về huy động và sử dụng nguồn lực phát triển kinh tế (đất đai, vốn, tín dụng, tài nguyên, lao động); về cạnh tranh; về thuế, hải quan, xuất nhập khẩu... đã được ban hành nhằm tạo điều kiện khuyến khích đầu tư và thúc đẩy giao lưu kinh tế trong nước và quốc tế.

Đặc biệt, để tạo điều kiện khuyến khích hoạt động sản xuất và giao lưu  thương  mại,  Nhà  nước  đã  ban  hành  Pháp  lệnh  về  hợp  đồng  kinh  tế (1989) tạo khuôn khổ pháp lý cho các hành vi giao dịch kinh tế trên thị trường. Bộ luật Dân sự (1995) và Luật Thương  mại (1997) ra đời đã tạo khung pháp lý cho sự tự do giao dịch hàng hoá trên thị trường. Nhà nước đã từng bước xoá bỏ chế độ độc quyền ngoại thương. Việc ban hành Nghị định 57/NĐ-CP năm 1988 đánh dấu bước ngoặt của quá trình tự do hoá ngoại thương ở nước ta. Nhà nước còn có những biện pháp nới lỏng về quản lý ngoại hối, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong quá trình thanh toán với các đối tác nước ngoài. Những rào cản phi thuế quan như chế độ hạn ngạch, đầu mối xuất nhập khẩu cũng dần được dỡ bỏ.

Khung pháp lý cho việc hình thành và vận hành thị trường các yếu tố sản xuất cũng được hình thành bằng việc ban hành hàng loạt các luật, bộ luật, pháp lệnh như: Bộ luật Lao động (1994), Luật Đất đai (2003), Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Pháp lệnh ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và các công ty tài chính (1990), Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật về các tổ chức tín dụng (1997) thay thế cho hai Pháp lệnh trên, Luật Sở hữu trí tuệ (2005), Luật Chuyển giao công nghệ (2006)…

Trên đây là trích dẫn của tài liệu, để xem toàn văn tài liệu xin quý vị tải xuống tệp đính kèm.