In trang này
Thứ sáu, 15 Tháng 9 2017 07:04

Những dấu hiệu khủng hoảng nợ công và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Thực tế cho thấy cuộc khủng hoảng nào cũng là kết quả của một quá trình tích tụ những rủi ro hay nguy cơ trong giai đoạn trước khủng hoảng, và khủng hoảng nổ ra khi mà những rủi ro hay nguy cơ đó gặp một cú sốc nào đó, bất kể là bên trong hay bên ngoài.

Căn cứ vào tình hình những nguyên nhân của tình trạng khủng hoảng tài chính công ở Liên minh Châu Âu có thể thấy những rủi ro về tài chính công cũng như những rủi ro của nền kinh tế trong giai đoạn tăng trưởng bùng nổ giai đoạn 2003 -2007 khi gặp khủng hoảng tài chính Mỹ năm 2008 đã đẩy kinh tế châu Âu lâm vào khủng hoảng nợ và khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Tiếp đến, khi khủng hoảng nổ ra thì việc giải cứu nó như thê nào là một điều đáng quan tâm.

Như vậy, Việt Nam có thể học được những gì từ giai đoạn trước khủng hoảng và cách thức giải cứu khủng hoảng? Đó là mục đích của bài viết này.

1. Những dấu hiệu rủi ro trước khủng hoảng

1.1. Dấu hiệu rủi ro tài chính công

Mức tổn thương được định nghĩa là khả năng vỡ nợ của chính phủ khi nguồn thu không đáp ứng được nhu cầu trả nợ trong tương lai mà không cần phải dùng đến những biện pháp điều chỉnh nào. Mức nợ công và thâm hụt ngân sách tính đến thời điểm trước khủng hoảng năm 2009 ở hầu hết các nước Eurozone là rất cao và ở vào mức nguy hiểm.

Tốc độ nợ tăng nhanh khi nguồn thu kém: điều quan trọng không kém là tốc độ tăng nợ công nhanh trong khi cơ sở cho việc trang trải nợ lại không tăng tương ứng. Hầu hết các nước rơi vào khủng hoảng nợ công hoặc gặp nguy cơ khủng hoảng nợ công cao đểu có những biểu hiện khá giống nhau. Đó là tỷ lệ nợ công cao so với GDP do chi tiêu ngân sách tăng nhanh nên ngân sách luôn thâm hụt. Trong khi đó tăng trưởng kinh tế, và đặc biệt là cán cân thương mại luôn thâm hụt hoặc rất yếu cho thấy nền tảng bảo đảm cho việc trang trải nợ là rất yếu. Các hình từ 1 đến 4 phản ánh tình trạng của Hy Lạp; các hình từ 5 đến 8 phản ánh tình trạng của Italia. Cả hai quốc gia này đều có mức nợ công cao trong thời kỳ bùng nổ 2003-2007, trong khi đó thâm hụt ngân sách cũng rất lớn và có khuynh hướng tăng lên. Nghĩa là chính phủ các nước này tăng nợ, tăng chi mạnh trong thời kỳ này trong khi nguồn thu lại không tăng tương ứng. Trong bối cảnh nợ tăng, tăng chi công thì tăng trưởng ở các quốc gia này không tăng tương xứng. Thậm chí, cả hai quốc gia này ở trong tình trạng mậu dịch luôn thâm hụt hoặc rất không ổn định. Nghĩa là, xuất khẩu - một cơ sở quan trọng cho việc trang trải nợ - lại suy yếu, nguyên nhân được cho là do sự lên giá của đồng euro trong khoảng thời gian đó.

Tóm lại, tăng chi công và tăng nợ nhưng cơ sở của nguồn thu để trang trải nợ lại bị suy yếu. Đây là một bằng chứng về rủi ro dễ tổn thương tài chính công.

Bài học từ Áchentina cho thấy mức nợ công không nhất thiết phải cao mà vẫn có thể bị vỡ nợ công. Đó là do mức tăng nợ công nhanh trong khi cơ sở nguồn thu lại không tăng tương ứng hoặc suy yếu. Trong những cơ sở của nguồn thu thì xuất khẩu là một yếu tố cực kỳ quan trọng. Các nhà tài trợ bên ngoài nhìn vào năng lực xuất khẩu của một quốc gia để đánh giá khả năng thanh toán nợ của quốc gia đó. Trường hợp Bồ Đào Nha là một ví dụ, mức nợ công của quốc gia này trước khủng hoảng không hẳn là cao, trung bình khoảng 60% GDP. Tuy nhiên, nếu nhìn vào cán cân mậu dịch thì quốc gia này luôn ở trong tình trạng trang trải nợ rất kém. Cán cân mậu dịch của Bồ Đào Nha luôn thâm hụt và thâm hụt tăng dần trong khoảng thời gian từ năm 2002 đến 2009, từ mức khoảng 1 tỷ euro lên 2 tỷ euro .

Một điều thú vị là đang tồn tại một hiện tượng trong đó rủi ro tổn thương tài chính công bị che giấu bởi sự gia tăng thu ngân sách. Đó là trường hợp của Tây Ban Nha và Ailen. Hai quốc gia trong thời kỳ bùng nổ nguồn thu ngân sách tăng lên là nhờ bong bóng bất động sản, chính phủ nhờ đó thu được nhiều thuế. Đây là lý do giải thích tại sao hai nền kinh tế này nhanh chóng bị nguy kịch khi khủng hoảng nổ ra. Giá nhà đất sụt giảm, bất động sản ế ẩm, nguồn thu ngân sách bị thu hẹp đột ngột.

Một tình trạng đáng lưu ý nữa trong thời kỳ bùng nổ kinh tế đó là tình trạng tăng chi tiêu công thiếu kiểm soát. Hy Lạp gặp rắc rối là do hào phóng quá mức với việc chi lương và các lợi ích khác cho quân đội, công chức, xây dựng bệnh viện và đường cao tốc (cả sân vận động cho Thế vận hội) trong khi thuế lại thấp và trốn thuế tràn lan .

Tóm lại, những dấu hiệu rủi ro tài chính công bao gồm:

Thứ nhất, nợ công cao tối mức mất kiếm soát;

Thứ hai, tốc độ gia tăng nợ công nhanh trong khi cơ sở tăng trưởng của nguồn thu không tương xứng, mà năng lực xuất khẩu là yếu tố" quan trọng nhất.

Thứ ba, nguồn thu ngân sách bắt nguồn từ bong bóng trong nền kinh tế;

Thứ tư, chi tiêu công thiếu kiểm soát.

1.2. Dấu hiệu rủi ro khu vực tài chính

Dấu hiệu rủi ro khu vực tài chính bắt nguồn từ những yếu tố như độ an toàn vốn (Capital adequacy) của các thể chế tài chính, chất lượng tài sản có và tình trạng các giao dịch ngoài bảng tài chính, khả năng sinh lời và thanh khoản; tốc độ và chất lượng tăng trưởng tín dụng. Nó dùng để đánh giá mức độ nhạy cảm của hệ thống tài chính đối với rủi ro thị trường, bao gồm những thay đổi về lãi suất và tỷ giá .

Chi tiêu công tăng nhanh và nợ công cao được tài trợ bởi các ngân hàng trong khu vực Eurozone. Các ngân hàng Tây Ban Nha, Hy Lạp, Ailen. v.v... là những người nắm giữ nhiều trái phiếu chính phủ. Khi nợ công ở vào tình trạng nguy hiểm, những tài sản nắm giữ loại này của các ngân hàng trở nên mất giá trị. Kết quả, các chỉ số hay yếu tố tiềm năng của rủi ro khu vực tài chính xuất hiện, đẩy khu vực này vào tình thế nguy hiểm. Thêm vào đó, khi vỡ bong bóng tài sản (nhất là bất động sản), giá trị tài sản của hệ thông ngân hàng bị suy giảm nhanh chóng và đột ngột. Kết quả tương tự như trường hợp nắm giữ trái phiếu chính phủ ở trên. Khi đó, chính phủ thường ra tay cứu hệ thông này bằng tiền ngân sách. Đến lượt nó, điều này lại làm cho nợ công tăng cao nhanh chóng và mất kiểm soát. Cuối cùng, phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp, nhờ cậy vào cứu trợ từ bên ngoài.

1.3. Dấu hiệu rủi ro kinh tế vĩ mô

Khi đề ra những chỉ số để xem xét mức độ dễ tổn thương của một nền kinh tế nhằm phục vụ cho công việc kiểm soát và hành động của IMF, tổ chức này đã thiết lập ra các bộ chỉ số như chỉ số về nợ bên trong và bên ngoài, bộ chỉ số về độ tương xứng của dự trữ quốc tế, bộ chỉ số về độ lành mạnh của khu vực tài chính; và cuối cùng, bộ chỉ số về khu vực công ty .

Hai bộ chỉ số đầu tiên được sử dụng trong bài viết này nhằm chỉ mức rủi ro tổn thương kinh tế vĩ mô. Đó là nợ quốc gia và độ an toàn của dự trữ quốc tế. Độ lành mạnh của khu vực tài chính đã được phân tích và đương nhiên cũng phản ánh tình trạng dễ tổn thương vĩ mô. Tuy nhiên, để dễ phân biệt và có cái nhìn cụ thể, bài viết này chỉ sử dụng hai bộ chỉ số tổng quát đầu tiên để hàm ý về độ rủi ro tổn thương vĩ mô.

Trong thời kỳ bùng nổ (2003-2007), tăng trưởng tín dụng trở nên dễ dàng và nhanh chóng nhờ phát huy yếu tố thị trường khu vực khi có đồng tiền chung. Bên cạnh chi tiêu công tăng nhanh, thì tín dụng cho khu vực tư nhân cũng tăng rất nhanh ở những nước khủng hoảng nợ công.

Trong khi đó, bên cạnh cán thương mại âm và bất ổn như đề cập ở trên, cũng ở giai đoạn này, nhiều nước có thâm hụt tài khoản vãng lai của Bồ Đào Nha  là -9,2% GDP, Hy Lạp là -9,1%, và Tây Ban Nha là -7,0% chỉ có Đức là dương 5,1% của GDP. Điều này cho thấy các nước đều tích lũy nợ bên ngoài trong giai đoạn bùng nổ.

Bùng nổ tăng trưởng đi cùng với thâm hụt cán cân vãng lai dẫn đến tình trạng rủi ro trong trung hạn vì vắt kiệt tài nguyên khu vực xuất khẩu  (bùng nổ) ở khu vực bất động sản vắt kiệt tài nguyên ở khu vực xuất khẩu - lý do giải thích tại sao cán cân thương mại yếu kém, khu vực có thể tăng năng suất lao động. Kết quả là lương giảm dần nếu không muốn tăng thất nghiệp.

Về ngắn hạn, nếu có một sự cố ở các thị trường cung cấp tín dụng thì dòng tín dụng ra sẽ gây tình trạng suy giảm tăng trưởng, giá cả giảm và thất nghiệp tăng mạnh và ngay lập tức, rất dễ mất kiểm soát .

Bên cạnh việc làm xói mòn nền tảng vĩ mô như vậy, quan trọng và nguy hiểm hơn, trong thời kỳ bùng nổ thì các thâm hụt và vay mượn đều bị che lấp, không nhất thiết là chính phủ hay tư nhân vay. Trường hợp Hy Lạp và Bồ Đào Nha là cả chính phủ và công ty đều vay nhiều.

Kết quả là nợ bên ngoài tăng nhanh. Các nước khu vực Eurozone gặp rắc rối về nợ công đều có mức nợ bên ngoài so với GDP rất cao. Năm 2010 mức nợ này của Bồ Đào Nha là 2,3 lần GDP, Ailen 10,9 lần (không có trong biểu đồ vì nằm ngoài thang biểu đồ), Italia 1,2 lần, Hy Lạp 1,8 lần, Tây Ban Nha 1,6 lần, cần lưu ý rằng giai đoạn bùng nổ tăng trưởng là giai đoạn tăng nợ bên ngoài cũng rất nhanh.

Nợ bên ngoài cao trong khi xuất khẩu yếu kém có thể đặt các quốc gia này vào rủi ro vĩ mô rất lớn. Bất kỳ một cú sốc nào cũng sẽ làm cho họ mất khả năng trang trải nợ ngay tức khắc.

2. Giải pháp khắc phục Khủng

Những rủi ro dễ tổn thương như đề cập ở trên là những yếu tố cơ bản, sâu xa. Còn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 nổ ra ở Mỹ là cú sốc kích hoạt tất cả những rủi ro đó, và biến chúng thành hiện thực.

2.2. Phương thức giải cứu

Thực tế cho thấy Châu Âu sử dụng nguồn tiền của ECB một cách chậm chạp trong việc khắc phục khủng hoảng nợ công ở khu vực này đã dẫn đến tình trạng mất kiểm soát. Trước đó, Châu Âu đã được khuyến cáo rằng cần phải đến tiền dự trữ của ECB với có thể khắc phục được khủng hoảng nợ công ở EU. Tuy nhiên, các nước thành viên EU đã có nhiều quan điểm trái ngược nhau trong việc này và đó chính là sai lầm, đây là bài học kinh nghiệm mà Việt Nam cần phải nghiên cứu.

Sau gần ba năm khủng hoảng nặng nề, mãi tới tháng 11-2012, khi ông Mario Draghi, người Italia, lên nắm quyển điểu hành ECB, người ta mới thấy chính sách bơm thanh khoản mạnh tay vào khu vực ngân hàng đang trong tình trạng thiếu thanh khoản nặng nề. Quan trọng hơn, các chương trình mua trái phiếu của một số chính phủ có vấn đề về nợ công đã giảm nhiệt cuộc khủng hoảng một cách rõ ràng. Tình hình cho đến nay là có nhiều chuyển biến tích cực. Thực chất đó là những chính sách tương tự với cách mà FED đã làm trước đó để giải cứu cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ và đã thành công.

3. Bài học cho Việt Nam

Từ những phân tích trên đây có thể thấy, Chính phủ cần có kế hoạch giảm chi trong giai đoạn bùng nổ tăng trưởng bên cạnh việc kiểm soát nợ công với tỷ lệ hợp lý so với GDP trong tầm trung và dài hạn nhằm tránh những tình huống bất ngờ gây mất kiểm soát.

Bên cạnh đó, cần đặc biệt kiểm soát chặt và phải có cách ngăn chặn nhằm giảm nợ bên ngoài khi trong cán cân mậu dịch và cán cân vãng lai xuất hiện tình trạng thâm hụt cũng như việc kiểm soát tín dụng dễ dãi trong thời kỳ bùng nổ tăng trưởng, tránh tích tụ những rủi ro bong bóng tài sản gây ra. Ngoài ra, khi khủng hoảng phải giải cứu nhanh hệ thống tài chính, ngân hàng bằng cách bơm thanh khoản theo yêu cầu của thị trường và nền kinh tế.