In trang này
Thứ năm, 23 Tháng 8 2018 08:21

Một số hoạt động kinh tế đặc thù của truyền hình

Có thể nói, tài trợ là nguồn thu đặc thù ở các giai đoạn phát triển sớm của thương mại truyền hình và cũng là một nguồn bảo đảm tài chính cơ bản. Sự khác biệt giữa tài trợ và quảng cáo là các nhà tài trợ chịu hoàn toàn trách nhiệm tài chính đối với việc sản xuất chương trình cũng như mang các quảng cáo đến cho chương trình. Do giá thành và khoản tài trợ một chương trình truyền hình thường rất cao nên đã xuất hiện khả năng có một số doanh nghiệp cùng phối hợp tài trợ cho một chương trình. Tài trợ hoặc đặt hàng cũng là nguồn thu nhập được cho phép ở nhiều hãng truyền hình quảng bá công cộng, với điều kiện thông tin về nhà tài trợ không làm gián đoạn chương trình.

Tài trợ là nguồn thu quan trọng của hệ thống truyền hình Việt Nam. Có thể dễ dàng nhận biết dấu hiệu của tài trợ thông qua các logo nhãn hiệu doanh nghiệp, các TVC (đoạn băng) quảng cáo và thông tin doanh nghiệp xuất hiện trong rất nhiều chương trình. Nhờ có nguồn thu tài trợ mà nhiều chương trình truyền hình được thực hiện không phải trông chờ vào kinh phí hạn hẹp từ ngân sách nhà nước. Tài trợ cũng là một trong những nội dung thể hiện mối quan hệ giữa các đài truyền hình với các tổ chức doanh nghiệp bên ngoài, đây cũng là một trong những hình thức xã hội hóa cơ bản. Theo đó, các công ty truyền thông đại diện quyền lợi cho các nhà quảng cáo sẽ đứng ra đàm phán với đài truyền hình để thực hiện kế hoạch phát sóng. Quyền lợi về phía đài bao gồm nhiều yếu tố như: tài chính, hỗ trợ kỹ thuật, nhân lực, cơ sở vật chất, đi lại... Đổi lại, các công ty truyền thông hoặc các doanh nghiệp trả chi phí sẽ nhận được quyền lợiphát sóng các TVC quảng cáo thương hiệu, giới thiệu những nội dung cần thông tin tuyên truyền, hoặc xuất hiện các gương mặt đại diện thông qua hình thức phỏng vấn, tọa đàm hoặc phóng sự...

Ngoài việc nhận tài trợ của các cá nhân, tổ chức, một hình thức quan trọng để phát triển kinh tế báo chí đối với truyền hình đó là thu phí các kênh truyền hình lựa chọn. Hình thức bảo đảm tài chính này của truyền hình tựa như một dạng "thuế mà các chủ sở hữu TV trả cho việc sử dụng các kênh truyền hình nhất định, mặc dù về mặt pháp lý không ở bất kỳ nơi nào tồn tại dạng thuế" này. Ở nhiều nước, thu phí xem truyền hình là nguồn bảo đảm tài chính chủ yếu cho truyền hình quảng bá công cộng, nhưng không phải là nguồn duy nhất. Hiện nay chỉ có ở Anh (BBC), Thụy Sĩ (SV7), Na Uy (NRK) và Nhật Bản (NHK) các kênh truyền hình quảng bá công cộng chỉ duy trì nhờ vào khoản tiền phí này. Ở nhiều nước, các hãng truyền hình quảng bá công cộng buộc phải tìm kiếm các khoản thu nhập khác, phần lớn là quảng cáo (Đức, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, các nước Trung và Đông Âu, châu Á).

Phí xem truyền hình là hình thức quan hệ kinh tế trực tiếp giữa người cung cấp dịch vụ - các hãng truyền hình với người tiêu dùng - khán giả.Theo nguyên lý hoạt động, truyền hình công ít chú ý tới nhu cầu thị trường của khán giả, mà chú ý đến những giá trị xã hội, những yếu tố văn hóa truyền thống. Hiện nay, các kênh truyền hình thu phí đang có sự cạnh tranh trực tiếp với truyền hình công cộng,điều đó thể hiện ngay từ quan niệm của khán giả về chi phí cho truyền hình", tức phí thuê bao trước đây đang chuyển hóa sang ý nghĩa mới là "chi phí trực tiếp" cho các kênh truyền hình và thậm chí cho các chương trình truyền hình theo lựa chọn cá nhân.

Ở Việt Nam, nguồn thu từ thuê bao chỉ thể hiện là hình thức quan hệ kinh tế trực tiếp giữa người cung cấp dịch vụ, chủ yếu là các hệ thống truyền hình cáp CATV, vệ tinh DTH, truyền hình internet IPTV với người tiêu dùng - khán giả. Khác với nhiều kênh truyền hình nước ngoài khi coi tiền thuê bao là một dạng "thuế" truyền hình, tất cả các kênh truyền hình ở Việt Nam về bản chất vẫn không thu phí trực tiếp từ người xem, chỉ có nhà cung cấp hạ tầng truyền hình và viễn thông đảm nhiệm công việc này.

Truyền hình trả tiền tại Việt Nam bắt đầu hình thành từ khoảng năm 2003-2004. Trong thời kỳ đầu, lượng thuê bao truyền hình trả tiền chỉ có khoảng trên dưới 80.000 thuê bao (khai thác trên công nghệ cáp) với hai nhà cung cấp chính là Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) và Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV). Theo số liệu của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, năm 2009 số thuê bao truyền hình trả tiền đã vượt qua 4,2 triệu, trong đó, truyền hình cáp và truyền hình số mặt đất, mỗi công nghệ khoảng 2 triệu thuê bao, còn lại là số thuê bao của truyền hình vệ tinh và truyền hình internet.

Tuy nhiên, nguồn thu phí thuê bao chủ yếu hiện nay vẫn là truyền hình cáp tương tự (analog) và truyền hình kỹ thuật số mặt đất, trong thời gian tới với sự cạnh tranh của các hệ thống truyền hình IPTV của FPT, VTC, Viettel và truyền hình vệ tinh K+ (một liên doanh giữa VTV với Canal Plus International Development - Pháp) và AVG, thị trường truyền hình trả tiền sẽ không ngừng tăng nhanh.

Một hoạt động kinh tế nữa của truyền hình là việc đặt hàng thuê bao. Việc đặt hàng (đăng ký sử dụng, các kênh truyền hình thực tế trong nhiều năm liền không tồn tại với truyền hình quảng bá mặt đất.Sự phát triển như vũ bão của các thành tựu công nghệ nghe nhìn đã dẫn đến việc nâng cao chất lượng các chương trình truyền hình phát qua vệ tinh hoặc truyền hình cáp.Khán giả có cơ hội lựa chọn khác với trước đây, họ có thể quyết định sẽ xem kênh nào giữa không chỉ ba, bốn kênh, mà là hàng chục, vài chục kênh truyền hình khác nhau. Trong hệ thống các kênh truyền hình có thể chọn lựa có nhiều hình thức như kênh tổng hợp hay chuyên biệt. Những hình thức mới này đòi hỏi yêu cầu bảo đảm tài chính mới, ví dụ các đài truyền hình sẽ đưa ra những hình thức dạng "gói" với những giá trị khác nhau, phù hợp nhu cầu và khả năng chi trả của mỗi khán giả.

Việc đặt hàng xem các kênh truyền hình là biện pháp bảo đảm tài chính tương đối mới của công nghiệp truyền hình, có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Đối với khán giả, nhược điểm của biện pháp này nằm ở giá thành kết nối ban đầu cao; còn đối với ngành công nghiệp truyền hình thì đó là phải nhanh chóng thu hút được khoản đầu tư lớn để sản xuất chương trình hấp dẫn, tạo ra khối lượng thuê bao ban đầu. Mặt khác, sự sắp đặt gói nội dung truyền hình ưa thích cho riêng mình là yếu tố lôi cuốn khiến khách hàng đăng ký sử dụng các dịch vụ truyền hình có thu phí. Đối với bản thân các hãng truyền hình, nguồn thu nhập kết hợp giữa hình thức đặt hàng và quảng cáo trở thành phương thức kinh doanh giúp ổn định các dịch vụ mới của ngành truyền hình.

Ngoài ra, ưu thế nữa xuất hiện trong sự phát triển của hình thức kinh doanh theo hướng đặt hàng, đó là việc các đài truyền hình có thể nắm bắt quản lý chặt chẽ hơn lượng khán giả của mình. Điều này đồng nghĩa với việc các đài có thể sở hữu nguồn thông tin về đặc trưng nhân khẩu học, đây là điều mà các nhà quảng cáo hết sức quan tâm. Đã xuất hiện các kênh truyền hình sống nhờ vào việc cung cấp các nội dung miễn phí cho khán giả, chỉ với một điều kiện là khán giả phải cung cấp thông tin về "tính chất" tiêu dùng của mình.

Bên cạnh đó, phương pháp truyền thống được áp dụng đối với các dịch vụ viễn thông theo yêu cầu dần dần đang được áp dụng cả trong ngành công nghiệp truyền hình. Hình thức kinh doanh này xuất hiện như hệ quả của sự hội tụ côngnghệ viễn thông - công nghệ thông tin và truyền thông bắt đầu từ những năm 1990. Phương pháp xem trả tiền chỉ có thể thực hiện trong điều kiện khi giữa nhà cung cấp truyền hình và khán giả có mối quan hệ khăng khít với nhau thông qua hạ tầng thiết bị công nghệ. Theo cách này, khán giả có thể "mua" bất kể chương trình nào mà mình thích vào bất cứ thời điểm nào. Đây là cơ sở để phát triển loại hình IPTV - truyền hình qua giao thức IP internet. Tại Mỹ, nguồn doanh thu của IPTV từ riêng hoạt động tải và xem theo yêu cầu (download) năm 2011 dự báo lên tới 720 triệu USD, (Theo hai nhà nghiên cứu kinh tế Stephen R.Greenwald, Paoula Landry trong cuốn This Business of Film)

Khả năng trả tiền theo giờ được các hãng truyền hình cung cấp theo hai loại. Loại thứ nhất, các kênh truyền hình mặt đất có tên gọi là video gần sát với yêu cầu. Với hình thức này, khán giả được cung cấp một số lượng chương trình nhất định (phim truyện, các trận đấu thể thao), thường xuyên được phát sóng trên nhiều kênh truyền hình khác nhau, cách nhau một quãng thời gian tương đối gần, ví dụ 10 hoặc 15 phút. Điều này có nghĩa là khán giả có thể "kịp" xem chương trình trong một quãng thời gian tương đối dài, có khả năng theo dõi nhiều nội dung hay nhất trong khoảng thời gian hạn hẹp.

Khả năng trả tiền thứ hai: video theo yêu cầu. Về mặt kỹ thuật, hình thức này cũng có điểm giống với gần như đặt hàng không kể đến sự giống nhau trong hình thức chi trả với hệ thống "video gần với yêu cầu" khi phát triển dựa trên hạ tầng viễn thông. Theo hình thức này, khán giả có thể trực tiếp lựa chọn đặt hàng những nội dung mình yêu thích, có thể làm bất cứ điều gì với chương trình đó tương tự như đối với một băng video như: ghi lại, dừng, tua thông qua bộ thiết bị giải mã tín hiệu (setup-box).

Những nguồn thu của truyền hình xuất hiện trong quá trình phân khúc thị trường diễn ra. Dù quảng cáo vẫn giữ vị trí quan trọng, nhưng nguồn tài chính này trong tương lai sẽ có nhiều biến đổi khi phải chia sẻ cho những hoạt động thương mại khác của truyền hình.

Những năm 2009-2010, lần lượt các hệ thống viễn thông Vinaphone, Mobiphone và Viettel khi ra mắt mạng 3G đều đã tung ra các gói dịch vụ truyền hình di động "mobitv" dành cho các thuê bao của mình. Với dịch vụ này, khán giả có thể được theo dõi hàng chục kênh truyền hình Live TV của VTV, HTV, VTC, các đài địa phương và nhiều kênh truyền hình nước ngoài qua điện thoại. Các gói cước dịch vụ khác nhau được xây dựng theo nguyên tắc "xem bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu". Ưu điểm của công nghệ viễn thông giúp cho thuê bao điện thoại, đồng nghĩa với khán giả truyền hình, có thể lựa chọn xem các đoạn (clip) truyền hình trên nhiều lĩnh vực nội dung: thời sự, giải trí, thể thao; có thể lưu trữ, gửi tặng người thân hoặc phản hồi tương tác. Khi số lượng thuê bao sử dụng mạng 3G, 4G tại Việt Nam đần tăng cao thì các nguồn thu từ hình thức trả tiền để xem này còn tăng lên.

Như vậy, với sự phát triển của công nghệ số và khoa học kỹ thuật, ngày nay có thể thấy rằng, truyền hình là một trong những hoạt động kinh tế phát triển nhất trong kinh tế báo chí. Truyền hình ngày nay ngày càng phong phú và đa dạng phục vụ mọi tầng lớp khán giả, đáp ứng được rộng rãi nhu cầu thông tin của công chúng, góp phần nâng cao nhận thức và phát triển kinh tế xã hội.