In trang này
Thứ hai, 27 Tháng 8 2018 08:29

Một số vấn đề về các hoạt động kinh tế của truyền thông phát thanh

Trong gần một thập kỷ trở lại đây, nhất là thời điểm mạng xã hội bùng nổ, cùng với sự ra đời của các thiết bị thông minh, hành vi của công chúng báo chí truyền thông đã có rất nhiều thay đổi. Báo chí cũng không còn là kênh thông tin duy nhất trước sự bùng nổ của mạng xã hội, các trang tin, và đương nhiên, nguồn thu chính của báo chí là từ quảng cao, phát hành cũng bị san sẻ. Trên thực tế, nhiều tờ báo đang đứng trước bài toán khó khăn về kinh tế Kinh tế khó khăn đã trực tiếp tác động đến báo chí, vì không có đầu tư tài chính, không có thiết bị tốt thì khó có thể tạo ra nội dung hấp dẫn, khác biệt. Mặt khác, kinh tế báo chí cũng khó khăn theo đà suy thoái kinh tế. Lượng phát hành giảm, số lượng người truy cập báo mạng giảm, doanh thu quảng cáo cũng giảm. Đầu tư của ngân sách nhà nước cho báo chí những năm gần đây cũng không thể tăng hơn. Tình trạng nợ nhà in, nợ lương, nợ nhuận bút đang diễn ra ở rất nhiều cơ quan báo chí.Nhiều tờ báo dừng phát hành bản in để tập trung cho bản điện tử.

Ngoài nỗi lo về mặt tài chính, làm sao để có doanh thu để tự trang trải chi phí và nuôi sống bộ máy một cách đáng hoàng, các cơ quan báo chí còn phải tìm con đường phát triển trong bối cảnh công nghệ thông tin đang có những bước tiến vũ bão và tác động mạnh vào hoạt động báo chí, Con đường phát triển đó đòi hỏi phải có đầu tư, cả về mặt con người lẫn cơ sở vật chất. Nếu vì cơ chế tài chính chưa thông thoáng, nếu vì không tìm được những mô hình kinh doanh phù hợp hơn, hiện đại hơn, báo chí đành lỡ mất những cơ hội theo kịp đà tiến của xã hội, để lại trận địa cho các mạng xã hội, thậm chí là những hình thức truyền thông mới của một không gian mạng 4.0 mà chúng ta chưa thể hình dung hết được.

Hoạt động kinh tế báo chí diễn ra sôi động trên thị trường, các loại hình báo chí hầu hết đều tham gia vào hoạt động kinh doanh này. Các sản phẩm báo in, báo điện tử, phát thanh số, truyền hình vệ tinh đang dần mang lại nguồn thu lớn cho các cơ quan báo chí từ trung ương tới địa phương.

Đối với hoạt động truyền thông phát thanh. Trong những năm gần đây, phát thanh chuyên biệt là một trong những sản phẩm đặc thù của kinh tế phát thanh. Trên thế giới, các kênh phát thanh chủ yếu tập trung vào ba nội dung chính là tin tức, talk show và âm nhạc, tuy nhiên tính chuyên biệt, chuyên sâu vào từng lĩnh vực hoặc nhóm đối tượng là đặc điểm thể hiện rất rõ. Ví dụ phần lớn các kênh phát thanh về âm nhạc không phát các chương trình âm nhạc tổng hợp" mà tự tạo ra bản sắc riêng bằng một thể loại nhạc nhất định dành cho những đối tượng thính giả chuyên biệt. Chẳng hạn có đài chỉ phát những ca khúc hit, có đài chỉ phát rock hay hiphop, nhạc cổ điển, jazz... Các chương trình ca nhạc trên radio không chỉ được phát một cách đơn thuần mà còn được làm phong phú bằng các chương trình như quà tặng âm nhạc, top ten bảng xếp hạng, album hay...

Bên cạnh các nội dung chuyên biệt, các kênh radio còn cập nhật cho người nghe các thông tin, kiến thức mới hoặc thông tin mang tính chỉ dẫn, trong đó tiêu biểu nhất là mô hình kênh phát thanh giao thông. Hiện nay, hầu hết các xe ôtô đều được trang bị radio, những phương tiện này nghe đài thường xuyên để biết tình trạng tắc đường và biết các tuyến đường có thể tránh. Với tình trạng giao thông khó khăn ra như ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội,thì các hệ phát thanh với khả năng chỉ dẫn giao thông là lựa chọn tốt nhất khi bị tắc giữa làn xe gần như bất động. Ngoài ra, đây cũng là phương tiện giải trí quan trọng của các tài xế và cả những người có mặt trên xe, với rất nhiều chương trình dành riêng cho họ như Quà tặng âm nhạc, VOV giao thông và các bản tin tổng hợp cập nhập khác... Đó là lý do vì sao các doanh nghiệp hàng đầu trong các ngành FMCG hay tài chính ngân hàng, công nghệ như Unilever, ANZ, Western Union, IBM... liên tục sử dụng radio nói chung và VOV giao thông như kênh truyền thông chiến lược.

Một trong những mô hình kinh tế phát thanh khá "đặc thù" của Việt Nam là mô hình dịch vụ trên hệ thống truyền thanh cơ sở. Theo ước tính, hiện nay có khoảng 67,81% dân số Việt Nam sống ở nông thôn, mật độ dân cư tập trung từ 110 nghìn đến 130 nghìn người/huyện. Phần lớn dân cư nông thôn này đang hướng tới những nhu cầu cao hơn về vật chất và tinh thần, họ cũng là lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.Đồng thời, đó cũng là đối tượng cơ bản mà hệ thống phát thanh cơ sở hướng tới. Mạng lưới này được hình thành theo hai dạng: phát thanh "không dây" và phát thanh "truyền dẫn", trong đó hệ thống "không dây" chiếm trên 50%.

Trên thực tế, đến năm 2015 quy mô của hệ thống phát thanh cơ sở khá rộng khắp, được thực hiện đồng loạt trên 63 tỉnh, thành trong cả nước, triển khai trên 580/698 huyện toàn quốc (83%) và tiếp tục được mở rộng. Phạm vi phủ sóng không hề nhỏ: Trung bình mỗi xã trang bị từ 12 - 20 cụm loa x 2 - 3 loa/cụm. Khoảng cách các cụm loa trung bình từ 400 - 600m, số loa trung bình mỗi huyện 300 - 400 (huyện ít có: 85 loa, huyện nhiều có 2.000 loa). Hệ thống loa phủ 100% trên địa bàn khu dân cư tập trung (trừ một số huyện miền núi dân cư sống rải rác và thưa thớt).

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến nay hệthống loa phóng thanh khai thác có dung lượng tiếp cận được khoảng 58 triệu người, chiếm 67,1% dân số cả nước; 60-70% người dân Việt Nam chịu tác động của hệ thống loa địa phương gồm loa xã/phường ngay tại khu họ sinh sống và loa quận/huyện chùm từ trên cao xuống. (Hiện nay, Hà Nội đã cho dừng phát loa phường ở 4 quận nội thành cũ: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa).

Nhìn ở khía cạnh dịch vụ, hệ thống loa phóng thanh không phải là hình thức truyền thông hay quảng cáo mới, cũng không được phát triển mạnh mẽ nhưcác hình thức quảng cáo trên internet, màn hình hiển thị,... nhưng các doanh nghiệp cũng không hề bỏ lỡ cơ hội tiếp cận khách hàng qua hình thức quảng cáo này. So với các hình thức quảng cáo truyền thống khác, quảng cáo loa phóng thanh không được đẩy mạnh phát triển bởi sự bùng nổ của công nghệ thông tin cùng mạng lưới toàn cầu, số lượng người tiếp cận hình thức quảng cáo radio, báo giấy cũng giảm mạnh. Nhưng không phải vì thế mà các nhà đầu tư muốn bỏ lỡ một hình thức quảng cáo chi phí thấp nhưng đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp.Các dịch vụ quảng cáo truyền thông thực hiện qua hệ thống truyền thanh cơ sở có ưu thế khá mạnh khi truyền tải thông điệp về sản phẩm/nhãn hàng trực tiếp đến đối tượng mục tiêu cũng như tiếp cận chính xác thị trường ngắm tới, chi phí lại rất thấp.

Khai thác dịch vụ, quảng cáo trên hệ thống phát thanh cơ sở là mô hình kinh doanh của nhiều công ty truyền thông tư nhân, dựa trên việc liên kết trực tiếp với cơ quan quản lý là Đài phát thanh (huyện) và Trạm phát thanh (xã, phường). Tuy nhiên, hạn chế của mô hình này là hiện nay vẫn chưa có những quy định ràng buộc chặt chẽ về giới hạn cho phép thực hiện hoạt động dịch vụ trên hệ thống loa một cách cụ thể, rõ ràng, bên cạnh đó, dung lượng quảng cáo thông thường trên hệ thống loa địa phương chỉ có phạm vi 3 - 5 phút sau các bản tin thông báo.

Như vậy, với xu hướng số hóa và hiện đại hóa truyền thông, truyền thông ngày nay không chỉ mang lại thông tin, kiến thức cho công chúng mà nó còn có giá trị kinh tế cao trong việc đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Vai trò của phát thanh trong thời kỳ kỷ nguyên số không những không giảm mà còn đang ngày càng chiếm vị thế quan trọng. Các cơ quan phát thanh không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, cải tiến chương trình, mở rộng nội dung, thu hút quảng cáo và ngày càng nâng cao được doanh thu, thu hút sự quan tâm của công chúng.