In trang này
Thứ ba, 28 Tháng 8 2018 08:38

Trách nhiệm giáo dục pháp luật cho trẻ em trong cộng đồng

Giáo dục pháp luật cho trẻ em có tầm quan trọng đặc biệt để hình thành ý thức pháp luật, ý thức đạo đức và ý thức trách nhiệm công dân cho trẻ em. Giáo dục pháp luật cho trẻ em là một trong những hình thức và phương thức bảo đảm thực hiện quyền trẻ em.

Bên cạnh những đặc điểm chung như giáo dục pháp luật cho các đối tượng xã hội khác, giáo dục pháp luật cho trẻ em còn có những đặc thù riêng biệt xuất phát từ các yếu tố tâm lý, tính cách, điều kiện sống, học tập của trẻ em và các yếu tố khác. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, tìm hiểu chuyên sâu về giáo dục pháp luật cho trẻ em luôn luôn có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, hội nhập và phát triển ở nước ta.

Đặc trưng cơ bản của giáo dục pháp luật cho trẻ em được thể hiện trên tất cả các hợp phần (bộ phận cấu thành cơ bản) của giáo dục pháp luật cho trẻ em: đối tượng, chủ thể, nội dung, hình thức, phương pháp. Đặc trưng cơ bản của giáo dục pháp luật cho trẻ em còn được thể hiện ở chính sách về bảo vệ, giáo dục, chăm sóc trẻ em phù hợp với các nguyên tắc pháp luật quốc tế và văn hóa đạo đức truyền thông, sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Chất lượng, hiệu quả giáo dục pháp luật cho trẻ em phụ thuộc vào nhiều điều kiện bảo đảm, trong đó có việc kết hợp các loại hình giáo dục cho trẻ em: giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức, giáo dục quyền con người và giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em. Và quan trọng nhất là trách nhiệm của công đồng trong việc giáo dục ý thức pháp luật cho trẻ, đây cũng được xem là trách nhiệm của nhà trường, gia đình, cộng đồng và các tổ chức đoàn thể xã hội.

Kể từ khi Việt Nam phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em của Liên hợp quốc (năm 1990) và ban hành Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (năm 1991) tới nay, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả, góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của toàn xã hội đối với việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Tuy vậy, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém của công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong đó có hạn chế về sự kết hợp giữa nhà trường, gia đình, cộng đồng xã hội đối với việc giáo dục pháp luật cho trẻ em. Trong thực tiễn vẫn còn tình trạng thiếu sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục trẻ em của nhiều gia đình.

Qua sự phản ánh của báo chí và qua các kết quả khảo sát, điều tra thì có thể nói hiện nay tình trạng trẻ em thiếu sự quan tâm, bị xúc phạm, xâm hại, trừng phạt, bạo lực, bóc lột… hiện vẫn đang ở mức cao và càng ngày càng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Một trong những nguyên nhân đó chính là thiếu sự quan tâm về giáo dục trẻ em từ phía gia đình và các đoàn thể xã hội. Mô hình kết hợp giữa nhà trường, gia đình, đoàn thể, cộng đồng chỉ mới được tổ chức thường xuyên ở một số địa phương nhưng hiệu quả hoạtđộng còn ở mức thấp.

Sự hiểu biết của không ít gia đình về các quyền trẻ em, phương pháp quản lý, giáo dục, chăm sóc, bảo vệ trẻ em trong điều kiện xã hội hiện nay còn hạn chế. Rất nhiều gia đình chăm lo cho con em một cuộc sống đầy đủ về vật chất, song, lại chưa quan tâm đến cuộc sống tinh thần. Không ít những gia đình có hành vi bạo hành đối với trẻ em, hay còn áp dụng cách thức giáo dục trẻ em đã lạc hậu. Việc các thành viên trong gia đình chưa có nhận thức về quyền trẻ em (không nhất thiết phải là sự hiểu biết cụ thể) mà chỉ cần ở mức độ nguyên tắc chung sẽ dẫn đến cách ứng xử, xử lý vấn đề không đúng đắn trong cuộc sống hằng ngày đối với trẻ em. Đơn cử như, khi trẻ em có sai phạm, do chưa hiểu biết về quyền trẻ em hoặc có biết nhưng không tôn trọng, không thực hiện, nên nhiều gia đình đã có cách xử lý thô bạo, thiếu thân thiện với trẻ em, thậm chí sỉ mắng thường xuyên làm cho các em bất mãn, đánh mất niềm tin, thậm chí có trường hợp nhiều em đã tự tìm đến những cách giảiquyết tiêu cực. Thậm chí, có một số gia đình còn dùng trẻ em để giải quyết mâu thuẫn của người lớn (bắt cóc con; bắt con chịu khổ về vật chất hoặc tinh thần, tình cảm để trả thù vợ hoặc chồng; lôi con vào những cuộc tranh cãi của người lớn; sao nhãng trách nhiệm với con sau ly hôn...)[1].

Chất lượng, hiệu quả của giáo dục pháp luật cho trẻ em phụ thuộc rất nhiều vào sự quan tâm, phối kết hợp giáo dục của gia đình và nhà trường, xã hội đối với trẻ em. Trong nội dung hoạt động của các tổ chức đội, đoàn tuy đã phong phú, đa dạng, song, nhìn chung vẫn thiếu một hợp phần quan trọng về giáo dục pháp luật, đạo đức và kỹ năng sống cho trẻ em.

Trong hoạt động của các tổ hòa giải, sinh hoạt của các tổ dân phố, các cộng đồng dân cư cũng vậy, rất ít khi đưa nhiệm vụ giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật, kỹ năng cho trẻ em vào nội dung công tác. Như trên đã nêu, giáo dục pháp luật không chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức pháp luật cụ thể, mà điều quan trọng đặc biệt là sự quan tâm, nhắc nhở, kiểm tra, hướng dẫn trẻ em có suy nghĩ tích cực, có thái độ tôn trọng và hành vi tuân thủ pháp luật, biết cách kiềm chế sự tức giận và hành vi sai lệch chuẩn mực đạo đức, pháp luật trong việc giải quyết các mâu thuẫn trong các mối quan hệ xã hội. Vai trò này được đặt ra không chỉ đối với nhà trường mà còn đối với các gia đình, cộng đồng và đoàn thể xã hội.

Như vậy, giáo dục pháp luật cho trẻ em chỉ thực sự có hiệu quả thiết thực khi có sự kết hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng. Gia đình đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành nhân cách, ý thức đạo đức, ý thức pháp luật của trẻ em.

Do vậy, giải pháp bảo đảm chất lượng, hiệu quả giáo dục pháp luật cho trẻ em là cần xây dựng cơ chế kết hợp giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng trong việc giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức và kỹ năng sống cho trẻ em.

Trước hết, về tổ chức, cần thành lập các tổ chức với tên gọi phù hợp, chẳng hạn như: Ban liên lạc phụ huynh học sinh, Câu lạc bộ pháp luật vv..

Nội dung hoạt động của các tổ chức này nhằm thiết lập mối liên hệ thường xuyên giữa nhà trường, gia đình, cộng đồng, đoàn thể xã hội về quản lý, giáo dục pháp luật, đạo đức cho trẻ em. Quan điểm cơ bản là cần tổ chức các hoạt động mang tính chất bồi dưỡng, trao đổi giữa nhà trường, gia đình về tình hình học tập, tu dưỡng, ý thức đạo đức, việc chấp hành nội quy nhà trường, chấp hành pháp luật của trẻ em. Đồng thời tổ chức thường xuyên các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho các gia đình về pháp luật, phương pháp giáo dục pháp luật, kỹ năng sống cho trẻ em.

Tổ chức các lớp tập huấn cho cha mẹ trẻ em những kiến thức căn bản, phổ thông về pháp luật, quyền trẻ em, các kỹ năng cần thiết để trẻ em biết cách tự bảo vệ mình, tôn trọng các chuẩn mực văn hóa, đạo đức. Tuy cha mẹ, ông bà trong gia đình không có điều kiện biết nhiều về pháp luật, song, điều quan trọng nhất mà họ có thể làm được đó là sự giải thích để các em hiểu được các giá trị cốt lõi về quyền con người, ý nghĩa của việc tôn trọng quyền con người; ý thức được giá trị của bản thân mình, tôn trọng quyền, lợi ích của những người khác, ý thức về công bằng, tự do và bổn phận. Thông qua đó, gia đình sẽ giúp các em biết phân biệt được cái đúng, cái sai, điều hay, lẽ phải, hành vi hợp pháp hay không hợp pháp, hợp đạo đức hay không hợp đạo đức.

Gia đình, nhà trường và xã hội luôn được coi là “tam giác” giáo dục quan trọng đối với mỗi đứa trẻ, thay vì chỉ tập trung vào giáo dục pháp luật trong phạm vi nhà trường. Giáo dục pháp luật không chỉ nhằm mục đích phòng ngừa vi phạm pháp luật mà còn thúc đẩy sự hình thành ở trẻ em ý thức, hành vi đạo đức, các định hướng, nguyên tắc sống trên cơ sở tôn trọng các giá trị sống, các quyền, tự do của bản thân và của tất cả những người khác. Tổ chức các lớp tập huấn cho các gia đình về phương pháp giáo dục trẻ em phù hợp với xã hội hiện đại để có cách quản lý thông minh, hiệu quả, tôn trọng các quyền trẻ em, giám sát và giáo dục con cái, kịp thời uốn nắn, sửa chữa các lệch lạc trong suy nghĩ và hành động, không để các em bị lợi dụng, lôi kéo vào con đường tiêu cực là việc làm hết sức cần thiết.

Cần xây dựng và nhân rộng mô hình quản lý, giáo dục trẻ em vi phạm pháp luật ở địa phương như cách làm của một số ít địa phương hiện nay. Xây dựng các ban chỉ đạo mô hình bao gồm đại điện các tổ chức đoàn thể và cơ quan chính quyền, gia đình, cộng đồng dân cư. Không chỉ là cung cấp kiến thức pháp luật mà còn phải cung cấp thông tin cho cha mẹ trẻ em về tình hình vi phạm pháp luật, nội quy nhà trường, cách thức giáo dục, quản lý cần thiết để giúp các em rèn luyện, phòng tránh trong phòng, chống vi phạm pháp luật, biết cách bảo vệ quyền, lợi ích của mình.

 


[1]1. Nâng cao nhận thức của gia đình trong bảo vệ, chăm sóc, giáo duc tré em, http://treem.molisa.gov.vn/Site/vi-VN/13/407/17817/ Default.aspx