In trang này
Thứ tư, 19 Tháng 9 2018 04:14

Hiệu quả kinh tế của các hoạt động pháp luật ở Việt Nam thời kỳ đổi mới

Những chi phí cho các hoạt động pháp luật ở nước ta thời kỳ đổi mới gồm rất nhiều các khoản, mục về vật chất, về số lượng người tham gia và thời gian tiến hành. Do vậy, việc thống kê và đánh giá hết sức khó khăn. Tuy nhiên, nghiên cứu một cách tổng quát có thể rút ra một số nhận xét sau đây:

1. Những điểm tích cực

Trước hết, phải khẳng định rằng những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm đầu tư rất nhiều về cả vật chất lẫn tinh thần cho các hoạt động pháp luật. Nhà nước đã dành nhiều kinh phí cho các hoạt động khảo sát, nghiên cứu thông tin, tư liệu trong và ngoài nước có liên quan để xây dựng một số dự án văn bản pháp luật quan trọng. Nhiều dự thảo văn bản pháp luật đã được tổ chức hội thảo, góp ý kiến, xin ý kiến của những cơ quan, đơn vị có liên quan và của Nhân dân. Hoạt động thẩm tra các văn bản pháp luật đã được chú trọng hơn. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt việc Quốc hội khoá XIII, kỳ họp thứ 3 đã thông qua Luật phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 đã đánh dấu mốc quan trọng trong việc nêu cao vị trí, vai trò của hoạt động này. Các cơ quan bảo vệ pháp luật đã được củng cố về cả số lượng và chất lượng. Như vậy, những chi phí cho các hoạt động xây dựng pháp luật, thực hiện pháp luật và hoạt động xét xử ngày một nhiều hơn. Xét về tính kinh tế, tính hữu ích trong hoạt động pháp luật ở nước ta những năm gần đây cho thấy, nhìn chung, những chi phí cho hoạt động pháp luật đều ở mức chấp nhận được, các quy định pháp luật đã góp phần mang lại những lợi ích xã hội to lớn. Ngược lại, dựa vào các quy định của pháp luật, Nhà nước ta đã có được các nguồn thu to lớn mang lại một phần đáng kể cho ngân sách nhà nước. Nhiều văn bản pháp luật đã có tác động hết sức mạnh mẽ, có ý nghĩa chính trị quan trọng, mang lại những giá trị tinh thần rất lớn trong xã hội như Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003, sửa đổi bổ sung năm 2005, 2009, 2013, Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng” năm 1994, sửa đổi, bổ sung năm 2012, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2007, 2012... Nền hành chính từng bước được cải cách làm cho bộ máy nhà nước trở nên gọn nhẹ hơn, giảm được nhiều đầu mối, giảm nhiều thủ tục, được bổ sung thêm những cán bộ, công chức có năng lực, trình độ chuyên môn cao và có đạo đức nên năng suất lao động trong bộ máy nhà nước được nâng cao. Hoạt động cải cách nền hành chính quốc gia đã giảm được một số thủ tục phiền hà, tốn kém, tiết kiệm được cho Nhà nước, cho các tổ chức và cá nhân về công sức, thời gian và tiền của. Chính sách tiết kiệm trong các hoạt động nhà nước và xã hội đang từng bước phát huy được tác dụng. Thời gian qua, do tích cực ứng dụng các thành tựu trong lĩnh vực thông tin vào việc hệ thống hoá pháp luật, lưu trữ và cung cấp các thông tin pháp lý cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân cần sử dụng nên đã tiết kiệm được khá nhiều thời gian và tiền của công sức trong các hoạt động pháp luật.

2. Những điểm hạn chế

Ngoài những ưu điểm như đã nêu trên thì những chi phí cho hoạt động pháp luật thời gian qua ở nước ta vẫn còn nhiều điều chưa thực sự phù hợp. Mặc dù, Nhà nước đã đầu tư cho các hoạt động pháp luật nhiều hơn trước, nhưng do các quan hệ xã hội cần tới sự điều chỉnh của pháp luật ngày càng nhiều và phức tạp hơn, số lượng dân cư đông hơn nên những đầu tư đó so với yêu cầu còn nhiều bất cập. Có thể nói, sự quan tâm đầu tư về trí tuệ cho các hoạt động pháp luật là chưa thoả đáng, nhất là đối với công tác nghiên cứu để xây dựng chiến lược pháp luật và việc xác định hệ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo cho việc xây dựng một số văn bản pháp luật quan trọng hiện hành. Những sơ hở trong đầu tư của các cơ quan làm công tác pháp luật cũng chưa tương xứng, nhiều cơ quan vẫn còn thiếu biên chế, thiếu những chuyên gia, những công chức có trình độ cao. Thù lao cho những hoạt động pháp luật không cao làm cho đời sống của những người làm công tác pháp luật còn nhiều khó khăn. Cơ chế quản lý kinh tế - xã hội chưa thật sự rõ ràng nên còn nhiều thủ tục phiền hà, nhiều tiêu cực xảy ra trong các hoạt động kinh tế - xã hội. Đầu tư của Nhà nước cho hoạt động phát huy trí tuệ, công sức của Nhân dân đối với các hoạt động pháp luật còn ít. Chi phí thực tế cho hoạt động xây dựng và thực hiện pháp luật còn nhiều bất cập. Chẳng hạn, số tiền mỗi năm Nhà nước chi để hỗ trợ công tác xây dựng luật pháp lệnh là khá lớn, chưa kể đến kinh phí của các ngành, các cấp, các địa phương và cả kinh phí hỗ trợ của nước ngoài. Vì vậy, kinh phí thực chi cho việc xây dựng một dự án luật thường rất lớn. Ngoài luật, pháp lệnh, mỗi năm Chính phủ, các bộ, các cơ quan khác ở Trung ương và địa phương còn ban hành hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật khác, số kinh phí để xây dựng các văn bản này là của Chính phủ, các ban, ngành, các cấp từ nguồn chi hành chính. Như vậy, những chi phí về vật chất, công sức của các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động xây dựng pháp luật ở nước ta là không nhỏ.

Một số quy định pháp luật có nội dung chưa thật sự phù hợp với thực tế nên việc thực hiện nghiêm minh các quy định đó xét về mặt kinh tế là chưa đạt yêu cầu. Do thủ tục hoạt động, nhất là thủ tục hành chính còn rườm rà, biên chế trong bộ máy nhà nước lại đông nên những chi phí cho hoạt động pháp luật từ việc xây dựng, tổ chức thực hiện đến hoạt động xét xử, hoạt động bảo vệ pháp luật tốn kém nhiều nhưng hiệu quả chưa cao.

Thực hiện chủ trương cải cách bộ máy hành chính nhà nước, kể từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX, Nhà nước ta đã tiến hành giản biên chế trong các cơ quan nhà nước, giảm số lượng các bộ phận, các cơ quan nhà nước có chức năng chồng chéo nhau. Tuy nhiên, trên thực tế mặc dù số lượng các cơ quan nhà nước thì giảm nhưng số lượng cán bộ chưa giảm được bao nhiêu. Năng suất lao động trong khối các cơ quan hành chính sự nghiệp của nước ta chưa cao dẫn đến biên chế trong bộ máy nhà nước ta càng đông, về vấn đề này, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã nhận định: “Cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước còn cồng kềnh; chức năng; nhiệm vụ nhiều cơ quan, đơn vị vẫn còn chồng chéo và chưa đủ cụ thể, chưa rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu. Thực hiện tinh giản biên chế chưa đạt yêu cầu. Chi lương và phụ cấp chiếm phần lớn trong tổng kinh phí hoạt động của cơ quan, đơn vị”. Một số quy định của pháp luật đã tạo ra những trình tự thủ tục phiền hà không cần thiết gây ra sự tốn kém về thời gian, tiền của, công sức của các tổ chức và công dân. Nhiều quy định của pháp luật không rõ ràng, không chặt chẽ tạo ra những sơ hở, tuỳ tiện trong nhận thức và thực hiện đã làm tăng thêm hiện tượng vi phạm pháp luật. Việc cấp giấy phép thành lập và thành lập các công ty một cách tràn lan, việc quản lý tiền tệ như ngân hàng, những quy định không chặt chẽ về việc thế chấp tài sản vay vốn, v.v., đã tạo sơ hở cho bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nhà nước. Chính sách về xuất, nhập khẩu trong một số trường hợp không rõ ràng nên bị kẻ xấu lợi dụng để buôn lậu. Thủ tục hành chính còn rườm rà, đã tạo kẽ hở cho việc gia tăng tình trạng hối lộ... Hiện tượng kiện tụng dây dưa kéo dài, ảnh hưởng tới thời gian, tiền của, lợi ích của Nhân dân. Tình trạng quan liêu, cửa quyền trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, của một bộ phận cán bộ, công chức đã dẫn đến tình trạng lãng phí tiền của, công sức của Nhà nước và Nhân dân. Tình trạng không có quy hoạch hoặc quy hoạch không dứt khoát, không công khai, xử lý không triệt để, không nghiêm minh những trường hợp vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực như giao thông, xây dựng, v.v., cũng làm cho Nhà nước, nhân dân phải chi phí rất nhiều tiền của, công sức để làm đi, làm lại nhiều lần. Chính sách tiết kiệm tuy có được đề ra trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội nhưng việc thực hiện chưa được là bao.

Mặc dù còn tồn tại những hạn chế như vậy, tuy nhiên, tựu trung pháp luật nước ta những năm gần đây về cơ bản đã có những chuyển biến tích cực, pháp luật ngày càng trở nên hoàn thiện, chất lượng dần được nâng cao, vai trò của pháp luật được phát huy, các kết quả tác động, điều chỉnh của pháp luật đạt được nhiều và ngày càng tốt hơn, pháp luật đã có hiệu quả cao hơn so với các thời kỳ trước đây.