In trang này
Thứ hai, 24 Tháng 9 2018 07:46

Một số vấn đề về lý luận kinh tế trong kinh tế báo chí

Hoạt động kinh tế báo chí là một bộ phận của nền kinh tế, là lĩnh vực sản xuất hàng hóa tinh thần, vật chất phục vụ nhu cầu nâng cao nhận thức, giải trí hoặc phục vụ hoạt động kinh doanh. Báo chí chỉ trở thành một ngành công nghiệp khi nó thực sự là một hoạt động kinh tế sản xuất quy mô lớn, được sự hỗ trợ thúc đẩy mạnh mẽ của các cơ chế, chính sách và các tiến bộ công nghệ, khoa học và kỹ thuật.

Với vai trò là một hoạt động kinh tế quan trọng trong ngành công nghiệp truyền thông thì yếu tố chi phí và quy trình sản xuất của lĩnh vực báo chí có ý nghĩa quan trọng. Vấn đề chi phí sản xuất luôn được coi là điểm mấu chốt trong lý luận kinh tế chính trị. Mức chi phí sản xuất là số liệu kinh tế cơ bản, ảnh hưởng trực tiếp đến định hướng của bất kỳ doanh nghiệp nào, trên cả quy mô sản xuất và giá thành sản phẩm.

Trên thế giới có rất nhiều cơ quan báo chí hoạt động với tính chất quảng bá công cộng là cơ quan ngôn luận đại diện cho các quốc gia, vùng lãnh thổ, các đảng phái chính trị, không đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu trong hoạt động của mình. Nhóm các cơ quan truyền thông này có tính phi thương mại, do định hướng hoạt động chính của nó là tiến hành các nhiệm vụ khác so với hoạt động kinh doanh thương mại thông thường (ví dụ: tuyên truyền, thông tin, phổ cập giáo dục...).

Các nhà kinh tế học đã định nghĩa lợi nhuận: "Là hình thái chuyển hóa giá trị thặng dư khi nó được quan niệm là con đẻ của toàn bộ tư bản ứng trước”. Có thể tìm hiểu lợi nhuận của các doanh nghiệp thông qua việc phân tích các khoản chi phí. Chi phí sản xuất là số liệu khách quan và toàn diện, đặc trưng cho hoạt động của bất kỳ một doanh nghiệp nào, phù hợp cả với hoạt động của thị trường truyền thông. Để hiểu được cơ chế hình thành chi phí sản xuất, cần xác định, lợi nhuận - là khoản thu nhập từ việc bán hàng hay dịch vụ saukhi trừ đi các chi phí để sản xuất ra chúng. Thông thường công thức để tính lợi nhuận là:

Lợi nhuận = Tổng thu nhập - Tổng chi phí

Để hình dung ra toàn bộ quá trình tối đa hóa lợi nhuận, nhất thiết cần phải biết cách xác định tổng thu nhập và tổng chi phí. Việc tính tổng thu nhập là một quy trình nhất quán:

Tổng thu nhập = Khối lượng sản phẩm sản xuất ra x Giá bán

So với việc tính tổng thu nhập thì việc tính tổng chi phí là một vấn đề phức tạp hơn. Khi xác định tổng chi phí, cần xác định về giá thành hữu hình (giá vật liệu, chi phí nhân công) và vô hình (thu nhập bỏ lỡ mà doanh nghiệp có thể thu được nếu như sản xuất các mặt hàng hoặc dịch vụ khác). Theo GS.TS. E.L. Vartanova thuộc Trường Đại học Tổng hợp quốc gia Mátxcơva, đối với các đài truyền hình có trường hợp đặc biệt khi trong số các khoản chi phí thực tế có cả thu nhập bị bỏ lỡ, mà đài truyền hình mất đi khi từ chối chiếu một bộ phim truyện không mang tính nghệ thuật cao, nhưng lại có thể thu hút một lượng khán giả cùng nguồn lợi từ quảng cáo. Có thể lấy ví dụ khác, thu nhập bị bỏ lỡ xuất hiện khi một biên tập viên nổi tiếng từ chối lời mời làm việc ở tòa soạn báo cho một chuyên mục ăn khách, ấn phẩm đó sẽ mất nhiều độc giả, mất đi thu nhập từ số lượng phát hành đáng kể, thậm chí là cả các nhà quảng cáo và các nhà tài trợ tiềm năng.

Lợi nhuận trong kinh tế báo chí có thể được xem xét trên nhiều phương diện. Theo khía cạnh tài chính thì đó làtính số chênh lệch giữa tổng thu nhập của cơ quan báo chí truyền thông và những khoản chi phí sản xuất hữu hình; đối với lĩnh vực truyền thông đại chúng, còn phải . ý đến định hướng văn hóa - xã hội, những tiêu chí chuẩn mực về đạo đức, lối sống.. Nếu phá vỡ các quy chuẩn đạo đức hoặc không quan tâm đến các vấn đề xã hội thì doanh nghiệp sẽ tự đánh mất vị thế của mình.

Khi xem xét hoạt động của các cơ quan báo chí truyền thông như một doanh nghiệp, có thể nhận thấy rằng yếu tố chi phí luôn có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi vì bất kỳ doanh nghiệp nào cũng đều phải quan tâm đến mối liên hệ giữa quy trình sản xuất và tổng chi phí, phải lập kế hoạch về khối lượng tài nguyên sử dụng, khối lượng sản phẩm xuất xưởng, khối lượng sản phẩm xuất xưởng có mức độ càng tăng thì tổng chi phí cũng tăng.

Chi phí thường xuyên là chi phí cho những yếu tố sản xuất cố định, không thay đổi theo sự thay đổi của khối lượng sản xuất. Liên quan đến nó là các khoản chi phí văn phòng, thuế, khấu hao. Giá trị khấu hao tạo nên một khoản chính trong các lĩnh vực, nơi sử dụng một số lượng lớn trang thiết bị cơ bản. Các chi phí này còn được gọi là chi phí gián tiếp hay chi phí bắt buộc.

Chi phí không cố định (còn gọi là chi phí trực tiếp) tỷ lệ trực tiếp với khối lượng sản xuất sản phẩm Liên quan đến nó là lương nhân công, giá vật liệu, nhiên liệu, điện, bao bì, vận tải. Liên hệ với thực tiễn hoạt động báo chí truyềnthông, có thể xem đây là khoản chi phí mua giấy và mực in, bằng hình, đĩa ghi dữ liệu...

Giá thành chung là tổng của giá thành cố định và không cố định:

Tổng chi phí = chi phí thường xuyên + chi phí không cố định

Chi phí giới hạn là khoản tiền mà chi phí chung tăng lên khi khối lượng sản xuất tăng thêm một đơn vị sản phẩm. Chi phí trung bình là chi phí của một đơn vị sản phẩm.

Chi phí trung bình= Chi phí chung

Số lượng đơn vị sản phẩm

Theo quy mô phát triển sản xuất, chi phí chung tăng lên, còn chi phí giới hạn và trung bình giảm nhờ tăng sức sản xuất. Một trong những nguyên nhân chính của việc chi phí trung bình giảm khi sản xuất tăng là các chi phí cố định được chia cho một khối lượng sản phẩm lớn. Trong các lĩnh vực sản xuất có sử dụng khối lượng lớn các trang thiết bị đắt tiền như truyền hình, "chi phí cố định lớn, còn chi phí không cố định tương đối thấp, việc tăng khối lượng sản xuất dẫn đến sự giảm đi đáng kể của chi phí trung bình"[1].

Vận dụng những khái niệm cơ bản trên vào hoạt động của ngành báo chí, các phương tiện truyền thông đại chúngkhác biệt nhau bởi tỷ lệ chi phí cố định và không cố định như vậy, lợi nhuận đối với từng lĩnh vực sản phẩm cũng sẽ khác nhau. Với báo in, việc mở rộng sản xuất đồng nghĩa với tăng chi phí không cố định (giấy, mực in, giá vận chuyển), đồng thời mở rộng sản xuất dẫn đến tăng khối lượng công chúng. Với lĩnh vực truyền hình thì ngược lại, các chi phí cố định (chi phí lao động của các tập thể sáng tạo, khấu hao các thiết bị ghi hình...) không gắn trực tiếp với việc tăng sản xuất, tức là một chương trình nhiều tiền chưa chắc đã thu hút được đông đảo công chúng.

Để hiểu rõ bản chất của chi phí, lợi nhuận, cần đặt những yếu tố này trong hoàn cảnh nhất định, đó là dây chuyền hay quy trình sản xuất. Kinh tế học đã đưa phương pháp phân chia các giai đoạn sản xuất theo một quy trình căn cứ trên những khác biệt về công nghệ, thông qua đó để phân tích đặc điểm kinh tế và tìm ra con đường tối ưu hóa cho mỗi công đoạn sản xuất. Đây là khái niệm “dây chuyền sản xuất theo chiều dọc”, lý thuyết này cho phép xác định các giai đoạn sản xuất lớn và chủ chốt, giúp cho sự gắn kết của các nhà sản xuất và người tiêu dùng:

Capture 5x

Trong hoạt động kinh tế báo chí, giai đoạn thứ nhất là sản xuất nội dung. Đối với tất cả các tổ chức, điều này đồng nghĩa với công việc tạo ra văn bản, hình ảnh, âm thanh, tư liệu nghe nhìn... do các nhà báo, biên kịch, đạo diễn, diễn viên, nhạc sĩ thực hiện. Trong một số trường hợp (ví dụ như trên internet) nội dung có thể được công chúng đón nhận ngay, tuy nhiên, giai đoạn tiếp theo sẽ là giai đoạn "đóng gói" sản phẩm. Ở giai đoạn này, các bài báo, bài viết được tập hợp đăng trong số báo hay tạp chí. Với truyền hình, các chương trình nhiều dạng khác nhau, cả do chính các đài truyền hình tự sản xuất (thời sự, chuyên đề) hoặc được muacác nhà sản xuất bên ngoài (phim truyện, phim truyền hình dài tập, video clip) được đưa vào một chỉnh thể kế hoạch phát sóng thống nhất. Quá trình tương tự cũng diễn ra ở các đài phát thanh và cả ở các mạng truyền hình cáp. Đây chính là giai đoạn thể hiện những khác biệt cơ bản, xác định các đặc điểm kinh tế giữa các phương tiện truyền thông đại chúng khác nhau.

Giai đoạn sản xuất cuối cùng trong hoạt động kinh tế báo chí truyền thông là giai đoạn phát hành, kết quả của nó là các nội dung truyền thông được "đóng gói" đúng thể thức, được đưa đến với công chúng, tức là người tiêu dùng. Ở giai đoạn này, có nhiều hoạt động tương đối phức tạp, thể hiện những khác biệt đáng kể giữa các bộ phận của công nghệ truyền thông. Đối với báo in, giai đoạn này có thể xuất hiện yếu tố "người trung gian" đặc biệt (ví dụ: các mạng lưới phân phối), mà không trực thuộc cơ cấu của tờ báo. Đốivới các kênh truyền hình thu phí, việc phân phối lại là quá trình phức tạp, không chỉ đơn giản là việc truyền dẫn tín hiệu truyền hình đến với người xem mà còn là các thao tác kỹ thuật như mã hóa, nén, giải mã, truyền dẫn...

Phân tích “dây chuyền sản xuất theo chiều dọc” vận hành trong kinh tế báo chí, có thể thấy từng công đoạn độc lập sẽ không mang giá trị lớn nếu tách rời khỏi quá trình sản xuất chung. Nội dung sản xuất ra cần được mang đến cho công chúng, nhưng nếu không được sử dụng nó sẽ mất giá trị. Kết cấu hạ tầng của kinh tế báo chí truyền thông (ví dụ: mạng lưới phát hành báo in, mạng truyền dẫn...) cũng không mang lại ý nghĩa gì nếu nội dung chuyển tải không được công chúng quan tâm. Như vậy, các công đoạn sản xuất của lĩnh vực báo chí truyền thông chỉ có giá trị khi được gắn kết với nhau. Mặt trái của hiện tượng này là phát sinh sự độc quyền của các doanh nghiệp riêng biệt ở một giai đoạn nhất định nào đó, ví dụ, độc quyền sản xuất tin tức hay độc quyền trong hệ thống phát hành, độc quyền truyền dẫn... Sự độc quyền nếu có sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động bình thường giữa các phương tiện thông tin đại chúng, đặt người tiêu dùng và các đơn vị báo chí truyền thông nhỏ hơn vào tình thế bất lợi.

Ngoài ra, sự phụ thuộc lẫn nhau của các giai đoạn sản xuất của các phương tiện thông tin đại chúng mang lại cho các đơn vị báo chí truyền thông khả năng tìm ra các cơ hội tốt nhất để hợp nhất các giai đoạn sản xuất hay mua lại các hệ thống đang vận hành tốt để bổ sung thêm dây chuyền sản xuất hiện có.

 


[1]Viện Nghiên cứu và đào tạo về quản lý: Quản lý tài chính doanh nghiệp, Sđd, tr.278.