In trang này
Thứ sáu, 28 Tháng 9 2018 08:28

Vai trò của tổ chức thực hiện và áp dụng pháp luật trong đánh giá hiệu quả pháp luật

Có một hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ là điều cần thiết. Song để bảo đảm xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam thực sự của dân, do dân và vì dân, vấn đề bức thiết hiện nay là phải tạo ra điều kiện, xây dựng một cơ chế hữu hiệu bảo đảm mọi quy định pháp luật đã ban hành đều được mọi người, mọi cơ quan, tổ chức tôn trọng. Đặc biệt là phải đẩy mạnh hơn nữa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật sâu rộng đến mọi tầng lớp Nhân dân, để ai nấy đều hiểu rõ và chấp hành nghiêm chỉnh. Vì vậy, tổ chức tốt việc thực hiện và áp dụng pháp luật có ý nghĩa vô cùng quan trọng để pháp luật đi vào cuộc sống, phát huy được vai trò, tác dụng của mình. Để việc thực hiện và áp dụng pháp luật được tiến hành thuận lợi trước hết phải:

1. Vai trò của công tác hướng dẫn thi hành pháp luật

Thực tiễn hoạt động pháp luật ở nước ta cho thấy có nhiều quy định của luật, pháp lệnh không thể thực hiện được hoặc được thực hiện nhưng không đồng bộ, thiếu nhất quán, chỉ vì thiếu các văn bản hướng dẫn thi hành. Do vậy, đòi hỏi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải chú trọng hơn nữa tới việc ban hành các văn bản chi tiết, hướng dẫn thi hành, đặc biệt là đối với những quy định của Hiến pháp, luật, pháp lệnh. Nhà nước nên thực hiện quan điểm xây dựng pháp luật "trọn gói", nghĩa là, đồng thời với việc soạn thảo văn bản luật thì phải soạn thảo cả các văn bản dưới luật kèm theo để khi trình dự án luật, đã có cả các dự án văn bản chi tiết, hướng dẫn thi hành kèm theo, hoặc ít nhất cũng phải quy định rõ trách nhiệm, thời gian ban hành các văn bản chi tiết hướng dẫn cho các cơ quan hữu quan để tránh tình trạng nhiều luật đã ban hành, có hiệu quả rồi sau thời gian dài mới có văn bản chi tiết, hướng dẫn thi hành cụ thể.

2. Vai trò cải cách và hoàn thiện bộ máy nhà nước

Công cuộc đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị vì mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước ta cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước. Cụ thể là: kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội; cải tiến phương thức hoạt động của Chính phủ, xây dựng một nền hành chính trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại hoá; tổ chức hợp lý Hội đồng nhân dân, kiện toàn các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân; cải cách tổ chức, nâng cao chất lượng và hoạt động của các cơ quan tư pháp, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cơ quan tư pháp trong công tác điều tra, bắt, tạm giam, tạm giữ, truy tố, xét xử, thi hành án, không để xảy ra những trường hợp oan sai. Cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật trong quá trình áp dụng pháp luật, tránh hiện tượng ỷ lại, dựa dẫm hoặc cản trở lẫn nhau trong việc thực hiện chức năng, quyền hạn của mỗi cơ quan, cần sắp xếp lại hệ thống Toà án nhân dân, phân định hợp lý thẩm quyền của Toà án các cấp. Trước đây, do quan niệm Thẩm phán của các Toà án nhân dân cấp quận, huyện vừa thiếu vừa non kém về trình độ, do vậy, chỉ cho phép Toà án quận, huyện xét xử các vụ án ít nghiêm trọng. Hiện nay, đội ngũ Thẩm phán ở nước ta đã được củng cố một bước quan trọng về số lượng và chất lượng, các điều kiện phục vụ cho công tác xét xử của Toà án nhân dân cấp quận, huyện cũng đã được củng cố, cải thiện nhiều, vì vậy, đã có thể tiếp tục mở rộng thẩm quyền xét xử cho Tòa án cấp quận, huyện. Nên xác định rõ Toà án nhân dân cấp quận, huyện là Toà án sơ thẩm, mở rộng thẩm quyền cho các Toà án này xét xử sơ thẩm tất cả các vụ án (trừ những vụ án đặc biệt). Các Toà án nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ chủ yếu xét xử phúc thẩm, Toà án cấp cao xét xử phúc thẩm và xét xử giám đốc thẩm, còn Toà án nhân dân tối cao sẽ chỉ chủ yếu làm nhiệm vụ lãnh đạo công tác xét xử. Làm như vậy sẽ bớt được gánh nặng xét xử cho Toà án nhân dân tối cao, giảm được những ách tắc, tồn đọng trong công tác xét xử của các Toà án như hiện nay. Tạo mọi điều kiện để Toà án thực sự độc lập trong quá trình xét xử, cải cách nền hành chính cũng như các thủ tục tố tụng để giải quyết các công việc thiết thực hơn, đơn giản, nhanh chóng hơn nhưng phải bảo đảm hiệu quả công việc. Cần tạo lập một cơ chế phối hợp đồng bộ, có hiệu quả giữa Cơ quan thi hành án với Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Công an và các cơ quan hữu quan khác để tổ chức tốt hơn nữa công tác thi hành án. Đối với các quyết định, các bản án của Toà án đã có hiệu lực và có các điều kiện để thi hành thì cần phải tổ chức thi hành nhanh chóng, cương quyết, không để dây dưa kéo dài. Các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, tổ chức từ thiện cần có kế hoạch dạy nghề và giới thiệu việc làm cho phạm nhân sau khi mãn hạn tù, giúp họ nhanh chóng tái hoà nhập với cộng đồng xã hội, để họ có điều kiện, cơ hội sống lương thiện.

Đối với hệ thống các Cơ quan điều tra, việc tổ chức như hiện nay còn phân tán, rất khó khăn trong việc phân định thẩm quyền giữa các Cơ quan điều tra, tính độc lập chưa cao, trách nhiệm của các Điều tra viên bị hạn chế, sự phối hợp giữa các Cơ quan điều tra cũng gặp nhiều khó khăn gây chậm trễ cho hoạt động điều tra nói riêng, cho công tác đấu tranh chống vi phạm pháp luật nói chung. Việc cải cách tổ chức và hoạt động của các Cơ quan điều tra cần theo hướng bảo đảm tính thống nhất, đồng thời, phát huy tính độc lập nhiều hơn cho Cơ quan điều tra cũng như Điều tra viên. Các Cơ quan điều tra được tổ chức hợp lý và hoạt động có hiệu quả sẽ tránh được tình trạng có nhiều vụ việc phải điều tra đi, điều tra lại nhiều lần, nhiều cơ quan tham gia mất nhiều thời gian, hao tốn tiền của, công sức của Nhà nước và Nhân dân, làm ảnh hưởng tới uy tín của các cơ quan nhà nước, tính nghiêm minh của pháp luật.

Đối với Viện kiểm sát nhân dân, cần tập trung làm tốt chức năng công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, bảo đảm mọi hành vi phạm tội đều bị phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời, đặc biệt là các tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội tham nhũng, buôn lậu. Đề cao trách nhiệm của Kiểm sát viên, kiên quyết xử lý những trường hợp bắt giữ, xử lý oan sai người vô tội. Xây dựng quy chế hoạt động, sắp xếp tổ chức hợp lý hoạt động kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân đối với các lĩnh vực hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính, lao động... Phải đẩy mạnh công tác giám sát việc tuân theo pháp luật đối với chính cán bộ, Kiểm sát viên của các Viện kiểm sát.

Đẩy mạnh việc xét và giải quyết kháng cáo và các khiếu nại, tố cáo về công tác xét xử bảo đảm nhanh chóng, công bằng và nghiêm minh, xử lý kiên quyết trách nhiệm của những người xét xử oan, sai người vô tội hoặc chưa đến mức xử lý hình sự làm tổn hại tới quyền, lợi ích, danh dự, v.v. của nhân dân và các tổ chức, cơ quan đơn vị, đồng thời, phải tiến hành minh oan công khai, bồi thường thỏa đáng, kịp thời những thiệt hại về vật chất, phục hồi danh dự và việc làm đối với những người bị truy tố, xét xử oan sai, trái pháp luật. Truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với những người có hành vi trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc những người lợi dụng quyền khiếu nại tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác. Mở rộng hoạt động các dịch vụ công trong lĩnh vực hành chính. Đối với hoạt động công chứng, bên cạnh việc xã hội hoá hoạt động công chứng, phải tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân, phạm vi các vấn đề công chứng cần được mở rộng, tăng cường trách nhiệm cá nhân của các công chứng viên trong hoạt động công chứng, bảo đảm tính khách quan, tránh những việc làm sai lệch dẫn đến những hậu quả xấu. Đối với hoạt động giám định tư pháp cần tăng cường các phương tiện khoa học - kỹ thuật kiểm nghiệm theo kịp các phương pháp khoa học và kỹ thuật kiểm nghiệm, giám định tiên tiến của các nước trên thế giới.

Trong xu hướng tăng cường và phát huy dân chủ trong hoạt động tư pháp nên tiếp tục xây dựng, hoàn thiện mạng lưới các tổ chức hỗ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý để hỗ trợ đắc lực hoạt động của các cơ quan nhà nước bảo đảm tính khách quan, chính xác và đúng luật. Đối với đoàn luật sư cần có cơ chế, chính sách thích hợp trong tổ chức tạo điều kiện cho đông đảo luật gia có khả năng tham gia và hành nghề luật sư. Ngoài việc tăng cường củng cố đoàn luật sư, nâng cao vị trí, uy tín của luật sư trong các phiên tòa, cần củng cố các công ty luật, văn phòng tư vấn, dịch vụ pháp lý. Quy định rõ các nguyên tắc, nội dung hoạt động của các tổ chức trên để chúng thực sự phát huy được tác dụng của mình trong đời sống pháp lý, nhất là trong việc giúp đỡ các tổ chức, đơn vị, các cá nhân hiểu biết thêm về pháp luật, đấu tranh chống lại những việc làm sai trái, tắc trách của các cơ quan nhà nước, bảo vệ có hiệu quả quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Đồng thời Nhà nước cũng phải tăng cường theo dõi, kiểm tra hoạt động của các tổ chức này, kiên quyết giải thể, đình chỉ hoạt động, xử lý nghiêm minh đối với những tổ chức, cá nhân có những biểu hiện tiêu cực trong công tác dịch vụ và tư vấn pháp lý, kể cả các tổ chức và người nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các trung tâm trọng tài phi chính phủ đồng thời mở rộng mạng lưới dịch vụ pháp luật tạo điều kiện cho chúng hoạt động có hiệu quả.

Vấn đề kinh phí có ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả thực hiện và áp dụng pháp luật. Những năm vừa qua ở nước ta, ngân sách chi cho hoạt động tổ chức thực hiện pháp luật vẫn còn chưa tương xứng. Vì thế, Nhà nước nên tiếp tục tạo điều kiện vật chất cần thiết bảo đảm cho hoạt động thực hiện và áp dụng pháp luật đạt chất lượng cao hơn, trong đó có biện pháp giải quyết vấn đề tiền lương cho đội ngũ cán bộ, công chức đủ bảo đảm cho họ, nhất là những người thường xuyên trực tiếp giải quyết công việc có liên quan tới tài sản, đến các mặt trái của xã hội, để họ có thể sống liêm khiết bằng thu nhập chính đáng của mình. Việc này có ý nghĩa rất quan trọng. Đồng thời, Nhà nước cũng cần quy định chế độ trách nhiệm pháp lý đối với các cơ quan hoặc cá nhân trong việc tổ chức thực hiện và áp dụng pháp luật trên thực tế để tránh hiện tượng pháp luật không được tổ chức thực hiện, nhưng không ai phải chịu trách nhiệm về vấn đề đó.

3. Vai trò của công tác cán bộ

Đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có phẩm chất, đủ năng lực là yếu tố quyết định đến chất lượng của hoạt động thực hiện, áp dụng pháp luật. Để đạt được như vậy, cần "rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách đối với cán bộ, công chức theo hướng khuyến khích cán bộ, công chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức công vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ; lấy bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, hiệu quả thực thi nhiệm vụ để đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ, thu hút, trọng dụng nhân tài.

Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, hách dịch, cửa quyền; thực hành tiết kiệm trong các cơ quan nhà nước và trong đội ngũ cán bộ, công chức". Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, về đường lối, chính sách, về kiến thức và kỹ năng quản lý nhà nước, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức theo đúng chức danh, tiêu chuẩn, bố trí đúng năng lực, sở trường. Định kỳ kiểm tra, đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, kịp thời thay thế những cán bộ, công chức yếu kém và thoái hoá, không còn phù hợp.

Hiện nay ở nước ta, đã thực hiện chế độ bổ nhiệm Thẩm phán, nhưng nhiệm kỳ của Thẩm phán bổ nhiệm chỉ là 5 năm thì vẫn còn là ngắn. Trong tương lai, nên chăng, cần kéo dài nhiệm kỳ bổ nhiệm của Thẩm phán tới 10 năm hoặc 15 năm. Nhà nước cần coi công việc xét xử của Thẩm phán như là một nghề và cần phải có một cơ chế phù hợp để những người được đào tạo làm nghề đó yên tâm đầu tư trí tuệ và sức lực của mình cho công việc đã chọn, trong quá trình làm nghề, nếu họ có vi phạm hoặc tỏ ra không có năng lực, không đủ sức khỏe thì phải thường xuyên kiểm tra, giám sát để miễn nhiệm kịp thời. Đối với Hội thẩm của Toà án nhân dân cần phải có những lớp bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho đối tượng này, hoặc là cần quy định lại thẩm quyền của Hội thẩm so với Thẩm phán. Bởi lẽ, về mặt pháp lý, Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán trong quá trình xét xử, nhưng do không được đào tạo nên trình độ chuyên môn và nghiệp vụ xét xử của Hội thẩm nhân dân thường yếu hơn so với Thẩm phán. Thực tiễn hoạt động xét xử cho thấy, quyền của Hội thẩm nhân dân thì nhiều nhưng trách nhiệm lại ít, Hội thẩm nhân dân chưa phát huy được vai trò và trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật. Có thể nói, trong hội đồng xét xử vụ án sơ thẩm nên tăng thêm số lượng Thẩm phán, có thể là hai Thẩm phán và một Hội thẩm nhân dân thì tính chính xác và nghiêm minh trong hoạt động xét xử sẽ cao hơn. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi hành án trong sạch, vững mạnh có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đào tạo và phát triển đội ngũ giám định viên có chuyên môn, tay nghề vững, có đạo đức để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi hiện nay.