In trang này
Thứ hai, 22 Tháng 10 2018 02:55

Kinh nghiệm ứng phó với chuyển giá ở Mỹ

1. Chuyển giá ở Mỹ

Hành vi chuyển giá ở Mỹ diễn ra phổ biến đến mức Ủy ban Điều tra Thượng viện Hoa Kỳ (PSOI) trong một báo cáo công bố vào tháng 9-2012 đã khẳng định, hầu như tất cả tập đoàn đa quốc gia hoạt động ở Mỹ đều dùng các thủ thuật chuyển giá để giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Chỉ tính riêng nhóm Fortune 500, đã có hơn 2.500 tỉ USD lợi nhuận được giữ lại ở nước ngoài và không bị đánh thuế thu nhập, trong khi tỷ trọng đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp cho ngân sách các bang tại Mỹ giảm sâu, từ khoảng 32% nguồn thu thuế liên bang những năm đầu thập niên 50 của thế kỷ XX, xuống còn khoảng 8 - 9% hiện nay. Mức này thấp hơn nhiều so với mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 35%. Mỗi năm, nước Mỹ bị thất thu vài trăm tỉ USD tiền thuế do hành vi chuyển giá ở các tập đoàn đa quốc gia.

Một nghiên cứu của Pak và Zdanowicz (2002) được Prem Sikka và Hugh Willmott (2010) trích dẫn trong nghiên cứu “The dark side of transfer pricing: Its role in tax avoidance and wealth retentiveness” (Mặt tối của chuyển giá: Vai trò của nó trong việc tránh thuế và biển thủ tài sản) cho thấy, nhiều tập đoàn ở Mỹ thực hiện định giá chuyển giao hàng hóa giữa các thành viên liên kết với mức giá hết sức phi lý. Cụ thể: 1 lít nước táo ép nhập từ Ixraen có giá 2.052 USD, 1 thùng thư nhập từ Canada có giá là 1.853,50 USD, 1 thùng nhựa nhập từ Cộng hòa Séc có giá 972,98 USD; 1 kg giấy vệ sinh nhập từ Trung Quốc có giá 4.121,81 USD, một cặp “nhíp” xe ôtô nhập từ Nhật Bản có giá 4.896 USD, 1 cây bút bi nhập từ Tơriniđát và Tôbagô có giá 8.500 USD. Giá của các mặt hàng này cao gấp nhiều lần so với giá thị trường.

Bảng 1. Giá nhập khẩu hàng hóa “siêu” đắt ở Mỹ

STT Nhập từ Tên hàng Giá (USD) Giá trên thị trường tự do (USD)
1 Ixraen 1 lít nước táo ép 2.025,00 43,54 (amazon.com)
2 Canada 1 thùng thư 1.853,50 24,97(homedepot.com)
3 Séc 1 thùng nhựa 972,98 4 - 41,31 (ebay.com)
4 Trung Quốc 1 kg giấy vệ sinh 4.121,81 23,94/48 cuộn 2 lớp (amazon.com)
5 Nhật Bản 1 cặp nhíp xe ôtô 4.896,00 35 (alibaba.com)
6 Tơriniđát và Tôbagô 1 cây bút bi 8.500,00 57,57(Parker) - 427(Mont Blanc) (ebay.com)

Trong khi nhập khẩu với giá đắt một cách phi lý thì giá xuất khẩu hàng hóa từ Mỹ ra các quốc gia và vùng lãnh thổ khác lại rất thấp. Cụ thể: 1 tấm tường nhà lắp ghép xuất sang Tơriniđát và Tôbagô có giá 1,20 USD, 1 xe ủi đất xuất sang Vênêxuêla chỉ 387,83 USD, 1 bộ thiết bị vệ sinh gồm bệ xí và bình đựng nước xuất sang Hồng Kông có giá 1,75 USD, 1 súng phóng lựu đạn xuất sang Ixraen chỉ với 52,03 USD.

Bảng 2. Giá xuất khẩu “siêu” rẻ từ Mỹ

STT Tên hàng Xuất đến Giá(USD) Giá trên thị trường tự do (USD)
1 1 tấm tường lắp ghép Tơriniđát và Tôbagô 1,20 46,944 (ebay.com)
2 1 xe ủi hạng nặng Vênêxuêla 387,83 128.000(made-in-china.com)
3 1 bộ thiết bị vệ sinh Hồng Kông 1,75 485 (ebay.com)
4 1 súng phóng lựu đạn Ixraen 52,03 7.000 - 10.000 (nguồn riêng của tác giả)

Sau đây là một số trường hợp chuyển giá điển hình ở Mỹ:

Thứ nhất, Enron là một công ty năng lượng khổng lồ của Mỹ, có khoảng 3.500 chi nhánh và công ty con ở trong và ngoài nước Mỹ. Bằng cách thiết kế các chính sách chuyển giá thích hợp, Enron đã chuyển thu nhập đến các nơi “trú ẩn” thuế như quần đảo Tuốc và Caiôx (Turks & Caicos), Bécmútđa, Môrixơ. Nhờ vậy, trong 5 năm 1996 - 2000, mặc dù lợi nhuận đạt 1.785 tỉ USD nhưng Enron không phải chịu một đồng thuế nào.

Thứ hai, Công ty World Com - tập đoàn viễn thông lớn của Mỹ có trụ sở chính tại bang Mixixipi (Hoa Kỳ), đã tạo ra tài sản “quản lý tầm nhìn xa”, bí mật kinh doanh, thương hiệu, nhãn hiệu dịch vụ, sở hữu trí tuệ - một loại tài sản vô hình - để thực hiện chuyển giá. Công ty mẹ đăng ký tài sản này ở các nước có thuế suất thấp và cấp phép sử dụng cho các công ty con ở Mỹ, sau đó thu lại tiền phí bản quyền hằng năm khá lớn, đến nỗi giảm được 25 triệu USD tiền thuế trong năm đầu tiên và 170 triệu USD trong 5 năm sau đó. Người ta đã chứng minh, trong giai đoạn 1998 - 2001, tiền bản quyền chiếm đến 80 - 90% thu nhập ròng của công ty con, thậm chí vượt xa thu nhập ròng của tổng công ty hằng năm.

Thứ ba, Glaxo Smith Kline - một công ty dược phẩm toàn cầu của Mỹ, cũng là một điển hình về chuyển giá. Công ty này đặt trụ sở chính ở ngoài nước Mỹ và mở chi nhánh ở nước Mỹ. Trong khi phần lớn doanh thu mang lại cho Glaxo Smith Kline có được nhờ vào hoạt động tiếp thị, quảng cáo rầm rộ và hiệu quả nhưng công ty mẹ (ngoài nước Mỹ) lại tính phí cho dịch vụ tiếp thị, quảng cáo do chi nhánh này thực hiện quá thấp. Điều này đã hạ thấp thu nhập của chi nhánh tại Mỹ trong suốt thời gian 7 năm liên tục, từ năm 1989 đến năm 1996, qua đó giúp công ty trốn được khoảng 5,2 tỉ USD tiền thuế trong giai đoạn này. Đến năm 2000, sau nhiều năm đàm phán và kiện tụng dai dẳng, Glaxo Smith Kline đồng ý giải quyết tranh chấp bằng việc thanh toán thêm khoản tiền thuế 3,4 tỉ USD.

Thứ tư, Microsoft - một tập đoàn đa quốc gia của Mỹ đặt trụ sở chính tại Oasinhtơn (Hoa Kỳ), chuyên phát triển sản xuất, kinh doanh bản quyền phần mềm và hỗ trợ trên diện rộng các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến máy tính. Để phục vụ cho việc chuyển giá, vào năm 2001, Microsoft thành lập một công ty con ở Dublin có tên là Round Island One Limited. Ba năm sau, Round Island One Limited đã kiểm soát 16 tỉ USD của Microsoft với lợi nhuận gộp gần 9 tỉ USD, xấp xỉ 22% lợi nhuận toàn cầu của công ty. Phần lớn thu nhập của Round Island One Limited đến từ tiền bản quyền và phí cấp giấy phép cho các mã phần mềm có bản quyền được sản xuất tại Mỹ. Nhờ hình thức chuyển lợi nhuận này mà Microsoft giảm được ít nhất 500 triệu USD tiền thuế mỗi năm.

Thứ năm, Apple là tập đoàn công nghệ máy tính của Mỹ có trụ sở chính đặt tại thung lũng Silicon (Silicon Valley) ở Xan Phranxixcô, bang Caliphonia (Hoa Kỳ). Apple thành lập nhiều công ty con ở các nước có thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp và “thiên đường thuế” như Hà Lan, Lúcxămbua, Alien, quần đảo Vơgin thuộc Anh... Các công ty con này có khoảng 120 tỉ USD và được công ty mẹ tại Mỹ vay với lãi suất cao, vì thế một phần lợi nhuận đáng kể đã bị “điều chuyển” ra khỏi nước Mỹ thông qua chi trả lãi vay. Theo nghiên cứu của tổ chức Citizens for Tax Justice, Quỹ giáo dục Public Interest Research Group và Viện Thuế và Chính sách kinh tế (Hoa Kỳ), Apple đã giữ lại 214,9 tỉ USD lợi nhuận ở các “thiên đường thuế”, và do vậy, tránh được một khoản thuế khoảng 65,4 tỉ USD.

2. Các biện pháp ứng phó với chuyển giá của Mỹ

Mỹ là quốc gia có hệ thống pháp lý kiểm soát chuyển giá được hình thành khá sớm, đồng bộ và liên tục được sửa đổi, bổ sung, nhằm đối phó với những thủ thuật chuyển giá mới của các tập đoàn đa quốc gia. Pháp luật Mỹ quy định, thu nhập được tạo ra trên lãnh thổ nước này thì phải nộp thuế thu nhập, dù doanh nghiệp tạo ra có thuộc quyền sở hữu của Mỹ hay không. Các doanh nghiệp này không được né tránh nộp thuế thu nhập cho phần thu nhập phát sinh trên đất Hoa Kỳ bằng cách chuyển lợi nhuận ra nước ngoài thông qua các thủ thuật chuyển giá, hay chuyển dịch hoạt động sản xuất kinh doanh, hay đầu tư vào quốc gia "thiên đường thuế”.

Các quy định liên quan đến giá chuyển giao ở Mỹ được ban hành ở cấp độ luật; đạo luật cơ bản và đầy đủ nhất về vấn đề này là IRS sec. 482. Đạo luật này quy định các phương pháp định giá chuyển giao gồm phương pháp định giá chuyển giao trên cơ sở giá tự do có thể so sánh được, phương pháp định giá bán lại, phương pháp định giá chuyển giao trên cơ sở chi phí, phương pháp lợi nhuận có thể so sánh và một số phương pháp khác.

Việc xuất trình đầy đủ các chứng từ có ý nghĩa lớn trong việc xác định đâu là phương pháp tốt nhất sẽ được sử dụng để xem xét hành vi chuyển giá, vì vậy, luật pháp Mỹ yêu cầu chủ thể nộp thuế phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ những tài liệu có liên quan rõ ràng, minh bạch. Kể từ khi có yêu cầu, doanh nghiệp phải gửi đầy đủ tài liệu đến cơ quan thuế trong vòng tối đa 30 ngày. Một số giấy tờ được yêu cầu cụ thể như: tổng quan về doanh nghiệp nộp thuế, phân tích các yếu tố về pháp luật và kinh tế ảnh hưởng đến việc định giá; bản mô tả cấu trúc tổ chức; bản mô tả phương pháp định giá và lý do tại sao phương pháp đó lại được sử dụng; bản mô tả các giao dịch có kiểm soát và tất cả các số liệu nội bộ được dùng để phân tích các giao dịch đó; bản giải thích tất cả các phân tích kinh tế và cơ sở để hình thành phương pháp tính giá...

Quy định về quản lý thuế của Mỹ yêu cầu các công ty lớn và giao dịch lớn phải khai báo nhiều hơn công ty quy mô nhỏ và giao dịch quy mô nhỏ. Nếu doanh nghiệp không tuân thủ việc khai báo hoặc khai báo không đầy đủ, sẽ chịu ba loại hình phạt là: phạt lần đầu, phạt bổ sung và phạt không tuân thủ. Các loại hình phạt này tách riêng khỏi hình phạt theo Điều khoản 482 về vi phạm chuyển giá. Tiền phạt do vi phạm các quy định về khai báo có thể lên đến 1 triệu USD. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp chứng minh được là có lý do hợp lý hoặc đã tuân thủ một cách đáng kể trách nhiệm ghi chép và khai báo, hoặc do doanh nghiệp hiểu nhầm và không cố ý tạo ra sai phạm thì có thể sẽ không bị phạt.

Vì hành vi chuyển giá ở Mỹ thường diễn ra ở các giao dịch qua biên giới nên sự phối hợp giữa các cơ quan thuế và hải quan rất quan trọng nhằm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông dữ liệu, thông tin về hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp để có sự phối hợp đồng bộ, thông suốt trong kiểm soát chuyển giá. Từ sự phối hợp này, cơ quan thuế và hải quan Mỹ đã xây dựng được nguồn dữ liệu thông tin và công khai giá tính thuế của các doanh nghiệp hoặc giá thỏa thuận APA; trên cơ sở đó, đã tăng cường hơn khả năng kiểm soát chuyển giá của các tập đoàn xuyên quốc gia.

Nhằm tăng cường tính hiệu lực của các quy định về định giá chuyển giao, pháp luật Mỹ quy định một cơ chế xử phạt riêng (tách khỏi các hình phạt đối với người nộp thuế khi vi phạm theo các khía cạnh khác), khá phức tạp và nghiêm khắc đối với hành vi chuyển giá (Transaction Penalty). Nguyên tắc cơ bản trong chế tài xử phạt là mức phạt lớn hơn so với lợi ích doanh nghiệp thu được từ hành vi chuyển giá sai trái.

Theo đó, tiền phạt do sai phạm chuyển giá Mỹ không được khấu trừ khỏi lợi nhuận gộp. Có hai nhóm hình phạt là: (i) phạt theo giao dịch và (ii) phạt theo mức điều chỉnh ròng (phạt theo tổng hợp các sai phạm trong các giao dịch). Các mức tiền phạt là: (i) mức phạt 20% giá trị sai lệch khi giá chuyển giao sai lệch đến hai lần giá trị thực hoặc một nửa giá trị thực (vượt quá 200% hay dưới 50%); (ii) mức phạt 40% giá trị sai lệch khi giá chuyển giao sai lệch gấp 4 lần giá trị thực hoặc chỉ bằng một phần tư giá trị thực (vượt quá 400% hay dưới 25%). Tiền phạt được tính trên mức thuế phải nộp, chứ không phải mức kê khai thiếu.

Bên cạnh đó, còn có hình phạt bổ sung (Net Adjustment Penalty) nếu phần thu nhập chịu thuế sau khi tính lại, tăng vượt mức quy định, với mức khoản phạt 20% trên s thuế truy thu trong trưng hợp phần thu nhập tăng thêm vượt quá mức thấp nhất trong hai mức sau: 5 triệu USD hoặc 10% trên tổng số thuế phải nộp. Còn trong trường hợp phần thu nhập tăng thêm sau khi được tính lại vượt quá mức thấp nhất trong hai mức sau: 20 triệu USD hoặc 20% trên tổng s thuế phải nộp sẽ chịu mức phạt bổ sung 40% trên số thuế truy thu. Những quy định này giúp cho việc xác định tiền phạt dễ hơn, hình phạt nghiêm khắc và có tác dụng răn đe nhiều hơn.

Tại Mỹ, hiện đang áp dụng APA đơn phương (được lập giữa ngưi nộp thuế và Sở Thuế vụ Hoa Kỳ) và APA song phương/đa phương (được lập giữa người nộp thuế với S Thuế vụ Hoa Kỳ, với người nộp thuế nưc ngoài và cơ quan thuế nước ngoài). Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng được khuyến khích sử dụng phương pháp APA bởi khoản phí thực hiện APA khá cao (từ 25.000 - 50.000 USD), thời gian đàm phán lâu (thường kéo dài từ 2 - 3 năm), song thời gian áp dụng lại ngắn (thường là 5 năm). Chính vì vậy, cơ quan thuế của Mỹ chỉ khuyến khích thực hiện APA đối với các doanh nghiệp lớn, doanh thu cao.

Chính phủ Mỹ cho rằng việc bổ sung nguồn nhân lực, mặc dù sẽ làm tăng thêm nguồn chi phí, song sẽ mang lại hiệu quả hơn nhiều lần, khi kiểm soát tốt hơn hành vi chuyển giá. Do vậy, Chính phủ Mỹ tạo điều kiện cho ngành thuế bổ sung một nguồn nhân lực đáng kể. Năm 2009, cơ quan thuế tuyển chọn thêm 1.200 nhân viên và năm 2010 tiếp tục tuyển 800 nhân viên để thực hiện nhiệm vụ rà soát, giám sát, kiểm soát giá chuyển giao...

Như vậy, có thể thấy Mỹ là quốc gia coi trọng việc hoàn thiện khung pháp lý ở các cấp độ khác nhau, bao gồm cả luật và các văn bản dưới luật nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc ngăn chặn hành vi chuyển giá ngay từ đầu và tạo ra hành lang pháp lý để có thể triển khai dễ dàng công tác kiểm soát chuyển giá khi có nghi vấn, song lại không gây ra những khó khăn cho hoạt động kinh doanh bình thường và hợp pháp của các doanh nghiệp. Từ kinh nghiệm của Mỹ cho thấy đây là điều kiện quan trọng, cần thiết để triển khai các biện pháp chống chuyển giá một cách bài bản, minh bạch và hiệu quả. Trong lĩnh vực này, Hướng dẫn của OECD về xác định giá chuyển nhượng cho các công ty đa quốc gia và cơ quan thuế không chỉ là những gợi ý tốt về phương pháp kỹ thuật mà còn là chỉ dẫn hữu ích về phương diện pháp lý để các cơ quan quản lý nhà nước có thể tham khảo khi thiết kế khung pháp lý phục vụ việc chống chuyển giá, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.