In trang này
Thứ ba, 29 Tháng 1 2019 02:39

Khái quát một số vấn đề liên quan đến điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông Cộng hòa Pháp

1. Phân cấp quản lí và phát triển chương trình

Bộ Giáo dục là cơ quan tổ chức biên soạn và quản lí thống nhất Chương trình giáo dục quốc gia. Giám đốc các Sở giáo dục đại diện cho Bộ, Hệ thống các thanh tra giáo dục các cấp chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện chương trình ở các cơ sở.

Ở Cộng hòa Pháp giáo viên có toàn quyền thiết kế lịch trình, kế hoạch dạy học, chọn lựa phương pháp trên nguyên tắc tôn trọng sự tự di sư phạm của giáo viên. Thông thường nhóm giáo viên dạy cùng môn, cùng khối lớp của trường sẽ thống nhất kế hoạch dạy học của môn, chọn lựa Sách giáo khoa.

Chương trình tạo điều kiện thuận lợi cho sự tự do này của nhà trường và giáo viên:

- Thứ nhất, chương trình được không viết theo tư duy bài học, thứ tự bài, không quy định thời lượng chi tiết (chỉ gợi ý cho những chủ đề lớn). Trình tự nội dung không mang tính bắt buộc. Chương trình chỉ nêu các yêu cầu cần đạt.

- Thứ hai, trong chương trình cũng dành một số khoảng "tự do" nhất định cho trường tự lập kế hoạch, căn cứ vào điều kiện cụ thể của mình, ví dụ có một số thời lượng do trường tự bổ sung, một số hoạt động/nội dung do trường tự quyết định chọn nội dung và cách thức như Hành trình khám phá..., hoặc bản thân trong chương trình một số môn đã đưa ra khả năng chọn lựa một số chủ đề hay quyết định trình tự thực hiện.

Xu hướng chung là tăng cường tính tự chủ của các trường, các tập thể giáo viên trong giáo dục. Đợt cải cách hiện hành chú trọng đến các đề án giáo dục địa phưomg, gắn với các điều kiện, các sáng kiến của địa phương. Nhà trường phải có đề án nhà trường.

gdpt fr

Các văn bản pháp qui, các hướng dẫn dạy học, các tư liệu phục vụ việc thực hiện chương trình được đưa đầy đủ trên các trang web riêng của Bộ Giáo dục, Sở Giáo dục.

2. Biên soạn và quản lí biên soạn sách giáo khoa

Sách giáo khoa hoàn toàn do các nhà xuất bản tổ chức biên soạn, phát hành. Nhà nước không quản lí, không thẩm định.

Một nhà xuất bản có thể xuất bản một hoặc nhiều bộ sách, Ví dụ nhà xuất bản Bordas xuất bản 2 bộ sách Lí - Hoá cho Trung học cơ sở: Collection Vento và Collection E.S.P.A.C.E do 2 nhóm tác giả khác nhau biên soạn. Các tác giả Sách giáo khoa thường chủ yếu là giáo viên phổ thông, thanh tra giáo dục, có thể có thêm các nhà sư phạm, giáo viên đại học...

Với tiểu học và Trung học cơ sở, các vùng cung cấp tiền cho trường mua Sách giáo khoa (do giáo viên lựa chọn) cho học sinh mượn. Một số vùng chu cấp cả Sách giáo khoa cấp trung học phổ thông.

Việc chọn Sách giáo khoa cho học sinh thường do nhóm giáo viên bộ môn ở khối lớp tiến hành. Uy tín của chủ biên, của nhà xuất bản đóng vai trò không nhỏ. Trong thực tế, giáo viên thường sử dụng phối hợp nhiều Sách giáo khoa trong giảng dạy, soạn các phiếu riêng, photocopy cho học sinh.

Trong những năm gần đây, đa số các nhà xuất bản cung cấp thêm Sách giáo khoa số (CD, USB hay/và online) bên cạnh Sách giáo khoa in truyền thống với các phiên bản đơn giản hay phiên bản mở rộng, cho học sinh hay cho giáo viên.

3. Giáo viên và đào tạo giáo viên  

Yêu cầu về chuẩn trình độ chung đối với giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông là master 2. Việc đào tạo trước đây do các viện đại học đào tạo giáo viên (IUFM) đảm nhận, các viện này trước đây là những cơ sở đào tạo độc lập, từ 2005 chuyển về đặt trong các đại học vùng. Từ 2013, các viện này được thay thế bằng các Trường Đại học Giáo dục và đào tạo giáo viên (ESPE) thuộc các đại học vùng.

Cảc trường này đảm nhận việc đào tạo master "Các nghề giảng dạy, giáo dục và đào tạo", đồng thời chuẩn bị cho sinh viên tham gia thi concours tuyển dụng giáo viên (theo vùng với cấp Tiểu học và quốc gia với TrH). Để trở thành Sách giáo khoa dù là trường tư, thí sinh phải trúng tuyển kì concours này đồng thời có bằng master, trở thành công chức nhà nước tập sự nếu là Sách giáo khoa trường công.

Các trường ESPE tuyển sinh viên đã có bằng cử nhân, đào tạo trong thời gian 2 năm với nội dung đào tạo cơ bản gồm:

- Đào tạo chuyên môn;

            - Nội dung chung về sư phạm: Sư phạm và lí luận dạy học, các vấn đề về môi trường học đường (làm việc nhóm, quan hệ với cộng đồng giáo dục...);

- Chuyên biệt hoá theo nghề (giáo viên hay nhà giáo dục làm việc với người lớn...);

- Thực hành nghề: Dự giờ kiến tập, phân tích, thực tập...

Nội dung chương trình đào tạo khá mềm dẻo, do đội ngũ các giảng viên ESPE tự xác lập.

Có sự phân chia 2 loại đào tạo giáo viên tiểu học và giáo viên Tung học: giáo viên cấp Trung học được đào tạo gắn với 1 môn chuyên môn (Ví dụ Lí-Hoá; Sử-Địa...). Không có sự phân biệt về đào tạo giáo viên sơ trung và cao trung.

Việc đặt trong trường đại học nhằm sử dụng lực lượng giảng viên đại học vào việc đào tạo giáo viên, đảm bảo chất lượng giáo dục chuyên môn và nghiên cứu. Ngoài ra các ESPE còn sử dụng các giáo viên cốt cán đã/đang dạy tại các trường PT để đảm bảo yếu tố thực hành, dạy nghề. Việc hình thành ESPE trong trường đại học là giải pháp để cân bằng hơn giữa đào tạo chuyên môn và đào tạo sư phạm (các IUFM độc lập trước đây bị phê phán là coi nhẹ giáo dục chuyên môn, chỉ chú ý đào tạo sư phạm).

4. Đầu tư cho giáo dục, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học

Luật Giáo dục ghi rõ giáo dục là ưu tiên hàng đầu của quốc gia. Một vài số liệu sau đây cho thấy rõ mức độ đầu tư cho giáo dục phổ thông (số liệu 2014):

- Số lượng học sinh:    

+ Mầm non và Tiểu học:            6.851.900

+ Trung học                              5.923.600

- Số học sinh/1 giáo viên          

+ Mầm non và Tiểu học: 18,9 học sinh /giáo viên

+ Trung học:                             12,5 học sinh /giáo viên

- Sĩ số học sinh/lớp:     

+ Tiểu học:                                23,0 học sinh /lớp

+ Trung học cơ sở:                               25,1 học sinh /lớp

+ Trung học phổ thông: trung học nghề:             18,9 học sinh /lớp

                 Trung học phổ thông đại cương và công nghệ:                     29,0 học sinh /lớp

            (Lưu ý: khoảng 1/3 tổng số giờ học ở trung học được tiến hành theo nhóm nhỏ hơn đơn vị lớp, ví dụ giờ thực hành Vật lí - Hoá học thường lớp học được chia 2).

- Tổng chi phí giáo dục:                         6,8% PIB = 146,0 tỉ euro

riêng chi phí cho giáo dục phổ thông                 99,7 tỉ euro

- Chi phí bình quân hàng năm cho mỗi học sinh phổ thông:

Trung bình:                                            7760 euro/ học sinh / năm;

Trung học phổ thông đại cương và công nghệ:  11 190 euros/ học sinh /1 năm;

Trung học phổ thông nghề                                             12 230 euros/ học sinh /năm

Chi phí giáo dục của Pháp nằm ở mức trung bình, cao hơn một chút so với trung bình của khối OECD. Chính phủ (TW) đảm nhận đa số chi phí này (57,5%), một phần do các địa phương cung cấp (23,7%). Giáo dục công về cơ bản là miễn phí ở mọi bậc học. Phần do các gia đình chi (chủ yếu là do học trường tư) chiếm 7,6%. Ngoài ra, Chính phủ và các địa phương còn có chế độ học bổng xã hội cho học sinh (theo thu nhập và gánh nặng của bố mẹ) và học bổng khen thưởng, cùng nhiều loại trợ cấp khác. Năm 2014: chỉ tính số học sinh được nhận học bổng xã hội của chính phủ đã chiếm khoảng 24,2%; khoảng 1,9 tỉ euro trợ cấp chi phí đầu năm mới được cấp cho các gia đình có con đi học (từ 6 đến 18 tuổi) theo điều kiện thu nhập.

Về đầu tư cơ sở vật chất, có hệ thống quy chuẩn đối với các trường về diện tích phòng học, bàn ghế, thiết bị, an toàn... Theo số liệu thống kê năm 2015, tính trung bình với trung học phổ thông đại cương và công nghệ: Diện tích xây dựng khoảng 18,7 m2/ học sinh; khoảng 15 học sinh /chỗ làm việc trong thư viện; 53% có kí túc xá. Đa số các điểm trường có tối thiểu một phòng tin học, 1 phòng dành cho sinh hoạt nghệ thuật. Khoảng 2,4 học sinh /máy tính, 26,2 học sinh /máy tính xách tay, 11,2 bảng tương tác/1000 học sinh, 0,8 lớp “di động” tức là sử dụng thiết bị di động trong học tập/1000 học sinh. Với trung học phổ thông nghề: diện tích xây dựng khoảng khoảng 31,8 m2/ học sinh, khoảng 10 học sinh /chỗ làm việc trong thư viện. Các trường Trung học cơ sở và trung học phổ thông bắt buộc phải có căng tin phục vụ cho học sinh.

Đầu tư cho không gian sân chơi, không gian thể thao, văn hoá phục vụ học sinh rất lớn so với Việt Nam. Với 1586 trường trung học phổ thông đại cương và công nghệ, tổng diện tích lên tới 42 400 000 m2, trong đó khoảng 6 000 000 m2 sân chơi, 3 200 000 m2 cho thể thao. Ngoài ra học sinh, sinh viên thường được ưu tiên sử dụng với giá cực kì ưu đãi, hầu như miễn phí các không gian thể thao, văn hoá công cộng của địa phương.

Các thay đổi trong chương trình cũng kèm theo các hỗ trợ tài chính cần thiết. Ví dụ các trường được nhận thêm phần kinh phí (giờ phục vụ của giáo viên) để tổ chức kèm cặp cá nhân học sinh... Hay chiến dịch tăng cường kĩ thuật số trong nhà trường từ 2016, các trường nếu có đề án được chấp nhận sẽ được hỗ trợ tài chính (30 euros mỗi học sinh và giáo viên + khoản kinh phí từ nhà nước = kinh phí địa phương cấp để mua thiết bị số di động (máy tính bảng)... cho học sinh.