In trang này
Thứ sáu, 22 Tháng 2 2019 09:19

Cơ sở pháp lý về thủ tục giải quyết tranh chấp lao động trong trường hợp người lao động bị sa thải

Các quy định về giải quyết tranh chấp lao động trong trường hợp người lao động bị sa thải đã thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước trong việc điều chỉnh pháp luật đối với hoạt động giải quyết tranh chấp lao động trong trường hợp người lao động bị sa thải, từng bước thiết lập khung pháp lý cho việc thực hiện hoạt động giải quyết tranh chấp lao động trong trường hợp người lao động bị sa thải cũng như giải quyết quyền lợi và nghĩa vụ của các bên có liên quan.

Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp tại Hòa giải viên lao động hiện hành được căn cứ theo Điều 201 Bộ luật lao động năm 2012; các qui định tại Nghị định 46/2013, Thông tư số 08/2013 hướng dẫn Nghị định số 46/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật lao động về tranh chấp lao động, trình tự tiến hành hòa giải cụ thể như sau: Mỗi bên có thể làm đơn yêu cầu hòa giải (Mẫu số 6 Thông tư số 22/2007/TT-BLĐTBXH ngày 23/10/2007) gửi tới phòng Lao động thương binh và xã hội. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ khi nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp, phòng Lao động thương binh và xã hội có trách nhiệm báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện để cử hòa giải viên lao động tham gia giải quyết tranh chấp lao động. Sau đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cử hòa giải viên lao động tham gia giải quyết tranh chấp lao động trong vòng 01 ngày làm việc kể từ khi nhận được báo cáo của phòng Lao động thương binh và xã hội (Quyết định cử hòa giải viên lao động theo mẫu 04/HGV). Trong một số trường hợp cấp thiết, phòng Lao động thương binh và xã hội có thể báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện khác trong tỉnh đề cử Hòa giải viên lao động hỗ trợ giải quyết tranh chấp. Sau khi tìm hiểu vụ việc, gặp gỡ hai bên tranh chấp, những đối tượng có liên quan, người làm chứng, thu thập tài liệu, chứng cứ, Hòa giải viên lao động phải tổ chức một cuộc họp để thảo luận phương án hòa giải dự kiến trong vòng 05 ngày làm việc tính từ ngày nhận đơn yêu cầu hòa giải. Theo pháp luật cũng như yêu cầu thực tiễn của việc giải quyết tranh chấp lao động qua hoà giải, 05 ngày làm việc là khoảng thời gian hòa giải viên lao động phải thu thập tài liệu, chứng cứ, nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị phương án hòa giải và chuẩn bị các điều kiện khác để tổ chức phiên họp hòa giải chính thức giữa các bên. Tuy nhiên, Bộ luật lao động không quy định cụ thể về các vấn đề: liệu hòa giải viên lao động có quyền gặp gỡ các bên tranh chấp trước khi mở phiên họp hòa giải hay không? Có được xin ý kiến chỉ đạo của Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội khi xây dựng phương án hòa giải hay không?

Nếu đây là những việc cần thiết cho việc giải quyết tranh chấp lao động và pháp luật không có quy định cấm thì hòa giải viên lao động vẫn nên và có quyền thực hiện các hoạt động nói trên trước khi tiến hành hòa giải. Tại phiên họp hòa giải, cần có sự tham gia của hai bên tranh chấp hoặc đại diện được ủy quyền của họ (Hòa giải viên sẽ kiểm tra giấy ủy quyền). Nếu một trong hai bên tranh chấp không có mặt mà không có ủy quyền cho người khác làm đại diện bằng văn bản thì phiên họp được hoãn sang ngày làm việc tiếp theo. Khi đã tập trung đầy đủ thành phần theo đúng quy định, Hòa giải viên sẽ tiến hành hòa giải theo trình tự sau:

- Tuyên bố lý do của phiên họp hòa giải và giới thiệu thành phần tham dự phiên họp;

- Đọc đơn của nguyên đơn;

- Bên nguyên đơn trình bày;

- Bên bị đơn trình bày;

- Hòa giải viên chất vấn các bên, đưa ra các chứng cứ và yêu cầu nhân chứng phát biểu;

- Người bào chữa của một hoặc hai bên tranh chấp phát biểu;

- Căn cứ vào pháp luật lao động, các tài liệu chứng cứ, ý kiến của các bên tranh chấp, Hòa giải viên phân tích đánh giá vụ việc, nêu điểm đúng sai của hai bên để họ tự hòa giải với nhau hoặc đề xuất phương án hòa giải để hai bên xem xét, thương lượng và chấp thuận;

Trường hợp 1: Bên nguyên đơn chấp thuận rút yêu cầu hoặc hai bên tự hòa giả được hoặc hai bên chấp thuận phương án hòa giải của Hòa giải viên thì Hòa giải viên lập biên bản hòa giải thành (Mẫu số 7 Thông tư số 22/2007/TT-BLĐTBXH ngày 23/10/2007), có chữ ký của hai bên tranh chấp và Hòa giải viên. Hai bên có nghĩa vụ chấp hành các thỏa thuận ghi trong biên bản hòa giải thành.

Trường hợp 2: Hai bên không chấp nhận phương án hòa giải thì Hòa giải viên tiến hành lập biên bản hòa giải không thành trong đó ghi rõ ý kiến của hai bên, bao gồm những nội dung đã thống nhất, những nội dung chưa thống nhất. Biên bản cũng phải có chữ ký của hai bên và Hòa giải viên. Mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân giải quyết.

Trường hợp 3: Một trong hai bên vắng mặt không có lý do chính đáng sau hai lần triệu tập thì Hòa giải viên lập biên bản hòa giải không thành, trong đó ghi rõ kiến của bên có mặt, chữ ký của bên có mặt và Hòa giải viên. Mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân giải quyết.

- Trình tự giải quyết tranh chấp tại Tòa án nhân dân:

Các vụ việc tranh chấp lao động trong trường hợp người lao động bị sa thải được giải quyết bởi Tòa án nhân dân cấp huyện nếu hai bên đương sự đều là công dân Việt Nam, còn Tòa án nhân dân cấp tỉnh sẽ có nhiệm vụ giải quyết tranh chấp trong trường hợp một trong hai bên có yếu tố nước ngoài. Trình tự giải quyết các tranh chấp lao động tại tòa án được thực hiện theo thủ tục tố tụng dân sự bởi Tòa án nhân dân được quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành. Cụ thể như sau:

- Tranh chấp lao động trong trường hợp người lao động bị sa thải là một trong số các trường hợp có thể được khởi kiện ra Tòa án nhân dân mà không cần thông qua hòa giải tại cấp cơ sở. Trong trường hợp các bên thống nhất đề nghị hòa giải viên tiến hành hòa giải thì vụ việc sẽ được giải quyết bởi Tòa án nhân dân nếu phiên họp hòa giải do Hòa giải viên tổ chức không thành công.

- Các chủ thể trong quan hệ lao động có quyền khởi kiện làm đơn yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp lao động để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người sử dụng lao động và người lao động. Theo điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, hồ sơ khởi kiện tại Tòa án nhân dân bao gồm:

Đơn khởi kiện (theo mẫu) và các tài liệu chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện;

Bản sao giấy chứng minh thư nhân dân (hoặc hộ chiếu), Sổ hộ khẩu gia đình (có sao y bản chính);

Các tài liệu liên quan đến quan hệ lao động như: Hợp đồng lao động, hợp đồng học nghề, quyết định xử lý kỷ luật sa thải hoặc quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, biên bản họp xét kỷ luật người lao động, …

Biên bản hoà giải không thành của hoà giải viên lao động đối với tranh chấp lao động trong trường hợp người lao động (NLĐ) bị sa thải (nếu có);

Nếu người sử dụng lao động khởi kiện thì phải nộp thêm các giấy tờ tài liệu về tư cách pháp lý của doanh nghiệp như giấy phép đầu tư, giấy đăng ký kinh doanh, quyết định thành lập doanh nghiệp; Điều lệ, nội quy lao động, biên bản họp xét kỷ luật người lao động, …

Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn khởi kiện (ghi rõ số lượng bản chính, bản sao);

Sau khi nhận hồ sơ khởi kiện, trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ khởi kiện, tòa án phải xem xét và đưa ra một trong các loại quyết định căn cứ theo khoản 3 Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Đó là: Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn kiện; Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục; Chuyển hồ sơ khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền hoặc thông báo cho nguyên đơn nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác; Trả lại hồ sơ khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án (Điều 192). Tòa án chấp nhận hồ sơ khởi kiện và thụ lý vụ án lao động sau khi xem xét đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ kèm theo đã thỏa mãn điều kiện. Trong vòng ba ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án phân công một Thẩm phán giải quyết vụ án, đồng thời Tòa án có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tới bị đơn, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc giải quyết vụ án cho Viện Kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án (Điều 195 đến điều 199 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).

Trong vòng hai tháng kể từ ngày thụ lý vụ án, toà án phải chuẩn bị xét xử sơ thẩm đối với tranh chấp lao động theo quy định tại Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự và đưa ra một trong số các quyết định sau: Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự; Tạm đình chỉ giải quyết vụ án; Đình chỉ giải quyết vụ án; Quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trước khi mở phiên Tòa xét xử sơ thẩm, hai bên nguyên đơn và bị đơn cần tiến hành hòa giải với nhau trừ trường hợp vụ án liên quan đến thiệt hại tài sản của Nhà nước theo quy định tại điều 206 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Trong thời hạn một tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, trừ trường hợp đặc biệt có lý do chính đáng thì thời hạn có thể kéo dài tối đa là hai tháng. Theo quy định tại Điều 63 Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án dân sự gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm nhân dân, trừ trường hợp quy định tại Điều 65 của Bộ luật này. Trong trường hợp đặc biệt thì Hội đồng xét xử sơ thẩm có thể gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm nhân dân… Đối với vụ án lao động thì phải có Hội thẩm nhân dân là người đã và đang công tác trong tổ chức đại diện tập thể người lao động hoặc người có kiến thức về pháp luật lao động. Quy định này đã được bổ sung tại Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 nhằm đảm bảo được sự kiểm tra, giám sát của nhân dân trong quá trình xét xử sơ thẩm của Tòa án đồng thời cũng đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động trong quá trình giải quyết tranh chấp, đảm bảo cho việc giải quyết được công bằng, khách quan và hiệu quả. Trình tự phiên tòa xét xử sơ thẩm được tiến hành như sau:

- Khai mạc phiên tòa; Giải quyết yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định hoặc người phiên dịch; Xem xét quyết định hoãn phiên tòa khi người văn mặt, đảm bảo tính khách quan của của người làm chứng căn cứ theo Điều 239 đến Điều 242 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

- Thủ tục hỏi tại phiên tòa sơ thẩm được quy định chi tiết từ Điều 243 đến

Điều 258 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 nhằm giúp Hội đồng xét xử tối ưu hóa kết quả xem xét, đánh giá tính chính xác của chứng cứ, xác định sự thật khách quan của vụ án.

- Tranh tụng tại phiên tòa là hoạt động để các đương sự bảo vệ quyền và lợi ích của mình (Từ điều 260 đến Điều 263 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).

- Nghị án và tuyên án là bước cuối cùng tại phiên Tòa lao động sơ thẩm được quy định từ Điều 264 đến Điều 269 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Căn cứ Điều 270 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, nếu quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật mà bị kháng cáo hoặc kháng nghị thì Tòa án cấp phúc thẩm có quyền trực tiếp xét xử lại vụ án. Tòa án chỉ giải quyết án lao động khi có đơn kháng cáo hoặc quyết định kháng nghị hợp lệ và chỉ xem xét lại phần bản án, quyết định sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị. Trong vòng hai tháng kể từ ngày thụ lý vụ án, căn cứ quy định tại Điều 286 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Tòa án cấp phúc thẩm phải ra quyết định về việc đưa vụ án ra xét xử. Các trình tự, thủ tục của phiên tòa phúc thẩm được tiến hành tương tự như phiên tòa lao động sơ thẩm. Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định thẩm quyền của Hội đồng xét xử như sau: “Giữ nguyên bản án sơ thẩm; Sửa bản án sơ thẩm; Hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm; Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án; Đình chỉ xét xử phúc thẩm; Tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án khi có văn bản của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên cho đến khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản trả lời Tòa án kết quả xử lý”.

Án phí được miễn cho người lao động trong các hoạt động tố tụng để đợi tiền lương, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, tiền bồi thường, bảo hiểm xã hội để giải quyết những vấn đề phát sinh từ việc bị sa thải trái pháp luật. Trong quá trình xét xử, nếu Tòa án nhân dân phát hiện hợp đồng lao động trái với quy định pháp luật lao động thì tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu từng phần hoặc toàn bộ. Theo đó, quyền, nghĩa vụ và lợi ích của các bên ghi trong hợp đồng lao động bị vô hiệu được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Có thể thấy, mặc dù đã có sự sửa đổi các quy định chưa phù hợp và chặt chẽ song vẫn khó tránh khỏi được một số tồn tại rủi ro trong thực tế. Để khắc phục những hạn chế trên, cần có sự thống nhất và cụ thể hóa pháp luật về giải quyết tranh chấp lao động trong trường hợp người lao động bị sa thải, sự nghiêm minh trong việc vận dụng pháp luật của các chủ thể trên thực tế (người sử dụng lao động, tổ chức sử dụng lao động: Công đoàn, Ban giám đốc), nhằm tiến tới hoàn thiện các quy định pháp luật về giải quyết tranh chấp lao động trong trường hợp người lao động bị sa thải trên cơ sở điều kiện cụ thể ở Việt Nam hiện nay.