In trang này
Thứ tư, 27 Tháng 2 2019 03:31

Giới thiệu về tiêu chí đánh giá chuẩn chương trình giáo dục phổ thông Cộng hòa Pháp

Ở Pháp năm 2016 là năm đầu tiên áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới ở một vài lớp của giáo dục bắt buộc. Trong chuyên đề này xin giới thiệu cả 2 chương trình giáo dục phổ thông cũ và mới để thấy rõ hơn về tư tưởng và xu hướng phát triển giáo dục của Cộng hòa Pháp.

1. Mục tiêu phát triển chương trình giáo dục phổ thông

Mục đích, mục tiêu và nhiệm vụ (finalités, objectifs, missions) của giáo dục phổ thông và của các bậc học không được chỉ rõ một cách tường minh trong 1 mục, một văn bản mà được nêu lên rải rác trong Luật Giáo dục trong các phân nhiệm vụ, nguyên tắc chung... và trong các văn bản SOCCOM.

Bản hiến chương về chương trình năm 2013 tóm tắt lại một vài yêu cầu được nêu trong Luật Giáo dục của Cộng hòa pháp như: nhiệm vụ truyền thụ tri thức; nhiệm vụ "làm cho học sinh lĩnh hội các giá trị của nền Cộng hoà"; mục tiêu "làm cho học sinh thụ đắc được sự tôn trọng nhân phẩm của mọi con người, sự tự do về ý thức, về "thế tục" (theo nghĩa tôn trọng các tôn giáo khác nhau...; mục tiêu "tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa các học sinh"; đảm bảo cho mỗi cá nhân quyền được giáo dục để phát triển nhân cách, nâng cao trình độ đào tạo ban đầu và thường xuyên, hội nhập trong đời sống nghề nghiệp và thực hiện quyền công dân"; mục tiêu phát triển các kiến thức và năng lực, văn hoá cần thiết để thực hiện vai trò công dân trong xã hội hiện đại của thông tin và truyền thông"; tạo điều kiện cho phát triển, sự trưởng thành của trẻ em, phát triển tư duy sáng tạo và hành động...

Riêng với giáo dục cơ sở, Luật Giáo dục 2005 của Cộng hòa Pháp chỉ rõ vấn đề giáo dục bắt buộc tối thiểu phải đảm bảo cho từng học sinh các công cụ cần thiết để làm chủ một nền tảng chung được cấu thành bởi một tổng thể kiến thức và năng lực nhất thiết phải làm chủ để có thể thành công trong học hành, tiếp tục quá trình đào tạo, xây dựng tương lai cá nhân và tương lai nghề nghiệp, thành công trong cuộc sống trong xã hội.

Bản SOCCOM 2015 khẳng định: Giáo dục bắt buộc có mục tiêu kép: đào tạo và "xã hội hoá". "Nó cung cấp cho học sinh một văn hoá chung, dựa trên các kiến thức và năng lực thiết yếu, cho phép phát triển hài hoà tột bực cá nhân, phát triển tính xã hội, thành công trong các lộ trình đào tạo tiếp theo, hội nhập vào xã hội mà họ sẽ sống và tham gia với tư cách là một công dân vào sự vận động của nó nhằm mở cánh cửa đến với tri thức, hình thành khả năng đánh giá và óc phản biện dựa trên dựa trên các yếu tố tri thức có tính liên kết (hệ thống) về thế giới; cung cấp một sự giáo dục đại cương chung, mở cho tất cả, dựa trên những giá trị cho phép sống được trong một xã hội bao dung và tự do; tạo điều kiện cho sự phát triển cá nhân trong quan hệ tương tác với thế giới xung quanh; phát triển các khả năng thông hiểu và sáng tạo, khả năng tưởng tượng và hành động; đi kèm và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển thể chất, nhận thức và trực giác của học sinh (HS)... và cung cấp cho học sinh các phương tiện để tham gia vào các hoạt động học đường, hành động, trao đổi với người khác, đạt được sự tự chủ và thực hiện dần sự tự do và vai trò của công dân có trách nhiệm”.

Các mục tiêu được cụ thể hoá, mô tả chi tiết hơn bằng những năng lực và kiến thức cần đạt (chuẩn) ở cuối giáo dục bắt buộc trong từng lĩnh vực đào tạo trong SOCCOM và các mục tiêu xác định cho từng giai đoạn trong văn bản chương trình của mỗi giai đoạn đào tạo (giai đoạn 2,3,4 đối với giáo dục bắt buộc): mục tiêu chung, mục tiêu cho từng lĩnh vực đào tạo trong SOCCOM, cùng với mục tiêu của từng môn học, ứng với mỗi giai đoạn đào tạo.

Một trong các mục tiêu được đặt ra cho hệ thống giáo dục: đảm bảo "bằng cấp” cho tất cả (với mục tiêu đảm bảo 100% học sinh có một bằng cấp hoặc trình độ nghề được công nhận [được cấp chứng chỉ hành nghề], 80% có bằng tú tài PT hoặc nghề, 50% có bằng sau tú tài).

2. Tiêu chí đánh giá Chuẩn

Tiêu chí đánh giá chuẩn có 3 cấp độ chuẩn trong chương trình như chuẩn chung cho toàn Bộ Giáo dục bắt buộc, trình bày trong bản Khung năng lực và kiến thức nền tảng SOCCOM. Ở một góc độ nào đó, nó “mô tả yêu cầu học tập qua những gì mà học sinh phải đạt tới ở cuối giai đoạn học tập cơ sở (leaming outcomes) (O. Rey 2010); chuẩn cho từng giai đoạn: Mô tả năng lực/thành tố năng lực, kiến thức cần đạt ở từng giai đoạn (nhóm lớp) và chuẩn chi tiết (kiến thức, kĩ năng, năng lực mong đợi) ở từng môn học (theo cấp, hay theo lớp).

Đối với tiêu chí đánh giá chuẩn theo chương trình 2008 được phân ra các cấp độ chuẩn chung cho giáo dục bắt buộc – SOCCOM 2006 và SOCCOM 2015 và chương trình 2016.

2.1. Chương trình 2008

Cấp độ chuẩn chung cho giáo dục bắt buộc - SOCCOM 2006 được mô tả khá chi tiết cho từng thành tố đối với các “năng lực lớn” như kiến thức (connaissance), khả năng/kĩ năng (capacité) và thái độ (attitude); không chia thành môn học riêng biệt.

Ví dụ minh hoạ một vài thành tố của năng lực văn hoá khoa học và công nghệ trong SOCCOM 2006 về mặt kiến thức phải đảm bảo sự nhận biết của vật chất tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau như phải chịu các sự biến đổi và các phản ứng và được tổ chức từ đơn giản nhất đến phức tạp nhất, từ vật chất chết đến vật chất sống...

Về khả năng học sinh cần phải đảm bảo thực hiện hoàn thiện một tiến trình khoa học như kỹ năng quan sát, đặt câu hỏi, nêu giả thuyết và chứng minh nó, lập luận, mô hình hoá một cách sơ đẳng; hiểu mối liên hệ giữa các hiện tượng của tự nhiên và ngôn ngữ toán học, công cụ có thể được sử dụng và có thể giúp đỡ mô tả các hiện tượng...

Học sinh phải biết thể hiện thái độ phê phán tích cực như phân biệt giữa cái đã được chứng thực với cái có thể hay cái không chắc chắn...

Khi hướng dẫn triển khai dạy học và đánh giá, năng lực này lại được xem xét với những thành tố cơ bản sau:

Thứ nhất về, thực hiện một tiến trình khoa học và công nghệ - giải quyết một vấn đề như tìm kiếm, tách, tổ chức thông tin; thực hiện, thao tác, đo đạc, tính toán, áp dụng một quy trình; tập luận, thực hiện một tiến trình thực nghiệm hay công nghệ; trình bày tiến trình đã thực hiện, các kết quả, giao tiếp với ngôn ngữ thích hợp; biết sử dụng các kiến thức trong các lĩnh vực khoa học khác nhau của khoa học vũ trụ và Trái Đất; vật chất; cơ thể sống; năng lượng; các đối tượng kĩ thuật; môi trường và Phát triển bền vững, trong đó học sinh phải biết huy động kiến thức để hiểu các vấn đề liên quan...

Về cấp độ giai đoạn (nhóm năm học) được biên soạn theo nhóm chuẩn chung của 3 bậc. Cuối lớp CE1 (tương tương lớp 2 của Việt Nam) cuối cấp Tiểu học và cuối trung học cơ sở (THCS). Cuối THCS chính là bản SOCCOM.

Chuẩn chung mỗi giai đoạn được phát biểu theo từng năng lực lớn như trong SOCCOM nhưng không còn chia thành 3 thành tố kiến thức, kĩ năng, thái độ mà chia thành các thành tố kĩ năng/biểu hiện hành vi gắn với kiến thức và tình huống.

Ví dụ chuẩn cho Năng lực 1 "Làm chủ tiếng Pháp” cuối giai đoạn 1 giáo dục bắt buộc (lớp 2):

HS có khả năng diễn đạt rõ ràng khi nói với từ vựng thích hợp; tự đọc to một văn bản với những từ quen thuộc hay mới lạ; tự đọc to và nghe một văn bản về di sản văn hoá và các tác phẩm hoàn chỉnh cho thiếu niên, phù hợp lứa tuổi; tự đọc và hiểu một phát biểu, một câu lệnh đơn giản; xác định chủ đề của một đoạn hay một văn bản ngắn; chép lại không mắc lỗi một văn bản ngắn viết tay rõ ràng, trình bày cẩn thận; viết không mắc lỗi một bài chính tả ngắn 5 dòng, sử dụng các hiểu biết từ vựng, chính tả và ngữ pháp; sử dụng hiểu biết để viết tốt một văn bản ngắn; tự soạn thảo một văn bản từ 5 đến 10 dòng.

Đối với tiêu chính đánh giá chuẩn về cấp độ chương trình môn học, được xác định đối với từng môn học. Tiêu chí đánh giá chuẩn được phát biểu trong chương trình dưới dạng các kết quả mong đợi theo chủ đề ở từng giai đoạn (Chương trình Trung học) hay từng lớp (THCS, THPT). Cách trình bày ở các môn khác nhau có những sự khác biệt rõ rệt. Nếu ở môn công nghệ, lối trình bày theo năng lực khá rõ ràng thì ở môn Lí - Hoá, chủ yếu vẫn trình bày theo cấu trúc khái niệm, kiến thức được phát biểu thành mệnh đề, các kĩ năng/khả năng được biểu đạt bằng cách động từ hành động, thường là khả năng làm được một việc, ví dụ: Tách các thông tin về cấu tạo không khí và vai trò của oxi từ một tài liệu; Đề xuất một phương án thí nghiệm cho phép làm rõ tính nén được của không khí...

2.2. SOCCOM 2015 và chương trình 2016

Tiêu chí đánh giá chuẩn cấp độ chuẩn cuối giáo dục bắt buộc SOCCOM 2015 xác định các yếu tố của một văn hoá chung nhất thiết phải có cuối giáo dục bắt buộc, dựa trên các hiểu biết và năng lực, đạt được với 5 lĩnh vực đào tạo như các ngôn ngữ để tư duy và giao tiếp (tiếng mẹ đẻ; ngoại ngữ hay tiếng địa phương; các ngôn ngữ toán học, khoa học và tin học; các ngôn ngữ nghệ thuật và cơ thể); các phương pháp và công cụ để học tập; đào tạo cá nhân và công dân; các hệ thống tự nhiên và kĩ thuật; các biểu tượng về thế giới và hoạt động của nhân loại;

Mục tiêu (chuẩn) được trình bày không theo kiểu 7 nhóm năng lực lớn như cũ mà theo từng lĩnh vực. Năng lực cũng không được mô tả dưới dạng các thành tố kiến thức, kĩ năng và thái độ.

Ví dụ: Mục tiêu năng lực và kiến thức ở lĩnh vực 4 “Các hệ thống tự nhiên và kĩ thuật” được chia làm 3 nhóm về các tiến trình, phương pháp khoa học; thiết kế, sáng tạo, thực hiện và trách nhiệm cá nhân và cộng đồng;

Mục tiêu nhóm "Thiết kế, sáng tạo và thực hiện" được mô tả như sau: HS tưởng tượng, thiết kế và chế tạo các đồ vật và các hệ thống kĩ thuật. HS tiến hành quan sát, sự tưởng tượng, tính sáng tạo, óc thẩm mĩ và chất lượng, tài năng và sự khéo léo thao tác chân tay, tư duy thực tiễn và huy động các kiến thức, kĩ năng khoa học, công nghệ và nghệ thuật thích hợp.

Đối với tiêu chí đánh giá chuẩn cấp độ giai đoạn được xác định trong chương trình mới không phát biểu tường minh chi tiết chuẩn chung cho giai đoạn, chủ yếu mô tả mục tiêu, cách nhìn khái quát về đóng góp của các lĩnh vực đào tạo.

Đối với tiêu chí đánh giá cấp độ chương trình môn học ở từng giai đoạn cần đạt được như nêu những năng lực, thành tố năng lực chung mà môn học đóng góp cho SOCCOM. Thường nêu những thành tố năng lực mong đợi đạt được ở cuối giai đoạn ứng với từng chủ đề. Ví dụ môn Khoa học và Công nghệ ở giai đoạn 2 (lớp 4,5,6), chủ đề "Vật chất, chuyển động, năng lượng, thông tin" như mô tả các trạng thái và cấu tạo vật chất ở mức độ vĩ mô; quan sát và mô tả các loại chuyển động; nhận biết các nguồn năng lượng khác nhau; nhận biết một tín hiệu và một thông tin; chuẩn chi tiết của từng chủ đề mô tả rõ các biểu hiện hành vi của các năng lực trên, gắn với kiến thức và tình huống.

Ví dụ: Yêu cầu đối với mô tả các trạng thái và cấu tạo vật chất ở mức vĩ mô được mô tả cụ thể cách triển khai các quan sát và thí nghiệm để chỉ rõ các đặc trưng của một mẫu vật chất; xác định, từ các nguồn khác nhau, các cấu phần của một hỗn hợp và thực hiện một quy trình tách các thành phần của một hỗn hợp.