In trang này
Thứ năm, 18 Tháng 4 2019 02:56

Ý NGHĨA CỦA QUY TRÌNH GIẢI THÍCH PHÁP LUẬT THEO LUẬT BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

Nhà nước thể hiện quyền lực của mình thông qua các nội dung được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, chính vì thế giải thích pháp luật có thể hiểu là một hoạt động thể hiện quyền lực Nhà nước buộc các chủ thể phải tuân theo. Mỗi hệ thống pháp luật sẽ có một cơ chế giải thích pháp luật tương ứng nên cơ sở pháp lý của giải thích pháp luật sẽ được thể hiện dưới các hình thức văn bản khác nhau như Hiến pháp, Luật hoặc các văn bản dưới luật ….

Ở Việt Nam cơ quan có thẩm quyền giải thích pháp luật là Ủy ban thường vụ Quốc hội thực hiện trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch nước, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận và đại biểu Quốc hội, hoặc khi Ủy ban thường vụ Quốc hội thấy cần thiết. Hoạt động giải thích pháp luật của Ủy ban thường vụ Quốc hội phải đảm bảo đúng với tinh thần, mục đích, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo ban hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh; phù hợp với nội dung, ngôn ngữ của Hiến pháp, luật, pháp lệnh và không được sửa đổi, bổ sung hoặc đặt ra quy định mới.

Giải thích pháp luật là một hoạt động độc lập nhằm hỗ trợ nhận thức pháp luật nên cần phải xác định chính xác nội dung, ý nghĩa của quy phạm pháp luật để nhận thức, thực hiện pháp luật đúng và bảo đảm tính thống nhất, đặc biệt là khi quy phạm đó bộc lộ khả năng cần phải giải thích.

Với ý nghĩa pháp luật là tập hợp những quy định được các chủ thể thẩm quyền ban hành nhằm mục đích tác động, duy trì trật tự xã hội và điều chỉnh các hành vi của con người. Trong hệ thống các quy định pháp luật ấy thì quy phạm pháp luật là bộ phận cốt lõi quan trọng nhất. Vì vậy, giải thích pháp luật thực chất là giải thích các quy phạm pháp luật. Tất nhiên, còn có nhiều vấn đề khác mà hoạt động giải thích pháp luật phải tác động, như sự mâu thuẫn giữa các quy tắc, mâu thuẫn giữa các quy phạm, sự thiếu hụt trong một quy phạm, vv... nhưng quy phạm pháp luật vẫn là đơn vị đặc thù của hệ thống pháp luật, nó chiếm một số lượng rất lớn, bao quát hàng triệu tình huống của đời sống xã hội và con người, nó là đối tượng hàng đầu và cơ bản của hoạt động giải thích pháp luật.

Lý do nổi bật khiến cho quy phạm pháp luật trở thành đối tượng chủ yếu của giải thích pháp luật chính là mâu thuẫn theo quy luật nội tại của nó. Đó là mâu thuẫn giữa tính khái quát và tính cụ thể. Tính khái quát đáp ứng yêu cầu của nhà làm luật thì sẽ gây khó khăn cho các nhà áp dụng luật. Chính điều đó tạo ra khoảng cách giữa pháp luật thành văn và các quan hệ xã hội cần điều chỉnh.

Giải thích pháp luật có nghĩa vụ thu hẹp hoặc xóa bỏ khoảng cách này bằng một hoạt động là làm rõ nội dung, ý nghĩa chứa đựng trong các quy phạm pháp luật, một hoạt động do nghĩa vụ trong tình huống thực tế đặt ra. Bên cạnh đó, có thể hiểu giải thích pháp luật là hoat động tất yếu sau hoat động lập pháp, trong quá trinh thực hiện pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống. Đặc điểm này cho phép mở rộng nội hàm của khái niệm "giải thích". Nghĩa là, pháp luật cần phải được hiểu rõ (nhận thức) khi thực hiện.

Lập pháp là để pháp luật đi vào cuộc sống, để cuộc sống có pháp luật, có trật tự. Việc hiện thực hóa pháp luật có thể bằng nhiều con đường, một phần do sự chủ động của các chủ thể pháp luật, phần khác do các chủ thể có thẩm quyền thực hiện thông qua hoạt động áp dụng pháp luật của họ. Đối với hình thức thực hiện pháp luật nào, thì trước hết, việc nhận thức cho đúng, cho thông nhất pháp luật cũng phải đặt ra. Để nhận thức được pháp luật thì phải giải thích pháp luật. Giáo sư Cass R. Sunstein nhà nghiên cứu luật người Mỹ đã nói: Chúng tôi truy cập một văn bản pháp luật chỉ sau khi chúng tôi có được sự giải thích nó, giải thích có chủ ý hoặc không có chủ ý. Một văn bản không chứa đựng ý nghĩa giải thích từ trước[1]. Một học giả khác lý giải: Trong sự làm cho dễ hiểu, không gì xứng đáng hơn việc giải thích. Đó không phải là kiểu La Mã kinh điển, nhưng nó đã được nắm giữ bởi truyền thống văn hóa lâu dài, và được các thẩm phán ở mọi nơi biết đến rất rõ. Chúng ta không thể hành độngdựa trên ý nghĩ của người khác trừ khi chúng ta hiểu thấu đáo nó[2].

Lý luận cho rằng, giải thích pháp luật như là một hoạt động tất yếu sau hoạt động lập pháp trong quá trình hoàn thiện hóa pháp luật là một hình ảnh biện chứng của nhận thức: "từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, từ tư duy trừu tượng trở về thực tiễn". Ở đây, chiều đảo của nhận thức chính là quá trình "cuộc sống hóa pháp luật", nó có nghĩa vụ kiểm chứng lại quá trình "pháp luật hóa cuộc sống", và đó chính là bản chất triết học của quá trình giải thích pháp luật, một quá trình "tái tạo phần hồn" của văn bản pháp luật trong hiện thực. Đây là những đặt điểm nêu lên khả năng giải quyết sự "thiếu hụt" cố hữu của quy phạm, còn đặc điểm này nói về nghĩa vụ tuân thủ nguyên lý tiếp cận quy phạm.

Ngoài ra, giải thích pháp luật đươc thực hiện theo một phương thức và quy trình nhất định, các quy tắc đạo đức trong cuộc sống thường được kiểm soát bỏi dư luận xã hội, bởi tập quán bởi lương tâm, ý thức nhân bản của mỗi người, còn các quy tắc pháp lý lại được kiểm soát chủ yếu bằng sự thực hiện các quy phạm pháp luật gắn liền với sức mạnh của Nhà nước. Trong quá trình thực hiện, áp dụng pháp luật, thì giải thích pháp luật là hoạt động tất yếu. Song, kết quả của hoạt động giải thích pháp luật chính thức có thể đưa đến những lợi ích hoặc cũng có thể đưa đến những bất lợi cho các chủ thể liên quan. Để bảo đảm cho kết quả giải thích pháp luật hợp pháp, khoa học, chân thực và khách quan, các chủ thể giải thích và hoạt động giải thích phải được quy định và tuân theo một phương thức, một quy trình nhất định, bao gồm các phượng pháp và cách thức tiếp cận các quy phạm pháp luật trong một trình tự chặt chẽ từ việc xác định nhu cầu, nghiên cứu, phân tích, giải thích đến công bố kết quả, thu thập phản hồi. Quy trình này cần phải được luật hóa, được tuân thủ nghiêm ngặt với các nguyên tắc, quy tắc, phương pháp, mục đích của hoạt động giải thích pháp luật. Nếu trong quá trình giải thích pháp luật, thấy cần phải giải thích theo nghĩa rộng thì các chủ thể giải thích vẫn phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật cho phép, vẫn phải theo những quy trình nhất định. Như vậy, có thể hiểu khái quát rằng, phương thức và quy trình pháp lý của giải thích pháp luật giống như một "bà đỡ" cho hoạt động này.

 


[1] Aharon Barak: Porposive Interpretation in Law, Princeton Uni, 2005, tr. 103.

[2] Văn phòng Quốc hội: Kỷ yếu Hội thảo quốc tế về bảo hiến, Nxb. Thời đại, Hà Nội, 2009, tr.13.