In trang này
Thứ ba, 27 Tháng 5 2014 00:00

Một số giải pháp hoàn thiện cơ chế thị trường cho dịch vụ công ích

1. Đặc điểm chung của các ngành dịch vụ công ích ở Việt Nam:

Các ngành dịch vụ tiện ích: là những ngành có cầu tương đối ổn định. Đây là các ngành có tính mạng lưới hoặc có các địa điểm đặt cơ sở sản xuất đòi hỏi sự quy hoạch từ trước. Ngoại trừ ngành sản xuất, truyền tải và phân phối điện và ngành sản xuất khí đốt, phân phối nhiên liệu bằng đường ống có quy mô mạng lưới quốc gia, các ngành khác có tính mạng lưới địa phương.

Ngành xây dựng các công trình chuyên dụng: là những ngành chuyên xây dựng các công trình công ích như đường xá, hệ thống điện, nước, và các công trình công ích khác. Về bản chất công nghệ, những ngành này không khác nhiều so với những ngành xây dựng các công trình dân dụng khác. Sự khác biệt lớn nhất ở đây là khách hàng của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này thường là các cơ quan nhà nước. Các dự án xây dựng thường nằm trong hệ thống qui hoạch trước đó của các bộ/ngành và địa phương. Ngoài việc xây dựng các công trình chuyên dụng, các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này hoàn toàn vẫn có thể cung ứng hàng hoá và dịch vụ cho các khách hàng phi nhà nước.

Ngành vận tải và kho bãi: là ngành dịch vụ đưa hành khách và hàng hoá từ điểm này đến điểm khác trên những tuyến đường đã có sẵn. Hiệu quả kinh tế đạt được càng lớn nếu như tần suất vận chuyển trên các tuyến đường càng cao, miễn là vẫn đảm bảo không dẫn đến ách tắc trong quá trình vận chuyển.

Phát thanh, truyền hình và viễn thông: là các dịch vụ truyền thông tin dưới dạng âm thanh, hình ảnh, và chữ viết từ người này tới người khác. Đặc điểm chung của lĩnh vực này là cần một hệ thống thu, truyền tải và phát tín hiệu. Với trình độ công nghệ hiện tại, các hệ thống phát thanh, truyền hình, và viễn thông đều có thể đảm nhận được các chức năng thu, truyền tải, và phát tín hiệu. Sự khác biệt do vậy nằm ở nội dung thông tin truyền tải chứ không còn ở hệ thống. Hệ thống viễn thông kết nối trao đổi trực tiếp giữa người với người; hệ thống phát thanh tổ chức, biên tập nội dung thu âm và phát cho người nghe; còn hệ thống truyền hình tổ chức, biên tập nội dung ghi hình, thu âm và phát cho người xem.

Giáo dục, y tế và các hoạt động dịch vụ xã hội khác: Trong các hoạt động dịch vụ xã hội này thì lĩnh vực Quản lý nhà nước, an ninh và quốc phòng về cơ bản thuộc độc quyền của nhà nước. Người dân của một quốc gia bắt buộc phải sử dụng dịch vụ do một nhà nước duy nhất cung cấp. Chỉ có một số ít các hoạt động và dịch vụ có thu trong lĩnh vực Quản lý nhà nước, an ninh và quốc phòng có thể vận hành bởi các doanh nghiệp, tức cho phép người dân có quyền lựa chọn cung ứng từ các đơn vị khác nhau. Trái lại, việc cung ứng các dịch vụ xã hội khác như y tế, giáo dục,… đều có thể vận hành bởi các doanh nghiệp.

2. Khuyến nghị giải pháp cải cách thể chế quản lý:

Xu hướng cải cách theo hướng thị trường của các ngành dịch vụ tiện ích là phân tách các công đoạn cung ứng dịch vụ trong mỗi ngành nhằm thiết kế các cơ chế thị trường khác nhau cho mỗi công đoạn. Cụ thể, công đoạn thiết lập và vận hành cơ sở hạ tầng sẽ do một công ty độc quyền thuộc sở hữu nhà nước đảm nhiệm. Cơ chế hình thành giá chủ yếu là giá do Nhà nước quy định dựa trên chi phí bình quân cộng với một tỉ lệ lợi nhuận nhất định. Các công đoạn khác sẽ do các công ty tư nhân đảm nhiệm, với cơ chế giá cạnh tranh được vận hành theo những hình thức đấu thầu khác nhau.

Xu hướng cải cách trong các ngành xây dựng các công trình chuyên dụng là phát huy tối đa cơ chế thị trường. Vì thế, các Doanh nghiệp Nhà nước trong tất cả các lĩnh vực này nên được cổ phần hoá triệt để. Nhà nước không những chỉ cổ phần hoá mà còn nên rút toàn bộ vốn đầu tư khỏi các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành này.Các cơ quan nhà nước nên tập trung vào khâu quy hoạch và công tác đấu thầu để sao cho cơ chế giá hoàn toàn theo cơ chế thị trường. Một khi các cơ quan nhà nước tách hoàn toàn khỏi việc điều hành các doanh nghiệp thì sẽ không còn hiện tượng “vừa đá bóng vừa thổi còi” trong lĩnh vực xây dựng các công trình chuyên dụng và công ích. Khi đó việc thực hiện xây dựng các công trình chuyên dụng sẽ có chất lượng cao hơn và tránh được nhiều thất thoát hơn.

Tương tự các ngành dịch vụ tiện ích, đối với các ngành vận tải và kho bãi, xu hướng cải cách là tách phần điều hành hệ thống mạng lưới giao thông ra khỏi các hoạt động vận tải. Đây là các bộ phận có tính độc quyền và công ích cao, đòi hỏi sở hữu của nhà nước. Nhà nước có thể áp dụng mô hình hợp tác công tư (PPP) như thuê các doanh nghiệp tư nhân tham gia điều khiển hệ thống để giảm chi phí vận hành. Cụ thể, các hoạt động quản lý, bảo dưỡng và điều hành giao thông đường bộ, hệ thống xe buýt, đường sắt, đường thuỷ và đường hàng không cũng cần tách hoàn toàn ra khỏi các hoạt động vận tải và kho bãi. Các hoạt động này sẽ được điều hành bởi các Doanh nghiệp Nhà nước độc quyền. Nhà nước cũng có thể áp dụng mô hình hợp tác công tư để thuê tư nhân vận hành một số khâu bảo dưỡng và điều hành hệ thống.

Trong khi lĩnh vực viễn thông và truyền hình cáp đã có sự tách bạch khá rõ ràng giữa hoạt động cung ứng hạ tầng viễn thông với hoạt động cung ứng dịch vụ nội dung nhưng điều này chưa diễn ra trong lĩnh vực phát thanh và truyền hình. Đã đến lúc, lĩnh vực phát thanh và truyền hình cũng cần áp dụng cơ chế tương tự như các lĩnh vực cung cấp dịch vụ tiện ích và viễn thông, Việt Nam cần tách hai công đoạn này ra khỏi nhau. Hoạt động vận hành hệ thống phát thanh và truyền hình nên được quản lý bởi các công ty độc lập. Các công ty này trước hết sẽ là các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Sau một thời gian vận hành sẽ chuyển dần thành các công ty cổ phần nhà nước. Song song với các Doanh nghiệp Nhà nước hoặc cổ phần nhà nước này, Chính phủ cũng nên cho phép các doanh nghiệp tư nhân tham gia cung ứng hạ tầng phát thanh và truyền hình.

Cải cách các ngành cung ứng dịch vụ xã hội cần hướng vào việc tạo lập các thị trường để sao cho các doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng gia nhập ngành. Muốn vậy, việc trước tiên là cần chuyển đổi loại hình hoạt động của các tổ chức công lập sang mô hình doanh nghiệp. Tức là các bệnh viện công lập, trường công lập cần hoạt động như là các Doanh nghiệp Nhà nước. Các đơn vị này sẽ xác lập mức lương bổng cho nhân viên theo tín hiệu thị trường. Chẳng hạn, các thầy giáo giỏi hay bác sĩ giỏi có thể nhận lương cao hơn các thầy giáo, bác sĩ bình thường khác. Các phần hỗ trợ của nhà nước cần được hạch toán rõ ràng vào vốn chủ sở hữu hay trợ giá. Lỗ lãi tại các đơn vị công này sẽ được hạch toán theo hướng thưởng cho nhân viên, giữ lại để nâng cấp đầu tư, hay trả về cho nhà nước. Có thể nói đây là bước đầu tiên và quan trọng nhất để xác lập được chi phí và giá dịch vụ đúng tại các lĩnh vực này. Một khi đã xác định được chi phí và giá dịch vụ đúng với nhu cầu và khả năng của thị trường thì nhà nước có thể áp dụng cơ chế trợ giá bình đẳng cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia hoạt động. Sau một thời gian thị trường đã vận hành thông suốt, có thể từ 3 đến 5 năm, sẽ là giai đoạn cổ phần hoá các đơn vị công. Nếu như chưa xác lập được giá thị trường tương đối cho các hoạt động dịch vụ tại các lĩnh vực này mà tiến hành cổ phần hoá quá sớm các đơn vị công sẽ dẫn đến thất thoát tài sản của nhà nước mà không cải thiện được chất lượng cung ứng dịch vụ. Riêng với lĩnh vực Quản lý nhà nước, an ninh, và quốc phòng và lĩnh vực Hoạt động của các hiệp hội, Việt Nam cần mở rộng thêm các loại hình hoạt động cho phép các doanh nghiệp có thể tham gia. Chẳng hạn các hoạt động liên quan đến quỹ hưu trí, quĩ trợ cấp thất nghiệp… đều có thể đưa một phần ra khỏi hệ thống nhà nước để cho các doanh nghiệp đảm nhiệm.