In trang này
Thứ ba, 03 Tháng 3 2020 02:58

GIỚI THIỆU VỀ QUAN NIỆM VÀ CÁCH TIẾP CẬN VẤN ĐỀ AN NINH PHI TRUYỀN THỐNG CỦA MỸ

Nghiên cứu về an ninh ở nước Mỹ ngày càng trở nên phổ biến từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Nghiên cứu về an ninh phi truyền thống được coi là một bộ phận môi trường nghiên cứu về an ninh và xung đột, nó được các học giả Mỹ quan tâm nghiên cứu ngay từ sau khi Chiến tranh lạnh chấm dứt. Hiện nay, Mỹ được coi là một trong những quốc gia hàng đầu và có những thành tựu lớn trong nghiên cứu về an ninh phi truyền thống.

Trên bình diện chính sách, với vai trò là siêu cường duy nhất sau Chiến tranh lạnh, các chính sách an ninh của Mỹ có nhiều thay đổi, với các nội dung chính sau:

Thứ nhất, nội hàm quan niệm an ninh quốc gia của Mỹ được mở rộng. Tuy an ninh quân sự truyền thống vẫn là nội dung chủ yếu của an ninh, nhưng nhân tố “chính trị cấp thấp” khác như mậu dịch, tiền tệ, xã hội, môi trường sinh thái... đã bắt đầu được coi trọng trong chiến lược an ninh. Nhiều báo cáo của Chính phủ đã đề cập đến các uy hiếp mới về an ninh, nhưng vẫn chưa coi đây là các vấn đề an ninh nghiêm trọng, mà chỉ coi đó là những uy hiếp về dân chủ, kinh tế và đời sống công dân.

Thứ hai, trong chính sách của Mỹ cho rằng ranh giới giữa các vấn đề an ninh quốc gia và an ninh quốc tế là hết sức mơ hồ. Hàng loạt các vấn đề như hoạt động khủng bố, mở rộng các nước sở hữu vũ khí hạt nhân, di cư phi pháp, xung đột khu vực... đã không chỉ ảnh hưởng đến an ninh toàn cầu mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến an ninh và sự phát triển của mỗi quốc gia. Chính vì vậy, chính sách của Mỹ có xu hướng thúc đẩy dân chủ chính trị trong nước, đồng thời mở rộng an ninh ngoài nước, kết hợp với mở rộng kinh tế đối ngoại.

Thứ ba, các chính sách an ninh của Mỹ đã chuyển trọng tâm từ quan hệ giữa các quốc gia sang xử lý các vấn đề trực tiếp như phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, hoạt động khủng bố, vấn đề nhân đạo trong thiên tai dịch bệnh, bảo vệ môi trường...

Thứ tư, tăng cường đa dạng hóa các thủ đoạn an ninh quốc gia, chuyển từ chỉ sử dụng thủ đoạn quân sự sang hướng vận dụng tổng hợp các thủ đoạn chính

trị, ngoại giao, kinh tế; lợi dụng ngoại giao để duy trì các lợi ích kinh tế bên ngoài, lợi dụng sức mạnh quân sự để thúc đẩy các mục tiêu nhân quyền; lợi dụng các chế tài, cam kết kinh tế để thúc đẩy các chính sách chính trị, quân sự.

       Điều này thể hiện cụ thể qua các “Báo cáo chiến lược an ninh quốc gia” của Mỹ. Trong Báo cáo năm 1991, Mỹ lần đầu tiên đưa chính trị, kinh tế, quân sự trở thành ba trụ cột chính trong chiến lược an ninh quốc gia[1]. Năm 1994, Báo cáo cho rằng, những uy hiếp đối với an ninh quốc gia không chỉ đến từ phương diện quân sự, mà chủ nghĩa khủng bố, buôn bán ma túy, những biến đổi tiêu cực của môi trường, bùng nổ dân số đang dần trở thành những uy hiếp mới đối với an ninh của nước Mỹ hiện nay và trong tương lai[2]. Sau năm 1997, Chính phủ của B.Clinton đã bắt đầu đưa “các uy hiếp phi truyền thống và các vấn đề mới của bất ổn định” thành một bộ phận của các báo cáo về vấn đề an ninh quốc gia. Trong báo cáo “Đánh giá quốc phòng bốn năm” năm 1997, Chính phủ Mỹ đã lần đầu tiên nêu ra khái niệm “các uy hiếp phi đối xứng”, có nội hàm liên quan đến các vấn đề an ninh phi truyền thống như an ninh thông tin, các hành vi uy hiếp phi nhà nước...

         Sự kiện ngày 11-9-2001 không chỉ làm thay đổi lịch sử nước Mỹ, biến đổi cục diện chính trị thế giới, mà còn tác động mạnh mẽ tới nhận thức về an ninh nói chung, an ninh phi truyền thống nói riêng của Mỹ. Quan niệm về an ninh phi truyền thống của người Mỹ cũng có sự thay đổi theo chiều hướng rộng hơn, cụ thể hơn, ưu tiên hơn. Năm 2002, Báo cáo chiến lược an ninh quốc gia đã lần đầu tiên xác định chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan là mối đe dọa hàng đầu đối với nước Mỹ. Các vấn đề khu vực khác, vấn đề quan hệ giữa các nước lớn... đều chỉ xoay quanh những yêu cầu của chiến lược chống khủng bố. Chính vì vậy, địa vị của những uy hiếp phi truyền thống đã trở thành trung tâm trong chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ. Cũng trong năm 2002, Mỹ công bố “Chiến lược quốc gia về chống vũ khí sát thương quy mô lớn”; “Chiến lược an ninh quốc gia trong không gian mạng”. Năm 2003, Mỹ lại công bố “Chiến lược quốc gia về chống chủ nghĩa khủng bố”. Hai cuộc chiến tranh mà Mỹ phát động ở Apganixtan và Irắc đã cho thấy, Mỹ quyết tâm sử dụng các hành động đơn phương và răn đe phủ đầu nhằm đối phó với các uy hiếp phi truyền thống đến từ “các quốc gia hiếu chiến” (rogue states), “các quốc gia thất bại” (failed States), “các trục ma quỷ” (axis of evil). Điều này cho thấy, Mỹ đã sử dụng các thủ đoạn quân sự của an ninh truyền thống để đối phó với chủ nghĩa khủng bố, một vấn đề của an ninh phi truyền thống. Rõ ràng, tuy đã đặt các uy hiếp phi truyền thống vào trung tâm của chiến lược an ninh quốc gia, nhưng về bản chất Mỹ chỉ mượn cuộc chiến chống khủng bố để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình trên toàn thế giới, hàng năm đầu tư cho chi phí quân sự, chi phí quốc phòng vẫn tăng cao, các nhà chính trị và các học giả Mỹ luôn coi an ninh truyền thống, các uy hiếp quân sự mới là vấn đề quan trọng nhất, vấn đề cốt lõi trong chiến lược an ninh của Mỹ, còn các vấn đề an ninh phi truyền thống khác như kinh tế, xã hội và môi trường chi là những vấn đề phụ, chưa có được vị trí ổn định trong chiến lược an ninh quốc gia. Chính xu hướng này của Mỹ đã thúc đẩy trào lưu an ninh truyền thống đề cao, ưu tiên lĩnh vực quân sự trên toàn thế giới.

Trong số các học giả nghiên cửu về thách thức an ninh phi truyền thống của Mỹ, John Bailey (Đại học Georgetown) đã đưara nội hàm quan niệm an ninh phi truyền thống của Mỹ rõ nét nhất, bao gồm những mặt sau:

1. Tội phạm, khủng bố và khu vực Rebellion (khu vực của những kẻ chống lại nhà cầm quyền), bao gồm;

Tội phạm bạo lực (giết người, bắt cóc, hành hung); tội phạm phi bạo lực (tham nhũng, trốn thuế, di cư bất hợp pháp).

Không bị trừng phạt: tham nhũng và sự thiếu hiệu quả của cảnh sát và nhân viên hành chính.

Tổ chức tội phạm như: buôn bán ma túy, vũ khí, người di cư, tài liệu giả, rửa tiền, bắt cóc và có thể mở rộng hơn là trộm cắp xe, hàng hóa, cướp và gian lận,...

Nhóm khủng bố: có động cơ tư tưởng, văn hóa và hành động bạo lực gây sự chết chóc trên quy mô lớn, hủy diệt nhiều mục tiêu...

2. Thiên tai (đây là những vấn đề an ninh công cộng cấp khu vực, nhưng có hậu quả quan trọng cấp quốc gia và quốc tế), bao gồm những vấn đề liên quan đến thời tiết: bão, lũ lụt, hạn hán (gồm cả những rủi ro do cháy rừng); địa - vật lý: động đất, sóng thần, núi lửa phun trào, sạt đất, lở đất; mối đe dọa liên quan đến bệnh tật: HIV/AIDS, lao, bệnh tả, cúm, SARS,... các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người (bệnh lao, bệnh than).

3. Điều kiện kinh tế (những ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế cơ bản), bao gồm:

Năng lượng: liên quan đến vấn đề dầu mỏ và khí đốt tự nhiên (bảo đảm khai thác và sản xuất trang thiết bị, đường ống).

Nước uống: điều này đặc biệt liên quan đến cư dân Mỹ ở miền Tây - vùng đất khô cằn.

         Nghèo đói, thất nghiệp, sự bất bình đẳng: là những vấn đề mãn tính đối với Hoa Kỳ.

         Cơ sở hạ tầng truyền thông: thông tin (dây, cáp, internet và các hình thức khác); giao thông vận tải (đường sắt, đường cao tốc, hàng không)[3].

       Như vậy, theo thứ tự ưu tiên như trên, từ sau Chiến tranh lạnh đến nay, khủng bố và những thành phần chống lại nhà cầm quyền được coi là thách thức an ninh phi truyền thống hiện nay ở Mỹ.

         Ngoài ra, hiện nay vấn đề di dân cũng đang trở thành một vấn đề an ninh phi truyền thống chủ yếu của Mỹ, do nước Mỹ là một quốc gia di dân. Đến cuối thế kỷ XX, di dân toàn cầu đã đạt tới ngưỡng kỷ lục, mỗi năm lượng người nhập cư trái phép vào các nước lên đến khoảng 30 triệu người. Theo thống kê năm 1998, người nước ngoài nhập cư chiếm khoảng 10% toàn dân số nước Mỹ, trong đó có khoảng 1/4 là nhập cư bất hợp pháp. Lượng người nhập cư tăng cao đã dẫn đến hàng loạt các vấn đề xã hội phức tạp khác như: xung đột văn hóa, công dân phi pháp, giao thoa ngôn ngữ... Thậm chí Huntington đã nhận xét: “Trong thế giới hiện nay, uy hiếp lớn nhất đối với an ninh xã hội là đến từ di dân”[4].

 


[1]The White House: The National Security Strategy of the United States of America, 1991

[2] The White Huose: The National Security Strategy of the United States of America, 1994.

[3] Tham khảo tại ừang: www.wilsoncenter.org/

[4]Samuel p.Huntington: Who Are We? The Challenges to America’s National Identity, New York, Simon & Schuster, 2004, pp.208-209.