In trang này
Thứ hai, 09 Tháng 3 2020 04:11

Một số góp ý về chính sách phát triển nguồn nhân lực y tế cho dự thảo Luật Khám chữa bệnh

Để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người Việt nam bao gồm sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, v.v... cần phải xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế, bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khoẻ với nền y học khoa học phát triển, dân tộc và đại chúng. Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã đặt ra “Nhân lực y tế phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn và y đức; cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Hệ thống mạng lưới y tế phải rộng khắp, gần dân; được chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt về chuyên môn, nghiệp vụ theo ngành từ Trung ương tới địa phương trong phạm vi cả nước, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương”.

Để thực hiện mục tiêu đó, việc xây dựng mạng lưới y tế được chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt về chuyên môn nghiệp vụ từ trung ương đến địa phương trong phạm vi toàn quốc là điều rất cấp bách. Cùng với đó là sự phối hợp, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương, cũng như các khuôn khổ pháp lý được xây dựng và hoàn thiện đảm bảo quyền và nghĩa vụ của những người làm việc trong lĩnh vực y tế. Bên cạnh đó Nhà nước phải xây dựng, đào tạo đủ và phân bổ hợp lý nguồn nhân lực cho cho ngành y tế để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của quần chúng nhân dân.

Trong chiến lược quốc gia về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 có đánh giá về tình trạng sức khỏe nhân dân, y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu; khả năng đáp ứng của mạng lưới khám chữa bệnh và chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh; cung ứng dịch vụ dân số kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản; chính sách về hệ thống thông tin y tế chưa đầy đủ; thuốc, vắc xin, sinh phẩm; trang thiết bị y tế; tài chính y tế; quản trị hệ thống y tế và nguồn nhân lực y tế. Trong đó, mục tiêu về nguồn nhân lực y tế được xác định là năng lực và động lực đảm bảo tính công bằng, hiệu quả và phát triển hệ thống y tế trong chiến lực quốc gia về nâng cao sức khỏe nhân dân.

Nhà nước với vai trò điều tiết phát triển nguồn nhân lực y tế trình độ cao đáp ứng mục tiêu tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Có thể thấy, sau hơn 25 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 Khóa VII và các chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc sức và nâng cao khỏe nhân dân đã đạt được nhiều thành công, trong đó có các chính sách phát triển nguồn nhân lực y tế trình độ cao bằng việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, khắc phục căn bản tình trạng quá tải bệnh viện bằng việc phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh, tăng cường đào tạo, luân phiên cán bộ y tế, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Cùng với đó là việc ban hành danh mục dịch vụ kỹ thuật các quyến phải có đủ năng lực thực hiện, tiến tới bảo đảm chất lượng từng dịch vụ kỹ thuật đồng đều giữa các tuyến.

Tuy nhiên, nhân lực y tế còn thiếu, mất cân đối về cơ cấu và phân bổ; chất lượng nhân lực y tế còn hạn chế; quản lý nhân lực y tế còn chưa hiệu quả. Chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế, trong đó có các loại phụ cấp chưa tương xứng với thời gian học tập, công sức lao động và môi trường, điều kiện làm việc, nhất là ở khu vực miền núi, nông thôn, vùng khó khăn, hải đảo... nên dẫn đến tình trạng chuyển dịch cán bộ y tế chủ yếu là cán bộ có chuyên môn khá, giỏi từ miền núi, vùng khó khăn về đồng bằng, đô thị; từ khu vực công lập ra khu vực ngoài công lập.

Chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế phải được xác định bậc lương khởi điểm phù hợp với thời gian đào tạo. Các chính sách khuyến khích người có trình độ chuyên môn làm việc tại y tế cơ sở, các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo và trong các lĩnh vực y tế dự phòng, pháp y, tâm thần, lao, phong.v.v…

Bên cạnh đó, cần có chính sách về tăng cường bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ y tế. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy chế chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, xâm hại đến nhân phẩm và sức khỏe của người làm nghề y, bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn cơ sở y tế.

Qua thực tiễn phòng chống dịch COVID-19 vừa qua có thể nhận thấy những yếu kém về quản lý nguồn nhân lực trong y tế, các chính sách về y tế chậm được sửa đổi, bổ sung cho kịp với tình hình và diễn biến thực tế xảy ra. Vấn đề quản lý về đầu tư cho y tế còn thấp, phân bổ và sử dụng nguồn lực chưa hợp lý và kém hiệu quả.

Đội ngũ cán bộ y tế còn thiếu và yếu, cơ cấu chưa hợp lý, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế trong phòng và chống dịch trong tình huống cấp bách chưa thỏa đáng, đặc biệt là các cán bộ y tế dự phòng.

Chính vì vậy, thời gian tới, cần chú trọng hơn trong việc phát triển nguồn nhân lực y tế, cụ thể như sau:

Thứ nhất, đổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo nhân lực y tế, đáp ứng yêu cầu cả về y đức và chuyên môn trong điều kiện chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Khẩn trương hoàn thiện các quy định pháp luật và triển khai khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, khung trình độ quốc gia trong đào tạo nhân lực y tế, phát huy trách nhiệm, vai trò các bệnh viện trong đào tạo, phát triển bệnh viện đại học.

Thứ hai, thành lập hội đồng y khoa quốc gia, tổ chức thi, cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn phù hợp thông lệ quốc tế. Thí điểm giao cho cơ quan độc lập tổ chức cấp chứng chỉ hành nghề.

Thứ ba, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học - công nghệ y tế, dược, y sinh học. Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến, phát triển đội ngũ cán bộ chuyên ngành thiết bị y tế. Có cơ chế giao trách nhiệm, tôn vinh các bệnh viện, viện nghiên cứu, các bác sĩ, nhà khoa học tham gia đào tạo nhân lực y tế.

Thứ tư, thực hiện đãi ngộ xứng đáng đối với cán bộ y tế. Xác định bậc lương khởi điểm phù hợp với thời gian đào tạo. Có các chính sách đủ mạnh để khuyến khích người có trình độ chuyên môn làm việc tại y tế cơ sở, các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo và trong các lĩnh vực y tế dự phòng, pháp y, tâm thần, lao, phong,…

Thứ năm, tăng cường bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ y tế. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy chế chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, xâm hại đến nhân phẩm và sức khoẻ thầy thuốc; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn cơ sở y tế.