In trang này
Thứ ba, 10 Tháng 3 2020 07:40

KHẢ NĂNG TIẾP CẬN LƯƠNG THỰC CỦA NGƯỜI DÂN HIỆN NAY

Ngành nông nghiệp Việt Nam ở những năm 2000 là ngành sử dụng nhiều lao động và vẫn chưa ở giai đoạn giảm số lượng lao động nông nghiệp, nhưng nông nghiệp có thể đang ở điểm bước ngoặt và theo một số dự báo, lao động nông nghiệp có thể giảm 9% trong thập niên hiện nay[1].

So với những năm 1980 thì năng suất của ngành nông nghiệp Việt Nam tăng mạnh và duy trì bình quân 2,65% mỗi năm trong giai đoạn 1990-2010 đã phản ánh rõ tác động tích cực của quá trình cải cách được thực hiện vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990. Tuy tốc độ tăng này cao hơn so với Indonesia, Ấn Độ và Philippines, tương đương với Thái Lannhưng lại thấp hơn Trung Quốc và gần đây là Malaysia, phản ánh sự suy giảm trong những năm 2000 so với mức cao nhất được ghi nhận trong những năm 1990[2].

Giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam tăng mạnh ở giai đoạn 2011-2013 và đã trở thành nước xuất khẩu top đầu thế giới với các mặt hàng nông sản như hạt điều và hạt tiêu đen, cà phê và sắn, gạo và thủy sản, thứ năm về cao su tự nhiên với giá trị xuất khẩu hàng năm của các mặt hàng là trên dưới 1 tỷ USD trong những năm đầu 2010. Những thành quả đạt được trong vòng hai thập kỷ cho nhiều hàng hóa đối với nước không có kinh nghiệm trong thương mại quốc tế và chưa tham gia thị trường xuất khẩu nông sản phải được tính là kỳ tích.

Để có được những thành quả nêu trên đầu tiên phải kể đến việc mở rộng xuất khẩu của các mặt hàng nông sản, cùng với nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản thực phẩm của Việt Nam tăng 6 lần từ năm 2000 đến năm 2012. Giá trị xuất khẩu nông sản thực phẩm cao hơn khoảng 2 lần giá trị nhập khẩu, góp phần vào thặng dư thương mại nông sản thực phẩm với khoảng 10 tỷ USD trong các năm 2011-13.

Giá xuất khẩu và giá trị gia tăng trong hàng xuất khẩu vẫn còn thấp Nông sản thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam thường có giá trị thấp. Cách tiếp cận “hàng hóa” xuất khẩu này chủ yếu là tăng trưởng về số lượng, nhưng là chưa tập trung vào chất lượng và giá trị gia tăng. Ở Việt Nam, mở rộng quy mô giá trị trên thị trường thực phẩm cho phép các nhà xuất khẩu, và nông dân, có thể bán với giá cao hơn mà không phải tăng sản lượng hoặc tìm thêm các đầu vào sản xuất như nguồn đất đai khan hiếm.

Với lý do này, một trong những trụ cột chính của Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Chính phủ (ARP) là cải thiện chất lượng cho các mặt hàng nông nghiệp cơ bản và phát triển ngành chế biến thực phẩm.

Một trong những yếu tố tác động đến khả năng tiếp cận lương thực của người dân còn phải kể đến vai trò của doanh nghiệp nhà nước vẫn mạnh trong giai đoạn này.

Trong khi ảnh hưởng của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đối với toàn bộ nền kinh tế Việt Nam đã giảm, tỷ trọng của các doanh nghiệp này trong GDP vẫn cao, ở mức 1/3 năm 2011 và các doanh nghiệp này là nguồn thu nhập và thu xuất khẩu quan trọng của Chính phủ (OECD, 2013). Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp nhà nước chỉ được tư nhân hóa một phần thông qua quá trình “cổ phần hóa”, qua đó các doanh nghiệp này được chuyển đổi thành công ty công hữu hạn hoặc tập đoàn bằng cách bán một phần tài sản của các doanh nghiệp này cho công chúng hoặc một nhà đầu tư đặc biệt, trong khi nhà nước vẫn nắm giữ đa số cổ phần. Bên cạnh thực tế là các cổ phiếu mới được tạo ra có thể do nhà nước sở hữu, công ty có thể tiếp tục nắm giữ lợi thế như doanh nghiệp nhà nước trước đó, như quyền lực thị trường và tiếp cận dễ dàng hơn với tín dụng. Trong lĩnh vực sản xuất lương thưc, thực phẩm, doanh nghiệp nhà nước được tham gia cung ứng vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, chế biến và bảo quản, tiếp thị và xuất khẩu.

Tuy nhiên, tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa về nông nghiệp, nông dân, nông thôn X (Nghị quyết Trung ương 7 khóa X) xác định “Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm báo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài” và đã được tiến hành tổng kết công tác thực hiện nhằm bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh hiện nay, đã đặt ra một số vấn đề cần nghiên cứu đến kế hoạch phát triển hệ thống lưu thông, tăng khả năng tiếp cận lương thực cho người dân ở mọi lúc, mọi nơi.

Đối với hoạt động phát triển hệ thống lưu thông, xuất khẩu lương thực, tạo điều kiện cho người tiêu dùng có khả năng tiếp cận mội tình huống thông qua việc xây dựng tốt công tác dự báo về tình hình sản xuất và thị trường lúa gạo để đưa ra mức hợp lý về lượng dự trữ lúa gạo quốc gia và lượng lúa gạo lưu thông để đề phòng thiên tai và bình ổn giá thị trường. Thực hiện hiệu quả Đề án thương hiệu gạo Việt Nam. Phát triển thị trường tiêu thụ lúa gạo thông qua nhân rộng các chuỗi giá trị, phát triển thương hiệu và nâng cao hiệu quả các kênh phân phối.

Tiếp tục khai mở những thị trường truyền thống và tập trung nghiên cứu phát triển thị trường mới. Cùng với đó, đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nông nghiệp. Trong đó, cơ cấu lại cây lúa, không chỉ riêng ở ĐBSCL mà toàn quốc, lựa chọn quy mô sản xuất các mặt hàng nông sản ở mức độ phù hợp nhất, khai thác lợi thế tốt nhất và hướng đến thị trường, bảo đảm tất cả các đối tượng sản xuất nông nghiệp đều có dư địa tốt về mặt thị trường và có thu nhập cao.

Đối với việc tăng khả năng tiếp cận lương thực của người dân mọi lúc, mọi nơi phải được thông qua việc thực hiện có hiệu quả hệ thống chính sách phát triển kinh tế, các Chương trình MTQG và Chương trình mục tiêu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm lương thực và tăng thu nhập để người tiêu dùng cải thiện khả năng tiếp cận lương thực.

Ngoài ra, cần phát triển cơ sở hạ tầng, trọng tâm là hệ thống giao thông; hoàn thiện hệ thống lưu thông, phân phối lương thực, tạo điều kiện cho người tiêu dùng có khả năng tiếp cận lương thực thuận lợi trong mọi tình huống. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng nhà máy chế biến; tạm trữ lương thực, thu mua dự trữ lương thực. Đồng thời, tổ chức tốt việc mua, bán, dự trữ lương thực tại các địa phương nhằm đảm bảo đủ lương thực cho người dân trong mọi tình huống. Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận lương thực, thực phẩm với chất lượng phù hợp.

Xây dựng Chiến lược dự trữ quốc gia đến năm 2030 về lương thực, đảm bảo mức dự trữ lương thực hợp lý, đủ để đáp ứng nhu cầu xuất cấp hỗ trợ các địa phương, mở rộng quy mô dự trữ tại các vùng trọng điểm nhằm phát triển kinh tế đi đôi với an sinh xã hội, an ninh trật tự quốc gia theo từng giai đoạn, kết hợp tốt giữa dự trữ lưu thông và dự trữ nhà nước để bảo đảm yêu cầu cứu trợ lương thực, thực phẩm trong trường hợp khẩn cấp. Mức dự trữ lương thực đến năm 2030 giữ ổn định 500.000 tấn quy thóc. Xây dựng cơ chế giá chặt chẽ, khả thi, tổ chức tốt công tác mua (nhập), xuất (bán) phù hợp thời vụ thu hoạch của từng vùng, miền và giá thị trường.

Cải thiện tập quán tiêu thụ lương thực của người Việt theo hướng đa dạng hóa lương thực thực phẩm và giảm sự lệ thuộc vào lúa gạo, giảm tiêu thụ gạo.

Cuối cùng là việc xây dựng cơ chế điều hành xuất khẩu lương thực, thực phẩm linh hoạt, nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả xuất khẩu và tiêu thụ hết nông sản lương thực, thực phẩm.

 


[1] Theo báo cáo của ILO, 2011.

[2] Fuglie và Rada , 2013.