In trang này
Thứ ba, 10 Tháng 3 2020 07:59

GIỚI THIỆU VỀ QUAN NIỆM VÀ CÁCH TIẾP CẬN VẤN ĐỀ AN NINH PHI TRUYỀN THỐNG CỦA LIÊN BANG NGA

Chiến tranh lạnh với sự phát triển của các lý thuyết triết học cùng với hoàn cảnh cụ thể về sự chuyển biến của khu vực cũng như thế giới như học thuyết về quyền lực mềm, quyền lực cứng, quyền lực thông minh được vận dụng để phát triển chính thức thành học thuyết cho an ninh quốc gia và lúc này an ninh phi truyền thống cũng xuất hiện. Các học giả nghiên cứu về khoa học chính trị, an ninh quốc gia cho rằng, an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống là hai mặt của khái niệm an ninh toàn diện. An ninh phi truyền thống mang tính xuyên quốc gia do những mối uy hiếp, đe dọa của các nhân tố bên trong và bên ngoài đối với môi trường sinh tồn và phát triển của cộng đồng xã hội mỗi quốc gia trong mối quan hệ chặt chẽ với khu vực và thế giới

Trong bối cảnh tranh chấp quốc tế, chủ nghĩa khủng bố diễn biến phức tạp, thiên tai và các sự kiện gây thiệt hại môi trường nghiêm trọng diễn ra trên phạm vi toàn cầu, chính sách an ninh của Nga bắt đầu chuyển từ mở rộng sang thu hẹp dần phạm vi ảnh hưởng, từ đó dần hình thành nên các quan niệm an ninh mới, kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh. Quan niệm an ninh quốc gia mới của Liên bang Nga chủ yếu thể hiện trong các văn kiện quan trọng như “Chiến lược an ninh quốc gia Liên bang Nga”, “Chiến lược chính sách ngoại giao Liên bang Nga”, “Học thuyết quân sự Liên bang Nga”... Thừa hưởng thành quả của hệ thống lý thuyết an ninh trước khi Liên Xô giải thể, các quan điểm an ninh mới của Nga có xu hướng đi sâu hệ thống hóa, quay trở lại đi sâu tìm hiểu, xác định nội hàm các khái niệm an ninh và an ninh quốc gia. Trong đó, nhấn mạnh một số nội dung chủ yếu sau[1]:

Thứ nhất, an ninh xã hội có vai trò quan trọng trong hệ thống các quan niệm an ninh mới của Nga, cho rằng các thành phần xã hội là nhân tố chủ yếu đảm bảo sự vận hành ổn định và phát triển của Nhà nước. Luật An ninh Liên bang Nga năm 1992 đã định nghĩa an ninh như sau: An ninh là trạng thái các lợi ích quan trọng của cá nhân, xã hội và quốc gia được bảo hộ tránh khỏi các uy hiệp từ bên trong và bên ngoài. An ninh quốc gia là một loại trạng thái của xã hội (nhà nước); trong trạng thái này, xã hội là một hệ thống phức tạp, có đầy đủ năng lực duy trì tính hoàn chỉnh và tính ổn định của nó, và có thể phát huy hiệu quả chức năng và năng lực duy trì sự phát triển, có năng lực đáng tin cậy bảo vệ bản thân và các lợi ích thiết thân của nó, khiến cho nó tránh được các tổn hại đến từ bất kỳ nhân tố bên trong và bên ngoài nào. Từ đây có thể thấy, để bảo vệ an ninh quốc gia, đầu tiên cần phải bảo đảm xã hội và các hình thức, phương thức hoạt động của nó, không ngừng được hoàn thiện, thông qua hàng loạt các cuộc cải cách kịp thời và liên tục, sẽ khiến cho nó đáp ứng được sự phát triển của sức sản xuất xã hội và yêu cầu của tiến bộ khoa học kỹ thuật. Chỉ có trên cơ sở đó, mới có thể bảo đảm tính hoàn chỉnh, tính ổn định của xã hội, cũng như bảo đảm sự vận hành hiệu quả và năng lực phát triển. Nếu như không bảo đảm được các điều trên, xã hội và quốc gia không chỉ rất khó đấu tranh với các nguy cơ phát sinh, mà thậm chí có thể gây ra hàng loạt các nguy cơ tiềm ẩn khác.

Thứ hai, quan niệm an ninh mới của Nga thừa nhận tính đa dạng của chủ thể an ninh. Quan niệm này chỉ rõ chủ thể của an ninh là cá nhân, xã hội và quốc gia, nhưng Nhà nước vẫn là chủ thể an ninh lớn nhất và hoàn thiện nhất; công dân, tổ chức xã hội và các đoàn thể xã hội khác cũng là chủ thể của an ninh. “Chiến lược an ninh Liên bang Nga” phê chuẩn năm 1997 chỉ ra: “Tổng hòa lợi ích căn bản của các cá nhân, xã hội và quốc gia tạo thành hệ thống lợi ích quốc gia của Nga, cần bảo đảm an ninh của cá nhân, xã hội và quốc gia tránh khỏi các uy hiếp bên trong và bên ngoài”; “Chiến lược chính sách đối ngoại của Liên bang Nga” năm 2000 đã nhấn mạnh, trên phương diện đối ngoại, ưu tiên cao nhất trong phương châm ngoại giao của Liên bang Nga là bảo vệ lợi ích của cá nhân, xã hội và quốc gia. Đồng thời, giữa các chủ thể an ninh này luôn duy trì mối liên hệ mật thiết, hữu cơ với nhau, trong đó an ninh của một chủ thể bị phá vỡ, thì không thể không ảnh hưởng đến an ninh của các chủ thể khác. Bởi vì cá nhân là bộ phận cấu thành của các quần thể xã hội, quần thể xã hội lại là bộ phận cấu thành của hệ thống xã hội hết sức phức tạp. Hơn nữa, trong thời đại toàn cầu hóa, bản thân quốc gia và toàn bộ xã hội lại là bộ phận cấu thành của các khu vực và tập đoàn rộng lớn hơn, các sự kiện phát sinh trong khu vực và quan hệ của các quốc gia trong khu vực đều ảnh hưởng đến an ninh quốc gia khu vực này. Mà khu vực và các tập đoàn nhà nước lại liên hệ với nhau và có vai trò tác động lẫn nhau trong phạm vi của xã hội quốc tế. Chính vì vậy, tất yếu phải nghiên cứu vấn đề an ninh khu vực, tập đoàn và toàn cầu.

Thứ ba, quan niệm an ninh mới của Nga cho rng, nội hàm lĩnh vực an ninh là hết sức rộng lớn, trong đó các lĩnh vực an ninh chủ yếu được xác định cụ thể trong một số văn kiện quan trọng. Đó là: an ninh chủ quyền, an ninh lãnh thổ, an ninh quân sự, an ninh kinh tế, an ninh xã hội, an ninh tài nguyên dân sổ, an ninh khoa học kỹ thuật và thông tin, an ninh môi trường... Đồng thời, cho rằng an ninh trên các phương diện này có mối liên hệ mật thiết và thống nhất với nhau, đều gắn liền với lợi ích quốc gia và cá nhân, là những lĩnh vực an ninh tất yếu phải bảo đảm. Chính vì vậy, quan niệm mới này cho rằng các vấn đề an ninh mới mà nước Nga sẽ phải đối diện trong tương lai đó là ô nhiễm môi trường, thiếu hụt nguồn nguyên liệu, vấn đề dân số và di dân quy mô lớn, phân tầng và bạo lực xã hội, buôn lậu, chủ nghĩa khủng bố...[2] Nhưng hiện nay, những uy hiếp đối với an ninh nước Nga lại đến từ các giai tầng xã hội và các hoạt động của đoàn thể, tập đoàn xã hội; họ mong muốn bằng các hành động phi pháp và hợp pháp nhằm làm thay đổi hệ thống pháp luật và chế độ hiện hành, thay đổi cơ chế vận hành của Nhà nước và toàn bộ xã hội; cùng với đó là những uy hiếp đến từ các thế lực bên ngoài phi đối địch và phi quân sự.

Như vậy, có thể thấy rằng, quan niệm an ninh mới của Nga xác định các lĩnh vực an ninh truyền thống như quân sự, lãnh thổ, chủ quyền... và các lĩnh vực an ninh phi truyên thông như chính trị, kinh tế, xã hội sinh thái và thông tin... đều thuộc về lĩnh vực an ninh quốc gia. Đồng thời, nếu một quốc gia phát sinh các vấn đề an ninh phi truyền thống sẽ tạo ra hoặc làm gia tăng các uy hiếp của an ninh truyền thống. Bên cạnh đó, sự tồn tại của những uy hiếp an ninh truyền thống cũng sẽ làm giảm đi năng lực đối phó của nhà nước với các vấn đề an ninh phi truyền thống.

 


[1] Phó Dũng, An ninh phi truyền thông và Trung Quốc, Nxb.Nhân dân Thượng Hải, Thượng Hải, 2007, tr.l 16.

[2]Phó Dũng, “An ninh phi truyền thống và Trung Quốc, Nxb.Nhân dân Thuợng Hải, Thượng Hải, 2007, tr.l 17.