In trang này
Thứ hai, 23 Tháng 3 2020 08:10

DOANH NGHIỆP VIỆT NAM NHÌN VÀO CÁC CHỈ TIÊU KINH TẾ VĨ MÔ

Tình hình kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây đã có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực nhờ triển khai thực hiện tốt các nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp, chính sách hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất - kinh doanh. Từ năm 2002 đến năm 2018 GDP/đầu người tăng gần 2,7 lần đạt khoảng 2.700 đô la, đạt chỉ tiêu hơn 45 triệu người thoát nghèo. GDP năm 2019 đạt gần 7%. Ảnh hưởng của Covid-19 cũng làm kinh tế Việt Nam giảm sút, ảnh hưởng tới tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp. Kết quả là, số lượng doanh nghiệp khó khăn và giải thể, phá sản không có dấu hiệu giảm ở một số ngành như bán buôn, bán lẻ, sản xuất ô tô và xe máy, thông tin và truyền thông… Trái lại, ở một số ngành như nông nghiệp - lâm nghiệp và thủy sản, kinh doanh bất động sản, tài chính, ngân hàng và bảo hiểm... quá trình tái cơ cấu diễn ra mạnh mẽ thể hiện ở sự biến động tích cực của cả số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cũng như số doanh nghiệp khó khăn và giải thể, phá sản.

1. Tình hình doanh nghiệp khó khăn và giải thể, phá sản

          Tới đầu năm 2010 số doanh nghiệp dừng hoạt động gồm những doanh nghiệp gặp khó khăn (đăng ký hoặc không đăng ký dừng hoạt động) và giải thể, phá sản. Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, tới tháng 2 năm 2020 hiện có gần 35.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 2,0% so với thời điểm 2019), trong đó có hơn 18.000 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 26,0%), bên cạnh đó có hơn 12.000 doanh nghiệp chờ giải thể (giảm khoảng 20,6%), hơn 4.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (giảm 0,02%). Trung bình mỗi tháng có gần 12.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đây là mức tăng cao nhất về số lượng đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong giai đoạn 2015 – 2020.

Trên thực tế, các doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh tăng ở 15 trên tổng số 17 lĩnh vực. Các lĩnh vực mà doanh nghiệp gặp khó khăn có số lượng doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh cao nhất đó là: bất động sản có gần 500 doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh; vui chơi giải trí, nghệ thuật có hơn 130 doanh nghiệp tăng gần 40%; dịch vụ du lịch - lữ hành có hơn 1.000 doanh nghiệp tăng 94% so với năm 2019; giáo dục (có hơn 300 doanh nghiệp tăng gần 25%), kho bãi và vận tải (hơn 1000 doanh nghiệp)… Do tình hình dịch bệnh nên các lĩnh vực hoạt động này của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất[1].

Tuy nhiên, điểm qua 2 tháng đầu năm 2020, cả nước có khoảng hơn 28.000 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn điều lệ đăng kí khoảng hơn 300.000 tỷ đồng, tăng so với cuối năm 2019 khoảng trên 4% về số doanh nghiệp thành lập mới và giảm khoảng 6% đối với vốn đăng kí hoạt động. Với những biến động do tình hình dịch bệnh, sự giảm sút của kinh tế thế giới, có thể nói, thời điểm này mức gia tăng số doanh nghiệp thành lập mới thấp nhất đoạn từ 2015 - 2019, so với mức tăng trung bình là 10,9%. Mặt khác, về tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt khoảng gần 12 tỷ đồng, giảm 10,4% so với năm 2019[2].

          2. Doanh nghiệp khó khăn và giải thể, phá sản là tất yếu của thị trường

          Mặc dù số doanh nghiệp giải thể, phá sản là khá lớn so với số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tuy nhiên trong bối cảnh dịch bệnh, sự giảm sút của kinh tế thế giới cũng như tình hình tái cơ cấu trong nước đang diễn ra thì những con số này không đáng quan ngại.

          Thứ nhất, trong số các doanh nghiệp giải thể, phá sản, số doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm phần lớn với quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng. Đây là nhóm doanh nghiệp dễ bị tác động bởi những thay đổi của tình hình kinh tế trong nước và thế giới vì quy mô kinh doanh nhỏ hẹp. Thêm vào đó, yếu tố ngành hoạt động và “tuổi đời hoạt động" của doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng tác động đến số lượng doanh nghiệp phá sản, giải thể.

          Thứ hai, với tình hình dịch bệnh, sự suy giảm của kinh tế thế giới, đóng biên đi lại giữa các nước, các doanh nghiệp giải thể, phá sản là những doanh nghiệp thiên về làm nghề dịch vụ du lịch, lữ hành, kho bãi…. là những ngành gặp khó khăn trong giai đoạn này.

          Thứ ba, tỷ lệ doanh nghiệp khó khăn và giải thể, phá sản so với doanh nghiệp đăng ký thành lập của Việt Nam cũng khá tương đồng với một số quốc gia trên thế giới trong thời điểm hiện tại. Tỷ lệ này ở Việt Nam. Tình hình các doanh nghiệp giải thể, phá sản có liên quan chặt chẽ với tình hình kinh tế trong nước, về cơ bản khi nền kinh tế có dấu hiệu đi xuống thì số doanh nghiệp giải thể, phá sản sẽ tăng.

          Như vậy, có thể thấy rằng, tình hình biến động của số doanh nghiệp gặp khó khăn và giải thể, phá sản của Việt Nam là phù hợp với điều kiện khách quan còn nhiều khó khăn cũng như phù hợp với diễn biến của quá trình thực hiện tái cơ cấu ở một số ngành hiện nay. Mặt khác, đây cũng là dấu hiệu của quá trình đào thải tự nhiên để chọn lọc những doanh nghiệp ưu tú cho nền kinh tế, góp phần tạo lập một cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh, chung tay phát triển kinh tế bền vững.

          Mặc dù việc giải thể, phá sản của doanh nghiệp tập trung nhiều vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa là tất yếu do quy luật thanh lọc tự nhiên của thị trường, nhưng cũng cần xem xét các nguyên nhân sâu xa từ phía tổng cung và tổng cầu dẫn đến thực trạng trên.

          Mặc dù hiện tượng các doanh nghiệp khó khăn và giải thể, phá sản trong lúc kinh tế khó khăn là rất bình thường, nhưng cũng không thể không nhắc tới một số hệ lụy của nó ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến các thành phần kinh tế khác trong xã hội như: Tình trạng lao động thất nghiệp, thiếu việc làm vẫn ở mức cao lần lượt là 2,08% và 2,45% tổng số lao động trong độ tuổi lao động; Doanh nghiệp gặp khó khăn và giải thể, phá sản không có khả năng thanh toán làm giảm đáng kể nguồn thu ngân sách, làm gia tăng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng; và những đánh giá không tích cực của cộng đồng quốc tế về môi trường kinh doanh của Việt Nam trước thực trạng có nhiều doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường vì lý do chủ quan hay khách quan, từ đó ảnh hưởng đến thu hút vốn FDI trong tương lai.

          Để giảm thiểu những hệ lụy của tình trạng doanh nghiệp giải thể, phá sản, Chính phủ đã và đang tích cực ban hành những chính sách hỗ trợ cần thiết, hiệu quả và thiết thực cho doanh nghiệp, đặc biệt trong năm nay, khi tình hình dịch bệnh vẫn diễn ra và kinh tế thế giới suy giảm chưa thấy dấu hiệu hồi phục.

          Bên cạnh đó, Chính phủ một mặt tạo môi trường vĩ mô ổn định, hệ thống chính sách đầy đủ, đồng bộ, thông thoáng phù hợp với thông lệ quốc tế để doanh nghiệp có thể phát huy hết tiềm lực của mình.

          Nhằm cải thiện khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, cần đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường tài chính cho dòng vốn lưu thông dễ dàng. Bên cạnh đó, thực hiện đơn giản hóa các thủ tục cho vay, cho phép doanh nghiệp áp dụng hình thức đánh giá tín nhiệm để vay tín chấp, vay vốn bằng hợp đồng khi có phương án khả thi, có hợp đồng kinh doanh hiệu quả. Ngoài ra, khối doanh nghiệp tư nhân nội địa cần phát huy những ưu thế của mình so với khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài về tính độc lập, sáng tạo, chủ động tìm kiếm các nguồn đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời nên xác định ngành nghề kinh doanh là thế mạnh để xây dựng và phát triển doanh nghiệp theo hướng bền vững.

          Trong thời gian này, việc cần làm là chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao. Chính phủ và doanh nghiệp cùng với sự phối hợp của các cơ sở giáo dục đào tạo, các trung tâm lao động việc làm, xây dựng chiến lược về nhân lực trong dài hạn đảm bảo chất lượng… Trong đó, ngoài những hỗ trợ của Chính phủ về kinh phí phục vụ giảng dạy, các cơ sở giáo dục cần tự đổi mới phương pháp, nắm bắt các cơ hội nghiên cứu thông tin về cung cầu của thị trường lao động để có kế hoạch đào tạo phù hợp. Các doanh nghiệp cũng cần xem xét mức đầu tư phù hợp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như để đảm bảo nguồn nhân lực trong dài hạn.

Tài liệu tham khảo

1. Tổng cục Thống kê: Tình hình doanh nghiệp đầu năm 2020

2. http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh

 


[1] Tổng cục Thống kê: Tình hình doanh nghiệp đầu năm 2020

[2] http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh