In trang này
Thứ hai, 23 Tháng 3 2020 02:55

THANH NIÊN VỚI VIỆC THAM GIA XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH

Thanh niên là một lực lượng đông đảo, chiếm phần lớn trong tổng dân số Việt Nam, do đó việc xây dựng chính sách nhằm phát triển thanh niên là việc rất quan trọng. Trên bình diện xã hội, chính sách phát triển thanh niên được hiểu là chính sách công bao gồm các quan điểm chỉ đạo, tư tưởng hệ thống, các giải pháp và phương tiện mà Nhà nước dùng để tác động trực tiếp hay gián tiếp tới các đối tượng trong độ tuổi thanh niên nhằm giải quyết hoặc thực hiện các mục tiêu nhất định trong một giai đoạn nhất định.

Đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội, do vậy, việc tham gia của lực lượng thanh niên đối với quy trình xây dựng cũng như thực hiện các chính sách công là điều rất cần thiết nhằm bảo đảm rằng các chính sách này được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu xuất phát từ thực tế của nhóm đối tượng này. Ở một số nước như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản… thanh niên được tham gia ngay từ quy trình đầu tiên của quá trình hoạch định chính sách đó là xây dựng ý tưởng để hình thành chính sách, tham gia vào quá trình soạn thảo, ban hành chính sách của cơ quan lập pháp, tham gia vào quy trình triển khai việc thực hiện chính sách cũng như việc kiểm tra, giám sát quy trình thực hiện chính sách.

Lực lượng thanh niên tham gia vào quá trình xây dựng chính sách với mục đích nhằm thể hiện tiếng nói của mình trong những vấn đề ảnh hưởng đến quyền lợi, cuộc sống của họ. Luật Thanh niên 2005 quy định rõ quyền và trách nhiệm của thanh niên trong việc tham gia xây dựng và thực thi các chính sách có liên quan một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Tuy nhiên, mức độ hiểu biết về các chính sách công liên quan trực tiếp tới quyền lợi của thanh niên còn hạn chế. Theo Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, khi điều tra về mức độ hiểu biết chính sách công của thanh niên trong 10 chính sách thì mức độ hiểu biết nhiều nhất là về chính sách tín dụng đối với sinh viên, học sinh chiếm 54,8%; hiểu biết về Luật Thanh niên chiếm 51,4%, hiểu biết về chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam chiếm 44,7%... Tuy nhiên, chỉ có chưa đến 50,0% thanh niên biết đến “Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020”[1]

Cũng theo kết quả điều tra, mỗi thanh niên trung bình có nghe biết đến khoảng gần 4 chính sách liên quan đến thanh niên trên tỷ lệ 10 chính sách được đề cập. Thêm vào đó, nhóm sinh viên lại là nhóm biết nhiều nhất và thanh niên lao động trong các khu công nghiệp hầu như không biết các chính sách liên quan tới thanh niên[2].

Quy trình xây dựng chính sách gồm các khâu như xác định vấn đề; xây dựng dự thảo chính sách; xem xét thông qua, ban hành chính sách, thực hiện chính sách; giám sát việc chính sách; đánh giá hiệu quả của chính sách; điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi chính sách. Trong quy trình này, thanh niên biết đến nhiều nhất là khâu thực hiện chính sách chiếm khoảng gần 80%; khâu xây dựng và soạn thảo dự thảo chính sách có khoảng gần 70% thanh niên biết tới. Tuy nhiên có tới gần 6% số thanh niên được hỏi không biết một quy trình nào trong quá trình xây dựng chính sách và có gần 49% thanh niên được hỏi chỉ biết 1 hoặc 2 khâu trong toàn bộ quy trình xây dựng chính sách. Bên cạnh đó đa số thanh niên cho rằng tuyên truyền, phổ biến chính sách là khâu phù hợp với thanh niên về việc thanh niên tham gia xây dựng chính sách. Các khâu còn lại như góp ý chính sách, kiến nghị xây dựng chính sách công không được nhóm đối tượng này quan tâm cũng như hình thức tư vấn chính sách hay phản biện chính sách cũng không được nhiều thanh niên lựa chọn là hình thức tham gia xây dựng và thực thi chính sách.

Đa số thanh niên quan tâm nhiều nhất tới chính sách việc làm, ngược lại các chính sách về y tế hầu như ít nhận được sự quan tâm.

Trong thời gian qua, Nhà nước rất quan tâm tới việc ban hành các quy định pháp luật nhằm khuyến khích thanh niên tham gia vào việc xây dựng chính sách, nhưng trên thực tế tỷ lệ thanh niên tham gia vào một trong những bước trong tổng thể quy trình xây dựng chính sách công là rất thấp. Trong đó, có thể nói sinh viên là bộ phận có sự tham gia xây dựng chính sách công cao nhất so với thanh niên lao động trong khu công nghiệp và thanh niên ở nông thôn.

Như vậy, có thể nói rằng, thực tế thanh niên không tham gia nhiều vào việc ây dựng chính sách công nói chung và xây dựng chính sách liên quan đến mình, chính sách mà lấy thanh niên làm trọng tâm và họ là người được hưởng lợi chính. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có thể do quy trình xây dựng chính sách chưa kịp thời huy động được sự tham gia của thanh niên, lực lượng thanh niên chưa tích cực, chủ động tham gia vào quy trình xây dựng chính sách hoặc các tổ chức như Đoàn, Hội thanh niên chưa thực sự thực hiện sự phối hợp hay chủ động huy động sự tham gia của thanh niên vào quá trình xây dựng chính sách. Một điều quan trọng là những ý kiến đóng góp của thanh niên vào quy trình xây dựng và triển khai chính sách chưa được quan tâm, chưa được ghi nhận do đó dẫn tới việc thanh niên không còn quan tâm và chủ động tham gia vào quy trình xây dựng chính sách nữa.

Bên cạnh việc tham gia vào hoạt động xây dựng chính sách công, thời gian qua thanh niên Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội như tổ chức đội tình nguyện, tổ chức khám chữa bệnh, tham gia tổ chức và thực hiện hoạt động thăm hỏi người nghèo, giúp đỡ các trẻ em, người già, người có hoàn cảnh khó khăn, gia đình liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng… Hơn nữa, một hoạt động xã hội có ý nghĩa lớn cho thanh niên mà cụ thể là tổ chức Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thực hiện đó là việc huy động hiến máu tình nguyện đã từng bước phát triển, nhân rộng thu hút đông đảo thanh niên tham gia. Từ năm 2010 đến 2018 đã có khoảng 5 nghìn lượt thanh niên tham gia hiến máu tại các bệnh viện[3]

5. Một số hoạt động xã hội huy động sự tham gia của thanh niên

Thanh niên đã tham gia vào 10.371 đội tình nguyện; tổ chức 398.883 lần khám chữa bệnh cho 11.673.342 lượt người; tổ chức 72.305 lần thăm hỏi người nghèo, giúp đỡ, tặng quà trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng trị giá 370.164 triệu đồng; huy động nguồn lực cho chương trình được 5.097,490 triệu đồng.

Ngoài ra, thanh niên còn thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến và trực tiếp thực hiện các phong trào bảo vệ môi trường. Dưới sự phát động của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, thanh niên đã tổ chức các chương trình như “Thanh niên khởi nghiệp với nền kinh tế xanh”; “Thanh niên với chương trình hành động ứng phó với biến đổi khí hậu”… Bên cạnh đó, cũng xây dựng và duy trì mô hình đội hình thanh niên tự quản, thanh niên tình nguyện bảo vệ môi trường; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về phòng, chống thiên tai, dịch bệnh trong hội viên, thanh niên; tổ chức ra quân thực hiện công trình, phần việc thanh niên về lĩnh vực bảo vệ môi trường gắn với thực hiện “Ngày thanh niên hành động vì môi trường”.

Như vậy, có thể thấy rằng, hiện nay sự quan tâm của thanh niên đối với việc xây dựng và thực hiện các chính sách công còn hạn hẹp, đặc biệt đối với nhóm lao động thanh niên ở nông thôn và ở các khu công nghiệp. Sự hiểu biết của thanh niên đối với việc tham gia vào quy trình xây dựng chính sách còn rất hạn chế, do đó, trong thời gian tới rất cần sự quan tâm, phối hợp của các ban, ngành chức năng nhằm vận động thanh niên thực hiện việc tham gia vào quá trình xây dựng chính sách công đặc biệt là các chính sách liên quan tới quyền lợi của thanh niên. Thêm vào đó, các cơ quan, tổ chức cần tuyên truyền, vận động thanh niên nâng cao hiểu biết, nhận thức về vai trò của thanh niên đối với việc tham gia xây dựng chính sách. Để thực hiện được điều đó, Nhà nước cần hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi, hướng dẫn xây dựng những mô hình thí điểm để thanh niên có điều kiện làm quen với công tác tham vấn, vận động chính sách liên quan tới mình. Trong thực tế xây dựng chính sách các đơn vị, cơ quan hữu quan cần thiết phải khảo sát nhu cầu của thanh niên trong mối tương quan với mục tiêu của chính sách. Bên cạnh đó, nhất thiết phải thực hiện hoạt động đánh giá nhu cầu của thanh niên liên quan tới chính sách và lấy ý kiến, tham vấn của thanh niên đối với chính sách đó. Sau cùng, khi triển khai chính sách cần huy động lực lượng thanh niên tham gia thực thi chính sách; kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách và lấy ý kiến của lực lượng thanh niên đối với việc đánh giá, bổ sung, sửa đỏi chính sách.

Tài liệu tham khảo

1. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Báo cáo đánh giá thực trạng và nhu cầu tham gia của thanh niên trong xây dựng và thực thi các chính sách công có liên quan về việc làm, giáo dục, y tế năm 2016

2. Luật Thanh niên 2005

3. Báo cáo đánh giá thực trạng và nhu cầu tham gia của thanh góp phần giải quyết tình trạng thiếu máu tại các bệnh viện 2018.

[1] Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Báo cáo đánh giá thực trạng và nhu cầu tham gia của thanh niên trong xây dựng và thực thi các chính sách công có liên quan về việc làm, giáo dục, y tế năm 2016

[2] Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Báo cáo đánh giá thực trạng và nhu cầu tham gia của thanh niên trong xây dựng và thực thi các chính sách công có liên quan về việc làm, giáo dục, y tế năm 2016

[3] Báo cáo đánh giá thực trạng và nhu cầu tham gia của thanh góp phần giải quyết tình trạng thiếu máu tại các bệnh viện 2018