In trang này
Thứ ba, 24 Tháng 3 2020 02:58

GIỚI THIỆU VỀ TÀI SẢN MÃ HÓA, TIỀN MÃ HÓA

Tài sản mã hóa, tiền mã hóa tuy có những rủi ro nhất định chủ yếu liên quan đến việc lạm dụng để thực hiện các hoạt động phi pháp như rửa tiền, tài trợ khủng bố (chủ yếu do tính ẩn danh khi các thông tin cụ thể được mã hóa, và chỉ có người sở hữu khóa cá nhân mới truy cập được vào các thông tin này, nhưng nếu xử lý được vấn đề này (như thông qua việc giải pháp định danh khách hàng - KYC) thì có những ưu điểm vượt trội do tận dụng các ưu điểm của công nghệ dẫn đến việc giảm thiểu sự tham gia của các trung gian. Các ứng dụng của tài sản mã hóa, tiền mã qua các góc độ sau:

1. Dưới góc độ giao dịch tài sản mã hóa, tiền mã hóa

Các giao dịch liên quan đến tài sản mã hóa trên hệ thống chuỗi khối đều được lưu lại và không thể thay đổi nhờ các biện pháp lưu trữ, bảo vệ dữ liệu giao dịch của công nghệ này. Do đó, về nguyên tắc, các giao dịch tăng[1] cường tính công khai, minh bạch trong việc quản lý các giao dịch tài sản mã hóa so với các giao dịch sử dụng tiền truyền thống (tiền pháp định) hay tài sản thông thường khác. Ngoài ra, do loại bỏ (giảm) sự tham gia xác nhận giao dịch thông qua các trung gian mà thực hiện kết nối, xử lý trực tiếp giữa các bên liên quan (peer-to-peer), giao dịch bằng tài sản mã hóa trong một số lĩnh vực, trường hợp ứng dụng có thể giảm đáng kể thời gian, giảm chi phí giao dịch so với việc xử lý qua các hệ thống tập trung truyền thống. Trong các giao dịch chuyển tiền quốc tế hiện nay thường phải mất nhiều thời gian, có thể tới 1-2 ngày mới xác nhận thành công, do liên quan tới nhiều ngân hàng trung gian trong quá trình chuyển tiền; trong khi một số ngân hàng ứng dụng công nghệ blockchain, tài sản mã hóa, tiền mã hóa trong chuyển tiền quốc tế đã rút ngắn thời gian xử lý giao dịch xuống chỉ còn 10 phút và chi phí cũng giảm đáng kể.

Mặt khác, tài sản mã hóa bảo đảm tính bảo mật, khi đã được tạo lập thì cơ bản không bị làm giả, sao chép hay bị chiếm quyền kiểm soát, lấy cắp (hack). Một số trường hợp tài sản mã hóa bị chiếm đoạt trái phép trên thực tế hiện nay là do sàn giao dịch hoặc ví lưu trữ điện tử (tức các “vật” trung gian) bị hack, từ đó khiến cho tài sản mã hóa từ các bàn hoặc ví này thất thoát ngoài mong muốn của chủ sở hữu các Bàn giao dịch hoặc ví điện tử này không được xây dựng dựa trên công nghệ blockchain mà vẫn theo phương pháp thông qua một máy chủ tập trung (centralized), do đó vẫn có khả năng bị hack nếu máy chủ này bị tấn công.

Vì vậy, hệ thống tài sản mã hóa, tiên mã hóa có tiềm năng thay thế hệ thống thanh toán bán lẻ truyền thống nếu các vấn đề liên quan đến công nghệ được xử lý[2]. Bên cạnh các ưu điểm, lợi ích nêu trên, bản thân công nghệ blockchain nói riêng và các công nghệ liên quan đến tài sản mã hóa, tiền mã hóa cũng còn chưa hoàn thiện và có thể có những rủi ro nhất định. Ví dụ, mạng lưới tài sản mã hóa, tiền mã hóa vẫn có thể bị tấn công vào một số điểm yếu, như: các ứng dụng ví lưu trữ tiền mã hóa, tài sản mã hóa; các sàn giao dịch tài sản mã hóa; việc sử dụng tài sản mã hóa đã có những biến tướng, bị lợi dụng cho những mục đích bất hợp pháp. Chẳng hạn, xuất phát từ tính ẩn danh tương đối cao và khả năng giao dịch xuyên biên giới nên tài sản mã hóa, tiền mã hóa có thể bị tổ chức, cá nhân lạm dụng, sử dụng cho các mục đích trái pháp luật, như: rửa tiền, tẩu tán tài sản, chuyển tiền trái phép, tài trợ khủng bố xuyên quốc gia... Đồng thời, mặc dù hiện nay chưa xảy ra, nhưng nếu việc sử dụng tiền mã hóa với tần suất thường xuyên với quy mô, mà quy mô, mức độ lớn đến một lúc nào đó có thể ảnh hưởng tới sự ổn định tài chính, tiền tệ, ảnh hưởng vai trò của đồng tiền pháp định[3].

Để phòng, chống nguy cơ này, các quốc gia cũng đang tích cực đưa ra nhiều biện pháp để đảm bảo quản lý hiệu quả, phù hợp đối với các hoạt động liên quan đến tài sản mã hóa, tiền mã hóa. Chẳng hạn, sự phối hợp giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các công ty cung cấp phần mềm ví cá nhân hoặc các giải pháp công nghệ; việc quản lý, kiểm soát chặt chẽ của nhà nước đối với các sàn giao dịch tài sản mã hóa; nghiên cứu, thử nghiệm hoặc đã đưa vào thực tế các khung pháp lý phù hợp với điều kiện thực tế của từng quốc gia; đề xuất liên kết giữa các quốc gia thông qua các hiệp định song phương, đa phương nhằm ngăn chặn các tội phạm mang tính quốc tế lợi dụng tài sản mã hóa, tiền mã hóa; yêu cầu định danh khách hàng (KYC), đảm bảo tuân thủ quy định về phòng chống rửa tiền (AML) và tài trợ khủng bố (CTF).

2. Dưới góc độ là công cụ huy động vốn, phát triển hệ sinh thái của doanh nghiệp khởi nghiệp

Lấy ý tưởng từ cơ chế chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), giải pháp chào bán tài sản mã hóa lần đầu ra công chúng ICO/ITO) giúp các doanh nghiệp huy động vốn dựa trên nền tảng công nghệ blockchain để đầu tư vào các sản phẩm và dịch vụ. Quá trình ICO giúp cho các doanh nghiệp huy động được nguồn vốn tại thời điểm khá sớm trong quy trình triển khai dự án kinh doanh. Nhờ đó, các doanh nghiệp này có nguồn lực tài chính để phát triển các dịch vụ và sản phẩm có tính sáng tạo cao.

Khi một công ty tiến hành huy động vốn thông qua hoạt động ICO, họ thường cung cấp các tài liệu đi kèm, trong đó có sách trắng (white paper). Sách trắng là văn bản giới thiệu các vấn đề cơ bản, quan trọng nhất của dự án ICO, như lĩnh vực của dự án đó, hiệu quả hoặc ích lợi mang lại từ dự án, quy mô thực hiện, nhu cầu vốn cần thiết, số lượng tài sản mã hóa, tiền mã hóa mới được phát hành, phương thức phát hành, số lượng và các loại tài sản mã hóa, tiền mã hóa đã lưu hành (hay tiền pháp định) được chấp nhận thanh toán,.. Trong đợt mở bán ICO, nhà đầu tư sẽ dùng tài sản mã hóa (hay tiền pháp định) của mình để mua tài sản mã hóa được phát hành, thường là các xu (token) mã hóa (hay còn gọi là xu kỹ thuật số).

Về lý thuyết, các nhà đầu tư có thể dùng tiền pháp định để mua các tài sản mã hóa, tiền mã hóa được phát hành này. Tuy nhiên, trong ICO thì tổ chức phát hành thường yêu cầu nhà đầu tư thanh toán bằng tiền mã hóa chủ chốt, có thanh khoản cao như Ethereum, Bitcoin chứ không nhận tiền pháp định với lý do chủ yếu là để tránh rủi ro, trách nhiệm pháp lý khi quy định pháp luật về tiền mã hóa, tài sản mã hóa ở nhiều nước còn khoảng trống.

Như đã nêu ở trên, các xu kỹ thuật số này có thể tương tự như: (i) Chứng khoán của một công ty được bán cho các nhà đầu tư trong hoạt động chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng (IPO); (ii) Một tiện ích để tiếp cận dịch vụ trong dự án, hệ sinh thái; hay (iii) Một dạng tương tự như phương tiện, công cụ thanh toán tùy từng dự án, mục đích của người phát hành.

Về nguyên tắc, ICO có thể được tiến hành bởi những nhà khởi nghiệp sáng tạo với quy mô và số vốn hạn chế để hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh của mình, ICO có thg coi là cầu nối ngắn nhất giữa người có ý tưởng đột phá và nhà đầu tư mong muốn đầu tư vào dự án mới, có triển. vọng sinh lời cao. Tuy nhiên, hoạt động ICO tiềm ẩn hai nguy cơ.

Thứ nhất, biến động về giá: tài sản mã hóa mới có thể sụt giảm giá đột ngột hoặc thậm chí trở nên vô giá trị;

Thứ hai, nguy cơ lừa đảo: thông tin trong sách trắng đưa ra không chính xác hoặc hoàn toàn mang tính lừa đảo, sau khi ICO thì không triển khai dự án như đã cam kết, tức dịch vụ (hay hàng hóa) được dự kiến đầu tư từ hoạt động ICO sẽ không được sản xuất hoặc triển khai trên thực tế.

Thực tế cho thấy, nhiều dự án ICO đã và đang mang mục đích lừa đảo[4]. Theo một nghiên cứu của Satis Group LLC (một tập đoàn chuyên tư vấn cho các dự án ICO , khoảng 80% số lượng các ICO là các dự án lừa đảo, 6% số ICO thất bại, 5 % không thể hiện thực hóa ngay từ giai đoạn đầu, và chỉ khoảng 8% trong số các ICO sau khi gọi vốn thành công có thể đưa lên niêm yết tại các sàn giao dịch tiền mã hóa. Cụ thể hơn, trong số 8% các ICO đã được đưa lên sàn giao dịch, có 1,6% được đánh giá là hứa hẹn, 3,8% thực sự đã thành công và 2,8% còn lại bắt đầu suy yếu. Người huy động vốn, sau khi phát hành ra tài sản mã hóa mới, hứa hẹn với các nhà đầu tư về quy mô, tầm cỡ, khả năng phát triển của dự án, khả năng thu hồi vốn nhanh, mức lãi được hưởng cao gấp nhiều lần số vốn đầu tư... Tuy nhiên, thông tin cần thiết về những dự án này (như thông tin về nhà phát hành, địa chỉ công ty...) lại rất hạn chế. Nhiều dự án thậm chí chỉ cung cấp địa chỉ trang web, mạng xã hội của công ty và đăng tải các tài liệu về dự án ICO qua các kênh này. Do đó, khi các nhà đầu tư hoặc cơ quan có thẩm quyền phát hiện ra thủ đoạn lừa đảo của dự án ICO thì thông thường, chủ của những dự án này đã biến mất cùng số tiền huy động được.

Tóm lại, tài sản mã hóa nói chung hay tiền mã hóa nói riêng là ứng dụng của công nghệ trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư, được kỳ vọng là phương tiện để thúc đẩy việc ứng dụng của các thành tựu công nghệ khác; chứa đựng nhiều tiềm năng mang tính đột phá nhưng cũng không ít rủi ro.

Vấn đề đặt ra cho mỗi quốc gia cũng như cả cộng đồng quốc tế là phải tạo lập khung pháp lý để kiểm soát các rủi ro phát sinh từ tài sản mã hóa, tiên mã hóa nhưng phải thúc đẩy phát minh sáng tạo[5].

Tài liệu tham khảo

1. FINMA Guidelines for Enquiries Regarding the Regulatory Framework for Initial Coin Offerings (ICOs), 16/2/2018

2. Jonathan Chiu, Thorsten V Koeppl: "The Economics of Cryptocurrencies - Bitcoin and Beyond", 09/2017, SSRN, https://ssrn.com/abstract=3048124

3. Yorick de Mombynes: “Quy định pháp luật của Pháp đối với đồng tiền mã hóa và chuỗi khối (blockchain)". Bài tham luận tại Tọa đàm “Một số vấn đề pháp lý về tiền mã hóa" tại Bộ Tư pháp, Hà Nội, ngày 25/10/2018.

4. Nouriel Roubini: "Crypto is the Mother of All Scams and (Now Busted) Bubbles While Blockchain Is The Most Over - Hyped Technology Ever, No Better than a Spreadsheet/Database", https://www.banking.senate.gov/imo/media/doc/Roubini%20Testimony% 2010-11-18.pdf

5. Christine Lagarde: "A Regulatory Approach to Fintech", Finance & Development, Vol. 55 (2), 6/2018

 


[1] FINMA Guidelines for Enquiries Regarding the Regulatory Framework for Initial Coin Offerings (ICOs), 16/2/2018, 43.

[2] Jonathan Chiu, Thorsten V Koeppl: "The Economics of Cryptocurrencies - Bitcoin and Beyond", 09/2017, SSRN, https://ssrn.com/abstract=3048124.

[3] Yorick de Mombynes: “Quy định pháp luật của Pháp đối với đồng tiền mã hóa và chuỗi khối (blockchain)". Bài tham luận tại Tọa đàm “Một số vấn đề pháp lý về tiền mã hóa" tại Bộ Tư pháp, Hà Nội, ngày 25/10/2018.

[4] Xem: Nouriel Roubini: "Crypto is the Mother of All Scams and (Now Busted) Bubbles While Blockchain Is The Most Over - Hyped Technology Ever, No Better than a Spreadsheet/Database", https://www.banking.senate.gov/imo/media/doc/Roubini%20Testimony% 2010-11-18.pdf

[5] Christine Lagarde: "A Regulatory Approach to Fintech", Finance & Development, Vol. 55 (2), 6/2018, tr. 9-10