In trang này
Thứ hai, 29 Tháng 6 2020 09:06

MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NHẰM HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ CÁC TỘI PHẠM MA TÚY TRONG BỘ LUẬT HÌNH SỰ

Thế giới từ lâu đã biết đến “ma túy" (drug) và sự hủy hoại ghê gớm của nó tới thể chất, tinh thần của con người khi bị lạm dụng. Cùng với đó, kéo theo là sự suy giảm về kinh tế, biến động về chính trị và tha hóa các mối quan hệ trong xã hội. Đặc biệt, nguy hiểm hơn nghiện ma túy còn là tiền đề dẫn đến tội phạm như trộm cắp, cướp giật tài sản, giết người... và đồng hành cùng đại dịch HIV/AIDS. Mặc dù vậy, loài người vẫn chưa thể nào xóa bỏ hoàn toàn sự hiện diện của các chất ma túy trên hành tinh bởi những ứng dụng không thể thay thế của nó trong y học. Việt Nam đã ký kết Hiệp định phòng, chống tội phạm về ma túy với Lào, Campuchia và Thái Lan năm 1998, bên cạnh ba công ước của Liên hợp quốc bao gồm[1]:

- Công ước Thống nhất về các chất ma túy năm 1961 được sửa đổi, bổ sung năm 1972;

- Công ước về Các chất hướng thần năm 1971;

- Công ước về Chống buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và chất hướng thần năm 1988.

Ba Công ước này quy định về kiểm soát các hoạt động liên quan đến 225 chất ma túy và 22 tiền chất ma túy, hình sự hóa các hoạt động vi phạm tội xâm phạm chế độ kiểm soát cũng như xác định những hành vi yêu cầu quốc gia thành viên quy định là tội phạm về ma túy.

Ở Việt Nam quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 về các tội phạm ma túy đã trở thành công cụ pháp lý hữu hiệu cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm này. Mỗi năm, trung bình có khoảng trên 15.000 vụ án về ma túy được đưa ra xét xử, trong đó chủ yếu về các hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy như sau:

Bảng Thống kê xét xử sơ thẩm tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy[2] (Điều 194 Bộ luật Hình sự)
Năm 2012     2013 2014 2015 2016 2017 Tổng cộng
Số vụ 14.932     15.082 14.635 10.168 16.397 16.924 88.138
Số bị cáo 18,572   19.020 19.012 13.118 20.547 21.045   111,314
Nguồn: Tòa án nhân dân tối cao năm 2018

Tuy nhiên, nhìn vào bảng số liệu trên cũng cho thấy diễn biến gia tăng của các tội phạm về ma túy. Theo Báo cáo công tác của Chính phủ, tình hình mua bán, vận chuyển các chất ma túy xuyên biên giới ngày càng có tính tổ chức, chuyên nghiệp, diễn biến phức tạp, tập trung ở các tuyến Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Miền Trung; các đường dây vận chuyển, mua bán ma túy số lượng lớn tập trung chủ yếu tại các tỉnh biên giới phía Bắc; hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy có vũ trang từ khu vực biên giới giáp Lào vào sâu trong nội địa khu vực Sơn La, Hòa Bình với hàng chục lượt nhóm đối tượng, vận chuyển số lượng ma túy lớn, được trang bị vũ khí quân dụng, sẵn sàng tấn công, chống trả quyết liệt lực lượng vây bắt; ma túy được vận chuyển bằng nhiều phương tiện qua tuyến hàng không, tuyến biển với phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn, số lượng ngày càng nhiều hơn, một số tổ chức tội phạm quốc tế sử dụng Việt Nam làm địa bàn trung chuyển ma túy đi các nước tiêu thụ; tội mua bán, vận chuyển ma túy tổng hợp dạng “ma túy đá" tiếp tục gia tăng tình trạng tái diễn trồng cây thuốc phiện ở một số tỉnh miền núi phía Bắc và trồng cây cần sa ở một số tỉnh phía Nam, tập trung ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới[3].

Điển hình, ngày 27/02/2017, Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình đã đưa ra xét xử vụ mua bán ma túy xuyên quốc gia lớn nhất từ trước đến nay đối với 23 bị cáo với các tội danh mua bán trái phép ma túy, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng và không tố giác tội phạm. Đây là vụ án có số lượng ma túy tiêu thụ vận chuyển lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Theo đó, vào lúc 03h00 ngày 06/01/2015, tổ công tác của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47), Bộ Công an đã phối hợp với các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại khu vực dốc Má, xã Thu Phong (xã Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) phát hiện, bắt quả tang đối tượng Trần Đức D. (sinh năm 1986, Hòa Bình) đang vận chuyển trái phép 94 bánh heroin có tổng trọng lượng 32,999,10 gram cùng 1 khẩu súng ngắn với 7 viên đạn. Quá trình điều tra, mở rộng vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt giữ và ra quyết định khởi tố thêm 22 bị can có liên quan về các tội - mua bán trái phép chất ma túy, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng và tội không tố giác tội phạm. Kết quả điều tra của lực lượng chức năng đã xác định, trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến đầu năm 2015, các bị cáo trong vụ án đã hình thành đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Lào qua xã Loóng Luông (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) rồi tiếp tục mua bán, vận chuyển qua các tỉnh Hòa Bình, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn rồi bán sang Trung Quốc tiêu thụ với số lượng 1.415 bánh heroin, thu lợi bất chính hơn 13 tỷ đồng và 708.000 nhân dân tệ…[4].

Như vậy, diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm về ma túy cơ bản xuất phát từ đặc thù riêng của tội phạm và tính chất hoạt động xuyên quốc gia của nó. Tuy nhiên, trong các quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 vẫn còn một số điểm chưa hoàn thiện gây khó khăn cho việc xử lý các hành vi phạm tội về ma túy:

Quy định về tội trồng cây thuốc phiện hoặc các loại có chứa chất ma túy tại Điều 192 có yêu cầu quá nhiều điều kiện về mặt khách quan chưa phù hợp với thực tiễn. Khoản 1 Điều này quy định: “Người nào trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy, đã được giáo dục nhiều lần, đã được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống và đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm". Như vậy, để có thể xử lý hình sự theo Điều luật nêu trên quy định ngoài hành vi trồng cây có chứa chất ma túy còn phải có đủ ba điều kiện khác nữa là: đã được giáo dục nhiều lần; đã được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Sở dĩ có quy định này là vì trong tư duy xây dựng pháp luật trước đây từ thực tiễn cho thấy chỉ có đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi mới trồng cây có chứa chất ma túy do thiếu hiểu biết. Tuy nhiên, diễn biến của tội phạm này cho thấy hành vi trồng cây có chứa chất ma túy không chỉ có ở miền núi mà đã xuất hiện nhiều ở các thành phố, vùng ven đô thị, ngay cả hành vi này diễn ra đồng bào miền núi nhiều khi cũng không phải do tập quán và sự thiếu hiểu biết mà có thể là cố ý và được điều hành bởi các tổ chức tội phạm. Vậy nhưng do quy định của Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 nên hầu như khi hành vi bị phát hiện đều không đủ điều kiện xử lý về hình sự trong khi trồng cây có chứa chất ma túy có thể được xem là tiền đề của tất cả các hành vị sản xuất, mua bán ma túy. Do đó, để bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm này, Bộ luật Hình sự cần bỏ bớt và cần sắp xếp lại các điều kiện về mặt khách quan đối với hành vi trồng cây có chứa các chất ma túy.

Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định tất cả các hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy ở cùng một điều luật, cùng khung hình phạt trong khi bản chất, tính chất nguy hiểm của chúng là khác nhau. Mặc dù, trong thực tiễn diễn biến của tội phạm, các hành vi này thường gắn liền, có mối quan hệ chặt chẽ với nhau nhưng không phải luôn luôn như vậy nên việc quy định về cùng một tội danh ở Điều 194 đã dẫn đến những vướng mắc, bất hợp lý trong thực tiễn áp dụng để xử lý các tội phạm về ma túy và những tồn tại, vướng mắc này đã được khắc phục trong Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự năm 2015 tách tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy (Điều 194 Bộ luật Hình sự năm 1999) thành các tội danh độc lập, tách tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy (Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 1999) thành hai tội danh độc lập; bỏ hình phạt tử hình đối với tội tàng trữ và tội chiếm đoạt chất ma túy; cụ thể hơn một số tình tiết định tội, định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự. Những sửa đổi này làm tăng tính minh bạch, rõ ràng và công bằng trong quy định của Bộ luật Hình sự, đồng thời thể hiện sự phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, chủ trương cải cách tư pháp ở nước ta về xu hướng giảm hình phạt tử hình.

Khi thi hành các quy định về tội phạm liên quan đến ma túy có thể thấy các quy định về điều kiện khách quan của tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy cần hợp lý hơn.

Cần nghiên cứu bỏ bớt các điều kiện về mặt khách quan trong cấu thành của tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy (Điều 247 Bộ luật Hình sự năm 2015). Bởi lẽ, nếu so với Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 1999 thì Điều 247 Bộ luật Hình sự năm 2015 vẫn đòi hỏi nhiều điều kiện trong mặt khách quan của tội này. Theo đó, người nào trồng các loại cây có chứa chất ma túy chỉ bị coi là phạm tội nếu thỏa mãn thêm một trong các điều kiện sau:

a) Đã được giáo dục 2 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây.

Ở đây, bản thân việc trồng cây có chất ma túy vốn có đầy đủ tính chất nguy hiểm bởi nó là tiền đề của tất cả các hành vị sản xuất, vận chuyển, mua bán trái phép ma túy. Bởi vậy, ngoài dấu hiệu định lượng nó không cần thêm các dấu hiệu khác để thỏa mãn tính nguy hiểm cho xã hội do hành vi này gây ra. Như đã nêu, các dấu hiệu: “đã được giáo dục nhiều lần; đã được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” có mặt trong quy định tương ứng của Bộ luật Hình sự năm 1999 là do trước đây, căn cứ vào tình hình thực tế chỉ có đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi mới trồng cây có chứa chất ma túy do thiếu hiểu biết. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay đã gần 20 năm (từ năm 1999), chính sách quản lý chặt chẽ của Nhà nước đối với loại dược phẩm đặc biệt này cũng đã có từ lâu và đã được tuyên truyền, nhắc nhở sâu rộng trong nhân dân, nhất là ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Do đó, có lẽ nên làm rõ dấu hiệu định tội trong khoản 1 Điều 247 Bộ luật Hình sự năm 2015 cho bảo đảm tính khoa học, hợp lý và lôgíc hơn theo hướng sau:

“Điều 247. Tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy

1. Người nào trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Với số lượng dưới 500 cây nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

b) Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây…”.

Tài liệu tham khảo

1. Xem Bộ Tư pháp: Văn bản pháp luật hiện hành và Công ước quốc tế về phòng, chống ma túy, Hà Nội, 2002

2. Chính phủ: Báo cáo trình Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2015

3. http://dantri.com.vn/phap-luat/xet-xu-vu-mua-ban-ma-tuy xuyen - quoc - giat - lon - nhat - tu - truoc - den - nay - 20170228084716879.htm, truy cập ngày 22/10/2017.

 


[1] Xem Bộ Tư pháp: Văn bản pháp luật hiện hành và Công ước quốc tế về phòng, chống ma túy, Hà Nội, 2002, tr.313-443.

[2] Nay là Điều 249, Điều 250, Điều 251 và Điều 252 Bộ luật Hình sự năm 2015.

[3] Xem Chính phủ: Báo cáo trình Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2015, TÌđd, tr.10.

[4] Xem: http://dantri.com.vn/phap-luat/xet-xu-vu-mua-ban-ma-tuy xuyen - quoc - giat - lon - nhat - tu - truoc - den - nay - 20170228084716879.htm, truy cập ngày 22/10/2017.