In trang này
Thứ tư, 10 Tháng 12 2014 00:00

Mô hình tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra, phòng chống tham nhũng trên thế giới

I. Thanh tra Quốc hội Thụy Điển:

1. Tổ chức Thanh tra Quốc hội Thụy Điển:

Việc giám sát của Thanh tra Quốc hội được chia thành 4 khu vực trách nhiệm, ứng với 4 Thanh tra viên. Để giúp cho hoạt động của mình, Thanh tra Quốc hội có các trợ lý bao gồm một giám đốc hành chính, các chi nhánh trưởng và các nhân viên hành chính khác theo quy định của Quốc hội. Chánh Thanh tra Quốc hội có thể sử dụng thêm các nhân viên khác, các chuyên gia hoặc cố vấn. Hàng năm, Quốc hội có xem xét việc thực thi nhiệm vụ của các Thanh tra viên Quốc hội thông qua các báo cáo thường niên được trình lên Quốc hội. Một Thanh tra viên Quốc hội sẽ không thể tiếp tục thực thi nhiệm vụ của mình nếu bị Quốc hội bất tín nhiệm.

Chánh Thanh tra Quốc hội bổ nhiệm Giám đốc hành chính và Chi nhánh trưởng. Việc bổ nhiệm các nhân viên khác được Chánh Thanh tra Quốc hội ủy nhiệm cho Giám đốc hành chính. Số nhân viên vào khoảng 50 người, trong đó có 30 người là Luật sư. Ngoài Giám đốc hành chính và các Chi nhánh trưởng, Thanh tra Quốc hội còn sử dụng các nhân viên hành pháp để chuẩn bị cho cuộc thanh tra các khiếu nại và các vụ việc khác. Chánh Thanh tra Quốc hội quyết định phạm vi trách nhiệm của các Trưởng phòng căn cứ trên khả năng và kinh nghiệm của họ. Mỗi Thanh tra viên đứng đầu một Cục để giải quyết công việc.

2. Những nhiệm vụ của Thanh tra Quốc hội Thụy Điển:

Quốc hội sẽ bầu một hoặc nhiều Thanh tra viên Quốc hội để giám sát theo sự chỉ dẫn của Quốc hội sự thi hành pháp luật và các quy chế khác của cơ quan nhà nước. Thanh tra Quốc hội có thể tiến hành các thủ tục pháp lý trong những trường hợp được sự chỉ dẫn cụ thể. Luật về Thanh tra Quốc hội đã quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ của Thanh tra Quốc hội mà Quốc hội cho là cần thiết. Trong đó quy định cụ thể về các vấn đề tổ chức, khiếu nại, trình tự thủ tục và các vấn đề hành chính khác. Điều 1 của Luật này quy định, các Thanh tra Quốc hội hoạt động theo Luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Nội dung của những quy định mang tính nguyên tắc này được xuất hiện từ rất sớm và ngày càng hoàn thiện kể từ Hiến pháp năm 1809. Nội dung Điều 3 của Luật này cũng được quy định tại Điều 9 Chương 1 của Hiến pháp về tính khách quan và công bằng: các tòa án, các cơ quan hành chính trung ương và các cơ quan khác cũng như các công chức, trong hoạt động của mình phải bảo đảm cho mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, được đối xử khách quan và công bằng.

   Khoản 2 Điều 3 Luật này có hướng dẫn Thanh tra Quốc hội bảo đảm cho các quyền công dân được Hiến pháp ghi nhận, không bị xâm hại bởi hoạt động hành chính công. Các quyền đó cũng được quy định trong Chương 2 của Hiến pháp. Đó là sự đảm bảo cho mọi công dân. Ví dụ quyền tự do báo chí, tự do lập hội và tự do tín ngưỡng. Ngoài ra, Hiến pháp cũng bao hàm các quy định về bảo vệ công dân khỏi sự tước đoạt quyền tự do và khỏi các sự xâm hại khác đến tính toàn vẹn cá nhân của họ.

3. Phạm vi thẩm quyền của Thanh tra Quốc hội Thụy Điển:

Thanh tra Quốc hội giám sát đối tượng là các cơ quan nhà nước, chính quyền của các vùng tự trị, các địa phương. Tòa án cũng được hiểu là một cơ quan Nhà nước. Mọi nhân viên và quan chức thuộc các cơ quan này đều thuộc quyền giám sát của Thanh tra Quốc hội. Riêng lực lượng quân đội, chỉ các sĩ quan có hàm từ trung úy mới chịu sự giám sát này.

Thanh tra viên có thể khởi tố điều tra trong những trường hợp được quy định tại Luật về Thanh tra Quốc hội. Do vậy, vai trò của Thanh tra viên cơ bản giống như của Công tố viên, quyền hạn tối đa của Thanh tra viên là khởi tố. Việc thực hiện chức năng này không có nghĩa là cho phép Thanh tra viên can thiệp vào hoạt động bình thường của Tòa án hoặc các cơ quan quyền lực khác và không có nghĩa là Thanh tra viên được xem xét lại theo trình tự phúc thẩm. Các Thanh tra viên không được thay đổi các quyết định của Tòa án hoặc của cơ quan quyền lực khác và không được chỉ thị cho Tòa án hoặc các cơ quan quyền lực khác phải quyết định như thế nào trong các trường hợp cụ thể. Chức năng đó của Thanh tra Quốc hội được quy định dựa trên nguyên tắc mọi công chức chịu trách nhiệm về các quyết định của mình khi thực thi nhiệm vụ.

Nếu Thanh tra Quốc hội có lý do xác đáng cho việc cần phải cách chức hoặc đình chỉ điều hành một công chức bởi hành vi phạm tội hoặc trắng trợn, hoặc tái diễn nhiều lần thì họ có thể làm báo cáo cho cơ quan được giao quyền ra các quyết định về các biện pháp đó. Trong các trường hợp này, nếu Thanh tra viên đã làm báo cáo trên không đồng ý với quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì có thể đưa ra Tòa án để đề nghị thay đổi quyết định. Theo Điều 4 của Luật về Thanh tra Quốc hội, một trong những mục tiêu của Thanh tra Quốc hội là khắc phục những khiếm khuyết của pháp luật. Trong quá trình giám sát, nếu có lý do để thảo luận về việc thay đổi văn bản pháp luật hoặc chấn chỉnh các hoạt động khác của Nhà nước, Thanh tra Quốc hội có thểm làm bản tường trình về vấn đề này gửi Quốc hội hoặc Chính phủ.

II. Thanh tra Quốc hội Đan Mạch:

1. Bổ nhiệm, bãi miễn Thanh tra viên Quốc hội:

Điều kiện để một người được bầu vào Thanh tra Quốc hội là người đó đã tốt nghiệp Đại học Luật và không phải là thành viên của Quốc hội. Thanh tra viên Quốc hội làm việc tại văn phòng của Thanh tra Quốc hội, có trợ lý và các nhân viên của Thanh tra Quốc hội. Hàng năm, sau các cuộc tổng tuyển cử và trong trường hợp khuyết một Thanh tra Quốc hội, Quốc hội sẽ tiến hành bầu ra một Thanh tra Quốc hội để giám sát hoạt động của các cơ quan hành chính dựa trên quyền lực của Quốc hội.

Thanh tra Quốc hội có quyền tuyển dụng các nhân viên vào làm việc tại Văn phòng và có quyền sa thải các nhân viên đó. Nhiệm kỳ của Thanh tra Quốc hội theo nhiệm kỳ của Quốc hội, sau khi kết thúc một cuộc bầu cử, Thanh tra Quốc hội sẽ tiếp tục hoạt động cho tới khi Quốc hội bầu ra được Thanh tra Quốc hội mới. Nếu Thanh tra Quốc hội đang làm việc mà không được bầu lại thì thời hạn làm việc tại Văn phòng của người đó được tiếp tục, nhưng tối đa không quá 6 tháng kể từ ngày tiến hành cuộc bầu cử Quốc hội, trừ khi Quốc hội có thỏa thuận khác. Trường hợp Thanh tra viên Quốc hội chết, Ủy ban Thanh tra Quốc hội sẽ chỉ định một người khác tiếp tục thực hiện trách nhiệm của người đã chết cho đến khi Quốc hội bầu ra một Thanh tra viên Quốc hội mới. Quốc hội sẽ miễn nhiệm Thanh tra viên Quốc hội nếu người đó không đạt được sự tín nhiệm của Quốc hội.

2. Chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra Quốc hội Đan Mạch:

Thanh tra Quốc hội Đan Mạch có chức năng giám sát đối với các Bộ trưởng, các cán bộ viên chức Nhà nước và tất cả những người làm việc trong các cơ quan Nhà nước. Các viên chức làm việc trong các nhà thờ của Đan Mạch cũng thuộc diện giám sát của Thanh tra Quốc hội, trừ trường hợp đối với những người trực tiếp hoặc gián tiếp phục vụ các giáo chủ hoặc các giáo sĩ của nhà thờ sẽ không chịu sự giam sát của Thanh tra Quốc hội. Những người có trách nhiệm thi hành các công vụ của cơ quan thực hiện lợi ích công cộng của chính quyền địa phương cũng phải chịu sự giám sát của Thanh tra Quốc hội trong phạm vi các vấn đề mà cơ quan chính quyền Trung ương ủy quyền cho cơ quan chính quyền địa phương.

Quốc hội có thẩm quyền ban hành các nguyên tắc chung để điều chỉnh các hoạt động của Thanh tra Quốc hội và điều chủ yếu của các nguyên tắc đó là Thanh tra Quốc hội có quyền độc lập với Quốc hội khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của nó. Trong việc giải quyết các khiếu nại của công dân, Luật Thanh tra Quốc hội quy định, mọi người có quyền đệ đơn khiếu nại tới Thanh tra Quốc hội. Nói cách khác, hoạt động giám sát của Thanh tra Quốc hội bảo đảm sự tự do khiếu nại của công dân tới Thanh tra Quốc hội. Tuy vậy, có một thủ tục đặc biệt có tính bắt buộc là nếu một người vi phạm các quyền vệ tự do cá nhân thì được quyền gửi khiếu nại tới Thanh tra Quốc hội.

3. Về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại:

Khi tiếp nhận khiếu nại, Thanh tra Quốc hội phải xem xét tính phù hợp về hình thức và nội dung của khiếu nại theo quy định của pháp luật. Các khiếu nại về việc đối xử đối với những người bị tước đi quyền tự do cá nhân bằng các thủ tục không phải là thủ tục tố tụng hình sự sẽ được chuyển đến một Ban giám sát được Quốc hội chỉ định để xem xét theo quy định. Ủy ban giám sát này có thể yêu cầu trợ lý của Thanh tra Quốc hội xem xét các khiếu nại đó, nếu khiếu nại đó thuộc thẩm quyền giám sát của Thanh tra Quốc hội.

Nếu vụ khiếu nại đang giải quyết là khiếu nại đối với một công chức thì việc giải quyết có thể bị yêu cầu xem xét, điều tra theo trình tự kỷ luật được quy định tại Đạo luật về công chức. Nếu các quy định pháp luật của địa phương có chứa đựng các nguyên tắc xử lý kỷ luật thì công chức đó có thể yêu cầu vấn đề phải được xem xét theo các nguyên tắc này.

Nếu một các bộ viên chức hoặc một công chức làm việc trong chính quyền địa phương yêu cầu việc điều tra phải được tiến hành theo trình tự kỷ luật, kèm theo việc trình bày vấn đề đã xảy ra và các thông tin liên quan thì Thanh tra Quốc hội sẽ không được tiếp tục cuộc điều tra của mình và phải chuyển vụ khiếu nại tới cơ quan hành chính và cơ quan Nhà nước có liên quan giải quyết.

Kết thúc cuộc điều tra đối với vụ khiếu nại, Thanh tra Quốc hội sẽ đánh giá việc khiếu nại và các triển vọng có thể giúp đỡ được người khiếu nại. Nếu như không có triển vọng nào và không có dấu hiệu nào cho thấy các cơ quan chính quyền đã giải quyết vụ việc một cách sai trái hoặc đã ra một quyết định không đúng thì Thanh tra Quốc hội có thể quyết định không cần thiết tiến hành thủ tục yêu cầu cơ quan chính quyền giải trình nữa. Sau đó, Thanh tra Quốc hội sẽ có văn bản giải trình trực tiếp cho người khiếu nại biết tại sao ông ta không thể tiếp tục tiến hành các thủ tục tiếp theo để giải quyết vụ khiếu nại.

III. Thanh tra Quốc hội Canada:

1. Mục đích hoạt động:

Phòng chống tệ nạn tham nhũng, lạm quyền hoặc các sai phạm khác trong hoạt động công quyền. Tăng cường tính thống nhất của pháp luật, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước. Thanh tra Quốc hội có quyền mở các cuộc điều tra xuất phát từ đơn khiếu nại của công dân. Trong một số trường hợp, Thanh tra Quốc hội mở cuộc điều tra theo yêu cầu của Quốc hội hoặc tự mình quyết định tiến hành điều tra.

2. Quyền hạn của Thanh tra Quốc hội:

Thanh tra tại trụ sở của cơ quan nhà nước vào bất kỳ thời điểm nào; chất vấn hoặc đưa ra yêu cầu đối với bất kỳ ai trong cơ quan và áp dụng các biện pháp khác để điều tra vụ việc. Yêu cầu các cơ quan có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu hoặc kiểm tra những vấn đề liên quan đến nội dung vụ việc. Sao chép những biên bản, sổ sách, tài liệu liên quan được cung cấp. Thẩm vấn và kiểm tra bất kỳ người nào mà Thanh tra Quốc hội cho rằng họ có thể cung cấp thông tin cần thiết. Tiếp nhận chứng cứ cần thiết, bất kể chứng cứ đó được Tòa án hoặc một cơ quan xét xử nào đó chấp nhận hay không.

IV. Bộ Giám sát Trung Quốc:

1. Chức năng, nhiệm vụ của Bộ Giám sát:

Bộ Giám sát thuộc Quốc vụ viện thực hiện giám sát đối với các cơ quan và cá nhân sau đây: Các Bộ, ngành thuộc Quốc vụ viện và công chức nhà nước của Bộ, ngành đó, các viên chức khác thuộc Quốc vụ viện bổ nhiệm; Ủy ban nhân dân tỉnh, khu tự trị, thành phố trực thuộc Trung ương và cán bộ lãnh đạo các cơ quan này. Cơ quan giám sát từ cấp huyện trở lên thực hiện giám sát đối với các cơ quan hành chính và viên chức nhà nước ở địa phương đó và giám sát cán bộ lãnh đạo và nhân viên cơ quan cấp dưới.

Giám sát cơ quan hành chính Nhà nước thực thi mệnh lệnh, chỉ thị của Chính phủ, thực hiện chính sách, pháp luật. Thụ lý các vụ tố cáo, khiếu iện đối với hành vi vi phạm kỷ luật hành chính nhà nước - công chức, viên chức khác mà cơ quan hành chính bổ nhiệm. Điều tra, xử lý các hành vi vi phạm kỷ luật hành chính, công chức và viên chức mà cơ quan hành chính bổ nhiệm. Nhận giải quyết các vụ khiếu nại về quyết định xử lý kỷ luật hành chính của cơ quan hành chính chủ quạn mà công chức, viên chức nhà nước thấy chưa thỏa đáng.

2. Quyền hạn của Bộ Giám sát:

Yêu cầu các tổ chức và cá nhân bị giám sát cung cấp giấy tờ, tài liệu, sổ sách kế toán có liên quan đến vụ việc giám sát. Yêu cầu phải trả lời và giải thích những vấn đề cần giám sát. Ra lệnh cho tổ chức và cá nhân đình chỉ ngay hành vi vi phạm pháp luật, pháp quy và kỷ luật hành chính.

Cơ quan giám sát khi điều tra hành vi vi phạm kỷ luật hành chính có thể áp dụng các biện pháp: Tạm thời giữ lại, niêm phong các văn bản, tài liệu, sổ sách kế toán và tại liệu liên quan khác; Ra lệnh cho tổ cức, cá nhân bị tình nghi có liên quan đến vụ việc trong thời gian bị điều tra không được di chuyển đồ vật có liên quan đến vụ án; Ra lệnh cho người bị tình nghi vi phạm kỷ luật hành chính phải trả lời và giải thích các vấn đề liên quan đến điều tra; Yêu cầu cơ quan có liên quan tạm thời đình chỉ công tác đối với người bị tình nghi vi phạm nghiêm trọng kỷ luật hành chính; Cơ quan giám sát khi điều tra các hành vi vi phạm tham ô, hối lộ, lạm dụng công quỹ được lãnh đạo cơ quan giám sát từ cấp huyện trở lên phê duyệt được quyền kiểm tra số tiền gửi ở ngân hàng, các tổ chức tín dụng, khi cần thiết thì phong tỏa tài khoản.

Nếu cơ quan giám sát và Giám sát viên làm trái, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của công dân và tổ chức phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, gây thiệt hại thì phải bồi thường theo luật định. Đồng thời, cơ quan giám sát được tổ chức theo cấp, có đại diện giám sát ở các cơ quan tổ chức.

V. Cơ quan Giám sát hành chính Ai Cập (Administrative Control Agency - ACA):

1. Quyền hạn và nhiệm vụ của ACA:

ACA được quyền xem xét các hồ sơ, tài liệu, kể cả tài liệu lưu trữ về những vấn đề liên quan đến vụ việc xem xét, được quyền yêu cầu đối tượng và cơ quan liên quan cung cấp các tài liệu cần thiết phục vụ cho việc thanh tra, giám sát. Được quyền mời đối tượng và các nhà chức trách đến cơ quan giám sát để giải trình các vấn đề liên quan đến nội dụng kiểm tra, thanh tra. Có quyền yêu cầu tạm thời đình chỉ công tác bất cứ công chức nào để phục vụ cho việc điều tra, có quyền yêu cầu xử lý về mặt tư pháp, có quyền xử lý về hành chính.

ACA có nhiệm vụ theo dõi giám sát việc thi hành pháp luật của các cơ quan hành chính nhà nước, phát hiện những yếu kém trong quản lý hành chính, kinh tế, đề xuất những biện pháp giải quyết. Phát hiện những vi phạm trong quản lý hành chính, tài chính của các quan chức cao cấp, phát hiện những hành vi có dấu hiệu tội phạm trong đội ngũ công chức. Xem xét những thông tin tố cáo mà báo chí nêu ra, xem xét và phân tích những nguyên nhân của tình trạng yếu kém trong quản lý dẫn đến tham nhũng, đề xuất các biện pháp có tính vĩ mô để khắc phục. Đưa ra các kết luận về đánh giá năng lực, phẩm chất của những người dự kiến được tiến cử hoặc sẽ đảm nhận chức vụ nhất định trong cơ quan nhà nước. Xem xét, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân đối với cơ quan nhà nước, công chức nhà nước; cung cấp các thông tin, kết luật về những vấn đề thuộc phạm vi quản lý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Tỉnh trưởng khi được yêu cầu.

2. Phương thức hoạt động:

Toàn bộ hoạt động giám sát của ACA đều đặt dưới sự chỉ đạo tập trung thống nhất. Kết quả, thông tin thu thập được từ Văn phòng các khu vực, các tỉnh đều chuyển về Trụ sở chính xử lý. Trong hoạt động, ngoài các vụ việc phức tạp, việc giám sát không nhất thiết phải thành lập đoàn giám sát, không nhất thiết phải có quyết định cử Thanh tra viên đi giám sát mà mỗi cán bộ thanh tra chủ động thực thi nhiệm vụ của mình theo kế hoạch được phân công và theo các đối tượng được giám sát.

Trong hoạt động giám sát, ACA đặc biệt chú trọng đến việc thực hiện các hợp đồng kinh tế nhất là đối với liên doanh hợp tác xuất nhập khẩu với nước ngoài, vì đây là nơi dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực nhất. Ngoài ra, ACA còn tập trung tiếp nhận, xem xét, trả lời kịp thời các khiếu nại, tố cáo của công dân.

Để nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động, ACA sử dụng và tham khảo ý kiến của các chuyên gia khi xem xét, giải quyết các vụ việc liên quan đến vấn đề chuyên môn, kỹ thuật. Trong hoạt động ACA chú trọng đầu tư những thiết bị, phương tiện kinh tế - xã hội thuật hiện đại. Áp dụng các biện pháp bí mật, công khai để điều tra, thu thập chứng cứ nhằm giảm bớt các thủ tục tiếp xúc trực tiếp với đối tượng.

VI. Cơ quan Thanh tra và Kiểm toán Hàn Quốc:

1. Địa vị pháp lý của Ban Thanh tra và Kiểm toán:

Ban Thanh tra và Kiểm toán là một cơ quan Hiến định và có chức năng, địa vị pháp lý, cơ cấu tổ chức được quy định từ Điều 97 đến Điều 100 Hiến pháp Hàn Quốc. Ban Thanh tra và kiểm toán được thành lập dưới quyền hạn trực tiếp của Tổng thống, là một cơ quan trực tiếp hoạt động dưới quyền điều hành của Tổng thống.

2. Chức năng, nhiệm vụ và tổ chức:

Xác nhận quyết toán về thu nhập quốc dân và sử dụng ngân sách nhà nước; Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan tự quản địa phương, các tổ chức được Nhà nước giao quyền và kiểm toán các vấn đề tồn tại khác mà các Luật có liên quan quy định cho Ban; Thanh tra nghĩa vụ hành chính của các cơ quan nhà nước và công chức nhà nước.

Hội đồng ủy viên:

Hội đồng bao gồm 7 ủy viên trong đó có Chủ nhiệm Ban là người kiểm tra, quản lý và chỉ đạo chung. Hội đồng ủy viên đưa ra giải pháp trên cơ sở biểu quyết của các ủy viên về các vấn đề mà thư ký đệ trình:

- Các vấn đề liên quan đến việc xác nhận các quyết toán.

- Các vấn đề liên quan đến xử lý kiến nghị về thanh tra và kiểm toán.

- Các vấn đề liên quan đến quyết định xem xét lại hoặc đơn thỉnh cầu.

- Các vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý cho việc ban hành, sửa đổi hoặc hủy bỏ; giải thích hoặc áp dụng các luật về kế toán; các vấn đề thuộc về việc ban hành, sửa đổi hoặc hủy bỏ các quy định của Ban.

- Các vấn đề liên quan đến ngân sách và kế toán tài chính của Ban.

- Các vấn đề khác được lựa chọn hoặc Chủ nhiệm đệ trình.

Bộ máy giúp việc:

- Xây dựng các quyết toán của các cơ quan nhà nước và các tổ chức được nhà nước giao quyền.

- Xây dựng các chính sách kiểm toán, các nguyên tắc và kế toán.

- Tiến hành kiểm toán gián tiếp và kiểm toán trực tiếp.

- Chuẩn bị các dự thảo cho việc sử dụng các kết quả kiểm toán và thanh tra.

- Điều tra và giải quyết các đề nghị xem xét lại và sự thỉnh cầu.

- Giải quyết các khiếu nại của công dân.

- Chuẩn bị các thủ tục pháp lý cho việc ban hành, sửa đổi hoặc hủy bỏ; giải thích hoặc áp dụng các luật về kế toán, chuẩn bị các dự thảo cho việc ban hành, sửa đổi, hủy bỏ những quy định của Ban.

- Nghiên cứu phát triển hoạt động thanh tra và kiểm toán.

- Chỉ đạo và giám sát việc kiểm toán nội bộ của các tổ chức.