In trang này
Chủ nhật, 05 Tháng 7 2015 00:00

Cơ sở khoa học của việc đổi mới tổ chức HĐND và UBND

(Ảnh minh họa) (Ảnh minh họa)

    Chính quyền địa phương là những cơ quan nhà nước gần dân nhất, có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống cơ quan nhà nước, phối hợp với các cơ quan, tổ chức khác để thực thi quyền lực nhà nước, là cầu nối giữa nhà nước và nhân dân. Hoàn thiện và đổi mới toàn diện tổ chức và hoạt động chính quyền địa phương có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp đổi mới, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

   Điều 1, Sắc lệnh số 63-SL ngày 22-11-1945 nêu rõ: Để thực hiện chính quyền nhân dân địa phương trong nước Việt Nam, sẽ đặt hai thứ cơ quan: Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính. Đây là một trong những Sắc lệnh đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, là cơ sở đầu tiên trong việc tổ chức, quyền hạn, cách làm việc của Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp. Trong quy định này, chính quyền địa phương đã được xác định gồm hai loại cơ quan: Cơ quan có tính chất hội đồng do nhân dân bầu ra, được gọi là Hội đồng nhân dân và cơ quan chấp hành của hội đồng thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước, được gọi là Ủy ban hành chính.

   Các bản Hiến pháp của Việt Nam - văn bản có giá trị pháp lý cao nhất của Nhà nước ta đều có những quy định về tổ chức chính quyền địa phương. Trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Chương “Chính quyền địa phương” là một trong những nội dung nhận được sự quan tâm lớn của nhân dân cả nước, cũng là chương nhận được nhiều ý kiến góp ý nhất của các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, tổ chức nhất. Hiến pháp năm 2013 so với Hiến pháp năm 1992 đã có nhiều thay đổi lớn trong lĩnh vực chính quyền địa phương, làm rõ hơn tính chất của hệ thống cơ quan công quyền ở địa phương trong mối quan hệ với Trung ương, thể hiện tính gắn kết, mối quan hệ chặt chẽ giữa Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân trong chính thể của chính quyền địa phương; đồng thời, cũng quy định một cách tổng quát về phân chia đơn vị hành chính.

   Khoản 1, Điều 110 trong Hiến pháp năm 2013 khẳng định: Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được phân định như sau: Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tỉnh chia thành huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh; thành phố trực thuộc Trung ương chia thành quận, huyện, thị xã và đơn vị hành chính tương đương; Huyện chia thành xã, thị trấn; thị xã và thành phố thuộc tỉnh chia thành phường và xã; quận chia thành phường. Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập. Hiến pháp năm 2013 kế thừa quy định của Hiến pháp năm 1992 về các đơn vị hành chính nhằm bảo đảm sự đồng bộ, ổn định, thống nhất trong cấu trúc hành chính ở nước ta; đồng thời, bổ sung quy định về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, đơn vị hành chính tương đương với quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.

   Bộ Nội vụ đã dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương gồm 9 chương, 192 điều. Ngoài những quy định chung, dự thảo đã nêu rõ những quy định về tổ chức đơn vị hành chính, nhiệm vụ quyền hạn của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân; tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân ở cấp chính quyền địa phương; ở quận, phường… nhằm tổ chức hợp lý chính quyền địa phương phù hợp với Hiến pháp năm 2013, bảo đảm chính quyền địa phương các cấp hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, bộ máy hành chính nhà nước thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến cơ sở, phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân trong việc tham gia xây dựng và giám sát hoạt động của chính quyền địa phương,  Đặc biệt, về mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính, cần quán triệt rõ trên tinh thần như sau:

   - Không tổ chức Hội đồng nhân dân ở quận, phường. Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức ở các đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, xã, thị trấn. Các đơn vị hành chính quận, phường tổ chức Ủy ban nhân dân.

   - Hội đồng nhân dân được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính. Cụ thể, cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được tổ chức ở các đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, xã, phường, thị trấn. Song, đây sẽ có đổi mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp.

    Nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương theo hướng đẩy mạnh phân cấp, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong việc quyết định các vấn đề của địa phương. Theo đó, các luật chuyên ngành khi quy định nhiệm vụ quyền hạn cụ thể của chính quyền địa phương các cấp cần phải đẩy mạnh phân cấp phù hợp với các nguyên tắc và các quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của các cấp chính quyền địa phương, bảo đảm sự quản lý thống nhất của Trung ương, tính thông suốt của nền hành chính quốc gia.

   Nếu vẫn tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường thì Ủy ban nhân dân quận, phường là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân cùng cấp, cơ quan hành chính nhà nước ở quận, phường, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân cùng cấp và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên. Nếu không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường, cần quy định Ủy ban nhân dân quận, phường là cơ quan đại diện của Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp tại địa bàn quận, phường, chịu trách nhiệm và thực hiện các nhiệm vụ do Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp phân công, ủy quyền. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp cần ban hành các văn bản hành chính theo thẩm quyền; đồng thời quy định chính quyền cấp huyện, cấp xã không ban hành văn bản quy phạm pháp luật; việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp tỉnh theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

   Ngoài việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp phải thực hiện thì còn quy định nhiệm vụ, quyền hạn riêng của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ở từng loại đơn vị hành chính; quy định các trường hợp cần thiết chính quyền địa phương được giao thực hiện một số nhiệm vụ của cơ quan nhà nước cấp trên và các điều kiện bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao; giảm bớt các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền cấp xã và cấp huyện đã quy định tại Luật năm 2003.  Nếu không tổ chức Hội đồng nhân dân ở quận, phường thì quy định rõ Chủ tịch, các Phó chủ tịch và các ủy viên Ủy ban nhân dân quận, phường do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức. Nếu vẫn tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường, ngoài việc thực hiện chức năng đại diện và giám sát theo quy định chung, Hội đồng nhân dân quận, phường chỉ nên quyết định ngân sách, nhân sự và các vấn đề liên quan đến địa giới hành chính ở quận, phường.

   Nhằm tăng cường vai trò của Thường trực Hội đồng nhân dân, bảo đảm thường xuyên giữa 2 kỳ họp Hội đồng nhân dân; quy định rõ Thường trực Hội đồng nhân dân họp thường kỳ mỗi tháng 1 lần; thay chức danh Ủy viên Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện bằng chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân đồng thời quy định thành viên Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và bổ sung các Ủy viên là Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã gồm Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; quy định hoạt động chuyên trách đối với Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân; quy định tỷ lệ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện hoạt động chuyên trách phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo; trường hợp có từ 10% trở lên trong tổng số cử tri trên địa bàn cấp xã yêu cầu, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã có trách nhiệm xem xét tổ chức kỳ họp Hội đồng nhân dân để họp bàn về nội dung kiến nghị của cử tri.

Thành viên Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên để bảo đảm nguyên tắc làm việc tập thể của Ủy ban nhân dân bao quát đầy đủ các lĩnh vực chuyên môn, tạo điều kiện thực hiện việc giám sát của Hội đồng nhân dân và lấy phiếu tín nhiệm đối với Chỉ huy trưởng Quân sự, Trưởng Công an, người đứng đầu các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân và Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân; quy định thành viên Ủy ban nhân dân cấp xã gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các ủy viên là Trưởng Công an, Chỉ huy trưởng quân sự; quy định việc giao Chính phủ thẩm quyền quy định số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp. Phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân theo hướng tăng thẩm quyền, trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân và trong việc đình chỉ chức vụ đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp, chỉ định Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp trong trường hợp khuyết Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Quy định cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân được thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước ở địa phương theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân; quy định Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân do Chủ tịch Ủy ban nhân dân bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm Ủy viên Ủy ban nhân dân. Quy định Ủy ban nhân dân cấp xã mỗi năm có trách nhiệm tổ chức ít nhất một lần hội nghị trao đổi, đối thoại với nhân dân về tình hình hoạt động của Ủy ban nhân dân và những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân ở địa phương.

Sửa đổi lần cuối Thứ hai, 12 Tháng 10 2015 03:06