In trang này
Thứ tư, 18 Tháng 5 2016 00:00

Một số vấn đề về thống lĩnh thị trường và vị trí độc quyền theo quy định của luật cạnh tranh

(Ảnh minh họa) (Ảnh minh họa)

Các doanh nghiệp chiếm ưu thế về thị phần trên thị trường liên quan trong bối cảnh kinh tế thị trường phát triển như hiện nay các doanh nghiệp cần nỗ lực rất lớn quan tâm của khách hàng, chính vì vậy, những hành vi hạn chế cạnh tranh ngày càng gia tăng, hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh và vị trí độc quyền cũng ngày một nhiều. Để nhận diện hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh và độc quyền cần căn cứ vào những đặc điểm sau đây:

Chủ thể thực hiện hành vi là doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường hoặc có vị trí độc quyền trên thị trường liên quan nếu doanh nghiệp đó có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể theo các tiêu chí như năng lực tài chính của chủ thể thực hiện quyền kiểm soát hoặc chi phối hoạt động của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật hoặc điều lệ của doanh nghiệp. Ngoài ra, các tiêu chí về năng lực công  nghệ, quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, quy mô mạng lưới phân phối cũng được xem xét trong việc xác định hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và vị trí độc quyền.

Theo quy định của Luật cạnh tranh, vị trí thống lĩnh/độc quyền của doanh nghiệp được xác định dựa trên cơ sở thị phần trên thị trường liên quan hoặc khả năng hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể. Như vậy, để xác định được doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh hay không cần xem xét đến doanh nghiệp đó có cùng hoạt động nhằm gây hạn chế cạnh tranh và thuộc một trong những cơ sở nêu trên hay không và xác định tổng thị phần từ 50% trên thị trường liên quan đối với hai doanh nghiệp, có tổng thị phần từ 65% trên thị trường liên quan đối với ba doanh nghiệp và có tổng thị phần từ 75% trên thị trường liên quan đối với bốn doanh nghiệp. Bên cạnh đó cũng cần phải làm rõ vị trí độc quyền được hiểu là không có doanh nghiệp nào cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp đó kinh doanh trên thị trường liên quan thì doanh nghiệp đó được coi là có vị trí độc quyền.

Việc xác định doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường hoặc doanh nghiệp có vị trí độc quyền đã thực hiện những hành vi mà pháp luật quy định là hạn chế cạnh tranh trên thị trường theo quy định của Luật cạnh tranh hiện hành khi doanh nghiệp có hành vi lạm dụng chứ không xử lý vị trí thống lĩnh hay độc quyền. Luật cạnh tranh hiện hành chỉ tạo ra khuôn khổ để quản lý hành vi lạm dụng mà không tạo ra khuôn khổ cho sự cạnh tranh kinh doanh trên thị trường của các doanh nghiệp, còn quyền cạnh tranh của doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, doanh nghiệp độc quyền vẫn được pháp luật bảo hộ. Vấn đề đặt ra ở đây là ranh giới các hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp thống lĩnh hoặc độc quyền được xem xét như thế nào trên cơ sở hành vi bị coi là lạm dụng theo quy định của luật và phải xác định về mặt hậu quả của hành vi lạm dụng là làm sai lệch, cản trở hoặc giảm cạnh tranh giữa các đối thủ cạnh tranh trên thị trường liên quan. Luật cạnh tranh hiện hành coi hậu quả là một trong những yếu tố cấu thành hành vi lạm dụng, bởi hành vi vi phạm được liệt kế rất đa dạng như các hành vi liên quan đến định giá bán, giá mua sản phẩm, hành vi hạn chế số lượng sản xuất, phân phối hạn chế thị trường, hành vi phân biệt đối xử.v.v…và mỗi hành vi đều được xác định đối tượng xâm hại cụ thể, mức độ thiệt hại có thể gây ra không giống nhau nên việc xác định một tiêu chí chung cho việc xác định hậu quả là rất khó khăn mà chỉ có thể phân tích từng hành vi vi phạm để đưa ra kết luận cụ thể.

Có thể nhận thấy rằng, các tiêu chí để xác định khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể chỉ được xem xét ở trạng thái tĩnh, nghĩa là các cơ quan cạnh tranh cân nhắc các tiêu chí đánh giá chỉ tập trung vào doanh nghiệp bị xét xét chứ không được so sánh trong mối tương quan với các đối thủ cạnh tranh khác trên thị trường liên quan.

Luật cạnh tranh hiện hành quy định về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và hành vi lạm dụng vị trí độc quyền là chưa phù hợp với thực tế vì ngoài những hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh bị cấm, các doanh nghiệp độc quyền còn bị cấm thực hiện hành vi áp đặt các điều kiện bất lợi cho khách hàng và hành vi lợi dụng vị trí độc quyền để đơn phương thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng đã giao kết mà không có lý do chính đáng. Như vậy, vô hình chung các doanh nghiệp độc quyền bị giám sát về hành vi một cách nghiêm khắc hơn so với các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trong khi các hành vi trên có thể xảy ra ở bất kỳ môi trường kinh doanh nào có khiếm khuyết về cạnh tranh, nhất là đối với doanh nghiệp có sức mạnh thị trường.

Luật cạnh tranh một số nước như Nhật Bản, EU, Mỹ không phân biệt hành vi của doanh nghiệp thống lĩnh và hành vi của doanh nghiệp độc quyền mà chỉ quy định vị trí độc quyền là một trường hợp đặc biệt của vị trí thống lĩnh bởi các nước này đều xác định doanh nghiệp có vị trí độc quyền hay doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh đều là doanh nghiệp có sức mạnh thị trường, có khả năng thực hiện hành vi kinh doanh một cách tương đối độc lập so với đối thủ cạnh tranh và người tiêu dùng. Theo quy định của Luật cạnh tranh các nước này xác định vị trí thống lĩnh thị trường được xem xét trên cơ sở phân tích tác động gây hạn chế cạnh tranh, tính chất tận thu, trục lợi hay ngăn cản, đóng cửa thị trường của hành vi kinh doanh.

Ngoài ra, Luật cạnh tranh hiện hành đã làm hạn chế khả năng đánh giá của cơ quan cạnh tranh bởi các quy định các quy định mang nặng tính định dạng, mô tả biểu hiện bên ngoài của hành vi mà chưa chú trọng đến các dấu hiệu đặc trưng của hành vi. Các quy định của Luật cạnh tranh hiện hành các cơ quan cạnh tranh của Việt Nam chỉ là cơ quan thu thập chứng cứ phù hợp với các mô tả theo quy định của pháp luật để kết luận hành vi mà không có thẩm quyền thực chất trong việc đưa ra các đánh giá về bản chất gây hạn chế cạnh tranh của hành vi. Đề nghị cần quy định trực tiếp vào bản chất hạn chế cạnh tranh của hành vi nhằm bảo đảm việc thực thi pháp luật cạnh tranh mang lại hiệu quả cho toàn bộ nền kinh tế theo đúng mục tiêu ban hành pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan cạnh tranh tiến hành phân tích, đánh giá, chứng minh về tác động phản cạnh tranh của hành vi.

Quy luật cung cầu và giá cả là quy luật tất yếu của lý thuyết kinh tế, tuy nhiên, để áp dụng các quy định của Luật cạnh tranh hiện hành vào thực tế là rất khó bởi thực tiễn việc định lượng chính xác “cầu” đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nào đó đối với hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, doanh nghiệp có vị trí độc quyền. Cơ quan cạnh tranh rất khó áp dụng các quy định liên quan đến mô tả hành vi cấu thành pháp lý của doanh nghiệp lạm dụng vị trí thống lĩnh, độc quyền, nhưng nếu tạm chấp nhận vào số liệu bán hàng trong quá khứ đề đưa ra ước lượng về lượng cầu và so sánh với năng lực sản xuất của doanh nghiệp đang xem xét, cơ quan điều tra sẽ gặp khó khăn khi xác định giá bản lẻ trung bình của hàng hóa/dịch vụ tại cùng thị trường liên quan trong khoảng thời gian tối thiểu là 60 ngày liên tiếp theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, việc mô tả hành vi cấu thành pháp lý được quy định cụ thể, chi tiết sẽ thu hẹp phạm vi áp dụng giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý chỉ được tiếp cận dưới một hình thức là “hành vi tăng giá bán bất hợp lý” và khó áp dụng vào thực tiễn. Việc liệt kê hành vi căn cứ vào biểu hiện chi tiết dẫn tới việc bỏ sót những hành vi phản cạnh tranh tạo kẽ hở cho doanh nghiệp thực hiện hành vi vi phạm. Chính vì vậy, cần phải có sự điều chỉnh các quy định hiện hành của Luật cạnh tranh theo hướng quy định rõ bản chất phản cạnh tranh của hành vi trên cơ sở đánh giá, phân tích chuyên sâu vào vị trí và sức mạnh thị trường của doanh nghiệp thay vì chỉ mô tả hình thức biểu hiện bên ngoài của hành vi và bổ sung các hành vi mới theo phương pháp liệt kê. Ngoài ra, cơ quan cạnh tranh cần đánh giá xu hướng vận động, phát triển của thị trường, bối cảnh kinh tế .v.v.. thay vì xem xét trong trạng thái tĩnh như hiện nay.