In trang này
Thứ bảy, 22 Tháng 10 2016 08:52

Tổng quan về thuế và các chính sách thuế

1.  Thuế và chính sách thuế

Khái niệm về thuế mang tính tuyệt đối vẫn chưa thống nhất trên thế giới. Tuy nhiên, trên từng góc độ khác nhau sẽ đưa ra những khái niệm khác nhau. Theo nhà kinh tế học Gaston Jeze thì Thuế là một khoản trích nộp bằng tiền, có tính chất xác định, không hoàn trả trực tiếp do các công dân đóng góp cho nhà nước thông qua con đường quyền lực nhằm bù đắp những chi tiêu của Nhà Nước.”.

Dựa trên góc độ của người nộp thuế thì thuế là khoản đóng góp bắt buộc mà mỗi tổ chức, cá nhân phải có nghĩa vụ đóng góp cho nhà nước theo luật định để đáp ứng nhu cầu thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước.

Dựa trên góc độ phân phối thu nhập thì thuế là hình thức phân phối lại tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân nhằm hình thành các quỹ tiền tệ tập trung của nhà nước đáp ứng nhu cầu chi tiêu cho việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước.

Như vậy, ở các góc độ tiếp cận khác nhau đều đưa ra một khái niệm chung: Thuế là khoản đóng góp bắt buộc đối với các tổ chức và cá nhân để hình thành nên ngân sách nhà nước. Chính từ đây sẽ đưa ra các đặc điểm của thuế như sau:

Thứ nhất, đóng thuế mang tính bắt buộc: Đây thể hiện tính cưỡng chế và pháp lý ở việc các quy định về thuế được thể chế hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật, cao nhất là Hiến pháp. Nộp thuế cho Nhà nước là nghĩa vụ bắt buộc của các tổ chức và cá nhân mà quốc gia nào cũng có quy định. Sự ra đời của thuế gắn liền với sự ra đời của Nhà nước vì nó là công cụ chủ yếu tạo ra ngân sách Nhà nước, bởi Nhà nước không thể duy trì bộ máy quản lý và tồn tại. Chính vì vai trò quan trọng của thuế đối với sự tồn tại của Nhà nước nên các quy định về thuế được thể chế hóa ở mức độ cao nhất. Các loại thuế được quy định cụ thể trong các Luật thuế và do cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất ban hành. Hoạt động quản lý thu thuế cũng được quy định cụ thể trong Luật. Vì được quy định chặt chẽ trong các văn bản pháp luật nên việc nộp thuế là bắt buộc, mang tính cưỡng chế. Các tổ chức và cá nhân bắt buộc phải tuân theo các quy định về nộp thuế.

Thứ hai, thuế không mang tính hoàn trả trực tiếp. Về bản chất, ngân sách nhà nước được hình thành trên cơ sở các khoản thuế đóng góp của các tổ chức, cá nhân. Chính phủ vận hành bộ máy nhà nước cũng như cung cấp các dịch vụ công bằng nguồn ngân sách sẽ sử dụng ngân sách để nhà nước. Như vậy người nộp thuế sẽ nhận được lợi ích của việc nộp thuế thông qua việc tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ công cộng. Mặc dù người nộp thuế vẫn thường xuyên nộp thuế (do bị bắt buộc) nhưng điều đó không gắn với việc họ sẽ được tiêu dùng những hàng hóa và dịch vụ công cộng. Chính phủ không có trách nhiệm hứa hẹn bao giờ sẽ cung cấp và những loại hàng hóa, dịch vụ công cộng nào sẽ được cung cấp cho người nộp thuế. Có thể nhiều năm sau, người nộp thuế mới được hưởng những lợi ích từ việc nộp thuế như giao thông thuận tiện hơn, hệ thống thông tin liên lạc tốt hơn, môi trường trong sạch hơn. … Đây là đặc điểm cơ bản để phân biệt giữa thuế và các loại phí, lệ phí khác.

Như vậy có thể thấy rằng nghĩa vụ thuế là bắt buộc đối với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng. Nghĩa vụ thuế đối với doanh nghiệp là đương nhiên, vấn đề cần làm rõ chỉ còn là nghĩa vụ thuế ảnh hưởng như thế nào tới doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng.

Chính sách thuế là tổng thể các quan điểm, chủ trương, giải pháp được cụ thể hóa bằng các quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thuế, được sử dụng làm căn cứ để thực hiện hoạt động quản lý Nhà nước về thuế.

Với cách hiểu trên, chính sách thuế được cụ thể hóa thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về các sắc thuế cụ thể và quản lý thuế. Văn bản qui phạm pháp luật về thuế ở Việt Nam gồm ba loại: Luật, Nghị Định và Thông Tư. Luật là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất trong ba loại, do Quốc Hội ban hành. Nghị Định qui định cụ thể một số điều trong Luật, được Chính phủ ban hành. Thông Tư là văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn cụ thể các quy định trong Luật và Nghị Định. Thông tư về thuế do Bộ Tài Chính ban hành.

Do vậy, hoàn thiện chính sách thuế là việc đề xuất sửa đổi, bổ sung các qui định mới đối với từng sắc thuế cụ thể và đối với quản lý thuế nói chung, nhằm đạt được yêu cầu và mục tiêu đề ra.

2. Các yếu tố cấu thành một loại thuế

Mỗi một loại thuế đều được cấu thành từ một số yếu tố. Các yếu tố này phản ánh nội dung cơ bản của sắc thuế và được qui định cụ thể trong Luật thuế, cụ thể như sau:

Tên gọi: Mỗi chính sách thuế có một tên gọi thể hiện đối tượng chịu tác động hoặc mục tiêu của việc áp dụng của chính sách thuế. Ví dụ: thuế thu nhập doanh nghiệp là loại thuế đánh vào các khoản thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp.

Đối tượng nộp thuế: là các tổ chức hoặc cá nhân có trách nhiệm phải kê khai và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách Nhà nước theo quy định. Đối tượng nộp thuế có thể không giống nhau các sắc thuế. Đối tượng nộp thuế thể hiện phạm vi áp dụng của sắc thuế đó. Vì vậy, một số loại thuế có phạm vi áp dụng rất rộng, như thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đối tượng chịu thuế: là đối tượng chịu tác động trực tiếp của sắc thuế. Đối tượng phản ánh phạm vi điều chỉnh của sắc thuế. Đối tượng chịu thuế thường là hàng hóa, dịch vụ, thu nhập hoặc tài sản, hoạt động nào đó. Hai trong số các loại thuế có phạm vi điều chỉnh lớn nhất là thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp. Trên thực tế và trong nghiên cứu, người ta thường quan tâm nhiều hơn tới người chịu thuế, là người phải gánh chịu khoản thuế đó. Vì vậy, đối tượng nộp thuế chưa chắc đã là người chịu thuế.

Cơ sở thuế: là đại lượng được xác định làm căn cứ tính thuế. Cơ sở thuế có thể được đo lường theo đơn vị hàng hóa hoặc giá trị hàng hóa, tài sản, thu nhập…. Vì được sử dụng làm căn cứ tính thuế nên cơ sở thuế sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới số thuế phải nộp. Để điều chỉnh mức độ điều tiết của sắc thuế có thể điều chỉnh qui định về cơ sở thuế. Ví dụ: có thể quy định tăng số lượng các khoản thu nhập miễn thuế để giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thuế suất: là đại lượng phản ánh mức độ điều tiết của sắc thuế. Thuế suất có thể là số tuyệt đối hoặc tương đối. Thuế suất tuyệt đối là thuế suất được ấn định, bằng một số tuyệt đối trên cơ sở thuế. Thuế suất tương đối là thuế suất được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên cơ sở thuế. Trong thuế suất tương đối có thuế tỷ lệ là thuế suất không thay đổi khi cơ sở thuế thay đổi, thuế suất lũy tiến là thuế suất tăng khi cơ sở thuế tăng, thuế suất lũy thoái là thuế suất giảm khi cơ sở thuế tăng. Cũng giống như cơ sở thuế, thuế suất ảnh hưởng trực tiếp tới số thuế phải nộp theo quy định. Tuy nhiên thuế suất dễ dàng điều chỉnh hơn nhiều so với cơ sở thuế. Để thực hiện việc điều tiết kinh tế vĩ mô, phân phối lại thu nhập hoặc định hướng sản xuất kinh doanh, thuế suất là yếu tố đầu tiên được nghĩ tới do việc thay đổi thuế suất đơn giản, dễ áp dụng, không ảnh hưởng nhiều tới công tác quản lý thuế.

Các yếu tố khác: như kê khai, nộp thuế, hoàn thuế… Đây là các yếu tố về quản lý thuế. Mỗi sắc thuế có đặc điểm riêng vì vậy cần có những quy định riêng về kê khai, nộp thuế. Các loại thuế có phạm vi điều chỉnh càng rộng thì những quy định về quản lý thuế càng phải chặt chẽ để đảm bảo sự công bằng.

Từ những phân tích về các yếu tố cấu thành một sắc thuế ở trên, có thể thấy các yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp bao gồm: cơ sở thuế và thuế suất. Các quy định về quản lý thuế sẽ tạo gánh nặng gián tiếp cho doanh nghiệp thông qua các chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế.

3. Phân loại thuế

Có nhiều cách phân loại thuế, tuy nhiên trong phạm vi nghiên cứu, luận án sử dụng cách phân loại phổ biến nhất là phân loại theo tính chất điều tiết của thuế

Theo cách phân loại theo tính chất điều tiết của thuế, thuế chia thành hai loại: thuế trực thu và thuế gián thu.

Đối với loại thuế trực thu là loại thuế mà người nộp thuế theo qui định cũng chính là người chịu thuế. Ví dụ như: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế tài sản… Vì vậy thuế trực thu trực tiếp tạo gánh nặng cho người nộp thuế. Thuế trực thu là công cụ đắc lực trong chính sách phân phối lại thu nhập. Tuy nhiên, vì nhận thức được gánh nặng do thuế trực thu tạo ra nên người nộp thuế thường tìm cách trốn thuế. Do đó, các quy định về quản lý đối với thuế trực thu đòi hỏi rất chặt chẽ và công bằng.

Đối với loại thuế gián thu: là loại thuế mà người nộp thuế theo qui định không phải là người chịu thuế. Ví dụ: thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu… Thuế gián thu loại thuế mà đối tượng chịu thuế theo qui định là hàng hóa và dịch vụ. Khi đó người tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ cuối cùng mới là người chịu thuế. Người nộp thuế theo quy định là người bán hàng. Vì người nộp thuế không phải là người chịu thuế, người nộp thuế chỉ có vai trò nộp thuế thay cho người chịu thuế, nên số thuế gián thu phải nộp không trực tiếp tạo gánh nặng cho người nộp thuế.  Mặc dù vậy, quá trình kê khai, nộp thuế thuế gián thu sẽ làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp. Do đó việc nộp thuế gián thu cũng tạo gánh nặng gián tiếp cho doanh nghiệp.

Tóm lại, thuế trực thu sẽ trực tiếp tạo ra gánh nặng cho doanh nghiệp thông qua số thuế trực thu phải nộp và gián tiếp tạo ra gánh nặng cho doanh nghiệp qua các loại chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế. Số thuế gián thu phải nộp không trực tiếp tạo ra gánh nặng cho doanh nghiệp nhưng việc thực hiện nghĩa vụ thuế gián thu cũng tạo ra gánh nặng cho doanh nghiệp thông những chi phí phát sinh. Do đó để nghiên cứu gánh nặng của doanh nghiệp khi thực hiện nghĩa vụ thuế, cần tập trung nghiên cứu số thuế trực thu phải nộp và các chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế.

4. Vai trò của thuế

Ngay từ khi Nhà nước ra đời, để duy trì hoạt động của bộ máy quản lý, Nhà nước đặt ra các hình thức thu là nguồn gốc hình thành thuế. Vì vậy, vai trò đầu tiên và quan trọng nhất của thuế là tạo nguồn thu lâu dài và ổn định cho ngân sách nhà nước. Không có nguồn thu nào bền vững và ổn định như thuế. Đối với các nước phát triển, thuế đóng góp khoảng 80% nguồn thu ngân sách. Ở Việt Nam, nếu không kể nguồn thu từ dầu thô, thuế đóng góp 90% tổng thu ngân sách.

Cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, bất bình đẳng trong phân phối thu nhập ngày càng tăng, sự phân hóa giai cấp ngày càng rõ rệt. Sự phân hóa giai cấp sẽ tạo ra mâu thuẫn giai cấp là mầm mống của các cuộc đấu tranh giai cấp. Vì vậy, để tạo sự ổn định chính trị-xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, Chính phủ cần phải tiến hành phân phối lại thu nhập, đảm bảo công bằng xã hội. Thông qua việc thu thuế của người có thu nhập cao và trợ cấp cho người có thu nhập thấp, Chính phủ sẽ làm giảm sự bất bình đẳng trong phân phối thu nhập, xoa dịu mâu thuẫn giai cấp, góp phần ổn định an ninh chính trị-xã hội.

Thông qua việc tác động vào giá hàng hóa trên thị trường, Chính phủ sẽ thể hiện định hướng trong sản xuất và tiêu dùng bằng các công cụ điều tiết vĩ mô của nền kinh tế. Đối với các loại hàng hóa mà việc tiêu dùng nhiều sẽ gây nguy hại cho nền kinh tế, Chính phủ cần phải hạn chế tiêu dùng thông qua việc tăng thuế đối với các loại hàng hóa này. Ngược lại, để khuyến khích sản xuất kinh doanh hàng hóa Chính phủ sẽ giảm thuế đối với các loại hàng hóa này. Bên cạnh việc tác động tới giá hàng hóa trên thị trường để định hướng sản xuất và tiêu dùng, Chính phủ có thể ưu đãi thuế thu nhập để khuyến khích đầu tư ở khu vực tư nhân. Việc ưu đãi thuế cho doanh nghiệp hay một nhóm doanh nghiệp có thể được thể hiện thông qua các qui định riêng áp dụng cho đối tượng cần ưu đãi. Qui định ưu đãi thuế sẽ giúp làm giảm gánh nặng thuế, giảm chi phí góp phần làm tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp vì thế sẽ khuyến khích đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội. Giải pháp này thường được sử dụng khi nền kinh tế bị đình trệ hoặc Chính phủ muốn khuyến khích đầu tư tư nhân vào một số ngành, vùng đặc biệt. 

Sửa đổi lần cuối Thứ ba, 27 Tháng 12 2016 08:55