In trang này
Thứ ba, 25 Tháng 2 2014 05:07

Phát triển nông nghiệp và những thách thức

Việt Nam có truyền thống là một nước thuần về nông nghiệp với hơn 70% dân số sinh sống ở các vùng nông thôn, trong đó đa số người dân làm nông nghiệp. Sau 28 năm đổi mới, nền nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu khởi sắc và đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trở thành lĩnh vực phát triển hàng đầu của nền kinh tế.

Bất chấp những khó khăn do dịch bệnh, thiên tai, suy thoái kinh tế toàn cầu cũng như nền kinh tế trong nước trì trệ từ năm 2008 đến nay, ngành nông nghiệp (bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thuỷ sản) đã phấn đấu, nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức để đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, mức tăng trưởng GDP năm 2013 (đạt 2,67%) tương đương với mức tăng của năm 2012 (đạt 2,68%). Trong đó, trồng trọt tăng 2,6%, lâm nghiệp tăng 5,18%, chăn nuôi tăng 1,4%, thủy sản tăng 3,05%. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản năm 2013 ước đạt 801,2 nghìn tỷ đồng, tăng 2,95% so với 2012, trong đó, ngành trồng trọt đóng góp 602,3 nghìn tỷ đồng, tăng 2,47%; lâm nghiệp đạt 22,4 nghìn tỷ đồng, tăng 6,04%; thuỷ sản đạt 176,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4,22%. 

Ngành nông nghiệp tiếp tục đóng vai trò là “phao cứu sinh” và là mặt trận hàng đầu giúp đất nước vượt qua khó khăn chung. Năm 2013 là năm có chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2013 tăng 6,6% so với bình quân năm 2012, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,21% của năm 2012. Do sản xuất cung ứng đủ lương thực thực phẩm, trong năm 2013 chỉ số giá lương thực và thực phẩm giảm góp phần kéo CPI tiêu dùng chung giảm 5,6% so với tháng 12/2012, góp phần quan trọng trong việc kiềm chế lạm phát.

Dựa trên những thành quả đã đạt được Việt Nam lọt vào tốp những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới với các mặt hàng cơ bản như: gạo, cao su, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, sản phẩm lâm nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng rơi vào tình trạng khó khăn, các ngành thương mại liên tục thâm hụt thì ở Việt Nam ngành nông nghiệp là ngành duy nhất tạo ra giá trị thặng dư xuất khẩu ròng tăng đều đặn giúp cân bằng cán cân thương mại quốc gia.

Tỷ lệ xoá đói giảm nghèo ở Việt Nam liên tục được cải thiện trong suốt thời gian dài với mức giảm ấn tượng khoảng 2%/năm nhờ vào tăng trưởng nông nghiệp. Ngoài ra, ngành nông nghiệp tăng trưởng đều đảm bảo an ninh lương thực quốc gia giúp cải thiện đời sống cho hàng triệu hộ dân ở nông thôn, giải quyết việc làm tại chỗ, giảm bớt gánh nặng cho các đô thị lớn.

Những hạn chế, yếu kém của một nền nông nghiệp dựa trên kinh tế hộ manh mún, thiếu liên kết, năng suất và chất lượng thấp đã từng bước bộc lộ, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Sự hình thành và phát triển của phương thức tổ chức sản xuất, quan hệ sản xuất mới trong nông nghiệp còn chậm; chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều mặt hàng nông sản còn thấp... 

Quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo xu hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá còn diễn ra chậm chạp, trồng trọt vẫn chiếm trên 50% cơ cấu ngành nông nghiệp, chất lượng nông sản sau thu hoạch không đồng đều, giá nông sản thấp dẫn đến hệ luỵ nông dân không còn thiết tha với đất lúa, không thâm canh tăng vụ. Ngành chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản chưa phát triển về chiều sâu, các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi và thuỷ sản còn có tâm lý chộp giật, chưa đầu tư nghiêm túc vào các vùng nuôi trồng dẫn đến phát triển nhanh nhưng thiếu bền vững. Vấn đều kiểm soát dịch bệnh và thiên tai còn nhiều bất cập, còn phụ thuộc nhiều vào khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Tình trạng suy thoái kinh thế toàn cầu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến ngành nông nghiệp Việt Nam, vấn đề nợ xấu buộc các ngân hàng thắt chặt cơ chế cho vay dẫn đến các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn phải cắt giảm sản xuất. Ngoài ra lạm phát tăng cao làm giá cả các vật tư, nhiên liệu tăng theo, sản xuất nông nghiệp đình trệ việc làm và thu nhập của người nông dân bị ảnh hưởng khả năng tái sản xuất mở rộng của nông dân cũng giảm sút.

Các công trình thuỷ điện, khu khai thác khoáng sản mọc lên trên đất rừng nhưng không có biện pháp khôi phục môi trường đã làm thiên tai trong thời gian gần đây tăng lên đáng kể cả về mức độ lẫn cường độ. Tình trạng sạt lở, lũ lụt, hạn hán, ngập mặn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người nông dân.

Các đối thủ cạnh tranh của nền nông nghiệp nước ta đang mạnh lên từng ngày. Trong năm 2012, chính phủ Thái Lan đã chi khoảng 3.5% GDP cho chương trình trợ giá gạo ở nước này. Nhiều chính sách hỗ trợ nông dân trồng lúa được chính phủ Thái Lan đưa ra như: Chương trình hoãn nợ cho nông dân vay tiền của ngân hàng nông nghiệp, Chương trình “Mỗi làng một triệu bath”, Chương trình “Mỗi làng một sản phẩm”. Nông dân Thái Lan còn được hỗ trợ mua phân bón với giá thấp và miễn cước vận chuyển phân bón, được cung cấp giống mới có năng suất cao. Các nước đối thủ như Trung Quốc, Indonesia, Mianma… đều có những bước phát triển mạnh trong việc cải tổ hệ thống tổ chức và chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn.

Áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm phổ biến rộng rãi công nghệ mới, giống mới đến người nông dân. Phát triển nguồn giống mới có khả năng chống chịu và thích nghi tốt với các biến đổi của môi trường. Xây dựng và lan rộng hệ thống cảnh báo thiên tai, dịch bệnh giúp ứng phó tốt với biến đổi khí hậu, hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường làm cơ sở cho công tác điều hành và dự báo thị trường.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng theo tầm nhìn “tái cơ cấu nền kinh tế” của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 11 đề ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải chủ động chuẩn bị đề án tái cơ cấu ngành nhằm hướng tới phát triển một ngành nông nghiệp hiệu quả, bền vững. Ứng dụng thành tựu công nghiệp hoá - hiện đại hoá, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế từ đó nâng cao và cải thiện thu nhập cho người nông dân.

Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, chuyển từ sản xuất nông sản bình dân sang sản xuất các sản phẩm có giá trị cao nhằm mở rộng thị trường. Hỗ trợ nông dân nông dân, hỗ trợ tài chính, giãn nợ… giúp các hộ chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản giữ vững quy mô hoạt động và tái đầu tư vụ mới. Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vốn của tư nhân và nước ngoài, nhanh chóng đưa các nguồn tài nguyên đang bị bỏ hoang vào sản xuất. Ngoài ra, ngành cần đẩy mạnh đào tạo nghề cho nông dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành. Đối với vấn đề cải thiện hiệu quả việc sử dụng đất phải xử lý dứt điểm, cổ phần hoá và sắp xếp lại các doanh nghiệp nông lâm nghiệp bằng cách làm rõ đối tượng quản lý và sử dụng có hiệu quả cao nhất.

Sửa đổi lần cuối Thứ sáu, 06 Tháng 6 2014 03:58