In trang này
Thứ sáu, 10 Tháng 1 2014 08:10

Hội nghị tập huấn Đại biểu dân cử với chính sách phát triển vùng dân tộc miền núi tại Lâm Đồng

Ngày 19/12, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử đã tổ chức Hội nghị tập huấn Đại biểu dân cử với chính sách phát triển vùng dân tộc miền núi. Đại biểu tham dự là các đại biểu Quốc hội, đại diện thường trực HĐND, văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND của 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đại diện một số Bộ, ngành Trung ương. Đồng chí Vũ Công Tiến, Phó bí thư Tỉnh ủy – Trưởng Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Lâm Đồng cùng đồng chí Ngô Tự Nam, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu chủ trì hội nghị.

Hội nghị đã nghe 3 chuyên đề về các chủ đề: (1) Tổng quan một số vấn đề vùng dân tộc, miền núi và vai trò của đại biểu dân cử; (2) Đại biểu dân cử với xóa đói, giảm nghèo ở vùng dân tộc, miền núi; (3) Vai trò của đại biểu dân cử trong việc phát triển nông – lâm nghiệp cho đồng bào dân tộc miền núi.

                 
            Ngoài 3 chuyên đề, các đại biểu tham dự còn được cung cấp 9 tài liệu tham khảo liên quan đến chủ đề Hội nghị.  

Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, trao đổi những vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra với tinh thần nghiêm túc và trách nhiệm của người đại biểu dân cử.

Theo nhiều ý kiến, để việc hoạch định phát triển kinh tế - quốc phòng – an ninh được chủ động và chính xác hơn, thì địa phương phải được phân cấp, làm chủ đầu tư cho những chương trình, dự án liên quan đến đời sống của bà con dân tộc miền núi. Cần có cơ chế kiểm soát, đánh giá cho được hiệu quả nguồn vốn đầu tư cho vùng dân tộc miền núi, làm sao để tránh nhiều tầng nấc, nhiều đơn vị cùng quản lý, hạn chế thất thoát, để đồng tiền đầu tư thực sự hiệu quả.

Với những chính sách được ban hành, với nguồn vốn mà địa phương được phân bổ phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, tránh những bất cập hiện đang tồn tại do sự thiếu đồng bộ. Ví dụ khi đầu tư xây dựng phòng học, lớp học mà lại thiếu công trình phụ trợ đi kèm.

Nên nghiên cứu chính sách cho đại biểu dân tộc miền núi theo khu vực, theo đặc thù vùng miền bằng những chương trình cụ thể, lựa chọn những chính sách mang tính đòn bẩy, vì sự dàn trải hiện nay không mang lại hiệu quả nhiều trong giảm nghèo và phát triển nông thôn mới.

Đề nghị Quốc hội lấy ý kiến từ dân trước khi quyết định những chính sách liên quan đến thực tiễn. Có như vậy, việc ban hành và thực hiện chính sách mới sát nhu cầu người dân, để người dân được hưởng thành quả của những chính sách, chương trình, dự án một cách đầy đủ.

                  
            Hiện nay, cả 63 địa phương đều có người dân tộc. Song chọn điểm vùng miền nào để khảo sát thực tế trước khi ban hành chính sách là điều rất quan trọng. Có nhiều chính sách đã được ban hành, song cũng còn nhiều bất cập. Vậy nên chúng ta cần tìm ra những nguyên nhân gây nên những hạn chế đó. Muốn vậy, đại biểu cần sâu sát, làm hết trách nhiệm của người đại biểu, phải biết vùng miền nào cần gì? Vùng miền nào cần ưu tiên vấn đề gì nhất? Lộ trình triển khai các đề án, chương trình, dự án với từng vùng miền như thế nào? Các Bộ, ban ngành, địa phương cần phối hợp như thế nào trong quá trình thực hiện  chính sách. Cần nâng cao nhận thức của các cấp, đi đôi với việc xác định trách nhiệm cụ thể của từng cấp khi triển khai thực hiện đúng quy trình. Cơ chế, điều kiện để kiểm tra, giám sát, đánh giá, từ đó có biện pháp phát huy hiệu quả cũng như tháo gỡ khó khăn cho cơ sở, cho cộng đồng khi thực hiện chính sách phát triển vùng dân tộc, miền núi.

Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu đều khẳng định các chuyên đề tập huấn cũng như các thông tin tại Hội nghị rất thiết thực, phù hợp đòi hỏi của thực tiễn hôm nay. Những thông tin từ hội nghị tập huấn này giúp các đại biểu Quốc hội có thêm nội dung trong hoạt động, nhất là đối với giám sát thực hiện việc xóa đói giảm nghèo ở vùng dân tộc, miền núi.

Thay mặt Ban Công tác đại biểu, đồng chí Ngô Tự Nam chân thành cám ơn sự tham gia đầy đủ, nghiêm túc, trách nhiệm và nhiệt tình của các đại biểu Quốc hội, thường trực HĐND, đại diện Văn phòng Đoàn ĐBQH & HĐND, đại diện lãnh đạo Bộ, ngành, cục, vụ, Viện. Chính tinh thần tích cực của các đại biểu đã làm nên thành công của hội nghị. Đồng chí Ngô Tự Nam khẳng định, dù ba chuyên đề chưa phải là nhiều, song đã mang lại một cái nhìn khái quát, gợi ý cho các đại biểu những thông tin cần thiết, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đại biểu dân cử khi bấm nút ban hành những chính sách nói chung và chính sách đối với vùng dân tộc miền núi nói riêng.

Hy vọng việc cập nhật những thông tin từ Hội nghị cũng như nghiên cứu những tư liệu liên quan cũng có thể giúp ích phần nào cho đại biểu Quốc hội khi bổ sung thông tin, kiến thức phục vụ cho việc bàn thảo, quyết định những chính sách xóa đói giảm nghèo được đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII tới đây.